Có rất nhiều lý do khiến bạn phải đảm bảo đủ lượng kali cho cơ thể mỗi ngày. Trước hết, kali là yếu tố then chốt để mô cơ hoạt động hiệu quả. Kali cũng duy trì sự cân bằng của các dịch thể và các chất điện giải, và đó cũng là khoáng chất có hàm lượng cao thứ ba trong cơ thể. Nó là yếu tố cần thiết để đảm bảo hoạt động chức năng bình thường của thận, tim và não.
Kali đóng vai trò trong việc giữ cho cơ thể luôn đủ nước và hỗ trợ cho hoạt động chức năng của các tế bào cùng với natri. Mức kali trong cơ thể hạ thấp sẽ dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng.
Nguyên nhân chính làm giảm kali bao gồm bệnh tiêu chảy, tình trạng mất nước và việc dùng thuốc nhuận tràng quá nhiều. Một số loại thuốc ảnh hưởng đến mức kali trong cơ thể là các thuốc lợi tiểu, thường được gọi là "viên thải nước" (water pill).
Các triệu chứng khi thiếu kali là khá khó chịu mặc dù chúng có thể chỉ biểu hiện mơ hồ hoặc ở mức độ nhẹ mà thôi. Đó thường là các triệu chứng mệt mỏi hoặc yếu sức. Cũng có cả những cơn chuột rút ở tay hoặc chân có thể gây tê bì ngứa ran, làm cho việc cử động tay chân trở nên khó khăn giống như bị liệt vậy.
Các dấu hiệu khác là cơn quặn thắt bụng, buồn nôn và nôn. Rồi có cả chứng táo bón, hồi hộp đánh trống ngực, đi tiểu nhiều lần hoặc cảm giác lúc nào cũng thấy khát. Tình trạng hạ huyết áp có thể dẫn tới ngất xỉu và các vấn đề về tinh thần như trầm cảm, mê sảng, rối loạn tâm thần, ảo giác, dễ cáu gắt và lú lẫn.
Chúng ta rất thường nghe về những thứ mà mình nên ăn ít lại. Bây giờ ta sẽ nói về những thứ mà bạn cần ăn thêm nhiều hơn để bảo vệ cơ, xương và tim của mình. Đó là KALI!
Kali có lợi cho chúng ta như thế nào?
Làm giãn các mạch máu
Kali làm giãn các mạch máu, nhờ đó làm giảm nguy cơ đột quỵ và làm giảm huyết áp. Nó giúp bù trừ lại các tác động nguy hại do lượng muối natri cao trong cơ thể gây ra, chẳng hạn như nó làm các mạch máu bớt xơ cứng hơn và giúp bài tiết bớt natri ra ngoài.
Giữ xương luôn chắc khỏe
Các thực phẩm giàu kali sẽ sản sinh ra các chất có tính kiềm, nhờ đó duy trì sự cân bằng axit-kiềm trong cơ thể và giữ cho hệ xương luôn chắc khỏe.
Tạo thuận lợi cho hoạt động của cơ
Cơ bắp cần có kali để co được và để giao tiếp liên lạc với các dây thần kinh, vốn là những quá trình gắn liền với hoạt động hiệu quả của cơ. Cơ bắp có ở mọi bộ phận của cơ thể, ở tay, chân, cũng như ở đường tiêu hóa và đường hô hấp. Điều đó có nghĩa là chế độ ăn thiếu kali có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa và cảm giác mệt mỏi.
Hãy dùng các loại rau củ quả và trái cây để có thêm nhiều kali
Hãy cùng xem xét các loại thực phẩm tốt nhất để tăng lượng kali cho cơ thể chúng ta nhé. Lượng kali được khuyến cáo nên ăn mỗi ngày là 4.700 milligram.
Trái cây có chứa nhiều kali. Chuối là loại được biết đến nhiều nhất. Các loại khác là trái cây sấy khô, táo, đào, cam, và xếp sau nữa là hầu hết tất cả các loại trái cây khác. Hãy thử dùng ba khẩu phần mỗi ngày dưới dạng trái cây tươi, sấy khô hoặc nước ép đều được.
Các loại rau củ có chứa nhiều kali, trong đó rau lá xanh là nhiều nhất, cùng với bí mùa đông (bí hình quả sồi - acorn squash) và khoai lang. Các loại rau khác cũng góp mặt trong danh sách này. Bốn khẩu phần mỗi ngày sẽ có ích cho bạn, do đó hãy dùng hai khẩu phần cho bữa ăn chiều và bữa tối, với một cốc rau củ quả còn sống và hơi tái. Các loại đậu, các loại quả hạch và đậu lăng có chứa lượng kali đáng kể.
10 loại thực phẩm giàu Kali nhất
Quả bơ: Cả một quả bơ chứa 1.067 milligram Kali
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người ăn quả bơ thường sẽ có chế độ ăn nhìn chung là lành mạnh hơn, cũng như nhận được nhiều dưỡng chất hơn và ít có khả năng mắc phải hội chứng chuyển hóa hơn[1].
Bí Mùa Đông: Một chén đầy bí chứa 896 milligram Kali
Bí mùa đông chứa nhiều chất chống oxi hóa giúp phòng ngừa và chống lại nhiều loại ung thư khác nhau[2] bao gồm cả ung thư da, phổi, vú và tuyến tiền liệt.
Rau Chân Vịt: Một chén đầy rau chân vịt đã nấu chín chứa 839 milligram Kali
Rau chân vịt chứa nhiều kali và các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra là nó có chứa các chất chống ung thư nữa[3].
Khoai Lang: Một củ khoai lớn chứa 855 milligram Kali
Khoai lang chứa đầy các dưỡng chất và giàu kali. Chúng chứa nhiều vitamin C, beta-carotene, và vitamin B6. Bên cạnh đó, các nghiên cứu mới nhất đã chỉ ra rằng chúng có thể giúp ích trong việc điều trị loét dạ dày tá tràng[4].
Cá Hồi Tự Nhiên: Mỗi một nửa miếng lườn cá (philê) chứa 772 miligram Kali
Thịt cá hồi chứa nhiều axit béo omega 3 giúp giảm nguy cơ mắc đột quỵ[5] và bệnh tim. Loại thực phẩm này làm giảm các triệu chứng trầm cảm cũng như chứng đau khớp, các bệnh ngoài da và bệnh tăng huyết áp.
Quả Mơ Sấy Khô: Nửa cup mơ khô chứa 756 miligram Kali
Quả mơ sấy khô là một loại thực phẩm giúp làm tăng vọt lượng kali trong cơ thể một cách dễ dàng và nhanh chóng. Các nghiên cứu đã cho thấy rằng[6] những người ăn trái cây sấy khô sẽ có chế độ ăn lành mạnh hơn với nhiều dưỡng chất hơn và có cân nặng cơ thể thấp hơn. Quả mơ sấy khô là một món ăn vặt giàu kali.
Quả Lựu: Cả một quả lựu chứa 667 miligram Kali
Quả lựu là loại trái cây tuyệt vời để nạp kali cho cơ thể. Chúng cũng chứa nhiều chất xơ, vitamin K và vitamin C, cùng với nhiều dưỡng chất khác nữa.
Nước Dừa: Một cốc nước dừa chứa 600 miligram Kali
Nước dừa là một loại thức uống chứa nhiều chất điện giải, như kali chẳng hạn. Nó được dùng để bù nước khẩn cấp khi cơ thể bị mất nước[7].
Đậu Trắng: Nửa cup đậu trắng chứa 502 miligram Kali
Đậu trắng chứa lượng kali đáng kể trong mỗi khẩu phần và chứa nhiều chất xơ nữa. Chế độ ăn giàu chất xơ giúp giảm nguy cơ[8] mắc bệnh tiểu đường.
Chuối: Một quả chuối to chứa 487 miligram Kali
Nguồn cung cấp kali được biết đến nhiều nhất này cũng giàu chất bột đường và đường nữa. Là một nguồn cung cấp năng lượng tốt trước khi tập thể dục, chuối rất giàu các dưỡng chất, giúp cơ bắp hồi phục và giữ cân bằng lượng nước trong cơ thể.
Nguồn ảnh bìa: Mercola từ articles.mercola.com