Khi bạn gặp vấn đề hay có mâu thuẫn với một đối thủ trong công việc kinh doanh, một người thân có ý ganh đua trong chính gia đình mình, hay chỉ là một người bạn đáng ghét mà bạn nghĩ là đang lừa dối mình, thì mối quan tâm lớn nhất của bạn luôn là việc tìm ra chính xác người đó hiểu biết nhiều đến đâu. Nếu bạn muốn biết mình đang phải đối phó với một người như thế nào, thì bạn cần phải tìm hiểu được vốn kiến thức và những năng lực thật sự của người đó đã.
Ví dụ như, nếu bạn đang theo đuổi một cơ hội thăng tiến lớn trong công việc, nhưng đồng nghiệp của bạn cũng để mắt đến vị trí đó, thì sẽ là rất tốt nếu bạn cố gắng tìm hiểu xem người đó biết gì về chức vụ kia, và liệu họ đã thực sự có kế hoạch hành động và muốn giành lấy nó hay không.
Hoặc giả sử là bạn đang nghi ngờ "người ấy" đang lừa gạt mình. Để tìm ra sự thật, bạn tìm gặp và nói chuyện với người bạn thân nhất của người ấy, mà bạn cho là người bạn này đang che đậy sự gian dối. Người bạn đó nói rằng họ chẳng rõ người ấy có lừa gạt bạn hay không, và họ không biết gì cả.
Đó chính là vấn đề - làm thế nào bạn biết được người bạn đó có đang giả ngốc hay không?
Giả Ngốc Thường Là Một Chiến Lược Tuyệt Hay
Nói thẳng ra là, việc giả ngốc sẽ cực kì có hiệu quả khi bạn đang cố đánh lạc hướng một ai đó. Khi phải đối phó với người khác thì bạn sẽ có thể giành được lợi thế nếu người đó đánh giá bạn thấp hơn thực tế. Họ sẽ lơ là cảnh giác, và thậm chí có thể sẽ tiết lộ cho bạn những thông tin có giá trị nữa! Việc bạn giả vờ là mình không biết nhiều về tình hình đang xảy ra sẽ khuyến khích những người khác tự bộc lộ bản thân họ trước. Khi đó bạn có thể đánh giá được tính cách và các kĩ năng giao tiếp thật sự của họ.
Ví dụ như, giả sử bạn là một người bán hàng và đang cạnh tranh với một thành viên khác trong phòng ban của mình để có được một khoản thưởng cuối năm. Việc bạn giả vờ không thực sự quan tâm đến khoản thưởng đó và cư xử như thể bạn không tự tin về khả năng bán hàng của mình có thể sẽ khuyến khích đối thủ kia trở nên tự tin quá lố. Thậm chí người đó có thể sẽ lảm nhảm về những mánh khóe đại tài mà mình đã dùng để biến những khách hàng lúc đầu vốn lạnh nhạt với sản phẩm của mình trở thành nguồn sinh lợi nhuận. Khỏi phải nói, trong tình huống này bạn sẽ chiếm được lợi thế cực lớn so với đối thủ!
Việc bạn giả vờ là mình kém thông minh hơn so với thực tế cũng sẽ giúp bạn được lòng mọi người hơn. Một người thông minh thường sẽ khiến những người khác đố kị, nên tốt nhất là bạn cứ khẳng định rằng mình đã đạt được thành công chỉ hoàn toàn là nhờ làm việc cần mẫn, một chút may mắn, hoặc là kết hợp cả hai điều đó.[1]
Mặc dù những người thông minh thường có đủ khả năng để đảm nhận và hoàn thành nhiều công việc một cách xuất sắc, nhưng họ cũng có thể phải chịu sức ép từ những kì vọng quá lớn được đặt lên mình. Chẳng hạn như, nếu bạn nổi tiếng là một người thạo việc thì có khả năng là bạn sẽ lại được giao thêm nhiều việc nữa để làm. Việc giả ngốc có thể sẽ giúp ích cho bạn vì các sếp sẽ không kì vọng nhiều vào bạn nữa! Những người thông minh nhất đều biết rằng việc thể hiện hết năng lực thật sự của mình ra ngoài không phải lúc nào cũng là điều tốt nên làm.
Làm Thế Nào Để Biết Một Người Đang Giả Ngốc?
Tất nhiên, một người mà bạn thấy có vẻ như đang giả ngốc thực ra cũng có thể là, đúng vậy, ngốc thật. Vậy làm thế nào để bạn nhận ra được sự khác nhau?
Gợi ý đầu tiên là: người đang giả ngốc sẽ rất muốn để cho những người khác nói nhiều
Điều đó sẽ giúp họ có thể đánh giá mức độ hiểu biết thật sự của các đối thủ cạnh tranh. Họ cũng sẽ nhẹ nhàng "khích tướng" những người khác để có thêm được thông tin.
Chẳng hạn như, giả sử có một người phụ nữ phát hiện ra bằng chứng cho thấy chồng mình ngoại tình, và quyết định đối chất với anh ta. Cô đã thấy bức ảnh của một người phụ nữ khác trong ví của chồng, và bạn của cô cũng nói rằng chồng cô đã bị trông thấy đi ra khỏi một quán rượu tại địa phương cùng với chính người phụ nữ trong ảnh đó.
Trong tình huống này, nếu người chồng khôn ngoan thì anh ta sẽ giả ngốc bằng việc khẳng định rằng mình chẳng làm gì sai trái cả, và hỏi vợ mình là điều gì đã khiến cô kết luận như vậy. Cách tiếp cận này sẽ cho phép anh ta khám phá ra được vợ mình đã biết những gì rồi, và việc đó lại giúp anh ta ra quyết định - liệu anh có thể thoát tội nói dối vợ, hay cô có bằng chứng không thể chối cãi cho thấy anh đã không chung thủy?
Anh ta cũng có thể dùng một chiến thuật khác là hỏi những câu ngốc nghếch để khiến người vợ đánh giá thấp mình. Chẳng hạn anh ta có thể hỏi một câu như "Em nghĩ tại sao anh lại có ảnh của cô ấy?" khi bị hỏi về bức ảnh trong ví. Tuy nhiên những người thông minh đôi lúc lại làm trò này quá lố, tức là những câu hỏi của họ hơi ngốc nghếch quá mức. Đó là một dấu hiệu "báo động đỏ" cho thấy họ đang cố tỏ ra ngu dốt giả tạo.
Một người thông minh nhưng đang giả ngốc sẽ từ từ dẫn bạn về lại quan điểm của họ
Họ thường hùng hồn tỏ ra đồng cảm với quan điểm của bạn, rồi sau đó lại từ từ khiến cho bạn tin rằng cách nhìn nhận của bạn là sai lầm. Đến cuối cuộc đối thoại, có thể bạn sẽ nhận ra là mình đã thuận theo hướng của họ rồi. Ví dụ như một đồng nghiệp mà bạn nghi ngờ là đã lấy trộm các vật dụng trong văn phòng có thể sẽ gật đầu chắc nịch để thể hiện sự đồng ý rõ ràng khi bạn nhắc lại những lời than phiền về việc mất đồ mà bạn đã nghe được, người đó sẽ hỏi vài câu ngốc nghếch (kiểu như "Cái chặn giấy của cậu à? Mình còn chẳng biết là chúng ta có dùng thứ đó trong văn phòng này nữa cơ!"), rồi anh ta sẽ hành xử một cách sốt sắng đến mức rốt cuộc sẽ khiến bạn đồng ý với anh ta - chẳng đời nào người đó lại có thể lấy trộm của bạn được, phải không?
Cuối cùng, hãy để ý đến thái độ trung dung và sự linh hoạt "lươn lẹo" của người đó
Những người giả ngốc sẽ cẩn thận "giữ bài" rất kín. Việc để lộ những ý thích và thiên hướng ủng hộ thật sự của mình dành cho các lãnh đạo có thể sẽ giúp các đối thủ của họ có được những thông tin để chống lại họ sau này.[2]
Hãy Giả Ngốc Để Hiểu Rõ Những Kẻ Ngốc Giả
Để tiếp cận gần hơn với những kẻ giả ngốc và hiểu rõ ý đồ thật của họ, bạn hãy giả ngốc luôn. Người ta gọi đó là "lấy độc trị độc".
Mặc dù việc giả ngốc là không dễ dàng nhưng sau đây là vài kĩ thuật có thể sẽ mang lại kết quả cho bạn.
Đừng bao giờ làm trò này quá lố
Đừng giả vờ tỏ ra ngu dốt hay ngốc nghếch hơn thực tế một cách quá thường xuyên, nếu không mọi người sẽ nghĩ rằng bạn đúng là "không có não" thật, hoặc đang cố tình mưu đồ để thao túng họ. Bạn cũng không bao giờ nên kể với ai là mình đang dùng chiến thuật này, bởi người đó có thể sẽ chẳng còn tin tưởng bạn hoàn toàn về sau này nữa.
Hãy khôn khéo chọn đúng thời điểm để "diễn"
Hãy chỉ giả ngốc khi việc đó giúp bạn có được những thông tin giá trị. Ví dụ như nếu bạn giả vờ là mình mù tịt về chuyện "chính trị" của cơ quan, thì những người khác sẽ bắt đầu tin tưởng và kể lể cho bạn nghe về vấn đề đó. Điều này sẽ giúp bạn có được những thông tin hữu ích về tất cả những nhân vật chủ chốt trong công ty.[3]
Việc giả ngốc có thể cho bạn một cơ hội quý giá để hỏi những câu mà bình thường bị xem là thô lỗ hoặc vô duyên. Chẳng hạn như, giả sử người quản lí của bạn đã dốc hết ngân quỹ của phòng ban vào việc đào tạo công nghệ thông tin một cách vô nghĩa, và kết quả là ngân quỹ bị thâm hụt.
Thay vì hỏi thẳng người đó và yêu cầu giải thích rõ ràng về lí do khiến anh ta cảm thấy cần phải chi tiêu quá trớn như vậy, và số tiền chính xác đã bị chi ra là bao nhiêu, thì bạn có thể hỏi anh ta là ngân quỹ của phòng ban được cân nhắc phân bổ như thế nào. Sau đó bạn có thể yêu cầu anh ta hãy giải thích rõ cho bạn về những bản kê khai thu chi gần đây của phòng ban để bạn có thể nhìn thấy một ví dụ về hoạt động của ngân quỹ trong thực tế. Khi bạn tỏ ra nhiệt tình và hăng hái học hỏi thì mọi người sẽ chẳng nghi ngờ gì về động cơ của bạn đâu.
Hãy tập luyện để giữ gương mặt "lạnh như tiền"
Nếu bạn đang cố tình hỏi những câu ngốc nghếch hoặc đang giả vờ tỏ ra kém thông minh hơn nhiều so với con người thật của mình, thì bạn rất dễ sa vào việc nở một nụ cười tự mãn. Đừng làm vậy, nếu không cả màn kịch sẽ đổ sông đổ biển hết đấy. Nếu cần thiết thì hãy tập luyện để giữ được bộ mặt thẳng đơ kể cả khi gặp phải một tình huống vui nhộn gây cười đi nữa.[4]
Hãy Cứ Tiến Lên Và Giả Ngốc Đi
Như bạn có thể thấy, những người nào biết cách giả ngốc và biết cách phát hiện người khác đang giả ngốc sẽ chiếm được thế thượng phong. Khi bạn đã học được cách tiết chế trí thông minh của mình lại, thì những người khác sẽ tin tưởng bạn nhiều hơn. Còn khi bạn có thể phát hiện được đồng nghiệp, bạn bè và người thân của mình đang áp dụng chiến thuật này thì bạn sẽ có thể sớm nhận ra mỗi khi họ có toan tính với một động cơ sâu kín nào đó. Lần tới đây khi bạn cần có chút thông tin từ người khác, hãy thử giả ngốc một tí xem sao. Kết quả nhận được sẽ khiến bạn bất ngờ đấy.