Hãy nghĩ đến lần gần đây nhất khi bạn được khen ngợi và khi bạn bị chỉ trích. Chắc chắn bạn sẽ cảm thấy vui khi nhận được lời tán dương nhưng nếu đó là lời phê bình, bạn lại cảm thấy thất vọng và muốn chối bỏ điều đó.
Đừng ngạc nhiên về phản ứng của bạn trước những bình luận tiêu cực bởi đó là cơ chế sinh tồn của con người để tránh bị phán xét. Rõ ràng là không ai muốn bị xem như kẻ thất bại nên chúng ta chọn phớt lờ những lời phê bình từ người khác hơn là tiếp nhận chúng.
Tuy nhiên, cách giải quyết ấy mắc phải một vấn đề nghiêm trọng, đó là việc cố gắng né tránh sự chỉ trích chính là để bản thân trượt dài trong sự tầm thường.
Khi từ chối tiếp nhận những ý kiến tiêu cực, sự phát triển và cơ hội của chúng ta sẽ bị kìm hãm. Lâu dần, chúng ta không chỉ có nguy cơ thất bại mà còn thất bại nặng nề.
Điện thoại Microsoft KIN chính là ví dụ về một thất bại lớn do việc thiếu tiếp nhận sự phê bình. Ra mắt vào năm 2010, dòng điện thoại thông minh này là một thất bại lớn mặc dù nó ngốn 1 tỉ đô chi phí tiếp thị. Và không thể tin được là nó chỉ có mặt trên thị trường đúng 48 ngày. Tại sao ư? Đó là vì Microsoft đã thất bại trong việc thực hiện kiểm tra toàn diện dòng điện thoại thông minh với những khách hàng mục tiêu. Chỉ sau khi điện thoại được tung ra thị trường thì mọi thứ mới rõ ràng là khách hàng trong độ tuổi từ 15 đến 30 ưa chuộng Androids, Blackberrys và iPhones hơn là Microsoft KIN.[1]
Nếu được tiếp nhận ý kiến và phê bình của khách hàng mục tiêu trong thời gian phát triển dòng điện thoại này thì Microsoft đã có thể tránh được sự xấu hổ và tổn thất tài chính. Như câu chuyện trên đã chỉ ra, những phê bình kịp thời là một yếu tố cần thiết cho sự thành công trong tương lai.
Khen ngợi quá mức sẽ khiến bạn giảm động lực
Tôi tin rằng sự chỉ trích tốt hơn sự ngợi khen, nhưng tại sao tôi lại nghĩ như vậy? Để tôi cho bạn một phép ẩn dụ giúp giải thích cho lý lẽ của mình.
Hãy tưởng tượng sự khen ngợi là một loại thực phẩm tốt cho sức khỏe. Ngày nay, không ai cho rằng việc chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe lại là một điều xấu. Tuy vậy, những gì tốt cho bạn ở liều lượng vừa phải có thể sẽ phản tác dụng nếu bạn hấp thụ quá nhiều. Bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi biết rằng điều này thậm chí cũng áp dụng cho lượng nước bạn uống vào,[2] và tương tự với trái cây.[3]
Thật vậy, ăn hoặc uống quá nhiều (dù cho đồ ăn hoặc thức uống đó có lành mạnh cỡ nào) cũng có thể khiến chúng ta bị bệnh. Để có được một sức khỏe tối ưu, chúng ta cần một lượng cân bằng thực phẩm và đồ uống lành mạnh.
Điều đó cũng tượng tự với những lời ngợi khen. Thỉnh thoảng được tán dương là điều tốt nhưng nếu bạn chỉ nghe mãi những điều đó thì chúng có thể sẽ trở thành một tác động xấu đến khả năng thành công trong cuộc sống của bạn.
Khen ngợi quá nhiều khiến chúng ta quên đi động lực ban đầu chỉ đơn giản là thích thú một công việc. Chúng ta bắt đầu làm việc đó chỉ để nhận về những tán dương thỏa mãn được cái tôi của mình.
Tuy nhiên, khi đã mắc kẹt đủ lâu trong điều đó có nghĩa là chúng ta bắt đầu bị giam hãm bởi sự khen ngợi. Khi không còn được tán dương nữa, động lực để hoàn thành công việc cũng bắt đầu biến mất.
Để minh họa cho điều này, hãy nhớ tới lúc bạn học chơi một môn thể thao mới. Nếu huấn luyện viên chỉ khen ngợi thì bạn đã bỏ lỡ cơ hội được biết mình đã làm sai ở đâu. Hậu quả là khả năng học hỏi và hoàn thiện các kỹ thuật sẽ bị sa sút.
Phê bình khuyến khích sự phát triển
Nói rõ hơn, là tôi không nói đến những bình luận lăng mạ hay châm biếm mà đang nói về những phê bình mang tính xây dựng, những phê bình mà tôi coi chúng như là "chỉ trích lành mạnh". Các phản hồi giúp bạn mạnh mẽ hơn.
Nếu bạn luôn nghĩ mình đúng mà không cần ai góp ý thì làm sao bạn biết chắc rằng những gì mình đang làm là tốt? Lắng nghe và tiếp thu những ý kiến thật lòng sẽ cho bạn biết chính xác mình đang làm tốt điều gì và có thể làm điều gì tốt hơn nữa.
Kiểu góp ý như vậy buộc bạn phải xem xét hành động của mình và cách bạn làm việc. Nếu áp dụng các phê bình mang tính xây dựng một cách khôn ngoan, bạn có thể tránh được những thói quen xấu và tiếp cận được những thói quen tốt.
Những góp ý chân thành chính là kiểu phê bình sẽ giúp ích cho bạn.
Phát triển mạnh mẽ thông qua sức mạnh của sự phê bình
Một khi bạn đã quen với lợi ích của những phê bình mang tính xây dựng, hãy đào sâu vào nhiều cách khác nhau mà bạn có thể sử dụng nó để tăng năng suất và thành công trong cuộc sống.
Phê bình thường thực tiễn hơn ngợi khen
Ví dụ, hãy tưởng tượng bạn đang học chơi ghi ta và trong buổi biểu diễn đầu tiên, giáo viên của bạn nói, "Em làm tốt lắm". Có thể điều này dễ nghe nhưng chúng lại không hữu ích trong việc giúp bạn cải thiện bằng "Em cần rèn luyện việc căn chỉnh thời gian". Với lời khuyên này, bạn được hướng dẫn cụ thể làm sao để nhanh chóng cải thiện kỹ năng trình diễn. (Bạn có thể nên dành hàng giờ chơi ghi ta bên cạnh máy đếm nhịp.)
Chủ động tìm kiếm sự phê bình bằng cách xin góp ý
Có thể theo dạng thức đặt câu hỏi.
Tiếp tục với ví dụ về việc chơi ghi ta, bạn có thể hỏi giáo viên (hoặc người nghe bạn chơi), "Em có thể làm gì để tốt hơn?" Bạn cũng có thể hỏi những câu rất cụ thể như, "Em chơi đoạn dạo đầu đúng nhịp chứ?"
Thành thật mà nói thì hầu hết mọi người không biết cách góp ý, họ thường đưa ra những bình luận mập mờ đầy cảm tính. Bằng cách đặt những câu hỏi cụ thể, bạn sẽ có được những góp ý giá trị giúp bạn học hỏi và cải thiện nhanh chóng.
Tuy nhiên, đặt câu hỏi nên là để có được những phản hồi hữu ích chứ không nên để người khác thấy rằng bạn đang nghi ngờ về khả năng và kỹ năng của mình.
Kiên nhẫn khi bị phê bình
Khi bạn tiếp nhận những chỉ trích, tôi có những lời khuyên cho bạn như sau:
- Im lặng và lắng nghe. Cố lắng nghe nhiều quan điểm nhất có thể để có được một cái nhìn tổng thể và nhiều ý kiến khác nhau.
- Đưa ra những câu hỏi dễ hiểu. Cố gắng hiểu ý của người phê bình bạn. Đừng vội kết luận là họ sai. Đầu tiên là hiểu sau đó bắt đầu xem xét ý kiến của họ.
- Hỏi ý kiến để cải thiện nhưng phải luôn xem lại mục đích của bạn. Sau khi làm rõ vấn đề, hỏi ý kiến nhưng đừng chỉ cố làm hài lòng người khác. Thay vào đó, hãy xem lại mục tiêu của bạn để xem sự tiếp thu ấy có phù hợp với dự định ban đầu của bạn hay không.
- Kiểm soát được quá trình. Chọn đúng người. Thông thường đó là những ai thành thật, công bằng và muốn điều tốt nhất cho bạn.
Tốc độ phản hồi là quan trọng
Tốc độ cũng rất quan trọng khi bạn tiếp nhận góp ý.
Càng sớm nhận được góp ý, bạn càng nhanh chóng biết mình phải làm gì để tiến bộ hơn trước khi thực hiện các kế hoạch và công việc. Ví dụ, nếu bạn đang lên kế hoạch thành lập một doanh nghiệp của riêng mình thì bạn nên hỏi ý kiến của một vài người bạn có cùng mối quan tâm. Làm vậy trước khi bắt đầu thành lập một doanh nghiệp và bạn sẽ tiếp kiệm được thời gian quý báu dành cho việc học tập lâu dài và khổ nhọc.
Hãy tìm kiếm sự chỉ trích thay vì những lời khen
Norman Vincent Peale, tác giả của Sức Mạnh Của Suy Nghĩ Tích Cực, đã nói rằng,
Rắc rối của hầu hết mọi người là chúng ta thà bị hủy hoại bởi sự tán dương còn hơn được cứu rỗi bởi lời chỉ trích.
Thật đúng đắn làm sao.
May mắn thay, bây giờ bạn đã có trong tay chìa khóa giúp tránh xa việc tìm kiếm sự khen ngợi và thay vào đó là tìm kiếm những phê bình mang tính xây dựng. Một khi những chiếc chìa khóa ấy được sử dụng, bạn sẽ mở ra được những cánh cửa đến một phương pháp học hỏi, phát triển và thành công hoàn toàn mới.
Tài liệu tham khảo
[1] | ^ | Complex: 50 Thất Bại Thảm Hại Nhất Trong Lịch Sử Công Nghệ |
[2] | ^ | Medical News Today: Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn uống quá nhiều nước? |
[3] | ^ | HuffPost: Bao Nhiêu Trái Cây Là Quá Nhiều Theo Các Chuyên Gia Sức Khỏe |