Một nghiên cứu[1] được đăng trên trang web Trầm Cảm Và Lo Âu (Depression and Anxiety) đã phát hiện ra rằng những người sử dụng mạng xã hội sẽ dễ bị trầm cảm hơn. Đây chỉ là một trong số rất nhiều các nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa mạng xã hội và chứng trầm cảm[2]. Nhưng chính xác thì tại sao các nền tảng như Facebook và Instagram lại làm cho mọi người không hạnh phúc như vậy? Vâng, chúng ta vẫn chưa biết chắc chắn, nhưng có một vài cách giải thích cho điều này.
Mạng xã hội có thể dẫn tới chứng trầm cảm
Trầm cảm là một tình trạng y khoa nghiêm trọng, ảnh hưởng tới cách bạn suy nghĩ, cảm nhận và hành xử. Mạng xã hội có thể dẫn tới chứng trầm cảm ở những người có cơ địa dễ mắc phải, hoặc làm cho những triệu chứng sẵn có của chứng trầm cảm[3] trở nên tồi tệ hơn, theo lời giải thích[4] từ tác giả cấp cao của nghiên cứu nói trên, Tiến sĩ Brian Primack. Do đó vấn đề có lẽ không nằm ở bản thân mạng xã hội, mà là cách chúng ta sử dụng nó.
Những dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc "chứng trầm cảm mạng xã hội
Nếu bạn có cảm giác như mạng xã hội đang ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng của mình thì có lẽ là bạn đang mắc phải "chứng trầm cảm mạng xã hội". Hãy tìm những dấu hiệu như:
• tính tự tôn thấp,
• những lời tự nhủ tiêu cực với bản thân,
• tâm trạng xấu,
• tính cách khó chịu, dễ cáu gắt,
• thiếu quan tâm hứng thú đối với các hoạt động mà bạn từng yêu thích,
• và sự thu mình, tránh tiếp xúc với xã hội.
Nếu bạn có những triệu chứng này kéo dài hơn hai tuần và bạn cảm nhận được chúng trong hầu hết thời gian, thì có lẽ bạn đã bị trầm cảm rồi. Mặc dù "chứng trầm cảm mạng xã hội" không phải là một khái niệm được công nhận trong hệ thống y khoa, nhưng chứng trầm cảm mạng xã hội dường như là một hiện tượng có thật ảnh hưởng đến khoảng 50% số người sử dụng mạng xã hội. Như được giải thích trong một nghiên cứu hồi cứu[5] được đăng trên trang web Tâm Lý Học Trên Mạng, Hành Vi, Và Mạng Xã Hội (Cyberpsychology, Behavior, and Social Networking), nếu một người có cơ địa dễ mắc phải chứng trầm cảm và các rối loạn tâm thần khác, thì việc sử dụng mạng xã hội có lẽ sẽ chỉ làm cho tình trạng sức khỏe tâm thần của họ tồi tệ hơn mà thôi.
Mạng xã hội có thể hủy hoại tính tự tôn
Chúng ta biết rằng mạng xã hội và chứng trầm cảm có liên quan với nhau theo một cách nào đó, nhưng tại sao lại như vậy? Vâng, theo Tiến sĩ khoa học, bác sĩ Igor Pantic[6], thì việc sử dụng mạng xã hội sẽ làm sai lệch nhận thức của bạn về cuộc sống và các đặc tính của mọi người. Giải thích điều này rõ hơn là, hầu hết mọi người đều thích vẽ nên một hình ảnh lý tưởng về cuộc sống, đặc điểm cá nhân và ngoại hình của mình trên những trang như Facebook và Instagram. Nếu bạn lẫn lộn giữa hình ảnh lý tưởng hóa này với đời thực thì bạn có thể sẽ bị ấn tượng một cách sai lầm rằng mọi người đều tốt hơn mình, từ đó có thể hủy hoại lòng tự tôn của bạn và dẫn tới trầm cảm. Điều này đặc biệt đúng đối với các thiếu niên và người trẻ tuổi, vốn thường tự so sánh mình với người khác. Nếu bạn đã thiếu tính tự tôn từ trước rồi thì việc ảo tưởng rằng mọi người đều tốt hơn mình sẽ chỉ khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn mà thôi.
Mạng xã hội gây ra sự cô lập với xã hội và các cảm xúc tiêu cực khác
Một nguyên nhân khác thường được nêu lên để lý giải tác động tiêu cực của mạng xã hội đối với sức khỏe tâm thần là mối liên quan của nó với sự cô lập khỏi xã hội. Những người bị trầm cảm thường tự cô lập mình về mặt xã hội và chọn cách chỉ tương tác một cách gián tiếp thông qua các nền tảng mạng xã hội. Nhưng việc giao tiếp trên mạng thường chỉ hời hợt thoáng qua và không đầy đủ so với sự tương tác trong đời thực, theo lời giải thích của Panic. Điều này không có nghĩa là mạng xã hội dẫn tới sự cô lập, mà là ngược lại mới đúng, từ đó có thể giải thích tại sao chúng ta lại tìm thấy nhiều người bị trầm cảm đến thế trên những trang mạng này.
Cuối cùng, việc sử dụng mạng xã hội có thể tạo ra những cảm xúc tiêu cực trong bạn, chẳng hạn như đố kỵ, ghen tuông, không ưa, cô đơn, cùng nhiều thứ khác nữa, và điều này có thể làm các triệu chứng trầm cảm trở nên tệ hơn.
Tại sao chúng ta cần nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc
Cả chứng trầm cảm lẫn việc sử dụng mạng xã hội đều đang tăng lên, theo kết quả của các nghiên cứu dịch tễ học. Vì mỗi một trong hai hiện tượng này đều có tác động lên hiện tượng kia nên chúng ta phải bắt đầu nghĩ đến những cách sử dụng mạng xã hội lành mạnh hơn. Thiếu niên và những người trẻ tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương bởi những tác động tiêu cực của mạng xã hội đối với sức khỏe tâm thần.
Lời khuyên về việc sử dụng mạng xã hội
Mặc dù những nghiên cứu trên không đưa ra được bất kỳ lời giải thích nào mang tính nhân quả về mối liên quan giữa Facebook với chứng trầm cảm[7], nhưng chúng vẫn chứng minh được rằng việc sử dụng mạng xã hội không phải là cách tốt để xử lý chứng trầm cảm. Vì lý do đó, các trưởng nhóm tác giả của các nghiên cứu nói trên đã đưa ra vài đề xuất về cách mà các bác sĩ lâm sàng và mọi người có thể tận dụng các phát hiện như vậy.
Một gợi ý là, các bác sĩ lâm sàng nên hỏi bệnh nhân về thói quen sử dụng mạng xã hội của họ. Sau đó bác sĩ có thể khuyên họ làm thế nào để thay đổi cách nhìn nhận về việc sử dụng mạng xã hội, hoặc thậm chí đề nghị họ hạn chế thời gian sử dụng mạng xã hội.
Một số người dùng mạng xã hội cũng có thể biểu hiện các hành vi kiểu "nghiện"; họ dành quá nhiều thời gian cho nó do cảm giác thôi thúc ép buộc. Bất kỳ hành vi mang tính ép buộc nào cũng rất dễ dẫn tới cảm giác tội lỗi, từ đó có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng trầm cảm.
Việc có một mối quan hệ không lành mạnh với mạng xã hội
Nếu bạn cảm thấy mối quan hệ của mình với mạng xã hội là không lành mạnh thì hãy xem xét lời khuyên về việc sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh, được cung cấp bởi các chuyên gia tâm lý của trang Links Psychology (Tâm Lý Học Kết Nối)[8]:
Hãy tránh sự so sánh tiêu cực với xã hội – hãy luôn nhớ rằng những điều mà mọi người tô vẽ về bản thân họ và cuộc sống của họ trên mạng xã hội không phải là sự thật đâu, mà đúng hơn là một hình ảnh được lý tưởng hóa. Tương tự, hãy tránh so sánh mình với những người khác, bởi hành động đó có thể dẫn tới những lời tự nhủ tiêu cực với bản thân.
Hãy nhớ rằng mạng xã hội không phải là sự thay thế cho cuộc sống ngoài đời thực – Mạng xã hội là phương tiện tuyệt vời để giữ liên lạc và vui đùa, nhưng đừng bao giờ dùng nó để thay thế cho các tương tác ngoài đời thực.
Hãy tránh tiết lộ thông tin cá nhân – Vì sự an toàn và sự riêng tư của bạn, hãy đảm bảo là bạn sẽ cẩn thận với những thứ mà mình đăng lên trên mạng.
Hãy trình báo về những người dùng mạng xã hội có hành vi bắt nạt và quấy rối bạn – Rất dễ để làm một kẻ bắt nạt trong thế giới đầy xa lạ và ẩn danh của mạng xã hội. Đừng tự mình chịu đựng sự tấn công xâm hại đó, và hãy trình báo những người lạm dụng mạng xã hội để quấy rối người khác.
Những lời khuyên trên đây có thể giúp bạn thiết lập một mối quan hệ lành mạnh với mạng xã hội. Hãy luôn ghi nhớ những điều này để tránh đánh mất cái nhìn khách quan về bản chất của mạng xã hội và điểm khác biệt giữa nó với đời thực. Nếu bạn hiện đang mắc trầm cảm rồi, hãy nói với bác sĩ về những thứ đang khiến bạn buồn phiền, nhờ đó bạn có thể nhận được sự điều trị cần thiết để cải thiện tình hình. Hãy kể với bác sĩ về việc sử dụng mạng xã hội của mình, và xem bác sĩ có thể cho bạn vài lời khuyên về vấn đề này hay không.
Tài liệu tham khảo
[1] | ^ | NCBI: Mối Liên Quan Giữa Việc Sử Dụng Mạng Xã Hội Và Chứng Trầm Cảm Ở Những Người Mỹ Trẻ Tuổi |
[2] | ^ | ConsumerHealthDigest: Việc Sở Hữu Nhiều Tài Khoản Mạng Xã Hội Có Liên Quan Với Chứng Trầm Cảm |
[3] | ^ | ConsumerHealthDigest: Các Triệu Chứng Trầm Cảm - Chứng Trầm Cảm Có Thể Dẫn Tới Tự Sát Không? |
[4] | ^ | Sức Khỏe: Mối Liên Quan Phức Tạp Giữa Mạng Xã Hội Và Chứng Trầm Cảm |
[5] | ^ | NCBI: Việc Sử Dụng Mạng Xã Hội Trực Tuyến Và Sức Khỏe Tâm Thần |
[6] | ^ | NCBI: Việc Sử Dụng Mạng Xã Hội Trực Tuyến Và Sức Khỏe Tâm Thần |
[7] | ^ | ConsumerHealthDigest: Những Trải Nghiệm Xấu Trên Facebook Có Liên Quan Với Chứng Trầm Cảm |
[8] | ^ | Tâm Lý Học Kết Nối: Làm thế nào để tôi giữ cho việc sử dụng mạng xã hội của mình được lành mạnh? |