Bỏ tiền ra mua một ứng dụng, sau đó nhận lấy những phiền toái trong quá trình sử dụng là điều mà không ai mong muốn.
Hiện tại có hàng triệu ứng dụng trên Apple Store cũng như Google Play và bạn có vô vàn sự lựa chọn để tải về. Đa dạng và luôn sẵn có, đó là những gì có thể nói về các ứng dụng dành cho smartphone ngày nay. Thế nhưng không phải ứng dụng nào cũng khiến bạn hài lòng khi sử dụng, ngay cả khi đó là những tiện ích phải trả phí. Đó có thể là những ứng dụng rác, khó sử dụng hoặc đơn giản là không tương thích với phần cứng của thiết bị bạn đang dùng.
Không ai muốn bỏ tiền ra mua một sản phẩm để rồi nhận lấy sự thất vọng, thậm chí là khó chịu, để tránh rơi vào hoàn cảnh đó, bạn có thể tham khảo một số cách sau đây, trong đó người dùng có thể nắm được các thông tin chi tiết về ứng dụng trước khi tải về và cài đặt, từ đó tránh được việc lãng phí tiền bạc cũng như thời gian cho chính mình.
Đọc kỹ các bài viết đánh giá
Hiện nay có rất nhiều website đăng tải các bài viết đánh giá cho các sản phẩm nổi bật trên các kho ứng dụng. Chính vì vậy thay vì phải tải về dùng thử, bạn có thể tham khảo các bài viết trên đó, với tác giả là những người có nhiều kiến thức về công nghệ, họ có thể phân tích chỉ ra được những yếu tố nào làm nên một ứng dụng tốt, và quan trọng hơn cả là qua quá trình sử dụng và so sánh, họ sẽ chỉ ra đâu là sản phẩm tốt nhất ứng với từng nhóm người dùng.
Chính vì vậy, hãy tìm kiếm một website chuyên đánh giá các ứng dụng, dựa trên số lượng người theo dõi hoặc cộng đồng chia sẻ review, sau đó tìm kiếm các bài viết liên quan đến ứng dụng mà bạn quan tâm. Tại đây bạn có thể nắm bắt được những thông tin quan trọng, cơ bản nhất về ứng dụng, ưu - nhược điểm, cũng như các so sánh khách quan đối với những sản phẩm khác cùng loại.
Dựa vào Rating của ứng dụng
Nếu việc tìm kiếm thông tin dựa trên các đánh giá khiến bạn cảm thấy phân vân thì vẫn còn một cách khác đơn giản và cũng hiệu quả không kém, đó chính là dựa trên điểm số mà người dùng dành cho một ứng dụng.
Sự thật thì những đánh giá dựa trên điểm số không phải lúc nào cũng chính xác và khác quan. Chúng có thể là những đánh giá "ma" nhằm mục đích PR cho một ứng dụng hoặc ngược lại là công cụ để dìm một sản phẩm của đối thủ cạnh tranh. Điều này có thể thấy rõ khi những ứng dụng tốt nhất hiện nay vẫn nhận được không ít đánh giá "1 sao" của người dùng, đi kèm với những phàn nàn không thực sự xác đáng. Bạn có thể nhận ra những bình chọn không khách quan này nếu thấy có quá nhiều bình chọn tiêu cực cùng hướng đến một sai sót không đáng kể của sản phẩm. Tuy nhiên, với các ứng dụng nổi tiếng, có nhiều lượt bình chọn thì mức độ chính xác vẫn ở mức có thể tham khảo được.
Tham khảo các video review
Có một điểm mà các bài viết đánh giá cũng như các chỉ số bình chọn không thể hiện được, đó chính là các trải nghiệm thực tế khi sử dụng ứng dụng. Và có lẽ cách duy nhất để bạn nắm rõ được yếu tố này trước khi tải ứng dụng về, đó là xem các review bằng video.
Những video dạng này được chia sẻ rộng rãi trên Youtube, trong đó người dùng ghi lại những hình ảnh khi sử dụng các tiện ích này, đi kèm với đánh giá cũng như cảm nhận của bản thân. Có lẽ đây là cách giúp bạn có những cái nhìn xác thực nhất về ứng dụng mà mình quan tâm, sẽ thật hợp lý nếu như bỏ một chút thời gian để xem cách người khác trải nghiệm một ứng dụng trước khi quyết định bỏ tiền ra và tải nó về.
Dùng thử các phiên bản rút gọn
Bạn đang phân vân trước việc bỏ tiền ra mua một ứng dụng với những tính năng đầy hứa hẹn, nhưng hãy thử sử dụng phiên bản rút gọn miễn phí (nếu có) trước khi đến với bản đầy đủ.
Phiên bản "dùng thử" ở đây thường được các nhà phát hành lớn đưa ra đi kèm với sản phẩm thương mại của họ. Ví dụ khi bạn chơi thử một ứng dụng game, tại đó người dùng sẽ có được những trải nghiệm ban đầu về sản phẩm, với hình thức thử-trước-khi-mua, bạn sẽ bị giới hạn một số chức năng, và "cuộc dạo chơi miễn phí" sẽ dừng ở những mốc quan trọng, kích thích người dùng phải chuyển qua phiên bản trả phí.
Phiên bản rút gọn thể hiện mong muốn tiếp cận người dùng của các nhà phát hành, họ muốn cho người sử dụng thấy được chất lượng của sản phẩm, tất nhiên là ở trong một mức độ nhất định. Ngược lại, người dùng có cơ hội trải nghiệm, từ đó có những đánh giá chính xác nhất về những gì mà họ sắp bỏ tiền ra mua sau này.
Tìm hiểu về nhà phát hành
Thật không khó để phân biệt giữa một nhà phát hành uy tín với những người đưa ứng dụng lên với chỉ một mục đích duy nhất là nhanh chóng lấy tiền từ túi của người dùng. Do đó, giữa vô vàn ứng dụng, đôi khi là tên và mô tả gần giống như nhau, cách tốt nhất để phân biệt đó là một ứng dụng tốt hay chỉ là sản phẩm giả mạo là dựa vào nhà phát hành.
Với mỗi sản phẩm trên các kho ứng dụng, thông tin về tên của nhà phát hành, có thể là cá nhân hoặc công ty, luôn được hiển thị chi tiết. Dựa vào tiểu sử của nhà phát hành, cũng như các sản phẩm khác của họ đã được tung ra trước đó, bạn có thể biết được ứng dụng mình sắp tải về có đáng tin cậy hay không.
Kiểm tra tình trạng cập nhật phiên bản của ứng dụng
Một ứng dụng tốt cách đây 1 năm chưa chắc đã là sự lựa chọn hợp lý vào thời điểm hiện tại, nhất là khi phần cứng và hệ điều hành của các thiết bị đã đổi khác từng ngày. Có vô số ứng dụng đã bị ngừng hỗ trợ và cập nhật từ phía nhà phát hành, chính vì vậy hãy lưu ý thời điểm cuối cùng mà nó được cập nhật phiên bản.
Nếu lần cuối cùng cập nhật phiên bản của ứng dụng đã cách đây từ 2 - 3 năm, điều đó có nghĩa là bạn nên tìm đến những sự lựa chọn phù hợp hơn.
Nguồn ảnh bìa: William Hook từ flickr.com