Nhiều người thành công trong đời nhờ vào chỉ số thông minh (IQ) của họ. Nhưng có một chỉ số dự báo thành công còn mạnh hơn nữa. Chúng ta đều biết những người thông minh nhưng ít thành công trong đời là vì họ không hòa nhập được với mọi người. Họ có chỉ số IQ cao nhưng chỉ số EQ (chỉ số cảm xúc) cực tệ. Tin tốt là bất kỳ ai cũng có thể học cách để cải thiện EQ trong khi IQ thì lại khá khó để thay đổi.
Tại sao bạn cần nâng cao EQ của mình? Bởi vì những người có chỉ số cảm xúc cao thành công hơn trong mọi lĩnh vực của đời sống: xã hội, cảm xúc, thể chất và tài chính. Họ thành công là do hầu như cuộc sống đều liên quan đến việc tương tác với người khác và những người có EQ cao luôn khiến mọi người hài lòng hơn khi giao tiếp với họ.
EQ không phải luôn dễ dàng thay đổi trong một ngày một bữa, nhưng với một chút nỗ lực, hầu như ai cũng có thể cải thiện chỉ số cảm xúc bằng việc huấn luyện, tự xem xét nội tâm và tiếp thu ý kiến của người khác. Một tin tốt nữa là EQ sẽ tăng tự nhiên theo tuổi tác, dù bạn không muốn cố ý tăng nó đi nữa.
Có 4 yếu tố làm trụ đỡ cho một người có cảm xúc tốt:
- Người có EQ cao là người biết tự nhận thức. Thay vì chỉ cảm nhận mà không hiểu căn cơ, họ có thể truy lại nguồn gốc của cảm xúc và xem xét chúng một cách lôgíc. Họ cũng tự nắm bắt được những điểm mạnh, điểm yếu một cách thực tế.
- Người có EQ cao tự quản lý họ. Họ có thể tự gò mình vào khuôn phép, khoan vội hài lòng, đáp ứng nhu cầu của người khác rồi mới cân bằng ước muốn của họ sao cho phù hợp. Họ cũng có thể đi giữa hai lằn ranh sáng tạo và kiên nhẫn. Họ quản lý tốt những thay đổi và cam kết tiếp tục theo đuổi.
- Người có EQ cao là người có nhận thức xã hội. Họ hiểu và "dò đúng đài" cảm xúc trong người khác và nhận biết những tín hiệu xã hội không lời. Họ cũng có thể thấy những sự tương tác giữa các cá nhân trong nhóm hoặc các tổ chức lớn hơn.
- Người có EQ cao rất giỏi về quản lý các mối quan hệ. Họ đối nhân xử thế giỏi, khơi nguồn cảm hứng và tác động đến mọi người theo cách tích cực, giao tiếp tốt và quản lý xung đột một cách chủ động.
Nói tóm lại, những người có EQ cao vẽ những cái vòng để bạn vào và làm cho bạn muốn đứng hoài trong những cái vòng của họ. Làm sao để bạn biết bạn có EQ cao? Có một cách là bạn hãy nhìn vào những điều mà người có chỉ số cảm xúc cao không làm.
1. Họ không phản ứng hấp tấp
Thay vì phản ứng, họ thảo ra những phương án giải quyết. Cuộc sống đầy rẫy những người bị stress. Mỗi người đều có những đấu trường của riêng mình. Tuy nhiên, những người có EQ cao học cách để phản ứng trong các tình huống ngặt nghèo một cách chủ động. Họ học cách bình tĩnh và thư giãn trong những hoàn cảnh mà những người có EQ thấp bắt đầu hoảng loạn và sợ hãi. Họ kiềm chế những khuynh hướng phản ứng cảm tính trong họ và kết nối với khả năng lý luận của họ để đối phó với những hoạt động quản lý căng thẳng.
Người có EQ cao biết không nên ra quyết định khi đang nóng giận, đau đớn, hay sợ hãi. Họ tự kiềm chế để đạt một trạng thái tâm lý tốt hơn rồi sẽ ra quyết định tốt hơn sau khi hồi tưởng về tình huống mà họ đã hạnh phúc.
2. Họ không tránh xa những kinh nghiệm, ý tưởng hay con người mới
Tôi không nói rằng những người có EQ cao không có niềm tin hay ý tưởng mạnh mẽ. Họ có chứ. Tuy nhiên, họ không ngại học thêm về những quan điểm khác hoặc thách thức niềm tin của mình. Họ rất cởi mở trong suy nghĩ chứ không cố chấp. Họ tò mò một cách thông thái. Họ thường có bạn ở khắp đầu đường cuối xóm. Họ luôn tìm kiếm những khả năng mới. Họ hiểu rằng họ không thể lúc nào cũng đúng, và họ đủ khiêm tốn để chấp nhận rằng còn nhiều điều họ có thể học.
Ngay cả khi họ không tán thành một quan điểm, họ xem xét tại sao phản xạ đầu tiên của họ lại là không thích ý tưởng đó và tự phân tích tại sao điều đó xảy ra. Họ không hành xử theo cảm tính đơn thuần mà phản ứng một cách thông minh.
Những người có EQ cao thấy được những điểm tốt nhất trong người khác. Họ không ngại nhận sự giúp đỡ của người khác vì họ biết những mặt hạn chế của mình và nghe theo những cố vấn đáng tin cậy khi cần thiết.
Người có EQ cao không ngại thay đổi và không cần nguyên tắc hay rào chắn để giúp họ cảm thấy an toàn. Họ không phải kiểu "thích thì gặp mọi người, không thích thì thôi" theo cảm tính và cũng không kìm nén việc thể hiện sự thân mật với những người họ yêu thương. Họ không ngại để niềm tin và lý tưởng bị thách thức. Họ không cố chấp bám víu vào các khái niệm để từ chối xem xét những dữ kiện mới đang bày ra trước mặt họ.
3. Họ không chỉ tập trung vào mình
Nói vậy không có nghĩa là những người có EQ cao không dành thời gian cho chính mình khi cần thiết. Thực ra thì chìm sâu vào trạng thái đau đớn dày vò cũng không tốt. Tuy vậy, những người có EQ cao rất đồng cảm với người khác. Khi đối xử với mọi người, chú tâm hướng ra ngoài hơn là chỉ chăm chăm vào bản thân. Thay vì nhìn mọi việc dưới lăng kính cá nhân của mình, với những nhu cầu và mong muốn riêng, họ có khả năng nhìn thế giới từ một góc nhìn rộng mở hơn, có khả năng thấu hiểu người khác trước khi phán xét họ. Họ cũng rộng lòng tha thứ hơn với bản thân và với người khác.
Người có EQ cao không tấn công, phán xét, ngắt lời, phủ nhận, phê phán, ra lệnh, dạy đời hay đổ lỗi cho người khác. Họ cũng không có gắng mổ xẻ người khác khi họ chia sẻ cảm xúc của mình. Họ không ghen tị với những người thân vì thành công nhưng cùng họ ăn mừng chiến thắng.
4. Họ không cảm thấy cay đắng
Rất nhiều người không chịu trách nhiệm về cảm xúc của họ, mà thay vào đó, họ đổ thừa cho những yếu tố bên ngoài. Tuy nhiên, nếu bạn thử nghĩ về điều này, đây là một cách ứng xử bình thường thôi. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn lấy lại đồ chơi từ một đứa trẻ con khi nó chưa chơi xong? Nó sẽ khóc và làm ầm ĩ lên.
Rất có thể bạn đã gặp những người vẫn còn cư xử như đứa trẻ lên hai khi họ gặp phải khó khăn. Việc phát triển về cảm xúc cũng rất cần thiết như phát triển thể chất vậy, nhưng đôi khi điều này không xảy ra. Thường thì tất cả chúng ta đều có thể "thấy" chuyện không ổn trong mọi tình huống, nhưng hầu hết những người có EQ thấp đều không thể vượt qua bước nhận ra vấn đề để đến bước tìm giải pháp cho vấn đề. Thay vào đó, họ đi theo lối mòn được báo trước của dòng cảm xúc tiêu cực, điều này có thể dẫn tới việc mất kiểm soát cảm xúc và bùng nổ.
Người có EQ cao cũng không ngại khó khăn và không bỏ cuộc khi họ nhận ra mình đang đi sai đường. Họ sẽ chỉnh sửa và tiếp tục tìm ra giải pháp cho những khó khăn của mình,
Người có EQ cao không sống trong đời mà nghĩ rằng thế giới này mắc nợ họ điều gì. Họ hướng nội để quyết định tại sao họ làm điều họ đang làm, và do đó họ không mắc phải lời nguyền phạm một sai lầm hết lần này qua lần khác.
5. Họ không giả đò ngó lơ với những nguyên nhân bên trong
Cuối cùng thì vẫn đúng như Socrates đã chỉ ra từ cách đây rất lâu, để có EQ cao, bạn phải "Hiểu Chính Mình".
Những cá nhân có EQ cao hiểu được chuỗi phản ứng tâm lí đã gây ra cảm xúc hiện tại của mình. Họ cũng có thể giải thích tại sao họ đang có những cảm xúc nhất định mà không phải đổ lỗi cho bất kì ai khác. Người có EQ cao không bao giờ gian dối về cảm xúc của họ, không từ chối đưa thông tin, hay nói dối trắng trợn về việc họ đang cảm thấy thế nào. Họ cũng không làm nhẹ đi hay phóng đại về cảm xúc của mình, nhưng họ cũng không để mọi thứ chất chứa lại trong lòng đến khi không thể chịu đựng được nữa.
Tự nhận thức về bản thân giúp bạn hiểu tại sao bạn lại phản ứng như vậy, và nếu cần, thực hiện những điều cần thiết để ngăn chặn việc này tái diễn. Bạn phải biết mình là ai, và quan trọng hơn, là không để những người khác làm điều đó hộ bạn với những kì vọng do họ tự đặt ra. Khi bạn nhận thức tốt hơn về bản thân và kiểm soát cảm xúc tốt hơn, bạn cũng sẽ có khả năng vì thế mà hiểu rõ hơn cảm xúc của người khác. Cuối cùng thì điều này sẽ tạo nên những mối quan hệ riêng tư tốt đẹp hơn, và mang đến hạnh phúc cho các bên.
Một vài gợi ý sẽ giúp bạn khám phá nhiều thêm về những quá trình bên trong bạn là: "Tại sao tôi lại hành động như thế?" "Tại sao tôi lại có niềm tin vào điều này?" "Tại sao tôi lại sợ khi ý niệm đó bị thách thức?"
6. Họ không câm nín cũng không ba hoa
Những người có EQ cao là những bậc thầy về giao tiếp. Họ có khả năng giao tiếp bằng lời nói và không bằng lời nói cũng như kĩ năng nghe xuất sắc. Họ giải quyết các xung đột tốt hơn, có những mối quan hệ bền chặt hơn và có thể chuyển tải suy nghĩ của mình một cách đầy tôn trọng, không làm đối phương sợ. Khả năng giao tiếp tốt cũng làm tăng khả năng ảnh hưởng tích cực đến người khác của họ.
Người có EQ cao, bên cạnh việc nhận thức tốt hơn về cảm xúc của mình cũng không sợ chia sẻ cảm xúc của mình với người khác. Và, họ luôn đưa mình có mặt ở những nơi sẽ cho họ sự thông thái, thấu suốt và góp ý từ những nguồn đáng tin cậy.
Người có EQ cao thường dùng những từ như "Tôi cảm thấy..." để biểu lộ cảm xúc của mình. Tuy nhiên họ lại không dùng "Tôi cảm thấy rằng..." Cụm từ này thường để ở đâu cho một lời bộc lộ suy nghĩ đội lốt cảm xúc. Ví dụ như: "Tôi cảm thấy bạn..." Dù thông điệp "Tôi cảm thấy" đưa ra những thông tin cần thiết theo một cách hòa nhã, nhưng phần "bạn" thường không bộc lộ cảm xúc thật của người nói, mà chúng thường có thể là những lời khiển trách úp mở.
Người có EQ cao cũng không đổ lỗi cho người khác. Thay vào đó, họ thường nói thẳng với người khác nếu có vấn đề trong mối quan hệ của hai người. Thay vì hành xử theo cảm xúc bằng việc ứng xử tiêu cực như đóng sầm cửa, bực bội khó chịu, sự hiếu chiến, hay im lặng, họ nói về chúng một cách bình thản.
Người có EQ cao không bao giờ đến mức phải đùa giỡn với cảm xúc và dụ dỗ người khác. Họ là những người lắng nghe tuyệt vời, không ngắt lời hay làm người kia cảm thấy yếu thế. Họ luôn rộng mở với những quan điểm khác, và không chỉ cố gắng để "thắng" một cuộc tranh luận bằng việc chỉ viện vào lí hơn là tình. Họ không tỏ ra kẻ cả hay dùng trí tuệ để phán xét và phê phán người khác mà không cân nhắc tác động của hành động của mình.
7. Họ không quên sự cân bằng
Người có EQ cao nhìn cuộc sống từ một góc nhìn cân bằng và tích cực. Họ không bi quan thái quá, cũng không lạc quan hão huyền. Họ có xu hướng cảm thấy hạnh phúc và thành công. Họ nhận ra điều tốt đẹp nơi người khác và ngay trong chính bản thân mình. Họ rộng lòng tha thứ lỗi lầm. Họ cố gắng hết sức để xoay chuyển những tình huống khó khăn nhất, đón nhận những thách thức để giúp phát triển và hoàn thiện bản thân. Họ cũng giữ được khiếu hài hước và nhìn thấy vẻ tích cực của những thất bại. Người có EQ cao hiểu được điều gì nằm trong tầm kiểm soát của họ và điều gì thì không. Họ không tự áp lực mình phải đạt được những điều mà họ không thể thay đổi được gì.
8. Họ không đón nhận những điều tiêu cực
Người có EQ cao không bị trấn áp bởi nỗi sợ hãi, lo lắng, xấu hổ, bối rối, ép buộc, thất vọng, tuyệt vọng, bất lực, lệ thuộc, tàn nhẫn hay ngã lòng. Họ không cố gắng cũng như không chấp nhận bị người khác dụ dỗ.
Người có EQ cao để cho những mục tiêu và khao khát cá nhân thúc đẩy họ, chứ không phải quyền lực, tiền tài, địa vị, danh vọng hoặc sự hài lòng của người khác. Họ không làm bất cứ việc gì chỉ vì một tinh thần trách nhiệm, mặc cảm tội lỗi, ép buộc, nghĩa vụ giả vờ. Họ biết cách cân bằng cảm xúc với logic khi cần thiết. Họ tự chủ, thực sự có động cơ và cậy dựa vào bản thân. Họ cũng không sợ việc tự ép mình ra khỏi vùng thoải mái để vươn tới những đỉnh cao hơn.
9. Họ không để người khác làm tổn thương mình
Bạn có biết những người làm người khác thấy phải luôn cảnh giác khi ở bên họ không? Nếu bạn xui tận mạng đến nỗi vô ý làm họ bực mình, họ có lấy đó làm thành kiến với bạn không? Đó là dấu hiệu của một chỉ số EQ rất rất thấp.
Những người đã trưởng thành về cảm xúc rất kiên định, có thể chấp nhận bằng mặt mà không bằng lòng, và không chủ quan hóa thất bại. Ngay cả khi họ có một cuộc sống đầy khó khăn, họ vẫn xoay sở để vượt lên và học được từ nỗi đau, và thậm chí còn trở thành những con người tuyệt vời hơn trước. Họ không chìm đắm trong quá khứ, mà học từ nó. Họ nhận ra rằng quá khứ nằm ngoài vùng kiểm soát, nên họ chọn sống trong thực tại, và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.
Người có EQ cao không bao giờ giữ những ý thức hệ tổn hại đến cá nhân và tự nói với mình những điều tiêu cực. Họ từ chối cảm thấy mình không đủ tốt, cay đắng, thất vọng, chán ghét, hoặc bị đối xử tàn nhẫn. Nếu cần phải mở tiệc đau buồn, thì nó cũng kết thúc nhanh thôi, và họ chắc chắn là không có gửi thiệp mời bạn đâu. Thay vì chỉ tập trung vào những điểm yếu, người có EQ cao nhắm vào sức mạnh của họ.
Người có EQ cao từ chối việc cảm thấy bất an hoặc bám víu vào các trải nghiệm tiêu cực. Họ không thanh minh thanh nga mà thoải mái thừa nhận khi họ phạm sai lầm và xin lỗi. Họ không bao giờ trốn tránh trách nhiệm bằng cách nói những câu như: "Tôi không có quyền lựa chọn." Họ không bao giờ để người khác quyết định thay mình, mà luôn nắm bánh lái điều khiển cuộc đời của mình. Họ là những người kiên nhẫn có thể thích nghi tùy hoàn cảnh khi cuộc sống không như họ dự định trước.
Người có EQ cao không bao giờ khép kín với người khác. Dù họ vẫn biết các mối quan hệ có thể gây tổn thương, họ cũng hiểu được những giá trị chúng đem lại đủ đền bù cho sự tổn thương ấy. Họ không bao giờ tìm những lựa chọn thay thế ít đáng sợ hơn và dễ điều khiển hơn như các mối quan hệ với thú cưng, với những người trong tưởng tượng để thế chỗ cho đời thực.
10. Họ không chống lại lý trí và con tim
Người có EQ cao có thể nắm bắt được mình đang cảm thấy gì, quan tâm đến cảm xúc của người khác, và thoải mái với việc trò chuyện về cảm xúc của mình. Tuy nhiên, họ cũng có thể nhận thấy rằng cảm xúc không đồng nghĩa với sự thật. Họ có xu hướng nhìn nhận mọi vấn đề một cách logic, hiểu được tại sao họ có một cảm xúc nhất định nào đó, và họ chủ động giải quyết nó.
Sự khôn ngoan về cảm xúc chắc chắn không dễ có được và đòi hỏi rất nhiều sự phân tích kĩ lưỡng và nỗ lực hết mình, mà thường rất hiếm thấy. Tuy nhiên, môt khi bạn đã làm chủ được kĩ năng này, bạn sẽ rất nhanh nổi bật giữa đám đông và sẽ sớm nhận ra các mối quan hệ của mình tốt hơn, công việc thành đạt, hạnh phúc, và bình an sẽ đến. Điều này sẽ khiến bạn như ý hơn là chỉ hùng hục cày để nâng điểm IQ của mình lên mỗi ngày.