9 tháng trước
Làm Thế Nào Để Phát Hiện Được Những Lời "Nói Nhảm" Bịp Bợm
503

6125
Lượt xem
25
Lượt chia sẻ
7
Lượt bình luận

Lần gần đây nhất mà bạn nói dối là khi nào? Dù có muốn thừa nhận hay không thì tất cả chúng ta vẫn gắn mình với sự giả dối thường ngày. Trên thực tế, nghiên cứu đã cho thấy rằng trong một ngày bình thường, một người Mĩ trưởng thành nói dối trung bình một hoặc hai câu.[1] Chúng ta có thể nói dối để tránh sự chỉ trích, tránh bị phản bác hoặc tránh gặp thua thiệt trong công việc hoặc trong đời sống cá nhân của mình. Tuy nhiên có một vài lời nói dối lại đặc biệt nguy hại hơn. Chúng là những màn "nói nhảm" bịa đặt có chủ ý với mục đích làm hại hoặc thao túng hành vi của người nghe. Nói cách khác, người ta có thể nói rặt những điều nhảm nhí để giành được quyền kiểm soát người khác. Vì lợi ích của bản thân bạn, việc học cách phát hiện những lời như vậy là vô cùng quan trọng đấy.

Tại sao người ta lại "nói nhảm"?

Hầu hết mọi người "nói nhảm" hoàn toàn là để tư lợi cá nhân. Họ có thể nói dối để bảo vệ hình ảnh của mình, ví dụ như khi họ phủ nhận việc mình đã vi phạm một luật lệ hoặc phá vỡ một quy tắc xã hội nào đó. Một nguyên nhân cũng thường gặp khiến những người nói dối thực hiện màn lừa gạt là để bảo vệ một thứ hoặc một người nào đó mà họ muốn có hoặc coi trọng, hoặc để né tránh một hình phạt mà họ sẽ phải chịu nếu có ai đó phát hiện ra sự thật. Bạn có thể nghĩ về điều này kiểu như lời nói chính là một bộ áo giáp vậy. Kẻ nói dối có thể nấp phía sau nó, và qua thời gian hắn thậm chí có thể dựng nên một "nhân cách" hoàn toàn giả tạo.


Không may là, khi việc nói dối đem lại hiệu quả thì người ta sẽ dễ lặp lại hành vi đó trong tương lai hơn. Điều này dẫn tới hình thành một sự xa cách giữa họ và những người khác, làm tổn hại các mối quan hệ của họ. Lời nói dối cũng có thể trực tiếp làm hại người khác. Ví dụ như khi một người cố gắng "phủi tay" và đổ lỗi lên người khác hoặc lan truyền những câu chuyện "buôn" hiểm độc hay tin vịt, thì các mối quan hệ của người khác có thể bị hủy hoại, và danh tiếng của mọi người sụp đổ chỉ ngày một ngày hai.


May mắn là một khi đã hiểu được cách phát hiện lời "nói nhảm", bạn sẽ có thể bảo vệ bản thân mình trước chúng.

Hãy "giải giới" những lời nói nhảm

Bạn nên chủ động chuẩn bị tinh thần là mọi người sẽ suốt ngày nói ra những điều vớ vẩn, và nên chấp nhận sự thật rằng họ sẽ nói dối bạn. Khi một người nói với bạn một điều gì đó nghe không được đúng cho lắm, thì hãy đảm bảo là bạn sẽ tiếp tục điều tra thêm để làm rõ.


Những câu hỏi là vũ khí tốt nhất của bạn để chống lại lời "nói nhảm"

Khi có một điều gì đó không hợp lí, hãy đặt ra vài câu hỏi thăm dò cho người đã nói ra nó. Những câu hỏi như "Tại sao cậu lại nghĩ thế?" hoặc "Cậu có thể giải thích về lập luận của cậu cho điều đó không?" và "Bằng chứng của cậu để ủng hộ cho quan điểm đó là gì?" sẽ buộc người đó phải bịa ra các chi tiết, và rốt cuộc họ sẽ bị lật tẩy khi câu chuyện của họ nghe không hợp lí. Nếu người đó cố áp đặt một số liệu thống kê hoặc một "sự thật" cho bạn, hãy bảo họ dẫn nguồn ra. Nếu họ không thể cho bạn một đường dẫn đáng tin cậy đến một nguồn thông tin tốt thì nhiều khả năng là họ đã tìm phải thông tin sai lệch, hoặc đang "nói nhảm" để "nâng tầm" ý đồ bịp bợm của mình lên.

Một dấu hiệu khác cho thấy một người đang "nói nhảm" là sự do dự miễn cưỡng khi phải thảo luận sâu hơn về vấn đề, bởi họ biết mình sẽ bị lật tẩy nếu bạn cứ tiếp tục đặt ra các câu hỏi. Ví dụ như, nếu một người tranh luận rằng tình trạng dư thừa nhân lực trong một công ty là điều "không thể tránh khỏi", nhưng rồi người đó lại có vẻ lảng tránh khi được yêu cầu phác thảo quy trình ra quyết định đã dẫn tới kết quả đó, thì có khả năng là đã xảy ra sai sót gì đó, và người đó chỉ đang che đậy sự yếu kém của mình mà thôi.

Những thuật ngữ chính là dấu hiệu "báo động đỏ"

Đôi khi chúng ta phải dùng tới các thuật ngữ để tranh luận. Ví dụ như các thuật ngữ y học sẽ bật ra trong cuộc đối thoại giữa bác sĩ và y tá. Tuy nhiên những từ phức tạp quá mức và những thuật ngữ được trau chuốt đến độ không cần thiết lại thường được dùng để che đậy lời nói dối hoặc bóp méo sự thật đi. Đừng để ai "lên mặt" và khiến bạn tự thấy mình ngốc nghếch như vậy. Nếu bạn không hiểu chỗ nào đó, hãy liên tục đặt ra những câu hỏi giúp làm sáng tỏ, cho đến khi người kia cô đọng lại thông điệp của họ bằng ngôn ngữ "bình dân" thuần túy. Nếu họ không thể hoặc cố tình không làm như vậy thì bạn nên xem xét tới khả năng là họ đang cố gắng lừa gạt bạn mà thôi.

Hãy kéo thêm một bên thứ ba vào, nếu có thể, và tốt nhất là chọn một người có hiểu biết căn bản về lĩnh vực đó. Họ sẽ có thể cho bạn biết rằng những thuật ngữ bạn nghe thấy chỉ đơn thuần là từ chuyên môn hay hoàn toàn là phương tiện để "nói nhảm".

Sau đây là hai ví dụ về cách mà một người có thể dùng các thuật ngữ để che đậy sự thật:

“Chúng ta đang nỗ lực suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn mẫu và trải qua một quá trình tái cấu trúc công ty rộng khắp, quá trình sẽ tạo thuận lợi cho sự cộng tác mang tính liên hệ kết nối đầy năng động của hai phòng ban lớn nhất của chúng ta."

Theo ngôn ngữ bình dân thuần túy, câu này có nghĩa là công ty đang dùng một cách tiếp cận mới ("việc suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn mẫu") bằng cách sa thải bớt nhân viên ("tái cấu trúc công ty rộng khắp") và hợp nhất hai phòng ban với nhau ("sự cộng tác mang tính liên hệ kết nối đầy năng động").

Kiểu "nói nhảm" này được dùng để làm rối trí mọi người và ngăn họ đặt ra các câu hỏi chạm đến mấu chốt thực sự của vấn đề, ví dụ như toàn bộ câu chuyện đằng sau những sự thay đổi đó, và nó sẽ có ý nghĩa thế nào đối với những người đang có nguy cơ bị mất việc.

Nếu mọi cách trên đều thất bại, hãy để thời gian tự trả lời

Thời gian không chỉ chữa lành mọi vết thương, mà thường thì nó còn có thể vạch trần mọi lời "nói nhảm". Nếu một người nào đó nói dối trắng trợn, thì sớm muộn gì sự thật cũng lộ ra mà thôi. Chẳng hạn như một người vợ có thể phủ nhận việc mình ngoại tình, nhưng nhiều khả năng là cuối cùng cô ta cũng sẽ bị "tóm". Trong bối cảnh kinh doanh, một người quản lí có thể xác nhận rằng mọi việc vẫn đang ổn thỏa trong nhóm của mình, nhưng một ngày nào đó có thể anh ta sẽ nổi cáu và nói với những đồng nghiệp dưới quyền đúng những điều mà anh ta thật sự nghĩ về họ!

Nếu một người khẳng định chắc nịch rằng quan điểm của họ về một vấn đề nào đó là đúng, thì điều đó nên xác thực được bằng những nguồn thông tin khác. Tùy vào từng tình huống, nguồn đó có thể là bạn bè chung của hai bên, đồng nghiệp, những nguồn tin tức, kinh nghiệm cá nhân của bạn, và chứng cứ khoa học nữa. Đừng e ngại việc đối đầu với người đó bằng những chứng cứ làm hạ bệ vị thế của họ, nếu bạn có thể.

"Đừng nói nhảm nữa"

Lần tới, khi bản năng trực giác của bạn bắt đầu lên tiếng mách bảo, thì hãy thật tập trung chú ý vào điều mà ai đó đang nói cũng như cách họ nói. Nếu người đó đang nói thật thì họ sẽ chẳng ngại gì mà không trả lời những câu hỏi chính đáng hoặc giải thích những ý tưởng bằng các khái niệm dễ hiểu. Mặc dù sẽ chẳng dễ chịu gì khi nghĩ rằng hầu hết mọi người đều nói dối, ít nhất là lúc này lúc kia, nhưng ít nhất thì việc tự trang bị cho mình những công cụ cần thiết để phát hiện lời nói dối sẽ bảo vệ bạn khỏi những rắc rối khó chịu trong cả công việc và đời sống thường ngày.

Tài liệu tham khảo