Chia tay thường khiến người ta đau khổ, đó là lý do tại sao lại có nhiều bài hát viết về những cuộc chia tay đến vậy.
Có phải lúc này bạn đang trải qua một cuộc tình chia tay đúng không? Tôi cá là bạn đang trải nghiệm một (hoặc nhiều hơn) trong những cảm xúc sau:
- Giận dữ với người cũ vì đã phụ lòng bạn.
- Cảm thấy tội lỗi vì đã làm tổn thương người đó.
- Lo lắng vì nghĩ mình đã phạm phải một sai lầm nào đó.
- Buồn chán vì bạn là kẻ thất bại.
- Ghen tuông vì có thể người đó đã có một ai khác.
- Lo sợ rằng mình sẽ không bao giờ tìm được tình yêu như vậy nữa.
- Chán ghét vì đã lãng phí thời gian để nghe lời xin lỗi của họ.
Khi chia tay vị hôn phu cũ, tôi đã trải qua gần như tất cả những cảm xúc ở trên. Có thể là một tuần lo lắng, rồi một tuần sau thì buồn chán. Còn bạn, bạn đang cảm thấy như thế nào?
Chìm đắm vào những vòng xoáy cảm xúc tiêu cực đó, bạn sẽ càng cảm thấy hối tiếc về những ngày đã qua với mối quan hệ cũ.
Nhưng điều đó có thể là một sai lầm. Bởi sự thật là, mỗi một mối quan hệ đều là một phần quan trọng để bạn trở nên trưởng thành hơn trong thế giới của tình yêu. Chúng giống như những lớp học để giúp bạn trở thành một “bậc thầy” trong tình yêu, và rồi một ngày nào đó, khi bạn đã tinh thông, bạn có thể tốt nghiệp và có một tình yêu thực thụ. Cũng giống như trong trường học, một số môn học thú vị hơn những môn khác và không ai lại thích những kỳ thi cuối khóa cả. Nhưng cuối cùng những trải nghiệm đó đều đáng giá cả.
Vì vậy, hãy tìm cách tránh những cảm xúc sau chia tay và khiến mình bận rộn hơn với việc tìm ra những bài học do mối quan hệ cũ mang lại.
1. Hạn chế tính xét nét của bạn
Hãy đối mặt với điều này, mỗi người trong chúng ta có những khía cạnh trong tính cách khiến chúng ta trở nên khó khăn mỗi khi hẹn hò. Với tôi, tôi có thể cảm thấy cực kỳ nghiêm trọng khi người yêu không làm một số việc theo cách của tôi. Và trong trường hợp bạn còn đang băn khoăn, thì bới lông tìm vết KHÔNG thể mang lại một mối quan hệ hạnh phúc. Cái kiểu hay chỉ trích phê bình của tôi đã đóng góp không nhỏ vào những lần thất bại trong chuyện tình cảm, cho đến khi tôi học được cách kiểm soát tình hình, và thay vào đó chấp nhận đối xử công bằng với nửa kia của mình. Tất nhiên là sẽ mất khá nhiều thời gian và đau đầu để rút ra được bài học như thế này, nhưng đó là bài học đáng giá để tôi có được một mối quan hệ tuyệt vời như hiện tại.
Vậy thì phần nào trong tính cách của bạn cần phải được sửa chữa để trở thành một người yêu tốt?
2. Học cách làm điều đúng trong tình yêu
Sau vài cốc bia tại một hội nghị khoa học, một giáo sư trong chương trình Tiến sĩ của tôi đã nói với tôi rằng, chỉ nên hẹn hò những người đàn ông đã từng trải qua một cuộc hôn nhân. Ông ấy cho rằng, cuộc hôn nhân đầu tiên chỉ ra cho bạn biết thế nào là hôn nhân, rồi sau đó bạn sẽ sẵn sàng để bước vào cuộc “hôn nhân thực sự” với người bạn đời thứ hai. Phải nói rằng tôi không đồng tình với lý thuyết này của giáo sư nhưng cũng phải công nhận rằng các mối quan hệ đều cần có thực hành. Giống như khi làm bánh lần đầu tiên, bạn có thể sẽ làm hỏng một vài lần trước khi tìm ra cách làm đúng. Một mối quan hệ không thành công là cách tốt nhất để hiểu ra vấn đề nằm ở đâu và làm thế nào để lần sau xây dựng được mối quan hệ tốt hơn.
3. Biết được bạn đang tìm kiếm điều gì
Hãy nghĩ về người đầu tiên mà bạn một lòng yêu họ. Bạn có nghĩ rằng bạn sẽ vẫn một lòng yêu họ nếu hôm nay bạn gặp lại họ không? Có thể câu trả lời sẽ là “không” và điều đó là rất tốt. Với mỗi một mối quan hệ thất bại, bạn sẽ học được một vài điều về bản thân mình và điều gì ở bạn đời là quan trọng đối với bạn.
Vậy bạn đã học được gì từ mối quan hệ trước đây?
4. Nhận ra nghi lễ cho thất bại của bạn
Với chúng ta, điều đáng ghét là trong cuộc sống sẽ có những thất bại. Bạn đã từng muốn một anh chàng dễ thương đến mời khiêu vũ nhưng anh ta đã không làm thế. Bạn ứng tuyển vào một công việc tuyệt vời nhưng không trúng tuyển. Bạn muốn ních vừa chiếc quần jean cỡ số 4 trong một buổi lễ kỷ niệm nhưng không được. Có một kỹ năng để vực bạn dậy sau những thất bại là hãy cố thử lại. Có một lời khuyên dành cho bạn là hãy tạo ra một “nghi lễ cho thất bại” để thực hiện bất cứ khi nào bạn gặp thất bại khi làm một việc gì đó. Nó có thể bao gồm cả những việc như là nghe những bài hát yêu thích nhất, gọi cho một người bạn đáng tin cậy, viết một bài điếu văn cho cái việc mà bạn vừa thất bại, hoặc dành ra một khoảng thời gian để phân tích mọi việc đã diễn ra như thế nào.
Vậy bạn sẽ làm gì để tạo ra nghi lễ cho thất bại của mình?
5. Học cách chỉ ra được sự khác biệt giữa thực tế và tưởng tượng
Một người bạn của tôi vừa mới trải qua một cuộc chia tay mà người bạn trai cũ của cô ấy được cô ấy tín ngưỡng như một tượng đài. Cô ấy thấy anh ta là người học rộng, thành công, thú vị và vui tính, đại loại là đủ lý do để khiến anh ta là một mẫu đàn ông hoàn hảo. Cô ấy bỏ qua những việc kém hoàn hảo mà anh ta đã làm như từ chối gặp gỡ gia đình cô, và không bao giờ thể hiện sự quan tâm tuyệt đối tới cô. Nhưng sau khi chia tay, cô đã nhìn rõ anh ta là người như thế nào: một người đàn ông đàng hoàng đơn giản là không phù hợp với cô. Hãy coi chia tay giống như là một hồi chuông cảnh tỉnh để giúp bạn hiểu được rằng bạn đã đánh lừa mình như thế nào và để bạn có thể bước vào một mối quan hệ tiếp theo với nhận thức chính chắn hơn.
Bạn định sống ở đâu trong thế giới tưởng tượng?
6. Hiểu rằng cuộc sống là vô thường và chấp nhận điều đó
Có thể bạn đã từng nghĩ rằng mối quan hệ này là mãi mãi, và rồi hiểu rằng hóa ra là không phải. Chuyện đó cũng bình thường thôi. Cuộc sống là vậy. Cái chết và những cuộc chia tay là những lời nhắc nhở bạn cần trân trọng những người mà bạn có trong cuộc sống hiện tại, vì bạn sẽ không bao giờ biết ngày mai sẽ ra sao.
Ai là người mà bạn đang chưa trân trọng?
Chia tay có thể gây đau khổ nhưng nếu so với tất cả những gì mà bạn học được từ đó, bạn sẽ thấy được giá trị của nó. Ngay khi bạn cảm thấy thoải mái, hãy bắt đầu phân tích mối quan hệ đã qua. Bạn đã học được điều gì? Điều gì là quý giá nhất?
Hãy ghi lại và chia sẻ!
Thân chào,
Samantha
Nguồn ảnh bìa: Un-married/Paul Moody từ flickr.com