6 ngày trước
74 Thói Quen Lành Mạnh Cải Thiện Đáng Kể Cuộc Sống Của Bạn
1308

38K
Lượt xem
26
Lượt chia sẻ
6
Lượt bình luận

Sức khỏe kém và mức năng lượng thấp có thể tác động tiêu cực đến mọi mặt trong cuộc sống của bạn. Óc sáng tạo của bạn có thể bị phá hủy, khiến bạn không có cảm hứng hay ý tưởng để làm gì nữa cả. Công việc sẽ trở nên tẻ nhạt và khó khăn, và cuộc sống xã hội của bạn sẽ không còn được như trước nữa.

Cuộc sống của bạn sẽ không còn gì thú vị nữa. Thật đáng tiếc!

Những điều bạn cần để thay đổi cuộc đời của mình là có một lối sống lành mạnh hơn. Lối sống lành mạnh sẽ mang lại cho bạn nguồn năng lượng tự nhiên và niềm yêu thích cuộc đời.

Bằng cách học và làm theo những thói quen tốt nhất cho sức khỏe và các mẹo trong bài viết này, bạn sẽ có thể trở lại trạng thái tối ưu này ngay thôi.

Bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng hơn 40 phần trăm các hành động bạn thực hiện mỗi ngày không thực sự do bạn quyết định. Những hành động đó thực sự được thực hiện là do thói quen. Thói quen ảnh hưởng tới cách chúng ta sống, cách chúng ta làm việc và kết quả chúng ta đạt được trong cuộc sống. Đó là lý do tại sao việc có những thói quen mạnh mẽ và tích cực là rất quan trọng.

Trong trường hợp bạn đang tự hỏi những thói quen này bao gồm những gì, hãy nghĩ theo cách này: đó là một việc mà bạn thường xuyên lập đi lập lại mà không cần phải suy nghĩ có ý thức.

Theo Từ điển Y khoa, một thói quen lành mạnh là

“một hành vi có lợi cho sức khỏe thể chất hoặc tinh thần của một người, thường có mối liên kết với mức độ kỷ luật và tính tự chủ cao.”

Những thói quen tích cực là nền tảng cho sự thành công của bạn, trong khi đó, những thói quen lành mạnh cải thiện sức khỏe tổng thể của bạn và khiến bạn cảm thấy tốt đẹp. Những thói quen tốt bao gồm những thứ như tập thể dục thường xuyên, chế độ ăn uống cân bằng, đúng giờ, giữ lời hứa, v.v.[1]

Thói quen tích cực giúp chúng ta có thể làm mọi việc mà không tốn quá nhiều công sức về mặt tinh thần. Ví dụ, thay vì phải suy nghĩ làm thế nào để đi xuống cầu thang vào buổi sáng, thì tiềm thức của bạn đã giúp bạn làm điều đó, vì tiềm thức của bạn đã học được thói quen đi bộ xuống cầu thang một cách an toàn. Bạn không cần phải suy nghĩ về việc đi chân nào trước, đi thế nào cho đúng, hay cách kiểm soát để giữ thăng bằng, v.v.

Bây giờ bạn đã hiểu thói quen là gì và những lợi ích tích cực của thói quen mang lại, hãy cùng xem ngay 74 thói quen lành mạnh mà bạn nên áp dụng để thay đổi cuộc sống. Những thói quen này được chia thành bốn mục:

  • Thói quen ăn uống lành mạnh
  • Thói quen sống lành mạnh
  • Thói quen lành mạnh cho một tinh thần thanh thản
  • Thói quen hình thành các mối quan hệ lành mạnh

1. Hãy nhai thức ăn kỹ 

Hầu hết mọi người đều ăn một cách ngấu nghiến mà không dành thời gian để nhai kỹ hoặc thưởng thức món ăn đúng cách. Nếu bạn là một người như thế, hãy thử giảm tốc độ ăn xuống bằng cách nhai thức ăn lâu hơn bình thường. Khi đó, bạn có thể thưởng thức hương vị thức ăn của mình nhiều hơn và bạn cũng có thể ăn ít hơn.

2. Hãy tích trữ thực phẩm lành mạnh

Ở nhà, bạn thường ăn vặt với tất cả những gì bạn có thể tìm thấy trong chạn tủ hoặc tủ lạnh. Nếu tất cả những gì bạn có trong đó là những thực phẩm đã chế biến như khoai tây chiên, sô cô la và kem, thì bạn sẽ rất tận hưởng chúng (nhưng đây thực sự không phải là một ý kiến hay đâu). Để bỏ thói quen này, hãy đảm bảo bạn có nhiều thực phẩm tốt cho sức khỏe trong nhà như trái cây, quả và hạt khô để giúp thỏa mãn cơn thèm ăn của mình.

3. Hãy cố gắng đi bộ 10.000 bước mỗi ngày

Nghe nhiều lắm phải không? Nhưng đây là con số tối thiểu mà các chuyên gia sức khỏe và thể hình đề nghị đấy. Để đi được 10.000 bước mỗi ngày không quá khó đâu. Chỉ cần bạn đi bộ trong công viên vào buổi sáng và buổi chiều, và đi cầu thang bộ thay vì đi thang máy là bạn đã làm được rồi.

4. Hãy đi bộ vào giờ ăn trưa

Giờ ăn trưa không nhất thiết phải dành hết cho việc ăn uống. Bạn có thể tận dụng thời gian này để hít thở không khí trong lành và tập thể dục một chút. Tôi thường dành một nửa thời gian trong giờ ăn trưa để đi bộ và một nửa còn lại để ăn trưa.

5. Hãy để trái cây và rau củ vào ngăn tủ đông

Việc này rất tiện lợi vì bạn có thể trữ trái cây và rau củ lâu hơn trong tủ lạnh cho đến khi bạn cần sử dụng. Và đương nhiên, bạn nên bỏ trái cây và rau củ vào tủ lạnh lúc chúng ngon nhất, để mùi vị vẫn có thể được bảo toàn khi bạn rã đông và/hoặc nấu chúng. Kỹ thuật này cũng là một cách tuyệt vời để thưởng thức trái cây và rau củ tốt cho sức khỏe trái mùa.

6. Hãy tập trung vào màu sắc, đừng tập trung vào mức calo

Có rất nhiều người tập trung vào mức calo (calories - năng lượng) họ tiêu thụ mỗi ngày khi họ đánh giá sức khỏe và chế độ ăn uống của mình. Nhưng một bữa ăn lành mạnh không chỉ tập trung vào mỗi mức calo.

Ví dụ, với cùng một lượng calo, thì việc bạn ăn một lượng hạt thô khác hoàn toàn với việc bạn ăn một chiếc bánh. Đương nhiên là chiếc bánh sẽ ngon hơn, nhưng lượng hạt thô ấy mới thực sự là một lựa chọn tốt cho sức khỏe hơn.

7. Thêm “màu xanh” vào phần ăn của bạn

Một cách đơn giản để làm bạn có thể ăn nhiều đồ ăn lành mạnh hơn là hãy cho thêm rau xanh vào bữa ăn của bạn. Nếu bạn thường ăn bánh burger và khoai tây chiên (không khuyến khích đâu nhé!), hãy thêm vào một ít đậu xanh hoặc xà lách. Dần dần, bạn sẽ ăn nhiều rau xanh hơn và bớt ăn vặt đi.

8. Hãy năng động ngay cả ngoài phòng gym

Tôi chắc là bạn đã chứng kiến những người ở chổ làm việc hầu như đến phòng gym mỗi buổi sáng. Và họ nhất định là những người biết cách khởi đầu một ngày mới của mình, nhưng hãy chờ xem những thói quen sẽ diễn ra của họ sau đó là gì. Thường là họ sẽ ngồi lì tại bạn làm việc của họ, và không nghi ngờ gì khi họ về nhà và dán mắt vào chiếc TV.

Mặc dù việc đi tập gym là việc đáng khen ngợi, nhưng đừng xem nó là thứ duy nhất bạn phải làm để khỏe mạnh. Hãy đi ra bên ngoài, hít thở không khí trong lành và đón nắng mặt trời tự nhiên, và đi bộ hoặc chạy bộ nữa nhé.

9. Hãy ăn carbs mỗi ngày

Theo thời gian, carbs dần bị mọi người loại ra khỏi chế độ ăn uống. Chúng ta được khuyên rằng carbs không tốt và nên tránh xa chúng. Tuy nhiên, chế độ ăn uống không carb (no-carb) và ít carb (low-carb) chỉ có hiệu quả nhất thời mà thôi. Bởi vì carbs là nguồn năng lượng tuyệt vời cho cơ thể của chúng ta.

Từ xa xưa, con người đã sống sót bằng những bữa ăn đầy carb cơ mà. Hãy đảm bảo rằng bạn chọn loại carb tốt sức khỏe chứ không phải carb tinh luyện (refined carb).


10. Chọn chất béo có lợi cho sức khỏe

Không phải chất béo nào cũng giống nhau. Có những chất béo có lợi cho chúng ta, và cũng có loại không. Vậy, chất béo có lợi cho sức khỏe là những chất nào? Nếu bạn sử dụng dầu ô liu ép thủy lực lạnh (cold-pressed olive oil), các loại hạt và bơ sống, bạn sẽ nhận được những chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể - những chất này sẽ là ở dạng tốt nhất mà bạn từng thấy.

11. Đừng cố ăn cho tới no cành hông

Dạ dày của một người khỏe mạnh có kích thước chỉ bằng một nắm đấm, nhưng mà dạ dày của một người không khỏe mạnh thì kích thước có thể bằng một quả bóng. Đây là một sự thật ngỡ ngàng. Ăn quá nhiều là nguyên nhân dẫn tới việc dạ dày bị mở rộng quá mức. Khi bạn thường xuyên ăn quá nhiều, dạ dày bắt đầu dãn ra. Hậu quả là bạn sẽ phải ăn nhiều hơn để có thể đầy dạ dày và thỏa mãn cơn đói của mình.

Vậy làm sao để tránh tình trạng này? Hãy luôn ăn ít hơn bạn nghĩ là bạn cần hoặc muốn. Việc này sẽ giữ cho dạ dày của bạn ở kích thước bình thường, và cơ thể của bạn cũng ở một cân nặng có lợi cho sức khỏe nữa.

12. Hãy bớt ăn thịt

Bạn đã bao giờ nghe về ngày thứ hai không ăn thịt chưa? Đúng như tên gọi, bạn sẽ không đụng vô một tí thịt nào vào các ngày thứ hai. Nếu bạn là một người nghiện ăn thịt, thì đây là một cách hay để giảm ngay lập tức số lượng thịt mà bạn tiêu thụ. Và đồng thời, bạn có thể tận hưởng được những hương vị ngon lành trong những bữa ăn dành cho người ăn chay.

13. Giảm đi một nửa số lượng đường tiêu thụ

Chúng ta đều biết rằng đường có hại cho chúng ta, tuy nhiên, mỗi ngày chúng ta đều tiêu thụ rất rất nhiều đường. Đường ngọt và ngon, và đó chính là vấn đề. Chúng ta dễ dàng trở nên nghiện nó.

Nếu bạn “cai” đường và hoàn toàn bỏ đường khỏi chế độ ăn uống của bạn vào ngày mai, thì tôi dám chắc là bạn gần như sẽ không làm được. Đó là lý do tại sao tôi đề nghị một mục tiêu hợp lý và có thể đạt được, đó là là giảm một nửa lượng đường của bạn. Bạn có thể làm điều này thông qua các bước đơn giản như: giảm hoặc không bỏ đường vào trà hoặc cà phê, ngừng thêm đường vào ngũ cốc và chọn đồ ăn nhẹ lành mạnh hơn (xem thói quen số 2).

14. Uống nước lọc thay cho nước ngọt

Nước ngọt thường có rất nhiều đường (hoặc chất làm ngọt nhân tạo), phẩm màu và nhiều thứ có hại khác. Mặc dù vị rất ngon, nhưng nước ngọt lại có hại cho chúng ta. Thay vào đó, các bạn hãy ngừng uống nước ngọt và chuyển qua uống nước khoáng hoặc uống nước lọc. Cơ thể bạn sẽ cảm ơn bạn nhiều lắm đấy.

15. Hãy mua một chai đựng nước và để ở bàn làm việc của bạn

Tôi từng thường đi làm và uống trà hoặc cà phê cả ngày. Tôi chưa từng nghĩ sẽ uống nước lọc. Sau đó, tôi bắt đầu để ý rằng có nhiều người mang theo những chai đựng nước lớn có thể tái sử dụng để có thể uống nước trong suốt ngày làm việc, Do đó, tôi quyết định thử và ngạc nhiên khi tôi có thể uống hơn 500ml nước mỗi ngày một cách dễ dàng. Và điều tuyệt nhất là gì, bạn biết không? Tôi cảm thấy rằng tôi có đủ nước hơn và tập trung hơn, và đương nhiên, cảm thấy khỏe mạnh hơn nhiều. Hãy thử cách này đi, và tôi dám chắc rằng bạn cũng sẽ không thể rời xa chai nước của mình ở chỗ làm như tôi đâu.

16. Đừng suốt ngày nhìn bàn cân nữa

Thói quen này đi chung với thói quen số 6 ở trên. Nhiều người - có lẽ bao gồm cả tôi - luôn quan tâm tới cân nặng của mình. Mỗi ngày, họ bước lên cân sau khi thức dậy vào buổi sáng, và lại bước lên cân vào buổi tối trước khi đi ngủ. Nếu con số hiển thị trên cân giảm, họ sẽ cảm thấy sung sướng mê li. Nhưng nếu họ thấy cân nặng tăng lên, họ có thể nhanh chóng rơi vào trạng thái tuyệt vọng.

Tuy nhiên, đừng hiểu sai rằng cân nặng không quan trọng bởi vì bạn nên hướng tới một cân nặng có lợi cho sức khỏe của bạn. Nhưng việc đó là kết quả tự nhiên của việc ăn uống lành mạnh và luyện tập thường xuyên, chứ không phải chỉ bằng việc bước lên cân mỗi ngày.

17. Hãy lựa chọn và tập thể dục theo sở thích

Bạn có thể ngừng tập luyện bởi vì bạn không thích đi tới phòng tập gym hay chạy bộ trong thời tiết lạnh. Nếu vậy, tại sao bạn không chọn những môn thể thao hoặc những bài thể dục thú vị như là nhảy, yoga, hoặc trò chơi đồng đội? Khi vui vẻ, bạn sẽ có động lực để tập luyện thường xuyên hơn.

18. Tránh việc luyện tập quá mức

Những người tập luyện quá mức thường già nhanh hơn bình thường.[2] Mọi việc trong cuộc sống của chúng ta đều cần sự cân bằng, và tập luyện cũng không phải là ngoại lệ. Tập luyện quá mức trong thời gian dài sẽ làm cơ thể bạn cạn kiệt năng lượng và khiến bạn cảm thấy trống rỗng và lạc lõng.

19. Hãy đi ngủ sớm hơn 30 phút

Trong thời đại của Netflix và Youtube, bạn sẽ dễ thấy rằng mình thường xuyên lâm vào tình cảnh “xem thêm một tập nữa thôi mà”. Nhưng vào giai đoạn trước khi Internet thịnh hành, bạn thường đi ngủ sớm hơn, thậm chí là sớm hơn tận hai tới ba tiếng so với bây giờ. Vậy chúng ta nên làm sao? Bạn có đồng hồ báo thức để đánh thức bạn vào mỗi sáng. Vậy tại sao không sử dụng nó để báo hiệu rằng đã tới giờ tắt TV và đi ngủ rồi?

Giấc ngủ là một hoạt động phục hồi năng lượng cực kì hiệu quả, vì vậy hãy đảm bảo rằng bạn ngủ đủ nhé.

20. Hãy tắt các thiết bị công nghệ

Công nghệ quả là một điều tuyệt vời. Nó cho phép tôi gõ những từ này, và cho phép bạn đọc chúng. Nhưng, thành thực mà nói, việc nghiện TV, laptop, máy tính bảng, và điện thoại thông minh là rất dễ xảy ra. Đại đa số mọi người thường xuyên dán mắt vào một trong những thiết bị kể trên cả ngày. Đây là một thế giới không ngừng nghỉ khi liên tục có email mới, tin nhắn, thông tin mới trên mạng xã hội, v.v.

Lời khuyên của tôi là: Hãy đảm bảo rằng bạn bỏ được chu kỳ gây sao nhãng này bằng cách hãy nghỉ và rời mắt khỏi màn hình thường xuyên. Tại sao bạn không tắt hết các thiết bị của bạn khi bạn đang ăn tối với gia đình và bạn bè nhỉ?  Hãy tập trung vào các cuộc nói chuyện ngoài đời thật, chứ đừng bị cuốn hút vào những thứ ở trên mạng ảo.

21. Hãy dành thời gian với thiên nhiên

Ở bên ngoài thiên nhiên được nghiên cứu là sẽ có một tác động sâu sắc lên sức khỏe tinh thần của bạn, chủ yếu là vì khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, mức serotonin của bạn sẽ tăng lên. Nghiên cứu cũng cho thấy, chỉ dành một khoảng thời gian ngắn ở ngoài thiên nhiên cũng có thể cải thiện tâm trạng của bạn. Hãy tưởng tượng bạn dành một ngày ở một nơi như thế này nhé.


22. Có mục tiêu

Ở trong trạng thái chờ đợi và kỳ vọng tích cực có thể làm tăng mức độ hạnh phúc của bạn, theo theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí chính thức của Hiệp hội quốc tế về nghiên cứu chất lượng cuộc sống.[3] Lên kế hoạch cho một cái gì đó bạn cảm thấy thích và thoải mái, có thể là một chuyến đi chơi, một kế hoạch chạy bộ, một cuộc gặp gỡ bạn bè hoặc một ngày cuộn tròn để đọc quyển sách mà bạn luôn muốn đọc có thể khiến bạn không bị sa vào bất kỳ sự tiêu cực nào.

23. Thiền

Thiền có lẽ là khái niệm được nói đến nhiều nhất trong các trại hè tập huấn để trở nên hạnh phúc (happiness camp), và thiền có lý do chính đáng để đồng nghĩa với sức khỏe tinh thần tốt. Các nghiên cứu đã chỉ ra các thực hành thiền định thường xuyên làm giảm căng thẳng, lo lắng và các vấn đề sức khỏe. Lý do chính là nó có thể giúp giảm việc suy nghĩ quá nhiều và tạo ra một tinh thần chánh niệm hơn. Bạn có thể đạt được điều đó bằng nhiều cách, như là chỉ ngồi lặng lẽ, yoga, cầu nguyện hoặc thở có chủ đích.

24. Chuyển động cơ thể

Endorphin là chất hóa học trong não dùng để làm giảm cảm giác đau. Khi bạn di chuyển cơ thể, những chất này được giải phóng và thông báo với bộ não của bạn rằng tất cả đều ổn. Ngay cả khi bạn vừa đứng dậy khỏi ghế, nhún nhảy khi làm việc nhà hoặc đang tập thể dục, những hành động này có thể làm tăng những chất tạo cảm giác tốt cho bạn và cải thiện tâm trạng của bạn.

25. Học một cái gì đó mới

Những người vẫn tiếp tục học hỏi ngay cả khi đến tuổi trưởng thành thường có sức khỏe tổng thể tốt hơn. Điều này có thể là do bộ não liên tục được làm mới lạ, và cảm giác về thành tích, sự lạc quan và sự xao lãng mà nó tạo ra. Nói cách khác, nó mang lại cho bạn mục đích và sự tập trung, qua đó làm tăng khả năng đối phó với căng thẳng. Vì vậy, hãy học một ngôn ngữ mới, tham gia một lớp vẽ tranh hoặc đăng ký vào một khóa học mà bạn luôn luôn thích làm để tạo ra sự an lành về tinh thần hơn nhé.

26. Giúp đỡ người khác

Lòng tốt bụng có thể được coi như là cách cư xử tốt với người khác, nhưng nếu bạn thật sự tử tế với người khác, bạn sẽ thấy bạn hạnh phúc hơn, và họ cũng vậy. Tương tác xã hội tích cực, dù nhỏ hay lớn, đều làm bạn cảm thấy tốt hơn. Đưa ra những lời khen với thiện ý, giữ cửa hoặc đề nghị trả tiền cà phê cho một người lạ sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái và tích cực cả ngày. Hãy làm điều này một cách thường xuyên và bạn sẽ luôn giữ cho tư duy tích cực cũng như tạo ra niềm hạnh phúc cho người khác.

27. Đánh giá lại mối quan hệ độc hại

Đôi khi, tinh thần chúng ta giảm sút vì chúng ta quen với việc sống chung với những người luôn làm ta cảm thấy tồi tệ. Điều này có thể làm tổn hại lòng tự trọng và giá trị bản thân của chúng ta. Nhưng thông thường, chúng ta lại không hề nghĩ rằng điều này có quan hệ gì với những mối quan hệ của mình. Tuy nhiên, bạn có biết rằng năm người bạn thường hay tiếp xúc nhất sẽ tạo nên con người bạn không? Hãy tự hỏi bản thân bạn năm người này có đem lại sự động viên hỗ trợ, họ có tử tế và vui vẻ không? Nếu không, có lẽ đã đến lúc bạn cần suy nghĩ lại về các mối quan hệ của mình rồi đấy.

28. Giải độc kỹ thuật số - Detox

Sự nguy hiểm của của việc sử dụng mạng xã hội quá nhiều thường được nhắc tới. Việc so sánh có thể khiến bạn cảm thấy mất động lực sống và có cảm giác thất bại nếu như bạn không sống giống theo những người khác. Đây là lý do để có một thời để "giải độc" khỏi điện thoại hoặc máy tính của bạn. Thế giới kỹ thuật số, mặc dù nâng cao chất lượng cuộc sống của chúng ta, nhưng nó cũng có thể lấy đi những khoảnh khắc hiện tại của chúng ta và khiến ta bỏ lỡ những gì mà thực sự xảy ra xung quanh mình ngoài đời thật. Detoxing - giải độc, tức là bạn sẽ tạm ngưng và hạn chế sử dụng điện thoại hoặc máy tính của mình, sẽ mang lại cho bạn cảm giác tự do về thời gian để làm những việc khác mà có thể giúp tăng cường sức khỏe tinh thần của bạn.

29. Ngủ nhiều hơn

Giấc ngủ thường bị bỏ qua khi chúng ta sống cuộc sống bận rộn, nhưng đây không phải là lý do đáng chấp nhận. Ngủ đủ giấc là điều tối quan trọng để có một tâm trí lành mạnh tối ưu. Thiếu ngủ gây ra sự thay đổi tâm trạng, cáu kỉnh, các vấn đề sức khỏe và rối loạn toàn diện - những thứ trực tiếp ảnh hưởng đến cách chúng ta suy nghĩ và khiến chúng ta phản ứng tiêu cực với những điều xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. Ngủ nhiều hơn sẽ cho bạn cảm giác bình yên và động lực để làm việc thay vì sự căng thẳng và lo lắng.

30. Tự làm mọi thứ

Nếu chúng ta tự nghĩ rằng chúng ta có giá trị bản thân thấp hoặc lòng tự trọng không cao, thì chúng ta sẽ luôn tự nghi ngờ bản thân liệu chúng ta có thể tự làm mọi việc được hay không. Nhu cầu luôn cần có ai đó để làm mọi việc cùng, có thể tạo ra cảm giác luôn cần sự giúp đỡ và thiếu đi sự yêu thương bản thân. Ngược lại, tự mình làm mọi thứ sẽ xây dựng sự tự tin và cảm giác tự do cho bạn.

Đừng sợ việc tự mình giải quyết vấn đề hoặc làm một việc gì đó, và hãy dành thời gian cho chính mình; đây là một cách tuyệt vời để thực sự suy ngẫm về bản thân và không phải phụ thuộc vào người khác.

31. Thể hiện lòng biết ơn

Lòng biết ơn có thể gia tăng sự hạnh phúc và giảm sự căng thẳng, tạo ra một suy nghĩ tích cực hơn. Mọi người thường bị cuốn vào những gì họ đã không làm tốt ngay cả khi phần lớn những gì đã xảy ra trong ngày là những việc tích cực. Một thói quen tốt để bắt đầu thể hiện lòng biết ơn là hãy suy nghĩ lại đã có những gì tuyệt vời xảy ra trong một ngày và ghi chú lại. Đó có thể là việc đi thẳng đến chỗ làm, có thể là một nụ cười từ một người lạ, hay là thức ăn ngon bạn có cho bữa trưa hoặc là tin nhắn từ bạn bè.

32. Thẳng lưng khi ngồi và đứng

​​​​​​​Ngôn ngữ cơ thể được kết nối chặt chẽ với suy nghĩ của chúng ta. Khi bạn có dáng đứng hoặc ngồi lững thững, nó vô thức tạo ra cảm giác của sự thù địch, chậm chạp và tiêu cực. Ngược lại, khi chúng ta ngồi hoặc đứng thẳng, nó tạo ra cảm giác mạnh mẽ và tự tin.

33. Hãy tìm cho mình nụ cười thư giãn

Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ vì nó làm giảm mức độ căng thẳng, cải thiện tâm trạng và thậm chí cả trí nhớ ngắn hạn. Cười cùng với ai đó có lẽ là tốt nhất, nhưng chỉ cần xem một chương trình truyền hình vui nhộn hoặc thậm chí là cười một mình, bạn vẫn có thể có được những lợi ích trên.

34. Hãy ghi chép mọi thứ

Việc ghi chép có hiệu quả bởi vì thông qua hành động viết, bộ não xử lý những thông tin đang được viết chậm hơn và do đó việc này trở thành một loại trị liệu. Thói quen này có thể giúp bạn xử lý cảm xúc và xác định các khó khăn và hạn chế mà việc liên tục suy nghĩ không thể xác định được. Viết ra các mục tiêu và ước mơ có thể mang lại sự thúc đẩy tích cực, và lập danh sách những thành tựu trong quá khứ có thể giúp bạn nhìn thấy những thành công mà bạn đã đạt được trong cuộc sống.

35. Dành thời gian với thú cưng của bạn

Bất kỳ động vật đáng yêu nào cũng có thể làm tăng cảm giác tích cực của bạn theo những cách nhỏ và có ý nghĩa. Chúng làm giảm sự cô đơn, giúp bạn hoạt động tích cực chủ động, tạo sự gắn kết yêu thương, giữ bạn tập trung và cho bạn mục đích.

36. Thay đổi thói quen hằng ngày của bạn

Mặc dù thói quen có thể giúp chúng ta thoải mái, nhưng nó cũng tạo ra cảm giác buồn tẻ khi lặp đi lặp lại mỗi ngày và có thể dẫn đến trầm cảm. Những thay đổi nhỏ trong thói quen của bạn có thể khiến bộ não nghĩ rằng bạn đang làm điều gì đó hoàn toàn khác. Bạn có thể đi làm bằng một đường khác, đi bộ thay vì đi xe buýt, đi đến một nơi khác để ăn trưa hoặc dậy sớm hơn một chút vào buổi sáng. Thay đổi tạo ra sự đa dạng và mở ra cho bạn những trải nghiệm và cơ hội mới.

37. Khám phá nơi bạn ở

Trở thành một khách du lịch ở chính nơi bạn sống không phải là điều mà mọi người hay nghĩ tới. Hãy giả vờ rằng đây là lần đầu tiên bạn đến với nơi bạn sống. Bạn sẽ ghé thăm những nơi nào? Bạn sẽ ăn ở đâu đây? Điều này có thể giúp bạn trân trọng và có được một góc nhìn khác về nơi bạn sống, giúp mở mang đầu óc của bạn.

38. Tập tha thứ

Tha thứ có thể là một khái niệm khó khăn cho nhiều người. Nhưng rất nhiều sự giận dữ của chúng ta là do chúng ta không thể để mọi thứ trôi qua. Điều này không có nghĩa là bỏ qua mọi việc, mà là chỉ bỏ đi sự tiêu cực và tiến về phía trước. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tha thứ giúp ta chống lại căng thẳng, và tự tha thứ cho bản thân cũng rất quan trọng để giải tỏa tâm lý tự ghét bản thân và tạo ra một cuộc sống hạnh phúc hơn.

39. Kết nối với mọi người

Là những tế bào của xã hội, chúng ta phát triển mạnh trên cơ sở kết nối với nhau. Khi bạn cảm thấy chán nản, điều cuối cùng bạn muốn làm là nói chuyện hoặc tiếp cận với người khác. Hãy nhớ rằng nói chuyện với mọi người, thậm chí chỉ là những cuộc trò chuyện ngắn với bạn bè hoặc trong các nhóm hỗ trợ, có thể sửa chữa cảm giác mất kết nối của bạn vô cùng hiệu quả. Các mối quan hệ sẽ giúp bạn có được cảm giác thuộc về cuộc đời (sense of belonging) và đề cao giá trị bản thân, vì vậy hãy dành thời gian để kết nối với mọi người.

40. Hãy để tâm vào từng việc bạn làm

Đây là một cách tuyệt vời để kiểm tra xem bạn đã thực hiện những gì trong ngày và bạn đã thực hiện chúng như thế nào. Bữa sáng của bạn có vị như thế nào? Chân bạn cảm thấy thế nào khi bạn đi bộ? Nguyên liệu cho bữa trưa của bạn có nguồn gốc từ đâu? Những cảm xúc bạn đang cảm thấy trong từng khoảnh khắc là gì?

Đừng phán xét bản thân mà hãy tập trung vào từng khoảnh khắc. Tập trung tâm trí có thể giúp giảm trầm cảm đấy.

41. Xem xét một quan điểm tích cực hơn

Một tư duy tiêu cực sẽ tạo ra một cuộc sống tiêu cực. Nếu bạn là người luôn nhìn thấy cái ly luôn trống một nửa thì có thể tự hỏi tại sao bạn lại nghĩ như vậy. Lý do đơn giản có thể xuất phát từ niềm tin mà bạn đã chọn, nhưng bạn nên hiểu rằng luôn có một sự lựa chọn trong cách bạn nhìn nhận mọi thứ.

Hãy chọn xem xét một quan điểm khác, tích cực hơn vào lần tới. Làm điều này thường xuyên sẽ từ từ giúp thay đổi cách bạn nhìn thế giới xung quanh.

42. Ngưng chụp ảnh mọi thứ - ngưng sống ảo

Mặc dù rất tuyệt khi chụp ảnh để lưu giữ kỷ niệm, nhưng dành quá nhiều thời gian để chụp ảnh hơn là tận hưởng khoảnh khắc có thể làm giảm hạnh phúc của bạn. Nhà tâm lý học Maryanne Garry của Đại học Victoria Wellington ở New Zeal đã chỉ ra rằng chụp quá nhiều hình sẽ "thao túng và điều khiển cả ký ức và diễn giải chủ quan của chúng ta về những trải nghiệm sống"[4], có nghĩa là chúng ta nhớ ít hơn và không trân trọng từng khoảnh khắc.

43. Hãy luôn cười tươi (kể cả là giả bộ)

Những nụ cười chân thật thể hiện cảm xúc hạnh phúc bên trong của chúng ta, nhưng nghiên cứu đã tìm thấy thậm chí những nụ cười giả tạo cũng có thể khiến não bộ nghĩ rằng chúng ta đang hạnh phúc.[5] Vì vậy, ngay cả khi bạn ở trong một căn phòng yên tĩnh, hãy mỉm cười, và dần dần, bạn sẽ để ý rằng điều này sẽ tạo ra cảm giác thoải mái về tinh thần.

44. Làm điều gì đó mà không ở trong "vùng an toàn" của bạn

Một trong những lý do chính khiến mọi người có thể bị trầm cảm là do họ luôn muốn an toàn và thoải mái. Đó là do bộ não của chúng; nó sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn bạn làm điều gì đó nguy hiểm. Đây là cơ chế sinh tồn - nếu bạn thoải mái thì bạn sẽ an toàn.

Khi bạn thoát ra khỏi vùng an toàn, bạn sẽ thấy điều này không đáng sợ như mình tưởng tượng, và bạn sẽ có được sự tự tin, khỏe mạnh và những khả năng mới và thú vị.[6] Kết quả như thế nào nhỉ? Sức khỏe tinh thần của bạn sẽ tốt hơn.

45. Tôn trọng những người thân yêu của bạn

Một mối quan hệ tốt dựa trên nền tảng của sự tôn trọng giữa người với người trong mối quan hệ đó. Hãy trung thực, đừng ngồi lê đôi mách, và hãy trân trọng những người bạn yêu thương vì cá tính của riêng họ. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng tới cách bạn đối xử với những người bạn yêu thương đấy.

46. Cảm ơn họ

Một lời nói cảm ơn hay một mẩu ghi chú cảm ơn ngắn cũng có thể có ảnh hưởng sâu rộng tới các mối quan hệ của bạn. Cho dù là nửa kia của bạn vừa rửa một đống bát đĩa hoặc là một người bạn đến quét nhà giùm bạn hoặc là bất kỳ ai đi nữa, đừng bỏ lỡ cơ hội để nói lời cảm ơn tới họ nhé.

47. Bộc lộ cảm xúc của bản thân

Nếu bạn thực sự yêu một ai đó, đừng ngại cho họ biết. Hãy nói những lời yêu thương như "con yêu mẹ", "em yêu anh" thường xuyên nhé, và nhớ là hãy nói bằng cả tấm lòng của mình. Hãy cho nửa kia, bạn bè và gia đình biết bạn quan tâm đến họ nhiều như thế nào. Hãy hào phóng với tình cảm của bạn.

48. Đi dạo

Đi dạo trong khu phố là một cách tuyệt vời để kết nối lại với bạn bè hoặc nửa kia của bạn. Đây là một cơ hội tuyệt vời để có được không khí trong lành và bắt nhịp với cuộc sống mà không tốn kém gì cả.


49. Chọc cho nhau cười

Sự hài hước, hóm hỉnh là một yếu tố để gắn kết mạnh mẽ mọi người với nhau. Đừng bao giờ bỏ lỡ một cơ hội để làm cho những người thân yêu của bạn cười nhé. Thỉnh thoảng, hãy trở thành một kẻ ngốc nghếch, xem một bộ phim hài, và nói đôi ba câu đùa để mọi người cùng phá lên cười nhé.

50. Đặt mục tiêu cùng nhau

Thói quen này đặc biệt quan trọng đối với các mối quan hệ lãng mạn, trong đó hai người nên là một đội với nhau. Khi bạn không đặt mục tiêu cùng nhau, bạn có nguy cơ phá hoại mục tiêu của từng người. Đoàn kết để vượt qua thử thách là một cách mạnh mẽ để xích lại gần nhau hơn.

51. Có một thói quen mới

Không có gì giết chết tình bạn và sự lãng mạn nhanh hơn sự nhàm chán. Đừng để cho mọi thứ chìm xuống và trì trệ như vậy. Hãy chọn một sở thích mới mà cả hai bạn đều quan tâm. Hãy thách thức nhau để hoàn thiện các kỹ năng và bạn sẽ gặt hái được những lợi ích của việc cùng nhau phát triển.

52. Hãy đối xử tốt "chỉ vì bạn thích thế"

Một bất ngờ lớn đòi hỏi sự suy nghĩ chu đáo. Tuy nhiên, nó cũng có thể đơn giản như là xuất hiện với một tách cà phê hoặc mua một đồ mà nửa còn lại của bạn yêu thích đường về nhà. Hay là gửi cho mẹ của bạn một bó hoa ngẫu nhiên, hoặc đề nghị giúp bạn của bạn với một dự án. Bạn sẽ làm cho ngày của họ tuyệt vời hơn và cho họ thấy bạn quan tâm tới họ đến mức nào.

53. Cùng nhau thư giãn

Nó không cần thiết để biến mọi khoảnh khắc cùng nhau thành một chuyến đi chơi cầu kỳ. Tình bạn và mối quan hệ lãng mạn bền bỉ là những mối quan hệ có thể phát triển mạnh ngay cả trong các tình huống hàng ngày. Hãy học cách tận hưởng việc xem TV cùng nhau, đi dạo hoặc chia sẻ những bữa ăn đơn giản.

54. Dành thời gian cho bản thân

Ngay cả những cặp đôi và bạn bè thân thiết nhất cũng cần thời gian để khám phá những sở thích cá nhân của họ. Bạn không cần phải thích những thứ tương tự. Cá tính của bạn có khả năng là một phần của những yếu tố đã thu hút các bạn với nhau. Hãy chắc chắn rằng bạn và những người thân yêu của bạn có thời gian để nuôi dưỡng tài năng và sở thích của họ.

55. Giữ liên lạc thường xuyên

Nhắn tin và gọi điện 24/7 là một thói quen không lành mạnh, nhưng thường xuyên liên lạc điều tuyệt vời cho một mối quan hệ lãng mạn. Đối với bạn bè và gia đình, không cần thiết phải gửi tin nhắn mỗi ngày, nhưng việc liên lạc định kỳ sẽ cho bạn cơ hội chia sẻ cuộc sống của mình.

56. Cùng nhau làm việc nhà

Đối với các cặp vợ chồng, làm việc nhà cùng nhau sẽ ngăn chặn cảm giác bất mãn giữa hai người. Một nghiên cứu năm 2007 cho thấy 62% các cặp vợ chồng tin rằng việc chia sẻ việc nhà dẫn đến sự hợp tác thành công.

57. Dành thời gian để "gần gũi" với nửa kia

Sự động chạm thân thể nhau ảnh hưởng tới cách bạn cảm nhận về nửa kia của mình. Hành động âu yếm khiến cơ thể bạn giải phóng oxytocin, một loại hoóc môn giúp bạn tăng sự gần gũi với nửa kia. Ôm nhau cũng giải phóng oxytocin, vì vậy thói quen lành mạnh này cũng có thể áp dụng cho các mối quan hệ không lãng mạn.

58. Nói với họ những gì bạn yêu thích ở họ

Nói lời yêu quý là rất tuyệt, nhưng đôi khi bạn nên đi kèm với ví dụ cụ thể tại sao bạn lại yêu thích họ. Hãy để bạn bè và nửa còn lại của bạn biết những điều ở họ mà khiến bạn thích thú. Sự tự tin này giúp họ vượt qua bất cứ khó khăn nào họ gặp phải.

59. Hãy quan tâm

Hỏi một cách chu đáo và trả lời là một điều thường gặp, nhưng nhiều mối quan hệ bạn bè, gia đình và tình yêu thật sự đang thiếu mất sự lưu tâm. Hãy lắng nghe thật kỹ. Nhìn vào mắt người kia (eye-contact). Khi một người nói chuyện với bạn, họ nên cảm thấy rằng họ có sự chú ý toàn tâm toàn ý của bạn.

60. Hãy tìm ra ngôn ngữ tình yêu của họ (và tận dụng điều đó)

Cuốn sách 5 Ngôn ngữ Tình Yêu: Bí mật để kéo dài tình yêu, cho chúng ta biết rằng có năm cách chính mà mọi người cho và nhận trong tình yêu. Biết được ngôn ngữ tình yêu nửa kia giúp bạn tìm ra những cách tốt nhất để thể hiện tình yêu của bạn dựa trên nhu cầu của người bạn đời. Điều đáng chú ý là ngôn ngữ tình yêu không bị giới hạn trong các mối quan hệ lãng mạn.

61. Hỏi thăm về ngày của họ

Đây là một cách tuyệt vời để bắt đầu bất kỳ cuộc trò chuyện nào, cho dù là với bố bạn hoặc là bạn thân của bạn. Bạn sẽ nhận được rất nhiều thông tin có thể giúp bạn hiểu được họ, và bạn sẽ cho thấy bạn thực sự quan tâm đến cuộc sống của họ bằng cách hỏi những câu hỏi đơn giản này.

62. Hãy trung thực

Sự trung thực rất quan trọng cho bất kỳ mối quan hệ nào. Khi bạn quan tâm đến ai đó lâu dài, bạn có thể phải nói cho họ sự thật về mọi thứ. Xét cho cùng, họ xem bạn là người mà họ có thể tin tưởng cơ mà. Bên cạnh đó, nó tốt hơn nói dối, và bạn không bao giờ phải lo lắng về việc họ phát hiện ra rằng bạn đã bịa chuyện.

63. Hãy là người cổ vũ họ

Tất cả chúng ta đều gặp phải khó khăn thử thách, nhưng có một người có thể cổ vũ bạn trong ngày tồi tệ nhất là một món quà thực sự. Hãy là người có thể mang đến cho họ sự khích lệ mà họ cần để đối mặt với bất cứ khó khăn nào họ đang đối mặt. Đôi khi những người thân yêu của bạn chỉ cần biết rằng bạn tin vào họ là đủ rồi.

64. "Ngắt kết nối" để "kết nối lại"

Bạn không thể có thời gian chất lượng nếu bạn cứ vùi đầu vào điện thoại, trò chơi điện tử, hay máy tính. Bạn chắc chắn có thể tận hưởng những điều đó với nhau, nhưng cũng nên dành thời gian cùng nhau mà không có sự hiện diện của những thứ đó. Nếu bạn ra ngoài ăn trưa, hãy đưa ra chính sách không sử dụng điện thoại để bạn có thể chủ động lắng nghe nhau nhiều hơn.

65. Cho thấy bạn chung thủy

Không lăng nhăng khi đang ở trong một mối quan hệ tình cảm là một điều không phải bàn cãi rồi. Nhưng nó không phải là cách duy nhất thể hiện sự chung thủy. Trong tất cả các mối quan hệ, hãy đảm bảo bạn đập tan mọi tin đồn nhảm và đứng lên bảo vệ người thân yêu của bạn nếu họ không thể tự làm việc đó nhé. 

66. Hãy là người họ có thể tin tưởng

Nửa kia và bạn bè của bạn nên biết rằng cho dù họ có một ngày tồi tệ tại nơi làm việc, hay họ bị ốm, bạn luôn sẵn sàng nhảy vào và giúp đỡ. Khi mọi thứ trở nên tồi tệ cho gia đình, bố mẹ và anh chị em của bạn, họ biết rằng họ có thể quay sang bạn để nhờ sự giúp đỡ. Bạn có mặt đúng giờ mỗi khi họ cần bạn, và bạn nói gì cũng thật lòng.

67. Chia sẻ gánh nặng

Thật không công bằng khi nửa kia hoặc bạn bè của bạn phải gánh vác gánh nặng cho mọi thứ. Tất nhiên, bạn không cần phải chia đôi trách nhiệm, nhưng bạn cần phải đảm bảo rằng không một người nào phải chịu đựng một mình.[7] Điều này áp dụng cho những việc như việc nhà, nhưng nó cũng liên quan đến những việc như quyết định ăn ở đâu hoặc chọn chỗ đi chơi.

68. Dành thời gian cho họ

Stephen Covey, tác giả của Bảy thói quen của những người có hiệu quả cao từng nói:

“Điều quan trọng không phải là ưu tiên những gì có trong lịch trình của bạn, mà là lịch trình cho các ưu tiên của bạn.”

Nếu bạn muốn kéo dài các mối quan hệ của mình, bạn phải ưu tiên chúng. Lên "lịch hẹn" với những người thân yêu nếu bạn gặp khó khăn trong việc kết nối với họ.

69. Tình yêu không phán xét

Trừ khi hành vi của họ thực sự đáng lên án, hãy định hình lại cách bạn nghĩ về khuyết điểm của người khác nhé. Để có tình yêu thực sự, bạn phải yêu thương một người thật sự. Để xem bản chất thực sự của một con người, thì bạn phải làm cho họ cảm thấy an toàn, không bị phán xét thì họ mới có thể bộc lộ ra được. Gia đình, bạn bè và nửa kia khác của bạn nên biết rằng bạn yêu họ, kể cả những điểm xấu của họ.

70. Tha thứ cho lỗi lầm của họ

Bạn không phải là người hoàn hảo, và những người khác cũng vậy. Khi một người bạn yêu thương gây rắc rối, hãy đặt mình vào vị trí của họ. Nếu nó không đáng kết thúc mối quan hệ thì hãy tha thứ cho người đó.

71. Thể hiện và chấp nhận sự yếu mềm

Trở nên yếu mềm trong tình bạn và các mối quan hệ lãng mạn cần sự luyện tập. Với bạn bè, đây là cơ hội để bạn cho họ thấy bạn là ai, và điều đó cho phép họ cởi mở hơn với bạn. Với nửa kia của bạn, sự yếu mềm với nhau tạo dựng nên niềm tin.

72. Bắt đầu ngày mới với nửa kia của mình

Đối với các cặp vợ chồng, bắt đầu mỗi ngày cùng với người bạn đời thể hiện một sự thống nhất. Ngay cả khi với lịch trình làm việc ngược nhau, bạn có thể tìm cách chia sẻ sự khởi đầu một ngày mới cùng nhau. Những điều nho nhỏ như là viết một tờ giấy ghi chú cho nửa kia của mình, hoặc dành một vài phút vào buổi sáng để tiễn nửa kia đi làm cũng có hiệu quả đấy.

73. Cùng nhau nghỉ ngơi vào buổi tối

Bạn không nhất thiết phải có cùng một lịch trình ngủ với nửa kia của mình, nhưng cùng nhau thư giãn vào buổi tối là một thói quen lành mạnh. Thói quen này xây dựng niềm tin và cho bạn thêm một cơ hội để suy ngẫm về những gì đã làm trong ngày.

74. Cùng nhau ra quyết định

Độc lập là một tính cách rất tốt, nhưng khi một quyết định bạn cần đưa ra có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến gia đình, bạn bè hoặc nửa kia của mình, thì tốt nhất là bạn nên hỏi ý kiến của họ. Hãy nhớ rằng tất cả mọi người cùng nhau tham gia ra quyết định, và hãy dành thời gian để thống nhất cách mà mọi người sẽ trao đổi và thống nhất như thế nào về quyết định lớn trong cuộc sống.

Để hình thành những thói quen lành mạnh này, hãy chọn một thói quen trong danh sách trên và tập trung vào nó trước.

Hãy đọc bài hướng dẫn cụ thể sau đây và tìm hiểu làm thế nào để phát triển các thói quen tốt cho một lối sống lành mạnh nhé:

Khi bạn dành thời gian để phát triển 74 thói quen lành mạnh này, nỗ lực mà bạn dành cho cơ thể, tâm trí và các mối quan hệ sẽ được đền đáp thỏa đáng.

Nguồn ảnh bìa: Unsplash từ unsplash.com

Tài liệu tham khảo