Phần lớn mọi người đã từng gặp tình huống này: Bạn ở một quán bar hay sàn nhảy nào đó, âm nhạc bật lớn và bạn không có tâm trạng để nhảy. Nhưng khi đĩa nhạc vang lên, tự dưng ngón tay bạn gõ nhẹ, hoặc đầu bạn gật gù, hoặc đầu gối bạn nhịp theo âm nhạc. Đối với một anh chàng nhút nhát, vụng về như tôi, điều đó có thể trở nên kì quặc và khó xử.
Nhưng tại sao lại như vậy? Tại sao một sản phẩm tinh thần nhân tạo như âm nhạc, đặc biệt là nhạc điện tử, lại tạo ra những phản ứng thể chất nằm trong vô thức ở con người như vậy? Và tại sao chúng ta lại nhảy? Hành động này mang lại lợi ích gì? Đây là những câu hỏi cứ lẩn quẩn trong tâm trí tôi gần đây, vì vậy, tôi bắt đầu tìm hiểu.
Khi những ngón tay gõ nhịp, có điều gì đó diễn ra trong não chúng ta
Điều thú vị là khiêu vũ, nhảy múa có vẻ xuất hiện ở nhiều nền văn hóa, và không chịu ảnh hưởng từ nhau. Nền văn hóa X có thể có một phong cách âm nhạc hoàn toàn khác với nền văn hóa Y, nhưng có lúc dân tộc này sẽ lắc lư theo nhịp điệu âm nhạc của dân tộc khác.
Khi xem xét các điệu nhảy bộ lạc khác nhau thuộc Bộ tộc đầu tiên (First Nation) và các hình thức khiêu vũ ở châu Âu, mặc dù khác nhau về phong cách và ý nghĩa thì nhìn chung chúng có cùng mục đích và đều là những chuyển động nhịp nhàng theo âm nhạc. Quay ngược lại hàng ngàn năm trước, ở Ai Cập cổ đại đã có một nền văn hóa của các điệu nhảy biểu diễn.[1] Từ đó, nhảy múa trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống con người.
Bạn không cần phải tìm kiếm ở đâu xa để có bằng chứng về điều này. Những em bé, khi hoàn toàn chưa có khái niệm về văn hóa hay điều kiện môi trường, vẫn hồn nhiên nhún nhảy theo nhạc (mặc dù bọn trẻ nhảy không được... đẹp cho lắm).
Khi nghiên cứu sâu hơn, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng âm nhạc kích thích một số vùng nhất định trong não, đặc biệt là vùng vân bụng (Ventral Striatum) và vùng vỏ não trước trán gần ổ mắt (Orbitofrontal Cortex).[2] Những vùng này của não là nơi tạo ra niềm vui, quyết định biểu hiện và cách đón nhận cảm xúc của chúng ta. Ngoài ra, những vùng này của não dễ trở nên kích thích hơn nếu bạn yêu thích một số bài hát nhất định.
Có một số ý kiến cho rằng những tác động trên cũng ảnh hưởng đến các vùng điều khiển vận động trong não chúng ta, và khi ta thấy người khác di chuyển thì vùng não điều khiển hoạt động cũng chịu phản ứng kích thích chúng ta làm theo. Vì vậy, bạn có thể sẽ làm theo khi những người khác xung quanh bạn nhảy múa. Ta có thể hiểu rằng cơ thể ta cần và thường tận hưởng các loại chuyển động. Do đó, khi cộng thêm tác động vô thức từ âm nhạc, bạn sẽ có gấp đôi "lượng" niềm vui, sự thỏa mãn.
Âm nhạc là sự kết hợp giữa nhịp điệu và giai điệu. (Nhưng chúng ta biết rằng âm nhạc còn có ý nghĩa hơn thế.)
Bản chất của âm nhạc là những rung động được sắp xếp theo cao độ, nhịp, phách, hòa âm và giai điệu, và được sáng tạo ra bởi con người[3] [4]. Các nhạc cụ và chất giọng của con người tạo thành các rung động khác biệt, nhưng về cơ bản thì âm nhạc chính là âm thanh, và âm thanh là rung động.
Nhưng cách giải thích này sẽ khiến âm nhạc không còn thú vị như vốn dĩ nữa.
Nếu bảo rằng Mona Lisa chỉ là màu sắc trên một bức vẽ, hoặc John Coltrane chẳng qua thực sự giỏi trong việc làm chủ các rung động, thì sẽ không giải thích được lý do hàng triệu người đến phòng trưng bày Louve để ngắm nhìn bức Mona Lisa, hoặc tại sao Coltrane lại một trong những người biểu diễn Jazz hay nhất mọi thời đại (nhạc Jazz hình thành từ sự kết hợp của nhiều phong cách âm nhạc quốc tế với nhau).[5]
Luôn có một điều gì đó khác về âm nhạc để khiến chúng ta say mê chúng đến vậy.
Âm nhạc không chỉ được dùng cho mục đích giải trí
Nhìn chung, chúng ta vẫn coi âm nhạc là một hình thức giải trí đơn thuần, cũng giống như một bộ phim hoặc trò chơi video hay. Khá khẩm hơn thì chúng ta sẽ nhìn nhận âm nhạc là một hình thái nghệ thuật, giống như "anh chị em họ" ngầu hơn, được biết đến nhiều hơn của văn học, người thường được mời đến các bữa tiệc.
Tuy nhiên, tôi sẵn sàng khẳng định chắc nịch rằng âm nhạc giống với một hình thức giao tiếp hơn, một điều đã vượt qua mọi ranh giới văn hóa.
Ví dụ như, tôi thừa nhận rằng mình thực sự say mê âm nhạc dân gian và truyền thống. Gần đây, tôi nghe bài hát của nữ ca sĩ nhạc đồng quê người Na Uy Siri Nielsen với chất giọng của thiên thần... và tôi không hề hiểu cô ấy đang hát gì. Nếu tôi chọn một cuốn sách được xuất bản bằng ngôn ngữ mà tôi không thể đọc được (tức là hầu hết các ngôn ngữ khác) thì tôi không cách nào hiểu được dù chỉ một từ. Nhưng âm nhạc thì không như vậy.
Tất cả các nền văn hóa đều đã có một số loại hình văn hóa âm nhạc trong lịch sử. Đây là một suy nghĩ thú vị, khi nhận ra rằng lúc bạn nghe nhạc của ban nhạc bạn yêu thích, hoặc một bản nhạc hay nào đó, bạn đã làm y hệt những gì tổ tiên bạn vẫn làm từ xa xưa đến nay.
Có lẽ việc tạo ra âm nhạc là để thay đổi tâm trạng và tâm trí của con người
Người ta đã cố gắng xoáy sâu vào câu khẳng định này trong nhiều thế kỷ. Ví dụ, Charles Darwin cho rằng âm nhạc được phát minh để trở thành một chiêu thức quyến rũ tinh vi, giống như một số nghi thức giao phối động vật. Nhận định này có lý vì phần lớn các bài hát phổ biến đều nói về tình yêu, hoặc bày tỏ thẳng thắn về tình dục.[6]
Một lý thuyết phổ biến khác mà bản thân tôi đồng tình, rằng âm nhạc được tạo ra như một cách để tạo thành hội nhóm trong xã hội.[7] Ngày nay, chúng ta cảm nhận và gắn liền âm nhạc với một trải nghiệm cá nhân.
Chúng ta đã từng ở một mình và tận hưởng thoải mái bài hát yêu thích của mình. Nhờ vào tai nghe, dù có rất nhiều người xung quanh thì chỉ mình ta mới nghe được nhạc. Bởi vì điều này, chúng ta dễ quên rằng trước khi âm nhạc được thu lại thì cách duy nhất để thưởng thức âm nhạc chính là nghe biểu diễn trực tiếp.
Chúng ta vẫn trân trọng tính xã hội trong âm nhạc, và ta có thể nghe ban nhạc, bài nhạc yêu thích với chất lượng âm thanh hoàn hảo với mức phí nho nhỏ, nhưng ít ai có thể nói rằng nghe nhạc dưới dạng MP3 là một trải nghiệm tuyệt vời hơn so với xem ban nhạc biểu diễn trực tiếp.
Đây là lý do tại sao chúng ta yêu âm nhạc và nhảy múa, khi âm nhạc là biểu tượng cho cuộc sống tinh thần của toàn nhân loại. Bản chất sinh học sẽ khiến chúng ta phản ứng với sự hiện diện của âm nhạc và mang lại cho chúng ta niềm vui khi nghe được bài hát yêu thích, và âm nhạc chúng ta yêu thích lại mang chúng ta tới gần nhau hơn. Đó là những gì mà âm nhạc đã luôn làm và sẽ luôn như vậy, cũng như làm sáng tỏ lý do âm nhạc lại quan trọng đến vậy.
Nguồn biểu đồ: FineMinds
Nguồn ảnh bìa: Stocksnap từ stocksnap.io
Tài liệu tham khảo
[1] | ^ | Đại học Birmingham: Giao tiếp qua âm nhạc trong tôn giáo Ai Cập cổ đại |
[2] | ^ | Khoa học Hoa Kỳ: Tại sao chúng ta thích khiêu vũ và di chuyển theo nhịp? |
[3] | ^ | Tâm lý học ngày nay: Âm nhạc thực chất là gì? |
[4] | ^ | mfiles: Âm nhạc là gì? |
[5] | ^ | Nhật báo New York Times: Tiểu sử nhạc Jazz - Sự phi hóa trong nên âm nhạc Hoa Kì |
[6] | ^ | BBC: Có thực sự âm nhạc chỉ nói về tình dục? |
[7] | ^ | National Geographic: Tại sao loài người phát minh ra âm nhạc? |