2 ngày trước
Lười Biếng Đôi Khi Lại Là Một Tính Tốt
563

7094
Lượt xem
190
Lượt chia sẻ
36
Lượt bình luận

Đã bao nhiêu lần bạn dùng từ "lười biếng" để tự miêu tả bản thân rồi? Chúng ta thường có xu hướng tự gắn mác cho mình là lười biếng bởi cha mẹ sẽ gọi mình như thế khi chúng ta không phụ rửa chén bát, hoặc có thể là khi chúng ta chẳng thèm lo làm bài tập về nhà vào tối hôm trước và rốt cuộc sáng hôm sau phải chép bài của người khác.

Điều này có thể phát triển dần đến tận tuổi trưởng thành, khi chúng ta thấy mình nằm xoài trên ghế trường kỉ để cho đống quần áo phải giặt bị chất đống thành núi mấy ngày liền. Khi đó chúng ta tự xem mình là lười biếng và cảm nhận hết tất cả những hàm ý tiêu cực của từ đó. Nhưng chuyện đã lỡ rồi. Dĩ nhiên đó chẳng phải là một từ mang nghĩa tích cực hay xác nhận một điều mà ta muốn dính líu tới, nhưng ai cũng đều cảm nhận được nó lúc này lúc khác.

Nhưng nếu sự lười biếng không phải là điều xấu thì sao? Liệu chúng ta có thể chấp nhận nó như một tính tốt cần có hay không?

Tại sao lười biếng bị xem là sai trái?

Sự lười biếng luôn đồng nghĩa với thiếu động lực và vô tích sự. Nói một cách cô đọng thì đó là việc bạn không làm những việc mà bạn cần phải làm dù biết mình có khả năng làm được. Chính là cảm giác trì hoãn và xao lãng đã dẫn tới cảm giác thất bại cho chúng ta. Và đó mới chỉ là từ phía bản thân mình mà thôi. Nếu những người khác xem chúng ta là lười biếng, điều đó sẽ tác động như một sự xác nhận khách quan từ bên ngoài và khắc sâu thêm niềm tin tiêu cực về bản thân chúng ta.

Sự lười biếng đã ăn sâu vào cách suy nghĩ của chúng ta như là một điều tiêu cực bởi truyền thống của đạo Thiên Chúa xem sự lười biếng là một trong bảy tội lỗi chết người. Do đó mà nó quyện chặt vào cách suy nghĩ của chúng ta từ thời xa xưa, và chúng ta, một cách tự nhiên, bị kết tội mỗi khi không nỗ lực đúng mức cần thiết.

Lười biếng có thể là một tính cách tích cực hay không?

Sự lười biếng sẽ còn tồn tại mãi, vậy chúng ta có nên kết tội nó nặng nề đến thế không?

Ý nghĩ về việc làm người lười biếng là rất chủ quan và mang tính cá nhân. Công nghệ hiện đại có thể bị cáo buộc cho việc biến chúng ta thành những con lười khi nói đến việc truyền thông tin tốc độ cao. Chúng ta dùng những biểu tượng cảm xúc (emoji) để biểu lộ cảm xúc thay cho việc viết ra rằng mình đang cảm thấy thế nào, chúng ta có thể chia sẻ thông tin bằng một cú nhấp chuột, và chúng ta có thể soạn tin nhắn cho một ai đó thay vì phải nhấc điện thoại lên gọi hoặc gặp mặt trực tiếp.

Song cũng có những cách tích cực mà theo đó sự lười biếng có thể tăng chất lượng sống của chúng ta, dẫn đến việc có thể là ta nên xem xét sự nhàn rỗi chây lười như là một nguồn lực tạo ra những điều tốt đẹp.

Nó cho bạn cơ hội sống thật với bản thân

Sẽ là tiêu cực đối với sự phát triển cá nhân của mỗi người nếu chúng ta cứ liên tục bận rộn và lơ là bỏ quên chính bản thân mình. Sự lười biếng cho chúng ta một cơ hội để chỉ việc thư giãn và sống "thật" mà chẳng cần bận tâm đến việc tiếp theo trong danh sách công việc cần làm của mình. Có một nguồn năng lượng tuyệt vời được chứa trong việc "không phải làm gì cả", và nếu chúng ta có thể giải phóng cái ý nghĩ rằng mình nên làm việc gì đó thay vì ngồi không, thì điều đó có thể sẽ đem lại lợi ích cho sức khỏe tổng quát của chúng ta.

Nó có thể khiến bạn làm việc hiệu quả hơn

Việc có thái độ lười biếng về cơ bản có nghĩa là bạn muốn làm ít việc hơn. Tuy nhiên điều đó cũng tạo ra một mong muốn tìm ra cách thức hiệu quả hơn để hoàn thành nhiệm vụ. Đó là lí do tại sao nhiều người trong số những nhà phát minh tài ba nhất đều thừa nhận rằng các sáng chế của họ được ra đời bởi ý muốn cá nhân rằng mình sẽ tiêu tốn ít thời gian hơn cho một công việc cụ thể nào đó. Ben Franklin từng nói mình là "kẻ lười biếng nhất trên thế giới. Tôi phát minh ra tất cả những thứ đó là để cứu mình thoát khỏi cảnh cực nhọc."

Nó giúp bạn thấy thoải mái hơn

Việc chấp nhận sự lười biếng và thừa nhận đó là tính cách của mình có nghĩa là bạn có thể cảm thấy thanh thản về việc mình là người thế nào. Ngay khoảnh khắc khi bạn bắt đầu tự phán xét bản thân hoặc để cho những lời phán xét của người khác ảnh hưởng đến cảm xúc của mình, đó là lúc ý nghĩa tiêu cực của sự lười biếng giành được phần thắng. Việc biết rằng mình lười biếng và việc có thể cười đùa thoải mái về chuyện đó là một bước tiến lớn trong việc tự chấp nhận và tự yêu thương bản thân mình.

Lười biếng sinh ra sáng tạo

Tiếp nối từ ý tưởng "sống thật", một khi tâm trí chúng ta được ở trong trạng thái thư giãn, nó sẽ mở ra những ý tưởng và hành động đầy cảm hứng theo một cách hết sức tự nhiên. Tiến sĩ Sandi Mann, một giảng viên tâm lí học kì cựu tại Đại học Miền Trung Lancashire tin rằng lười biếng và buồn chán là những bánh răng quan trọng trong bộ máy xã hội. “Khi buồn chán chúng ta đi tìm những nguồn kích thích về mặt thần kinh. Một cách để đạt được điều đó là nhìn vào nội tâm và để cho tâm trí mình lang thang và mơ mộng. Khi chúng ta đã thoát khỏi sự trói buộc của những khuôn phép do ý thức điều khiển, chúng ta có thể nhìn nhận mọi việc khác đi và nhìn ra những cách thức mới để làm mọi việc."

Bạn sẽ tập trung vào các công việc nhỏ hơn khi tạm gạt qua các việc lớn

Khi chúng ta bị ngập trong những công việc lớn hơn và "quan trọng hơn", thì những việc nhỏ hơn thường bị hoãn lại hoặc chẳng hề được ngó tới. Sự lười biếng có thể đồng nghĩa với việc đảo ngược điều này lại; bỏ qua những việc lớn bằng cách tập trung vào những việc nhỏ hơn. Dù điều này nghe giống như việc các thứ tự ưu tiên bị làm sai lệch đi, nhưng đó lại là một cách hiệu quả để bắt đầu làm mọi việc và thường sẽ giúp dọn đường cho những việc lớn mà bạn sẽ quay trở lại lúc sau cùng.

Những công việc bị dồn đến phút cuối tạo ra sự tập trung cao độ hơn

Nếu bạn lười biếng, chắc chắn bạn sẽ "kiên trì" với việc trì hoãn mọi thứ. Song việc để mọi thứ lại đến phút cuối mới làm thực ra sẽ tạo nhiều hiệu quả hơn bởi tâm trí bạn tập trung vào mỗi một việc và ý thức rõ về thời gian. Do đó bạn sẽ không tốn nhiều thời gian hơn mức cần thiết thật sự cho một công việc hay dự án lớn, và nhiều năng lượng hơn sẽ được bơm vào để làm việc đó trong một khoảng thời gian ngắn hơn.

Đã đến lúc nhìn nhận sự lười biếng theo một cách khác đi

Vậy là lười biếng không nên bị coi là tiêu cực. Miễn là bạn biết lúc nào cần phải tự bật dậy khỏi cơn chây lười và sử dụng sự tập trung cùng với thời gian giới hạn để làm việc hiệu quả, hoặc dùng những lúc lười biếng như là thời gian để tự suy ngẫm hay sáng tạo, thì nó thực sự có thể đem lại cho bạn một lợi thế đấy. Hãy thừa nhận sự lười biếng của bạn và dùng nó để đạt tới thành công.

Nguồn ảnh bìa: tookapic từ pexels.com