Có một thực tế không ai có thể phủ nhận, đó là thật khó để có thể tìm được một người sinh viên gương mẫu luôn thích thú và tự giác học, tự làm bài tập mỗi ngày ... nếu thực sự họ có tồn tại. Mỗi người sẽ luôn luôn cần có một nguồn động lực thúc đẩy. Và bạn sẽ ngạc nhiên khi biết được rằng một nguồn cảm hứng sẽ giúp được gì cho bạn với cái tư tưởng "chậc chậc, mấy cái bài tập này toàn là mớ lý thuyết vô giá (trị)" của mình đấy.
Kể cả nếu bạn không nhận ra bất cứ lý do gì để làm bài tập, chắc chắn bạn vẫn biết là có một kết quả học tập tốt sẽ có lợi như thế nào. Vậy nên hãy đọc những mẹo nhỏ dưới đây và tìm hiểu xem làm sao để bạn trở thành một người sinh viên tích cực.
1. Thay đổi cách nhìn nhận
Bạn sẽ không thể xây dựng một nền tảng kiến thức và kỹ năng cho tương lai của bạn khi không làm bài tập, bất kể nó có vẻ vô nghĩa như thế nào. Dù cho những chủ đề đó chẳng khơi cho bạn một tí tẹo hứng thú nào cả thì nó vẫn quan trọng cho việc phát triển con người bạn về kiến thức nói chung.
Dù bạn không thích học đại số, thì có thể bạn vẫn sẽ hiểu tầm quan trọng của nó nếu như biết rằng đó là nền tảng cho việc học các môn về kinh tế, kinh doanh, khoa học và nhiều ngành khác nữa. Còn các bài tập về ngôn ngữ thì sao? Như tiếng Anh chẳng hạn. Bạn phải hiểu rằng đó là những kỹ năng thiết yếu mà bạn phải học được nếu muốn trở thành một người sinh viên thành công.
2. Trở thành "chuyên gia" một lĩnh vực nào đó
Không có sinh viên nào mà hoàn toàn thích tất cả các môn học. Điều bạn cần là tập trung hơn một chút vào những môn nào mà bạn thích và có thái độ thật nghiêm túc về việc đó. Biết đâu bạn có thể làm một trang blog liên quan đến lĩnh vực bạn thích và tự trở thành một "chuyên gia" về lĩnh vực đó. Đào sâu nghiên cứu hơn, tham gia tích cực hơn và tận hưởng sự thích thú khi bạn làm gì đó mà mình thích.
Tuy nhiên, đừng để việc đó làm bạn sao nhãng những việc phải làm khác nhé. Thực ra việc đó có thể giúp bạn cảm thấy bớt buồn chán với với những môn học mà bạn ít thích hơn. Hãy xem những môn học kia như là những "viên gạch bổ trợ" để xây nên con đường sự nghiệp của bạn.
3. Đừng ngại cạnh tranh
Đừng bao giờ mài mòn tinh thần cạnh tranh của mình. Thực ra, nó có thể giúp bạn trở nên siêng năng hơn và thấy hứng thú hơn khi làm bài tập cũng như khi đạt được một kết quả cao hơn những người khác.
Nhưng mà cạnh tranh không có nghĩa là bạn phải trở thành một người "khó ưa" trong lớp. Hãy thành lập nhóm với một hoặc hai người bạn nữa và động viên, giúp đỡ nhau nhau học tốt hơn trong tất cả các môn. Cạnh tranh lành mạnh có thể là một nguồn động lực rất mạnh, nếu bạn biết cách nhìn nhận đúng về nó.
4. Phần thưởng cũng là một nguồn động viên
Một dự án nghiên cứu khoa học lớn sẽ khiến bạn cảm thấy không đủ động lực để tiến hành. Bạn hãy lên một kế hoạch và chia nhỏ toàn bộ quá trình thành những bước nhỏ hơn. Đi từng bước một và có một mục tiêu rõ ràng, luôn tập trung và nhìn nhận vấn đề một cách bao quát.
Hãy nhớ đặt ra thời hạn (deadline) cho mỗi giai đoạn nhỏ và không quên tự thưởng cho bản thân một phần thưởng hoặc nghỉ xả hơi sau khi hoàn thành mỗi giai đoạn đó. Khi bạn tập trung vào những phần thưởng, bạn sẽ được kích thích để hoàn thành tốt mọi thứ.
5. Tìm kiếm sự hỗ trợ
Nếu như bạn không nhận được sự ủng hộ từ gia đình hay những người bạn, đừng nhụt chí bởi vì điều đó không có nghĩa là không ai quan tâm và hỗ trợ bạn.
Giáo viên của bạn chẳng hạn, sẽ luôn quan tâm cho dù bạn có học tập tốt hay không. Những người thầy luôn sẵn sàng để hỗ trợ sinh viên của mình, bởi vì thành công của những người làm giáo dục phụ thuộc vào những thành quả của sinh viên.
Nếu bạn cảm thấy gia đình hay bạn bè không ủng hộ bạn, hãy tham gia vào những diễn đàn về giáo dục và tìm những nguồn động viên mà bạn cần. Rất nhiều người sẽ ủng hộ bạn nếu bạn đủ mạnh mẽ để tin tưởng vào bản thân mình.
Kết luận: Nguồn cảm hứng là yếu tố quyết định cho sự thành công trong học tập của bạn
Điều này khá phổ biến với hầu hết sinh viên: họ không nhận ra là những kiến thức họ đang nhận được ở giảng đường có thể áp dụng được ở ngoài đời thực. Vậy nên họ coi bài tập về nhà là những nhiệm vụ bắt buộc và vô nghĩa, chẳng có tác dụng gì khác ngoài việc làm cho họ bị căng thẳng, lãng phí thời gian và hành hạ bộ não. Nếu đó là thái độ của bạn về việc làm bài, học bài thì nó hoàn toàn sai rồi.
Tất cả những gì mà bạn cần bây giờ là trang bị cho mình một cách nhìn nhận khác về việc học và bạn sẽ hiểu rằng việc học quan trọng như thế nào. Khi bạn học cách làm sao để tự tạo động lực cho bản thân thì những bài tập về nhà, việc tự học sẽ ngay lập tức trở nên quan trọng và ý nghĩa hơn trong mắt bạn.