“Tôi đang làm gì với cuộc đời của mình?”
Là một người hướng dẫn và một nhà tư vấn kinh tế, tôi đã nghe câu hỏi này - hay những phiên bản tương tự - rất nhiều lần. Những người đưa ra câu hỏi này đều như đang gặp những vấn đề về viễn cảnh tương lai.
Một hôm, bạn thức dậy vào buổi sáng và thấy mình đang vướng vào một công việc đáng ghét, một mối quan hệ không đáng có, hay một cuộc sống không giống như mong đợi của bạn. Có thể bạn sẽ cảm thấy chán chường, tức giận, hổ thẹn hay tiếc nuối. Bạn không muốn ở vị trí này trong khoảng thời gian này... đây không phải là cuộc sống bạn hằng mong đợi.
Hoặc có lẽ bạn không cảm thấy không hạnh phúc hay mất mát gì cả, nhưng bạn tỉnh dậy và nhận ra bạn muốn nhiều hơn, một điều mới hay thứ gì đó khác biệt. Bạn đã có rất nhiều thứ đúng với những gì bạn tưởng tượng về cuộc sống và giờ bạn cố gắng tìm ra điều tiếp theo phải làm là gì.
Công việc của tôi là hướng dẫn và tư vấn để giúp khách hàng hạnh phúc hơn, thành công và thỏa mãn hơn. Giúp họ có thể đi từ vị trí hiện tại đến vị trí mà họ mong muốn, mà không bị những khó khăn đánh bại khi đi trên con đường đó. Đây là cả một quá trình làm việc và đặt ra những câu hỏi mấu chốt, từ đó họ có thể trả lời những câu hỏi quan trọng nhất cho mình - bao gồm cả câu hỏi trên.
Một trong những điều đầu tiên tôi chia sẻ với khách hàng của mình là: bạn không phải cố tìm ra điều mình muốn làm cho cả cuộc đời còn lại!
Bạn không phải tìm ra mình muốn trở thành ai khi "lớn lên" hay khám phá mục đích của cả quãng thời gian còn lại trong cuộc sống. Bạn không phải đặt mục tiêu cho sự nghiệp trong 20 năm tới. Tôi đã từng thấy nhiều người bị trì trệ bởi chính suy nghĩ áp đặt họ phải làm gì trong nốt phần đời còn lại. Tất nhiên họ sẽ bị căng thẳng và bị choáng ngợp!
Lời khuyên của tôi? Hãy tập trung vào việc tìm ra làm gì tiếp theo. Ở tuổi này, địa vị này, hãy đối mặt với hoàn cảnh hiện tại của bạn. Tôi không nói nó không gắn liền với những dự định lớn lao, nhưng không có nghĩa là bạn phải có kế hoạch cho toàn bộ cuộc đời ngay lúc này. Tôi thích câu nói của MLK (Martin Luther King),
“Bạn không phải nhìn trước toàn bộ cái cầu thang, bạn chỉ cần bước bước đầu tiên mà thôi.”
Điều đó đúng cho việc tìm ra những thứ bạn muốn làm trong cuộc sống.
Làm sao để trả lời câu hỏi - tôi đang làm gì với cuộc đời của mình?
Trở lại câu hỏi này. Hãy nhìn vào trường hợp của những vị khách hàng gần đây của tôi.
Sabine* là một người phụ nữ thông minh, thành công và mạnh mẽ. Cô ấy đã gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp, đi khắp thế giới, có một gia đình, và vừa mới định cư ở một thành phố mới. Trong khi mọi người đều nghĩ cô ấy muốn thăng tiến sự nghiệp hơn nữa, chúng tôi nhận ra đó không phải là điều cô ấy thực sự cần và mong muốn.
Cô ấy đã cố gắng tìm ra điều mà mình đã làm được trong cuộc sống. Theo cô ấy, cô ấy đang đánh mất ý nghĩa của bản thân. Người ngoài không thể biết được, cô ấy đang cảm thấy choáng ngợp, mất mát và không chắc chắn về chính bản thân cô ấy. Những người xung quanh cảm thấy cuộc sống của cô là tốt rồi, nhưng cô lại thấy không trọn vẹn.
Làm việc cùng nhau, và chúng tôi đã có thể giúp Sabine:
- Tìm ra viễn cảnh mà cô ấy muốn cho những việc cần phải làm tiếp theo.
- Điều chỉnh lại cuộc sống và hành động với những giá trị của cô ấy và việc mà cô ấy quan tâm nhất.
- Nhớ lại cô ấy là ai và khiến cô cảm thấy yêu bản thân của hiện tại hơn của những năm về trước.
- Lấy lại sự tự tin và làm những điều mà trước đây cô từng tránh né.
- Lấy lại động lực, niềm tin vào bản thân, và sự mạnh mẽ trong những quyết định.
Tiếp theo là Max*. Rất thông minh, vui tính và nhiệt huyết, Max thành công trong nấc thang sự nghiệp và có một gia đình hạnh phúc với đứa con đầu lòng. Cuộc sống thật tốt đẹp. Anh ấy đến tìm tôi vì gặp phải trường hợp thứ hai; Max đang cố tìm ra những gì anh muốn làm tiếp theo. Mặc dù có một công việc tuyệt vời, anh muốn nhiều hơn - một điều mới mẻ, khác biệt, thử thách và thú vị.
Sau thời gian chúng tôi làm việc cùng nhau, Max đã có thể:
- Nhận ra điều cần thiết với mình và những việc quan trọng cần làm tiếp theo (hoặc những việc không cần làm).
- Đặt ra mục tiêu cho những lựa chọn/ý tưởng mới trong sự nghiệp.
- Không nản lòng và bước qua những suy nghĩ cũ kĩ, hạn hẹp và những đồng nghiệp khó chịu.
- Bắt đầu sự nghiệp mới đầy hứa hẹn.
Dưới đây là quá trình và những vấn đề mà tôi đã cùng trải qua với Sabine và Max. Áp dụng những điều này cũng sẽ giúp bạn tìm ra những điều bạn muốn làm với cuộc sống:
Bước 1: Bạn muốn điều gì?
Mỗi khi bạn muốn xem những gì mình đang làm với cuộc sống, bạn cần nhìn lại, hãy nhìn vào bức tranh lớn và nhận ra điều mình muốn. Nếu thực tế bạn không biết mình muốn gì, thì làm sao bạn có thể mong muốn đạt được nó, phải không?
Nghe có vẻ dễ dàng, nhưng trả lời câu hỏi đó lại thường khá khó khăn. Khi tôi đặt câu hỏi này, mọi người thường nói đến những điều mà họ không muốn hay những điều không xảy ra. Họ vướng vào thói quen quyết định dựa trên những gì tốt nhất cho sự nghiệp, gia đình hay những thứ khác... và quên mất điều họ muốn cho chính bản thân.
Sabine vốn tưởng rằng mình muốn "đưa sự nghiệp lên cao hơn", nhưng càng tiến vào sâu, cô ấy nhận ra mình muốn thứ gì đó nhiều hơn. Cô ấy muốn có cảm giác yêu thích bản thân trở lại; cảm thấy an tâm, tin tưởng và xác định rõ bản thân, và lấy lại ý nghĩa của bản thân.
Max muốn yêu thích những công việc mình đang làm. Anh ấy muốn ở trong sự nghiệp (hay vị trí) mà mình thực sự nhiệt huyết và hứng thú.
Đến lượt bạn:
Bạn muốn gì? Hãy xác định rõ.
Bạn có đang làm công việc mình hứng thú và nhiệt huyết không? Bạn có đang ở trong mối quan hệ làm bạn cảm thấy dễ chịu và yêu thích chứ? Bạn có đang tự tin và hài lòng với bản thân không? Bạn muốn ở một nơi cố định hay đi khắp thế giới?
Có lẽ, giống như Sabine, khi bạn nghĩ mình đã có câu trả lời, thì hãy tự hỏi, "còn gì thêm nữa?" và xem điều gì đến tiếp theo.
Một khi bạn đã xác định rõ ràng điều bạn muốn, hãy đến với câu hỏi tiếp theo.
Bước 2: Bạn là ai?
Tôi có một niềm tin mạnh mẽ và nhiều kinh nghiệm rằng nhận thức về bản thân và ý thức tìm kiếm giá trị bản thân là mấu chốt để thành công - đặc biệt khi bạn đang cố gắng tìm ra những gì bạn đang làm với cuộc sống.
Hiểu về bản thân nhiều hơn và đưa ra quyết định dựa trên điều đó chắc chắn sẽ giúp bạn hạnh phúc, thành công hơn và thỏa mãn hơn với bất kì lựa chọn nào tiếp theo. Bạn sẽ chắc chắn rằng bước tiếp theo sẽ là đúng hướng, chứ không chỉ là một bước nữa.
Trong chuỗi câu hỏi tôi đưa ra cho khách hàng của mình, đây là những câu tôi thích nhất:
- Điều gì là quan trọng nhất với bạn ngay bây giờ?
- Đâu là giá trị cốt lõi của bạn? Niềm tin, phẩm chất hay ý tưởng nào là quan trọng với bạn? Điều gì nằm trên con đường của bạn?
- Đam mê của bạn là gì? Bạn yêu thích điều gì? Điều gì khiến bạn thấy hứng thú? Điều gì thúc đẩy, khiến bạn hào hứng?
- Kĩ năng và tài năng của bạn là gì? Bạn muốn sử dụng khả năng gì?
- Danh sách những điều bạn mong muốn là gì? Bạn muốn và cần gì cho cuộc sống/sự nghiệp/mối quan hệ của bạn? Nó sẽ có thể là môi trường mà bạn muốn sống, những người mà bạn muốn có ở xung quanh mình, hay những thứ có vai trò mà bạn mong muốn.
- Ảnh hưởng hay sự khác biệt nào bạn muốn đem đến? Bạn muốn cống hiến, đóng góp bằng cách nào?
- Điều gì bạn KHÔNG muốn? Khi bạn không muốn dành quá nhiều thời gian cho hoàn cảnh này, việc nhận ra điều bạn không muốn làm cũng quan trọng như nhận ra điều bạn muốn vậy!
Thêm vào đó, tôi luôn đưa ra bộ câu hỏi về Phương tiện bản năng (Instinctive Drives™) cho khách hàng của mình. Đó là công cụ tổng hợp giúp bạn hiểu những điều bạn cần tốt nhất. Vì đó là cách yêu thích của tôi, tôi gợi ý cho bạn những công cụ giúp bạn nhận thức lại bản ngã bản thân.
Khi tìm kiếm lại bản thân, Sabine nhận ra cô ấy cần sống trong con người thật của mình; thoát ra khỏi vòng an toàn của bản thân; cô ấy học được rằng mình cần giao việc nhiều hơn; và khám phá ra con đường cô ấy tiến tới là con đường của chính mình.
Max nhận ra điều gì là quan trọng nhất với anh ấy ở thời điểm hiện tại, nhận ra những hạn chế trong suy nghĩ của mình, học được cách thôi so sánh bản thân với người khác và nhận ra rằng sự hài hước và vui vẻ quan trọng nhường nào với cuộc sống hằng ngày của anh.
Đến lượt bạn:
Tự cho mình một chuyến đi. Hãy hỏi bản thân những câu trên rồi dành thời gian và không gian để khám phá câu trả lời.
Viết mọi thứ ra. Sau đó, xem lại những gì đã viết và đánh dấu hoặc khoanh tròn điều quan trọng nhất. Đó là những điều bạn muốn quan tâm khi bạn nghĩ đến những gì bạn muốn làm tiếp theo.
Sau đó, cùng với tinh thần mong muốn tìm kiếm, bạn đến với bước 3.
Bước 3: Lựa chọn của bạn là gì?
Bạn không hạnh phúc với vị trí hiện tại. Bạn biết bạn muốn nhiều hơn. Nhưng "thứ nhiều hơn" đó là gì? Câu hỏi này giúp bạn khám phá ra những lựa chọn tiềm năng của bản thân.
Điều đó không có nghĩa bạn chỉ quyết định một việc hay một lựa chọn, điều đó cho phép tư duy sáng tạo của bạn mở rộng và nhìn vào những khả năng có thể.
Nếu bạn ghét công việc của mình, bạn đang nghĩ đến sự nghiệp hứa hẹn nào? Nếu bạn không hạnh phúc với mối quan hệ của mình, bạn có thể làm gì? Nếu bạn cảm thấy mình cần một sự thay đổi hay khám phá, đó có thể là gì?
Suy nghĩ kĩ về TẤT CẢ những lựa chọn của bạn và đừng lo lắng liệu có khả thi hay không. Liệt kê ra và tự hỏi... còn gì nữa không? Việc này cho phép bạn đào sâu suy nghĩ và nhìn vào những cơ hội mà bạn có thể có.
Đến lượt bạn:
Tất cả lựa chọn khả thi của bạn ở thời điểm này là gì? Đừng giới hạn chúng nếu bạn chưa thể thấy được tính khả thi, hãy viết tất cả ý tưởng lên giấy.
Khi đã có danh sách lựa chọn, bạn có thể chuyển sang bước tiếp theo.
Bước 4: Lựa chọn nào phù hợp với bạn nhất bây giờ?
Rồi, bạn đã có danh sách lựa chọn và những việc có thể làm. Giờ là thời điểm để đào sâu hơn vào những khả năng đó.
Khi Max hoàn thành danh sách lựa chọn hứa hẹn cho sự nghiệp (bao gồm cả tiến bộ từ vị trí hiện tại), anh ấy đào sâu vào danh sách dựa trên những cơ hội thú vị và hấp dẫn nhất. Sau đó chúng tôi tìm hiểu kĩ hơn mỗi cơ hội đó.
Một cách hay để làm việc đó là nhìn trước cuộc đời "nếu như" bạn ở trong vai trò/hoàn cảnh/mối quan hệ/lựa chọn mới đó.
Max tưởng tượng cuộc sống của mình với sự nghiệp mới. Trước tiên, anh tưởng tượng mình là một nhân viên của REI. Đúng, anh để râu và đang uống bằng một chiếc cốc kim loại.
Nhưng câu hỏi tiếp theo thậm chí còn quan trọng hơn. Tôi hỏi anh cảm thấy như thế nào. Anh ấy nói anh thích những công việc ngoài trời hơn, và anh nhận ra vị trí đó không làm anh thỏa mãn. Anh ấy nhận ra mình không hứng thú.
Chúng tôi rà soát tất cả những lựa chọn, nhìn trước cuộc sống sẽ ra sao với mỗi lựa chọn đó cho đến khi anh ấy tìm được một điều phù hợp nhất.
Đến lượt bạn:
Quay lại danh sách những lựa chọn và khoanh vào 1-3 việc mà bạn cảm thấy phù hợp, nhiệt huyết hay hứng thú. Bạn sẽ muốn chắc chắn những lựa chọn đó phù hợp với những gì bạn muốn (câu hỏi 1) và bạn là ai (câu hỏi 2).
Khi bạn đã có một danh sách ngắn, hãy tưởng tượng cuộc sống của bạn trong những lựa chọn đó ở bước tiếp theo. Bạn sẽ nghĩ, cảm thấy, nghe thấy và nhìn thấy điều gì? Bạn có thể vẽ ra bức tranh của mình không? Bạn có cảm thấy tốt đẹp không? Bạn có thể nghiên cứu từ đó và hiểu rõ hơn mỗi lựa chọn.
Sau đó, chọn lọc những thông tin và ý tưởng của những lựa chọn tốt nhất cho bạn, rồi chuyển sang câu hỏi tiếp theo.
Bước 5: Điều gì cản trở bạn?
Đây là một vấn đề lớn. Sau khi đã hiểu rõ sự lựa chọn của mình, bạn có thể sẽ gặp những rào cản.
Có thể bạn sẽ lo sợ hay có ít niềm tin về những gì bạn có thể hay không thể hay những điều mọi người nói bạn có khả năng làm. Có thể bạn thiếu sự đề cao bản thân hay sự tự tin. Khi những vấn đề đó đến, không có nghĩa là lựa chọn của bạn sai, chỉ là bạn cần nghĩ sâu thêm và tìm hiểu những thứ đang diễn ra. Tìm ra những điều cản trở trên con đường của bạn là rất quan trọng.
Đối với Max, anh ấy bị kìm lại bởi một khoảng thời gian dài tin tưởng rằng anh không đủ năng lực - rằng anh không có khả năng tiến đến nấc thang sự nghiệp cao hơn, ở một vị trí nhiều thách thức hơn. Điều đó đã kìm hãm anh ấy. Chúng tôi làm việc cùng nhau cho đến khi anh ấy rũ bỏ suy nghĩ đó và sẵn sàng bước bước tiếp theo.
Đến lượt bạn:
Nghĩ về những thứ trên con đường của bạn hay cản trở bạn tiến bước. Một lần nữa, đừng dừng lại ở ngay câu trả lời đầu tiên. Tự hỏi bản thân, "còn gì nữa?" cho đến khi bạn nhận ra điều cản bước bạn.
Và giờ là lúc chuyển sang câu hỏi cuối cùng.
Bước 6: Bạn có thể làm gì để tiến lên?
Bạn đã đào sâu và tìm hiểu kĩ những lựa chọn của bạn và giờ là lúc hành động. Tôi biết đây là phần khó khăn.
Điều gì xảy ra nếu nó không đúng? Điều gì xảy ra nếu còn những thứ khác ngoài kia? Điều gì xảy ra nếu đây là quyết định tồi tệ nhất của tôi? Arrgghh!
Đó đều là những câu hỏi thực tế và hữu dụng, nhưng không nếu chúng ngăn cản bạn tiến đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nếu bạn cảm thấy lưỡng lự khi tiến thêm bước nữa, hãy để tôi đưa ra những cách nhìn khác về nó cho bạn.
Nếu bạn không hạnh phúc với vị trí của mình bây giờ , còn điều gì nguy hiểm hơn? Đứng ở nơi mà bạn không lo sợ khi làm sai HAY tiến lên và xem nó sẽ dẫn bạn tới đâu? Sẽ tốt hơn nếu như tiến tàu lên thay vì chờ nó dần chìm xuống, phải không? (Thà tỏa sáng rồi vụt tắt, còn hơn le lói suốt trăm năm, phải chứ?)
Khi bạn đã quyết định, đã đến lúc hành động. Bước đầu tiên là gì? Hãy nắm lấy nó.
Hãy đặt ra một giới hạn thời gian, một kế hoạch hay một mục tiêu và thực hiện nó thì bạn có thể biến lí tưởng thành hiện thực.
Đến lượt bạn:
Quyết định xem lựa chọn nào là tốt nhất cho bạn để tiến vào cuộc sống mà bạn mong muốn. Sau đó, đặt bước chân đầu tiên đi theo lựa chọn đó. Rồi đến bước tiếp theo và bước tiếp theo nữa.
Vậy, BẠN đang làm gì với cuộc sống của mình?
Chỉ một việc rất nhỏ là bạn tự hỏi bản thân bạn đang làm gì với cuộc cũng chính là bước theo hướng đúng. Một người tư vấn tâm lí luôn luôn nói rằng, nhận thức được vấn đề là giải quyết được 90% vấn đề đó. Bạn biết là bạn cần phải làm điều gì.
Bây giờ, nếu bạn đang nghiêm túc với việc tiến tới, đã đến lúc dành thời gian làm nên những tác động và trả lời các câu hỏi trên. Sau đó, giống như Sabine và Max, hãy sẵn sàng để hành động - tiến đến một tương lai tốt đẹp hơn - kể cả khi bạn không biết chính xác nó sẽ ra sao.
Dũng cảm lên. Bạn sẽ làm được. Chưa quá muộn đâu. Đây là cuộc sống của bạn, và, đúng, nó có thể giống như tất cả những gì bạn tưởng tượng.
Nguồn ảnh bìa: Unsplash từ unsplash.com