7 tháng trước
Cách Để Được Lắng Nghe Khi Bạn Là Người Hướng Nội (Mà Vẫn Là Chính Mình)
312

3763
Lượt xem
715
Lượt chia sẻ
176
Lượt bình luận

Là một người hướng nội, tôi luôn đánh giá cao xu hướng suy nghĩ sâu sắc và khao khát kết nối mạnh mẽ với mọi người của mình. Tôi rất thích lắng nghe. Trên thực tế, một phần lý do của việc tôi quyết định trở thành một nhà trị liệu tâm lý bắt nguồn từ xu hướng lắng nghe và thấu hiểu nhiều hơn là nói ra của tôi. Tuy nhiên, cho dù bạn có thể cảm thấy thoải mái hơn như thế nào khi lắng nghe, sẽ có lúc bạn cần nói ra, một cách mạnh mẽ, và có khả năng nói lên ý kiến cá nhân khi cần thiết. Theo thời gian, những người hướng nội có thể sẽ cảm thấy rất bực bội và kiệt sức nếu nhận thấy ta không thể hiện bản thân được nhiều - hoặc khi ta có thể, thì chẳng ai thèm lắng nghe!

Đối với bạn bè và đối tác, bạn có thể lựa chọn dành thời gian với ai và điều hướng các mối quan hệ đó theo thời gian và cách thức riêng của bạn. Nhưng đối với các mối quan hệ mà chúng ta không thể lựa chọn, như đồng nghiệp hay người thân trong gia đình, việc cố gắng được mọi người lắng nghe giữa đám đông huyên náo hay giữa những người hướng ngoại có thể khiến ta rất mệt mỏi.

Điều quan trọng là đừng cố gắng vùi lấp tính cách hướng nội của mình chỉ để được lắng nghe, dù tính cách này thường khiến ta hiếm khi sẵn sàng "hét lớn tiếng". Đôi khi, việc vừa là một người hướng nội, vừa muốn được lắng nghe xem ra có vẻ thật bất khả thi. Do đặc thù của người hướng nội thường cần thời gian để xem xét, suy ngẫm và chuẩn bị trước, dẫn đến việc khi đã ta sẵn sàng đóng góp ý kiến, thì người đồng nghiệp hướng ngoại của ta có thể đã nói lên quan điểm của họ và lái cuộc nói chuyện sang một chủ đề khác!

Dưới đây là một số mẹo, từ kinh nghiệm truyền lại của một người hướng nội, về cách để được lắng nghe và có được tiếng nói trong nhóm cũng như khi ở bên cạnh những người hướng ngoại.

Chọn thế trận của mình - học cách ngắt lời

Ngắt lời người khác là một điều khó khăn đối với người hướng nội. Là một nhà trị liệu tâm lý hướng nội, tôi đã đấu tranh trong nhiều năm để cảm thấy thoải mái với việc ngắt lời mọi người vào những thời điểm quan trọng để bổ sung một lợi ích nào đó. Dù vậy, tôi vẫn không thoải mái với việc này. Ngắt lời người khác là đi ngược lại thói quen của người hướng nội, nhưng đôi khi cần phải làm để bạn được mọi người lắng nghe. Những lúc khác thì không nên làm như vậy. Ngắt lời đúng lúc, còn gọi là ngắt lời thông minh, là kỹ năng có thể rèn luyện được và đôi khi rất quan trọng nếu bạn muốn nói chuyện với một số đối tác hướng ngoại hoặc những người thích nói nhiều.

Tôi không muốn nói rằng ngắt lời luôn là điều nên làm, nhưng nếu bạn không tìm cách làm việc này thường xuyên thì khả năng là bạn sẽ bị lép vế trong hầu hết các cuộc đối thoại. Tôi biết những người hướng nội như chúng ta thích lắng nghe hơn, nhưng đôi khi ta cần thiết phải truyền đạt một số suy nghĩ của mình để không cảm thấy bị bỏ qua hoặc bị loại trừ, và để cho một quan điểm khác được đưa ra xem xét. Hãy ngắt lời khi bạn thực sự muốn đóng góp điều gì, hay khi bạn bắt đầu cảm thấy suy sụp hoặc cảm giác như đang bị sử dụng như một vật thí nghiệm.

Nếu không thể tìm được một khoảng lặng tự nhiên nào, hãy bắt đầu nói ra ... dù tôi nhận thức rằng việc này đi ngược lại mọi thứ tôi biết và trân trọng về các mối quan hệ. Có vẻ thô lỗ đến khó tin khi tìm cách ngắt lời người khác, tuy nhiên, tôi đã nhận ra rằng lý do bản thân cảm thấy điều này thật tồi tệ là vì tôi ghét bị ai đó ngắt lời đột ngột. Tuy nhiên, mỗi người có một mức độ nhạy cảm khác nhau, và không phải ai cũng sẽ bị xúc phạm khi bị ngắt lời như bạn nghĩ. Tôi đã nhận thấy rằng những người hướng ngoại, hay nói thường không thực sự quan tâm đến việc bị ngắt lời (đây quả là một phát hiện lớn đối với tôi sau nhiều năm trời giữ kín miệng vì sợ tỏ ra thô lỗ!). Hãy thử nghiệm với bản thân mình. Thi thoảng, bạn hãy ngắt lời người khác khi họ không để cho bạn một khoảng trống nào để phát biểu và quan sát xem họ phản ứng như thế nào.

Tận dụng thế mạnh từ tính cách hướng nội của bạn

Nhìn chung, những người hướng nội chúng ta có xu hướng cảm thấy rất khó khăn để phản ứng ngay lập tức. Việc đóng góp cho các cuộc đối thoại mà không có sự chuẩn bị trước thường không hề dễ dàng, bởi lẽ ta không có được thời gian suy nghĩ như mong muốn. Như Susan Cain từng viết về những người hướng nội: "Họ nghe nhiều hơn nói, suy nghĩ trước khi nói, và thường cảm thấy rằng họ thể hiện bản thân khi viết tốt hơn khi nói.”

Marti Olsen Laney đã viết về lý do người hướng nội cần nhiều thời gian hơn để phản ứng: "Đó là do họ có đường thần kinh xử lý kích thích dài hơn; vì người hướng nội xử lý thông tin bằng cách vận dụng trí nhớ và sự tính toán dài hạn, do đó quá trình xử lý thông tin về các tương tác sự kiện và môi trường xung quanh của người hướng nội sẽ phức tạp hơn (và tốn nhiều thời gian hơn). Quá trình xử lý lâu hơn này có thể làm chậm đầu vào các cuộc hội thoại. Phản ứng nhanh và bắt đầu các đề tài nói chuyện mới có thể không phải thế mạnh của bạn, nhưng bạn có thể sẽ nhận thấy bản thân mình vốn tò mò bẩm sinh và luôn có những thắc mắc trong phần lớn quá trình tương tác. Xu hướng đặt câu hỏi tại sao và muốn được hiểu biết là một trong những phẩm chất xã hội quý giá nhất của người hướng nội.

Nếu đóng góp thông tin mới hoặc kể một câu chuyện không đem lại cho bạn cảm giác tự nhiên (và hầu như không bao giờ!), thì thay vào đó, hãy tận dụng thế mạnh của mình và nêu thắc mắc. Đó là một cách tốt để bạn đóng góp và trở thành một phần của các cuộc thảo luận nhóm theo cách ít gây khó chịu hơn là cố gắng trở nên ngang hàng với các đối tác hướng ngoại của mình. Đặt câu hỏi giúp bạn được lắng nghe cách tinh tế hơn là cố gắng xen vào bằng một câu chuyện hấp dẫn hoặc tìm cách nói lớn nhất. Bằng cách này, bạn sẽ có thể tác động đến định hướng của cuộc đối thoại trong khi vẫn tận dụng được thế mạnh cá nhân.

Một điểm mạnh khác của người hướng nội là thường cảm thấy thoải mái khi viết. Tùy thuộc vào hoàn cảnh, một bức e-mail gửi đúng thời điểm và được chuẩn bị kỹ lưỡng có thể mang lại nhiều lợi ích hơn là một cuộc đối thoại trực tiếp. Mặc dù email hoặc văn bản không thể thay thế tương tác trực tiếp, chắc chắn sẽ có những lúc và những nơi để truyền tải thông điệp của bạn bằng cách viết ra, thay vì không nói lên quan điểm gì cả.

Hãy luôn kiên nhẫn

Thông thường, người hướng ngoại dường như đạt được lợi ích nhanh chóng trong các tình huống đòi hỏi sự tương tác xã hội; tại nơi làm việc, khi tham gia các hoạt động xã hội và làm các công việc trong gia đình. Tuy nhiên, những phẩm chất của người hướng nội, như biết lắng nghe, suy ngẫm, cân nhắc và suy nghĩ sâu sắc sẽ có ý nghĩa về lâu dài. Đôi khi bạn sẽ gặp khó khăn để luôn được lắng nghe, nhưng những hành động của bạn và cách bạn thực hiện kế hoạch sẽ khiến bạn được nhìn nhận cách toàn diện vào một thời điểm trong tương lai, thay vì chỉ đơn thuần được nghe thấy ngay bây giờ. Hãy kiên nhẫn vì con đường của người hướng nội thường sẽ mất nhiều thời gian hơn. Như Sophia Dembling từng viết “Người hướng ngoại bùng sáng— Người hướng nội tỏa sáng”.

Số lượng không phải luôn luôn là điểm mạnh

Thường thì bạn có xu hướng xây dựng quan hệ với từng cá nhân một hơn là với mọi người trong nhóm. Nếu không quen làm việc với nhóm, thì bạn đừng nên hy vọng về khả năng tiếng nói của mình có trọng lượng. Tuy nhiên, nếu cảm thấy bực bội vì các quyết định được đưa ra mà không có bạn, hãy thử quan hệ với những người có ảnh hưởng trong nhóm. Bạn có thể là giọng nói bên tai của một người luôn sẵn sàng nói lớn và chia sẻ ý kiến. Nếu giành quyền chỉ huy nhóm có thể sẽ khiến bạn mất hàng giờ để nắm quyền và nhiều ngày sau đó để hồi sức, thì kết bạn với một người bẩm sinh thích nêu quan điểm sẽ là một phương thức ít tiêu hao năng lượng hơn để đưa ý kiến cá nhân vào trong nhóm!

Nguồn ảnh bìa: Ben White từ unsplash.com