3 tháng trước
Các Giai Đoạn Của Sự Chấp Nhận: Cách Để Đối Phó Với Nỗi Đau Buồn Và Mất Mát
931

15.2K
Lượt xem
98
Lượt chia sẻ
7
Lượt bình luận

Tại sao cùng với những trải nghiệm giống nhau mà ảnh hưởng, tác động của nó đến mỗi người lại rất khác nhau? Bạn có nhận thấy rằng có những người có thể trải qua được những tổn thương, thậm chí là những tổn thương rất đau đớn, nhưng lại có những người dần chìm vào vòng xoáy tối tăm? Từng là một đứa trẻ được chăm sóc thay thế bởi cha mẹ nuôi tạm thời (foster care), tôi cảm thấy như bị bế tắc và cô đơn vô cùng.

Tưởng tượng bạn đang bị kẹt trong bể nước sâu chứa đầy nước. Bạn bơi đứng trong đó rất lâu. Và bắt đầu thấm mệt. Bạn không chắc mình có thể giữ cho đầu nổi trên mặt nước được bao lâu. Bạn cố gắng nổi lên, tiết kiệm năng lượng và cầu nguyện sẽ có ai đó đi qua và cứu mình. Thời gian đằng đẵng trôi đi. Bạn sắp kiệt sức đến nơi rồi. Bạn ngụp lặn dưới nước, nín thở càng lâu càng tốt. Chẳng ai đến cứu bạn vì họ không để ý rằng bạn cần sự giúp đỡ. Tuyệt vọng, bạn cố gắng nổi lên, thở hổn hển, lại lặn xuống lần nữa. Bạn sắp không làm được như vậy nữa. Bạn đã mất hết hy vọng rồi. [1]

Mặc dù tôi cảm thấy đã mất hết hy vọng, không hiểu sao tôi vẫn còn chút hy vọng le lói. Tôi đã không chết đuối trong vô vọng. Em trai tôi mới là trường hợp đáng nói. Cậu bé bị mắc kẹt trong tuyệt vọng. Vậy thì tôi đã cố gắng như thế nào trong khi cậu bé thì không thể?

Dũng cảm trải qua những tổn thương

Chúng ta đã trải qua những gì sau một trải nghiệm đau buồn? Hãy cùng tìm hiểu điều này thông qua "5 Giai Đoạn Của Việc Chấp Nhận" (hay 5 Giai Đoạn Đau Buồn). Có nhiều kiểu "chấp nhận hoặc đau buồn" khác nhau, nhưng ở đây chúng ta sẽ chỉ tập trung vào một loại cụ thể, được đề xuất bởi nhà tâm thần học người Thụy Điển Elisabeth Kubler-Ross - mô hình của Kubler-Ross. [2]


Giai đoạn #1: Chối bỏ

Giai đoạn đầu tiên là chối bỏ. Sau khi gặp cú sốc từ việc trải qua một chấn động nào đó như sự ra đi của người thân yêu, bị lạm dụng thân thể, lạm dụng tình dục, hiếp dâm, gặp tai nạn nghiêm trọng hay những cựu chiến binh trong thời chiến từng bị đặt vào vô vàn tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", con người sẽ trải qua giai đoạn đầu tiên này.

Nếu bạn hay người thân từng trải qua một tình huống đau thương nào đó, rất có thể bạn đang ở trong một trong năm giai đoạn này. Để vượt qua được chuyện này, cần phải biết được bạn đang ở trong giai đoạn nào. Dưới đây là một vài dấu hiệu nhận biết của giai đoạn này: [3]

  • Bám víu lấy những điều không đúng sự thật.
  • Bỗng thấy cuộc đời trở nên vô nghĩa.
  • Cuộc sống không có ý nghĩa gì cả.

Ví dụ:

Hồi nhỏ tôi được gửi đến trung tâm chăm sóc tạm thời (khi bố mẹ ruột không thể nuôi được con). Em trai và tôi đã từ chối việc đến ở trung tâm đó. Chúng tôi tin rằng bố mẹ sẽ thay đổi và sẽ trở thành những ông bố bà mẹ tốt.

Tại sao giai đ​​​​​​​oạn này quan trọng

Phủ nhận giúp ta chuẩn bị tinh thần để trải qua nỗi đau mất mát. Đó là cách mà Chúa, hay Đức Phật dạy rằng chúng ta đã đạt tới cảnh giới mà ta có thể chịu đựng được.

Giai đoạn #2: Tức giận

Giai đoạn thứ hai là tức giận. Ta giận dữ, ta muốn đổ lỗi lên đầu ai đó. Dưới đây là một vài đặc điểm của giai đoạn này: [4]

  • Cần đổ lỗi cho ai đó.
  • Giận lây sang những người xung quanh.
  • Cảm thấy bị bỏ rơi.

Ví dụ:

Sau khi được đưa vào trung tâm chăm sóc tạm thời, tôi đã cực kỳ tức giận. Tôi đổ lỗi cho tất cả những ai mà tôi nghĩ đến. Tôi trách mẹ tôi, bố tôi, nhân viên của trung tâm, ông bà tôi, thậm chí là Chúa. (Giờ nghĩ lại) thật là hài hước, tôi nhớ tối hôm trước đã nguyền rủa Chúa và sáng hôm sau dậy ốm một trận thập tử nhất sinh... Phải chăng đó là một sự trùng hợp?

Tại sao giai đoạn này quan trọng

Khi nhận thấy được sự giận dữ của bản thân, thay vì kìm nén lại, hãy tìm cách để vượt qua nó. Bạn bị mắc kẹt dưới đáy hố, bế tắc không tìm thấy lối ra. Mỗi khi cảm thấy mình bắt đầu nổi giận, cứ như là có một sợi dây vô hình kéo bạn ra khỏi bờ vực đó.

Giai đoạn #3: Thương lượng

Giai đoạn thứ ba là thương lượng. Đó là khi bạn tin mình có thể tránh được vấn đề thông qua đàm phán. Một số dấu hiệu chỉ ra đó chính là giai đoạn này: [5]

  • Bạn tự nghi ngờ chính mình.
  • Bạn luôn nghĩ "nếu như", "giá mà".
  • Bạn bị mắc kẹt trong quá khứ.

Ví dụ:

Khi đã được nhận nuôi, tôi nhớ đã từng nói với bố mẹ ruột rằng tôi sẽ làm bất cứ thứ gì họ muốn hoặc là trở thành bất kỳ ai mà họ muốn, chỉ cần họ không uống rượu và dùng ma túy nữa.

Tại sao giai đoạn này quan trọng

Quan trọng là bạn phải nhận ra được khi mình ở giai đoạn này. Bạn bị mắc kẹt trong quá khứ, nhưng khá dễ để nhận ra nếu bạn đang ở giai đoạn này chỉ bằng việc chú ý tới những suy nghĩ và lời nói của bạn. Bạn sẽ thấy rằng mình sử dụng một chút... những kiểu câu như "nếu như", "giá mà".

Giai đoạn #4: Trầm cảm

Giai đoạn thứ tư là trầm cảm. Đây là giai đoạn đầy tăm tối khi bạn phải từ bỏ mọi thứ. Trầm cảm là giai đoạn nguy hiểm nhất, với những dấu hiệu sau:

  • Muốn từ bỏ cuộc sống.
  • Mang nỗi buồn vô hạn.
  • Có ý nghĩ tự tử.

Ví dụ:

Tôi có thể mường tượng lại nỗi buồn lớn lao thế nào khi tôi nhận ra rằng chẳng có gì có thể cứu vãn được bố mẹ tôi. Tôi đã trải qua cảm giác kinh khủng rằng một ngày nào đó bố mẹ tôi sẽ chết vì lối sống của họ. Buồn thay, bố tôi đã tự tử không lâu sau đó.

Tại sao giai đoạn này quan trọng

Giai đoạn này quan trọng vì nỗi buồn trong bạn giờ đây đã quá lớn, nó đau đớn tới mức không ai có thể tưởng tượng được. Cần phải hiểu rằng trầm cảm là phản ứng bình thường trước những chấn thương tâm lý.[6]

Giai đoạn #5: Chấp nhận

Giai đoạn thứ năm, và cũng là giai đoạn cuối cùng, chấp nhận. Giai đoạn này xảy ra khi bạn biết chấp nhận thực tế. Một số đặc điểm của giai đoạn này:

  • Bạn không còn bế tắc với quá khứ nữa.
  • Bạn bắt đầu yêu đời trở lại.
  • Bạn bắt đầu tạo những mối quan hệ mới.

Ví dụ:

Cuối cùng tôi cũng trải qua giai đoạn này khi tôi tự nhủ rằng tôi không thể thay đổi được điều gì. Tôi phải chuẩn bị tinh thần trước thực tế rằng gia đình tôi sẽ không còn trọn vẹn như trước nữa. Điều đó không vui vẻ chút nào, nhưng tôi đã học được cách chấp nhận.

Tại sao điều này quan trọng

Chấp nhận sự thật là bước quan trọng để hồi phục tinh thần. Ta không cần thiết phải yêu thích điều đó, chỉ cần chấp nhận và học cách chung sống với nó. Hãy nhớ rằng, chúng ta không thể học cách chấp nhận được nếu như ta không dành đủ thời gian cho từng giai đoạn.


Bạn không thể kiểm soát hết mọi thứ, nhưng bạn có thể kiểm soát được một số thứ

Khi rèn luyện tư duy phát triển, chúng ta nhận ra rằng mình có thể trở nên tốt đẹp hơn. Một tư duy phát triển sẽ giúp ta trở nên tích cực hơn ngay cả trong những tình huống khó khăn. Điều này được gọi là "sự phát triển hậu chấn thương" (PTG). Ta sẽ đi tìm ý nghĩa và mục đích sống, để thấy cuộc đời vẫn còn tươi đẹp nhường nào.

Dưới đây là một số cách giúp nuôi dưỡng tư duy phát triển:

  • Tin rằng bạn có thể trở nên tốt hơn.
  • Cố gắng học hỏi càng nhiều càng tốt - tin rằng bạn có thể làm được và sẽ trở nên thông thái hơn.
  • Đọc và nghe sách nói.
  • Tập thể dục và ăn thực phẩm giàu dinh dưỡng.
  • Nắm lấy những thử thách - tin rằng bạn có thể học được nhiều điều.
  • Coi những thất bại là những cơ hội để học hỏi.
  • Nỗ lực cố gắng thật nhiều để phát triển.
  • Chấp nhận những chỉ trích và rút ra bài học từ đó.
  • Tìm cảm hứng từ thành công của người khác - học hỏi từ họ.
  • Cùng hợp tác với người khác và khích lệ tinh thần phát triển của bản thân cũng như của người khác.
  • Hãy suy ngẫm nghiêm túc về những câu trên...

"Đừng bao giờ lãng phí một sự khủng hoảng tích cực.” – Winston Churchill

Hãy nhớ rằng, dù mọi chuyện có tồi tệ đến mức nào, vẫn luôn tồn tại những điều tốt đẹp trong đó

Khi tôi rèn luyện tư duy phát triển, tôi sớm nhận ra ý nghĩa của cuộc đời mình. Chẳng phải tìm đâu xa, nó vốn dĩ đã gắn liền với tôi từ rất lâu rồi. Người vợ xinh đẹp và cô con gái yêu dấu chính là mục đích sống của tôi... họ chính là ý nghĩa đời tôi.

Bạn cũng có thể dễ dàng tìm ra ý nghĩa của đời mình, chấp nhận thực tại dường như không thể chấp nhận được, và trưởng thành. Tất cả những gì bạn cần làm đó là biết chấp nhận thực tế!

Nguồn ảnh bìa: Stocksnap từ stocksnap.io

Tài liệu tham khảo