3 ngày trước
Tại Sao Cần Cù Lại Bù Được Thông Minh?
414

5037
Lượt xem
173
Lượt chia sẻ
51
Lượt bình luận

Chúng ta đang sống trong một xã hội chạy theo thành tích, dễ dàng phong tặng những danh xưng như "tài năng" và "có năng khiếu" cho bất kì ai hoàn thành được một việc gì đó đáng chú ý. Những người thành công thường được tô vẽ như những siêu nhân, sinh ra đã có những năng lực siêu phàm giúp họ nổi bật hẳn so với loài người còn lại. Chẳng hạn như các diễn viên đoạt giải thưởng được khen ngợi là có tài năng, cũng tương tự đối với những người thành công trong kinh doanh. Nếu người đang được đề cập đến còn trẻ, họ lại càng cực kì dễ được gắn những cái mác như vậy.

Giới truyền thông chẳng hề quan tâm tới sự chăm chỉ cần cù, hay việc có bao nhiêu công sức nỗ lực mà những người được gọi là tài năng và có năng khiếu ấy đã phải bỏ ra trước khi đạt được thành quả. Ngày nay xã hội của chúng ta phán xét một người dựa trên thành tích đạt được, và giả định rằng họ ắt phải có những năng khiếu thiên bẩm. Chúng ta chẳng hề dừng lại một chút để ghi nhận những nỗ lực đã giúp làm nên một cuốn tiểu thuyết bán chạy hàng đầu, một công ty hoạt động với hiệu quả cao, hay một kiệt tác nghệ thuật khiến mọi người phải sửng sốt. Chúng ta thường có xu hướng chỉ mặc định rằng "tài năng" sẽ cho ra đời những kết quả mĩ mãn một cách hoàn toàn tự nhiên.

Bạn có thể thấy niềm tin này chi phối toàn xã hội. Ví dụ, nó chi phối cho điều giả định rằng một người bất kì sẽ được sinh ra hoặc là tài năng, hoặc là ở mức trung bình, dẫn đến việc các công ty thường sử dụng các bài kiểm tra chỉ số thông minh IQ để rà soát sàng lọc những người nộp đơn xin việc để tìm ra những người được cho là sẽ thể hiện nhiều năng lực nhất, vượt trội so với những người còn lại. Giới kinh doanh bị ám ảnh bởi việc phát hiện và đào tạo những "người siêu giỏi". Trong nhiều trường hợp, "người siêu giỏi" được đánh đồng với "những người dường như mới sinh ra đã có năng lực bẩm sinh."

Sự thật về tính chăm chỉ cần cù


Dù cho giới truyền thông sẽ khiến bạn phải tin vào điều ngược lại, nhưng thực sự thì cần cù sẽ đánh bại tài năng. Khi bạn lần đầu nghe đến hoặc gặp mặt một người thành công, bạn sẽ dễ dàng tin rằng họ ắt phải sở hữu những năng khiếu phi thường từ lúc mới sinh ra. Trên thực tế, có vô số ví dụ về những người nổi tiếng nhưng lại sống dựa vào tính chăm chỉ siêng năng.

Chẳng hạn như, vận động viên bóng rổ huyền thoại Michael Jordan đã từng bị loại khỏi đội bóng rổ hồi học trung học, nhưng về sau vẫn trở thành một trong những nhân vật thể thao vĩ đại nhất trong lịch sử. Nhà tiên phong về phim hoạt hình Walt Disney đã từng bị chê là "chẳng có ý tưởng nào độc đáo" và "thiếu óc tưởng tượng" bởi tờ báo đã sa thải ông, và Oprah Winfrey có lần đã được khuyên là cô "không hợp với truyền hình." Những câu chuyện đó minh họa cho sự thật rằng không phải ai thành công cũng đều tìm ra sự thành công và được công nhận ngay tức thì. Chính là sự chăm chỉ cần cù và kiên trì bền chí rốt cuộc sẽ đền đáp lại cho bạn.

Sức mạnh của những danh xưng

Chuyện gì sẽ xảy ra khi một ai đó được bảo rằng họ có tài năng? Trong vài trường hợp, họ sẽ trở nên tự mãn và mất đi động lực để tự hoàn thiện bản thân. Ví dụ, một đứa trẻ suốt thời trung học được nhận xét là thông minh trời phú có thể sẽ mặc định rằng mình sẽ nhẹ nhàng lướt qua được đại học. Có thể nó sẽ chẳng bao giờ bận tâm phát triển các kĩ năng cần thiết để học chăm hơn và học những môn học mới, bởi nó nghĩ mình đủ khả năng đạt loại xuất sắc ở bất kì tiết học nào. Sau đó thì bậc đại học có thể sẽ là một cú sốc thực sự với nó, và bởi nó đã không thèm học các kĩ năng giúp ích cho học tập, có thể nó sẽ thấy mình phải vật lộn để đối phó với việc học khi đó.

Một người bị nói thẳng vào mặt là chẳng có chút năng khiếu hay tài năng nào có thể sẽ trở nên nhụt chí và thôi theo đuổi những ước mơ của mình. Ví dụ, một người bắt đầu tham gia lớp học vẽ ở tầm tuổi ba mươi bốn mươi và bị giáo viên bảo rằng mình không thực sự có năng khiếu vẽ vời, có thể sẽ trở nên trầm cảm, đặc biệt nếu họ đã phải chờ nhiều năm mới tích đủ sự tự tin cần thiết để đăng kí vào học lúc ban đầu. Thế giới có thể đã bỏ lỡ mất những bức tranh tuyệt vời chỉ bởi đúng một lời bình luận của người giáo viên kia.

Việc gọi một người là "tài năng" cũng có thể là một hành động khiếm nhã. Nó ngụ ý rằng người đó không cần dựa vào sự chăm chỉ tự lực của bản thân để đạt tới thành công, tức là coi thường những nỗ lực của họ và thể hiện một cách nhìn xem nhẹ quá trình trưởng thành và phát triển của mỗi cá nhân thực sự diễn ra như thế nào đằng sau ánh hào quang. Việc gọi một người là tài năng cũng giúp bạn trút bỏ gánh nặng và cho mình quyền được lười biếng - nói cho cùng, nếu một ai đó có tài năng còn bạn lại không, thì việc gì phải bận tâm cố gắng để đạt được mức độ thành công như họ phải không?

Nói ngắn gọn, việc gắn mác cho ai đó là "tài năng" hay "có năng khiếu" chưa chắc đã là một lời khen thật sự. Chính cách suy nghĩ rằng một số người bẩm sinh đã giỏi hơn những người khác lại là không mang tính xây dựng.

Làm cách nào để làm chủ năng lực riêng có của bạn

Đúng là tất cả chúng ta ai cũng có những lĩnh vực mà mình giỏi hơn những người khác, nhưng chăm chỉ cần cù mới là bí quyết thực sự dẫn tới thành công. Có ba bước bạn phải làm theo để có thể khai thác được hết toàn bộ tiềm năng của mình.

Đầu tiên hãy tự hỏi điều gì làm bạn quan tâm thích thú nhất


Bạn thường xuyên nghĩ đến điều gì nhất? Bạn quan tâm đến thứ gì nhất? Bạn thích làm gì mỗi khi rảnh rỗi? Điều gì làm bạn thấy thỏa mãn? Nếu bạn không chắc chắn về sở thích và kĩ năng của mình, hãy thử làm quen vài sở thích mới hoặc khám phá tìm hiểu vài chủ đề mới xem sao.

Thứ hai, hãy dành thời gian tích cực hoàn thiện mình để xây dựng sức mạnh của bạn trong lĩnh vực đó.


Ví dụ, nếu bạn phát hiện mình đam mê hội họa, hãy chọn một môi trường phù hợp và hãy tìm ra những nguồn lực giúp bạn làm chủ kĩ năng cụ thể này. Bạn có thể tham gia các lớp học, tìm một người hướng dẫn, hoặc tìm kiếm tài liệu giúp bạn có thể tự học. Hãy nghĩ về những kĩ năng cơ bản đầu tiên cần có, và hãy dành thời gian hoàn thiện mình để đạt được chúng. Lúc này luyện tập là điều bạn cần đến. Càng tập nhiều càng giỏi!

Thứ ba, hãy đảm bảo bạn luôn nhận được phản hồi từ nhiều nguồn đa dạng


Hãy để cho những người khác bảo với bạn rằng chỗ nào đang tiến triển theo hướng tốt, và chỗ nào cần cải thiện. Những người thành công không bao giờ ngừng học hỏi, và họ ghi nhận những lời phê bình mang tính xây dựng. Hãy nhận lấy những bình luận của mọi người như một hành trang trợ giúp cho mình, tự cam kết với bản thân là sẽ không ngừng cải thiện, và đừng bao giờ ngừng chăm chỉ! Không cần biết mọi người có nghĩ bạn là tài năng hay không. Điều quan trọng là quá trình làm việc và nỗ lực của cá nhân bạn.

Hãy tự trân trọng quá trình lao động của mình và tin tưởng vào bản thân

Khi bạn nhận ra rằng sự chăm chỉ làm việc mới thực sự là điều quan trọng, bạn sẽ cảm thấy tự do trên hành trình theo đuổi ước mơ của mình. Vậy sẽ thế nào nếu ai đó bảo rằng bạn chẳng có một tí năng lực bẩm sinh nào, hoặc là bạn chẳng thể hiện được nhiều năng lực trong bất kì lĩnh vực nào? Giờ thì bạn đã biết rằng nếu bạn chọn đi theo một con đường luôn làm mình giữ được niềm hứng thú, và nếu mình sẵn sàng dồn hết tâm sức để xây dựng cho bản thân một vốn kĩ năng nhất định, thì chẳng có lí do gì mà bạn không thể thành công rực rỡ cả. Và nếu có ai đó từng xưng tụng bạn là "tài năng" hay "có năng khiếu", hãy đảm bảo bạn sẽ nhắc nhở họ rằng chính sự cần cù chăm chỉ mới làm nên tất cả.