Cho dù chúng ta có là một người hướng nội khó thay đổi hay một người hướng ngoại đến cực độ, thì sẽ luôn có những thời điểm lạ lùng và khó xử trong một cuộc trò chuyện, mà vào lúc đó ta khổ sở không biết phải nói gì.
Cảm giác hoảng loạn có thể sẽ xuất hiện khi chúng ta cố gắng đến mức tuyệt vọng nhằm tìm những từ ngữ thích hợp để nói, nhưng điều này thường sẽ tạo ra tình trạng "bí ý tưởng", không tìm ra được chủ đề phù hợp để nói.
Vậy chính xác thì tại sao điều này lại xảy ra? Vâng, nó có xu hướng xảy ra khi chúng ta không quá quen thuộc với một người hay một nhóm người nhất định. Khi bạn sa vào một cuộc trò chuyện trước khi tìm ra được những điểm chung, thì sẽ khó có thể giữ cho sự tương tác diễn ra một cách suôn sẻ và tự nhiên bởi vì chúng ta không hoàn toàn tự tin về những gì nên nói và không nên nói.
Làm thế nào để tiếp tục cuộc trò chuyện với những người mà bạn không quen thuộc?
Việc sở hữu một vài kỹ năng tốt để làm vốn là điều thiết yếu cho những thời điểm như vậy. Điều đó không chỉ giúp bạn về mặt xã hội, cho phép bạn tạo ra những nền tảng tốt hơn để xây dựng những mối quan hệ bạn bè tiềm năng, mà còn có ích trong những mối quan hệ liên quan tới chuyên môn nghề nghiệp, nơi mà sự kết nối làm việc với nhau là điều quan trọng.
Đừng đặt mục tiêu là mình phải trở nên thú vị
Nhiều người tin rằng khi mọi người muốn xây dựng một mối quan hệ nào đó, họ buộc phải thuyết phục được người khác thông qua những cuộc trò chuyện thú vị hay hài hước. Trên thực tế thì điều đó không hoàn toàn đúng. Sự tương tác không cần phải quá sâu sắc mới khiến cho nó có ý nghĩa. Đừng để mình bị cuốn theo niềm tin rằng những gì bạn nói là không đủ tốt - dù gì đi nữa thì hãy cứ nói ra.
Mọi người thường sẽ chẳng nhớ những điều đã được nói ra trong một cuộc trò chuyện bất kì nào đó, mà chỉ nhớ là có một sự tương tác đã diễn ra mà thôi. Đừng cố gắng để gây ấn tượng với người trò chuyện cùng bạn, hãy cứ là chính mình thôi.
Hãy để cho họ tự nói về mình bằng cách đặt ra những câu hỏi hay
Mọi người nói chung thường hay thích nói về chính bản thân mình. Không phải vì chúng ta tự cao tự đại, mà bởi vì đó là một chủ đề an toàn và là chủ đề mà rõ ràng là chúng ta hiểu biết nhất. Do đó nếu bạn đang phải vật lộn để suy nghĩ những điều cần nói, thì đơn giản là hãy đặt ra những câu hỏi hay.
Việc đặt những câu hỏi sẽ thể hiện mức độ quan tâm về mặt cá nhân và khiến cho người khác nghĩ rằng họ đang được quan tâm. Bạn có thể làm điều này bằng cách chú ý và quan sát người đó để tìm ra những manh mối. Ví dụ như nếu người đó trông cực kỳ mệt mỏi thì hãy hỏi là hôm qua họ đã làm những việc gì. Hay nếu họ có một món trang phục nhất định nào đó, thì hãy đề cập đến việc bạn cũng đang tìm mua món đồ tương tự và hãy hỏi xem họ mua nó ở đâu hoặc họ có thể gợi ý cho bạn chỗ để mua được nó hay không.
Điểm mấu chốt là hãy đặt ra các câu hỏi mở và khiến người đó nói chuyện, chứ không phải là những câu hỏi dẫn đến câu trả lời là có hoặc không. Điều này cho phép họ có thể giải thích chi tiết hơn, tiếp tục cuộc trò chuyện và giúp bạn tìm ra thêm các manh mối về tính cách của họ.
Hãy trò chuyện về chủ đề thức ăn
Điểm mấu chốt ở đây là hãy tìm ra những chủ đề mang tính phổ quát. Không phải tất cả mọi người đều biết về các tiến bộ công nghệ mới nhất hay về thời trang, nhưng bạn biết là tất cả mọi người đều có niềm đam mê, hay ít nhất là một ý kiến nào đó, về chủ đề ăn uống.
Nếu các bạn đang ăn cùng nhau thì cách dễ dàng là hãy bắt đầu cuộc nói chuyện bằng việc đơn giản là bình luận về đồ ăn. Hoặc là hãy mở rộng chủ đề ra bằng cách nói về các nền ẩm thực khác nhau hoặc các loại thức ăn khác mà bạn đã từng thử. Nếu bạn sắp có một bữa ăn sau đó thì việc hỏi hoặc đề xuất về những món mà mình nên ăn sẽ luôn là một chủ đề đem lại thành công đấy.
Tất cả nằm ở việc tìm ra điểm chung, và thức ăn là một chủ đề đơn giản và phổ quát đến mức hoàn hảo để bắt đầu thảo luận.
Diễn đạt lại những điều mà họ nói một cách đơn giản
Đôi khi các cuộc trò chuyện có thể phai nhạt dần nếu bạn không thể thực sự "bắt nhịp" với chủ đề mà họ đang nói tới. Nếu bạn có rất ít hiểu biết về vấn đề đó thì có thể sẽ khó để đóng góp ý kiến của mình vào, và sự im lặng khó xử có thể sẽ xảy đến.
Một kỹ thuật tốt trong trường hợp như vậy là hãy diễn đạt lại những điều mà người đó đã nói. Việc này không chỉ cho thấy là bạn có quan tâm và đang lắng nghe những điều họ đang nói, mà còn cho họ có cơ hội để chỉ ra những điểm khác biệt hoặc hào hứng kể thêm cho bạn vì thấy bạn có quan tâm đến vấn đề đó. Nếu một người đang mô tả công việc phức tạp của họ cho bạn nghe, hoặc một nghề nghiệp mà bạn không quen thuộc, thì họ có thể ý thức được rõ là bạn không hiểu biết nhiều về chủ đề đó. Bằng cách lặp lại những điều họ nói hoặc hỏi lại để rõ hơn, bạn sẽ tạo ra một cảm giác về sự quan tâm và thấu hiểu.
Hãy chia sẻ những điều nhỏ nhặt về chính bạn
Việc chia sẻ những điều về bản thân bạn có thể tạo cảm giác không tự nhiên đối với một số người - đặc biệt là những người hướng nội. Tuy nhiên việc chia sẻ những điều nhỏ nhặt, dù chúng chẳng đáng bận tâm đến đâu đi nữa, sẽ không chỉ thể hiện cho người kia thấy rằng bạn muốn họ biết về mình, mà đó còn là một cách dễ dàng để lấp đầy cuộc đối thoại.
Như đã đề cập ở trên, những điều được nói ra trong một cuộc đối thoại không phải là thứ mà mọi người sẽ thực sự nhớ đến. Người ta thường sẽ dễ ghi nhớ cảm giác về sự im lặng khó xử với bạn trong một cuộc đối thoại dường như vô nghĩa về chủ đề những thứ mà bạn đã ăn ngày hôm qua hay những món đồ tinh xảo mà bạn đã mua.
Ý tưởng ở đây là hãy tự tin bắt đầu thảo luận bất kỳ chủ đề nào. Nếu bạn có cảm thấy khó xử thì người kia cũng sẽ cực kỳ biết ơn vì những nỗ lực của bạn nhằm giữ cho cuộc đối thoại tiếp diễn, thế nên đừng bận tâm quá nhiều về việc mình trông sẽ ra sao khi nói ra những lời đó.
Việc "Biết Tuốt" không làm cho một người nào đó trở thành một người giỏi nói chuyện
Hãy luôn nhớ lấy điều này. Mặc dù việc sở hữu vốn kiến thức sâu rộng có thể giúp bạn dễ dàng hơn trong việc nói chuyện với nhiều kiểu người khác nhau, nhưng điều đó cũng không cần thiết đâu.
Những người "biết tuốt" thường có xu hướng lấn át trong các cuộc đối thoại, mà chúng ta đều biết điều đó sẽ làm cho người khác phải "câm lặng". Tốt hơn là bạn nên chuyển hướng vốn kiến thức đó của mình sang những mẹo trên đây và áp dụng những quy tắc cơ bản này vào các cuộc trò chuyện của mình. Hãy nhớ là bạn đang tìm kiếm sự trôi chảy và sự kết nối theo một cách đơn giản. Đừng suy nghĩ quá nhiều về nó.