9 tháng trước
Sự Thất Lạc Của Nghệ Thuật Phê Bình
480

5620
Lượt xem
16
Lượt chia sẻ
11
Lượt bình luận

Trước khi xem phim, bạn có thường tìm kiếm những ý kiến và bình luận của người khác không? Vào thời buổi hiện nay, ai cũng dễ dàng viết ra ý kiến của mình về điều gì đó và đăng tải nó lên mạng. Trong trường hợp của điện ảnh, gần như bất kỳ ai đều có thể trở thành một "nhà phê bình phim". 

Nhưng nhiều người trong số đó phê phán những bộ phim mới ra mà không có những lí do cụ thể để củng cố quan điểm của họ. Đa phần thời gian, họ chỉ nhìn từ một góc độ cá nhân, dựa trên cảm tính của riêng họ, thay vì đưa ra nhiều góc nhìn và một cấu trúc phê bình về bộ phim. Phê bình là một nghệ thuật đang bị đánh mất trong một biển ý kiến cá nhân.

Roger Ebert là nhà phê bình điện ảnh đầu tiên thắng Giải Pulitzer cho Phê Bình. Đó là một giải thưởng danh giá được trao từ năm 1970 cho những nhà phê bình đã thể hiện một "nghệ thuật phê bình lỗi lạc". Ebert thắng giải này nhờ vào cách tiếp cận mang tính "tương đối, chứ không tuyệt đối" đối với phê bình điện ảnh.


Nói cách khác, khi bình luận một bộ phim, ông dựa vào cái nhìn của những khán giả tiềm tàng của nó và vào giá trị của toàn thể bộ phim.

Tác hại của những ý kiến thiên vị

Tất cả chúng ta đều có ý kiến và muốn bày tỏ chúng. Internet tạo điều kiện dễ dàng hơn cho nhiều người cất lên những quan điểm mạnh mẽ của họ hơn. Có nhiều người hiểu biết nhưng đây không phải một tấm vé cho sự đúng đắn của họ. Nếu phê bình không được thực hiện một cách bài bản và chuyên nghiệp thì nó chỉ là chủ quan, do đó sự thiên vị ngóc đầu dậy trong đa số trường hợp và dẫn tới một góc nhìn hạn chế, phiến diện.


Thiên kiến là điều tự nhiên trong chúng ta và khó kiềm chế được. Trên phương diện thần kinh học, bộ não có khả năng xử lý thông tin hạn chế.[1] Điều này có nghĩa là ta thành thực tin rằng mình biết nhiều hơn những gì ta thực sự biết, và ta có xu hướng chỉ ưa chuộng những thông tin xác nhận những niềm tin của bản thân, từ đó hình thành "thiên kiến xác nhận". Nó cho phép nhiều người trong chúng ta bước vào một trạng thái giả định hay chỉ dựa vào những "sự thật" chung để xác nhận niềm tin của mình mà không tìm kiếm bằng chứng phủ định. Chính trong trạng thái này mà sinh ra lối suy nghĩ "Tôi đúng còn bạn sai".


Dù việc người ta đưa ra ý tưởng hay bình luận của mình có vẻ vô hại, mối nguy hiểm là sự chối bỏ và thiếu tin cậy nói chung trong một bài phê bình. Mấu chốt của một phê bình có tính xây dựng và không thiên kiến là tạo ra sự cải thiện, nhưng nếu chúng ta không biết đến nghệ thuật đích thực của việc đưa ra phê bình, những người đón nhận phê bình có thể dễ dàng gạt bỏ nó và không sử dụng nó để tiến bộ.


Chính xác thì sự phê bình đúng đắn là gì?

Nền tảng của sự phê bình đúng đắn là động cơ tích cực. Điều này có nghĩa là phê bình được trình bày như một hình thức giao tiếp với ý định thấu hiểu người khác hoặc giúp họ cải thiện theo một hướng tích cực.

Bất cứ ai công bố sản phẩm sáng tạo của mình đều nên cởi mở với các cách mà họ có thể cải tiến và phát triển. Phê bình đúng và có tính xây dựng được đặt ra để cho phép người sáng tạo đạt được thêm cách nhìn mới, và giúp họ đưa ra những lựa chọn tiếp theo.

Phê bình có giá trị cũng nên khách quan và xem xét nhiều góc độ khác nhau. Điều này có nghĩa là cần phải thừa nhận không chỉ có một ý kiến phổ quát duy nhất, mà có nhiều quan điểm có giá trị ta cần cân nhắc.

Chìa khoá để phê bình đúng đắn là hoàn toàn thấu hiểu ý định của thứ mà bạn đang nhắm tới. Đánh giá điều gì là tốt hay dở đòi hỏi kiến thức về động cơ thực sự đằng sau thứ mà người sáng tạo trình bày.

Cuối cùng, tôn trọng các quan điểm khác là điều cốt yếu. Phê bình đúng đắn không bao giờ đến từ một góc nhìn tiêu chuẩn mà xem xét những cách nhìn khác nhau về một thứ và thừa nhận những cách tiếp cận khác với của bạn. 


Hướng dẫn cách phê bình đúng đắn: Cho Đi và Nhận Lại

Khả năng làm một nhà phê bình tốt sẽ đóng góp cho thế giới vì bạn thực sự có thể tạo ra sự tiến bộ và phát triển. Nhận lại phê bình có thể khó khăn, nhưng nếu bạn làm điều đó với thái độ cởi mở và có tính xây dựng, bạn thực sự có thể tăng giá trị cho sự phát triển và hướng đi của chính bạn.

Đưa ra phê bình

  1. Đảm bảo là bạn hiểu rõ những ý định và mục đích của điều bạn đang nói đến.
  2. Ý thức được ý kiến cá nhân của bạn và nhận ra là nó không định đoạt giá trị của điều gì đó.
  3. Tránh tập trung vào những khiếm khuyết và đảm bảo là bạn dành sự chú ý tương đương cho những ưu điểm. Điều này tạo ra một yếu tố động lực và khuyến khích quan trọng cho người bị phê bình.

Nhận lại phê bình

  1. Lắng nghe và cởi mở nhất có thể với những gì được nói. Quan trọng là thu thập được nhiều góc nhìn nhất để đạt được một bức tranh toàn cảnh hơn và xác định sự phát triển.
  2. Đưa ra những câu hỏi để làm rõ với động cơ thấu hiểu trọn vẹn hơn những gì họ đang truyền đạt tới bạn. Rất dễ để lờ đi và đánh giá ý kiến của họ khi bạn cảm thấy mình sai. Đảm bảo là bạn hiểu rõ ý họ và xử lý những gì họ nói.
  3. Đề nghị lời khuyên về những chỗ cần cải tiến nhưng trung thành với các mục đích gốc của bạn. Đừng thay đổi hoàn toàn các phần để làm hài lòng người khác mà hãy giữ họ tương xứng với quan điểm và ý định ban đầu của bạn.
  4. Giữ mọi thứ trong tầm kiểm soát bằng cách chọn ai đó mà bạn biết là có khả năng đưa ra phê bình tốt và có tính xây dựng. Điều đó không có nghĩa là ai đó mà bạn biết là sẽ thiên vị bạn, nhưng là một người trung thực và muốn điều tốt nhất cho bạn để bạn tiến bộ và phát triển.

Lần tới bạn đưa ra một ý kiến, hãy đọc ý kiến của ai đó khác hoặc nhận lại phê bình, ý thức được góc nhìn đó đến từ đâu. Tự hỏi rằng ý kiến của bạn hoặc của họ có thiên vị, cảm tính hay hạn chế không. Cân nhắc nhiều hơn một góc nhìn và hiểu rõ ý định thực sự của thứ mà bạn đang quan sát đang cố gắng truyền tải điều gì. Đón nhận phê bình có thể khó khăn, nhưng hãy đảm bảo nó đến từ một nguồn trung thực và hãy cởi mở với những cải thiện để có sự phát triển tích cực.

Nguồn ảnh bìa: Freepik từ freepik.com

Tài liệu tham khảo