Bạn đã bao giờ trải qua một giấc mơ xấu kinh hoàng đến nỗi làm tim mình đánh trống ngực khi thức dậy? Có thể đó là tình trạng thường xuyên xảy ra với bạn, và bạn bắt đầu cảm thấy sợ việc đi ngủ?
Các cơn ác mộng có thể phá hỏng giấc ngủ của bạn và khiến bạn mệt rã rời suốt cả ngày, nhưng may mắn là có những bước mà bạn có thể thực hiện để có một đêm an giấc hơn.
Ác mộng là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ, nhưng có thể ảnh hưởng tới tất cả mọi người. Chúng không gây hại gì, nhưng có thể dẫn tới sự mệt mỏi nếu tiếp diễn mỗi đêm hoặc hầu hết các đêm qua một thời gian dài.
Hãy hiểu rõ về cơ sở khoa học đằng sau các cơn ác mộng, bởi điều đó có thể làm cho chúng trở nên bớt đáng sợ hơn
Khi ngủ, chúng ta trải qua một số giai đoạn trong suốt một đêm. Bạn có thể xem như giấc ngủ diễn ra theo dạng sóng hoặc chu kỳ, lặp lại mỗi 90 đến 110 phút. Chúng lại được chia nhỏ hơn nữa thành năm giai đoạn, được gọi là Giai đoạn 1, Giai đoạn 2, Giai đoạn 3, Giai đoạn 4, và giai đoạn ngủ REM. Chính giai đoạn cuối cùng này là lúc mà các giấc mơ và ác mộng xảy ra. Các nhà khoa học không biết chắc chính xác tại sao chúng ta lại mơ hay làm thế nào mà bộ não tạo ra các trải nghiệm lạ lùng đó. Một lý thuyết cho rằng trong giai đoạn ngủ REM, bộ não có thể đang cố gắng tạo nên một "câu chuyện" liền mạch từ những mảnh kiến thức và ký ức mà nó đã lưu trữ trước đó. Khoảng một nửa số người trưởng thành sẽ thỉnh thoảng gặp ác mộng.
Vậy điều gì gây ra ác mộng? Theo một nguồn tin[1], những yếu tố sau đây có thể khơi mào cho các cơn ác mộng ở người trưởng thành:
1. Sự căng thẳng và sang chấn
Ác mộng thường xảy ra ở những người mắc trầm cảm, lo âu hoặc các vấn đề khác về sức khỏe tâm thần. Ví dụ như một người mắc rối loạn lo âu có thể gặp những giấc mơ mà trong đó họ cảm thấy bị quá tải và cảm giác như thể họ đang đối mặt với một mối nguy hiểm ngoài tầm kiểm soát. Những người đã trải qua sang chấn cũng có thể gặp những cơn ác mộng mà trong đó họ trải nghiệm lại sự cố đó.
2. Dùng thuốc
Một số thuốc có ảnh hưởng đến thói quen đi ngủ, từ đó có thể gây ra ác mộng. Ví dụ như một vài loại thuốc chống co giật được dùng để điều trị động kinh có thể tạo ra những giấc mơ đặc biệt sống động.
3. Tình trạng sức khỏe của bạn
Chứng đau nửa đầu (migraine), hội chứng chân không yên và chứng ngưng thở khi ngủ đều có thể gây ra những giấc mơ xấu do sự thay đổi của chu kỳ thức-ngủ.
Vậy nếu đang phải chịu đựng những cơn ác mộng, làm thế nào để bạn chữa trị chúng và tận hưởng một đêm ngủ ngon giấc hơn? Hãy xem qua các bước sau đây[2]:
Hãy thực hiện việc "Vệ Sinh Giấc Ngủ" thật tốt
Hãy tự cho mình cơ hội để thư giãn trước khi đi ngủ. Một tâm trí tĩnh lặng sẽ ít tạo ra ác mộng hơn. Hãy tắt điện thoại và các thiết bị điện tử ít nhất là một giờ trước khi đi ngủ. Hãy giữ cho phòng của mình được mát và tối, và hãy tập thói quen đi ngủ cũng như thức dậy vào một khung giờ hợp lý. Việc tắm bồn với nước ấm hoặc đọc một cuốn sách nhẹ nhàng trước khi tắt đèn đi ngủ cũng có thể giúp ích đấy.
Vậy còn việc khắc phục nguyên nhân gốc rễ thì sao? Có thể giải guyết nguồn gốc gây ra sự căng thẳng không?
Bởi vì sự căng thẳng và sang chấn là những nguyên nhân thường gặp gây ra ác mộng nên bạn cần phải xác định những vấn đề tiềm ẩn này để giải quyết được vấn đề. Có thể là bạn nên tìm gặp một chuyên gia tư vấn được đào tạo tốt hoặc một nhà tâm lý học nếu bạn thấy mình thường xuyên bị quấy rầy bởi những ý nghĩ tiêu cực và nỗi lo lắng.
Có thể bạn đang mắc phải những vấn đề sức khỏe khác! Hãy chữa trị chúng!
Nếu bạn biết là mình có thể làm nhiều việc khác nữa để kiểm soát tình trạng sức khỏe của mình, thì hãy bắt đầu có thái độ chủ động hơn đi! Hãy luôn tuân thủ chế độ điều trị đã được bác sĩ kê đơn, và hãy cố gắng cải thiện sức khỏe tổng quát của mình. Chẳng hạn như hội chứng chân không yên có thể dẫn đến chất lượng giấc ngủ kém và các cơn ác mộng, nhưng đôi khi có thể được giảm nhẹ bằng cách tập thể dục và tập thiền.
Hãy gặp Bác sĩ để được tư vấn về việc thay đổi thuốc
Nếu bạn bắt đầu gặp ác mộng thường xuyên kể từ khi bắt đầu sử dụng một loại thuốc mới hoặc tăng liều dùng thuốc, thì hãy gặp bác sĩ để được tư vấn. Họ có thể trấn an bạn rằng các cơn ác mộng sẽ ổn định dần theo thời gian, khi đó bạn sẽ đơn giản là phải đợi vài ngày hoặc vài tuần để cơ thể mình điều chỉnh lại. Tuy nhiên họ cũng có thể sẽ khuyên bạn uống thuốc vào thời điểm khác trong ngày. Ví dụ như việc uống thuốc vào buổi sáng thay vì ban đêm có thể sẽ cải thiện chất lượng giấc ngủ của bạn. Bác sĩ có thể cũng sẽ kê thêm cho bạn một loại thuốc nữa để giúp bạn ngủ ngon hơn.
Lối sống lành mạnh và ít căng thẳng là cách phòng ngừa ác mộng tốt nhất!
Thật vô lý khi hy vọng rằng bạn sẽ không bao giờ trải qua ác mộng thêm một lần nữa. Tuy nhiên bạn có thể phòng ngừa để chúng không trở thành tình trạng diễn ra thường xuyên, bằng cách làm tất cả mọi việc trong khả năng của mình để có một lối sống lành mạnh, ít căng thẳng. Hãy đảm bảo là mình có một chế độ ăn cân bằng, tập thể dục đều đặn và duy trì một lịch trình hoạt động nghiêm ngặt hằng ngày giúp thúc đẩy vệ sinh giấc ngủ tốt. Bạn có thể phòng ngừa sự tích lũy căng thẳng bằng cách thường xuyên lập ra một bản liệt kê về lối sống tổng quát của mình. Chẳng hạn như, nếu bạn nhận ra rằng công việc của mình đang tạo ra quá nhiều nỗi lo lắng kể cả ngoài giờ làm việc, thì bạn cần phải bắt đầu tìm cách để đối phó tốt hơn với những đòi hỏi được đặt ra cho mình. Nếu bạn tự thấy mình thường hay tranh cãi với bạn bè hoặc các thành viên trong gia đình, thì có lẽ là bạn cần phải cố gắng cải thiện kỹ năng giao tiếp của bản thân. Việc nỗ lực để có một cuộc sống ít căng thẳng hơn sẽ giúp ích cho bạn về nhiều mặt, hơn cả chuyện thói quen đi ngủ nữa đấy.
Tài liệu tham khảo
[1] | ^ | SOURCE: Nỗi khiếp sợ ban đêm và ác mộng |
[2] | ^ | SOURCE: Ác Mộng theo Tâm Lý Học Hôm Nay |