1 tuần trước
Việc "Bạn Quen Biết Ai" Quan Trọng Hơn Là "Bạn Biết Những Gì"
560

6520
Lượt xem
287
Lượt chia sẻ
70
Lượt bình luận

Hãy dành ra vài giây để nghĩ về cách mà hầu hết các nền giáo dục hàng đầu thế giới được thiết kế: chúng thường tập trung vào việc bạn biết những gì, nghĩa là số lượng các khái niệm. Đó là lí do mà học sinh, sinh viên thường hỏi "Cái này có ra thi không?" Họ muốn đảm bảo chắc chắn về những điều mình biết: liệu đó có đúng là tập hợp những thứ mà họ nên biết không?

Thậm chí ngoài việc học ở trường, các học sinh, sinh viên thường được khuyến khích hãy đọc sách nhiều hơn và học thêm những kĩ năng mới. Càng lúc người ta càng quan tâm đến số lượng. Điều đó có thể dẫn tới một nền văn hóa với những đứa trẻ học hành quá tải và những bậc cha mẹ lòng đầy lo lắng.[1]

Tony Robbins và Tim Ferriss đã chỉ ra điều này trong một tập của chương trình phát thanh: có những nền văn hóa chú trọng thành tích và những nền văn hóa chú trọng việc thỏa mãn.[2] Các nền văn hóa thành tích tập trung vào số lượng các nhiệm vụ hay mục tiêu đạt được; số lượng là quan trọng hơn hết thảy. Các nền văn hóa thỏa mãn thì lại có thể chú trọng hơn đến sự hài lòng, tăng trưởng, hạnh phúc, v.v. của cá nhân - và ít chú trọng hơn đến việc đạt cho được được một con số cụ thể.

Nước Mĩ và nhiều cường quốc hàng đầu thế giới khác phần lớn đều là các nền văn hóa kiểu thành tích, nên chúng ta tập trung nhiều vào việc ta biết những gì. Nhưng nếu đó là cách tiếp cận sai lầm thì sao?

Tại sao việc "bạn biết những ai" mới là quan trọng hơn

Bạn nghĩ sao về việc quen biết nhiều người hơn? Và cả việc quen biết đúng người nữa?


Giải quyết vấn đề cùng với những con người khác là một phần quan trọng trong công việc của hầu hết chúng ta, bất kể bạn làm việc trong một tổng đài tư vấn, buôn bán bất động sản, hay tạo ra các giải pháp tiếp thị cho công việc kinh doanh nhỏ.

Việc chúng ta hợp tác với những người khác như thế nào thường là dấu hiệu chỉ điểm tuyệt vời nhất cho sự thành công. Reed Hastings, giám đốc điều hành (CEO) của Netflix, thậm chí đã cảnh báo các nhà lãnh đạo khác về việc thuê những “kẻ ngốc xuất sắc” — những người làm tốt các công việc trên giấy về các số liệu hay mục tiêu, song lại ít được lòng mọi người và khiến các đồng nghiệp xa lánh.[3]

Tổng kết lại là, những người ở xung quanh bạn sẽ ảnh hưởng đến bạn: họ có thể khiến bạn hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn, và thành công hơn - hoặc là ngược lại. Theo nghiên cứu của Nicholas Christakis thuộc Đại học Yale, thì hầu hết các ảnh hưởng này diễn ra một cách thụ động và từ từ. Bạn thậm chí có thể sẽ không chú ý nhận ra chúng khi chúng đang diễn ra.[4] Nhưng theo thời gian, bạn sẽ trở thành tấm gương phản chiếu chính những người mà bạn dành thời gian tiếp xúc cùng. Việc hiểu rõ những ai đang ở trong mạng lưới làm việc cùng bạn ngay lúc này, và liệu họ là sự bổ sung tốt cho mình hay là ảnh hưởng xấu, là điều rất quan trọng.


Xét ở cấp độ chuyên sâu hơn, một trong những người kết nối và làm việc theo mạng lưới thành công nhất tại Thung lũng Silicon - một trung tâm kinh doanh khổng lồ hiện tại - là Adam Rifkin, và anh tổ chức các Buổi Gặp gỡ 106 Dặm (106 Mile Meetups) mỗi tháng một lần.[5] Chúng đã trở thành sự kiện về kĩ thuật hàng đầu dành cho giới kĩ sư và lập trình viên, và mọi người thường sẽ có được việc làm một cách trực tiếp từ những sự kiện này.

Vấn đề quan trọng hơn là bạn quen biết những ai - cùng với việc đảm bảo đó là những người phù hợp - chứ không phải bạn biết những gì.

Làm thế nào để biết ai là người phù hợp

Có cả triệu bài viết trên mạng về cách tạo ấn tượng ban đầu và làm việc theo mạng lưới tốt hơn, nên chúng ta sẽ không đi theo những hướng đó nữa. Có thể bạn đã nghe rất nhiều những lời khuyên về giao tiếp bằng mắt và chỉ nói về bản thân trong khoảng 20% thời gian (hầu hết mọi người bỏ qua điều này và tự nói về mình trong 80% thời gian).

Thay vào đó, hãy xem xét một vài cách tiếp cận sau đây:

  • Hãy cảm ơn những người xung quanh bạn. Việc này thể hiện sự đánh giá cao dành cho những nỗ lực của họ, và cũng nhắc nhở chính bạn rằng bạn có phước đến thế nào và giúp bạn có tâm trạng tốt hơn trong quá trình làm việc. Việc nghe được những lời "cảm ơn" từ những người khác thật sự có thể làm bền chặt hầu hết các mối quan hệ.
  • Cho đi nhiều hơn nhận lại. Trên thực tế, việc cố gắng "lấy" (có được những số liệu tốt và những lời đề nghị việc làm, v.v.) trong bối cảnh làm việc theo mạng lưới sẽ dẫn đến thất bại nhiều hơn bởi chẳng ai thích một kẻ chỉ biết nhận mà không cho đi bao giờ. Hãy là một người hào phóng tại các sự kiện và sẵn lòng tỏ ý giúp đỡ người khác hay tìm giúp các nguồn lực. Hầu hết mọi người sẽ nhớ đến bạn và khi tình thế đảo ngược lại, bạn sẽ có được sự kết nối với họ.
  • Hãy hỏi xin sự giúp đỡ, chia sẽ những suy nghĩ. Nói ngắn gọn là hãy hòa đồng. Hãy kết nối với người khác. Hãy thảo luận. Hãy trao đổi ý tưởng. Loài người là động vật sống theo xã hội. Đó là một trong những lợi thế tuyệt vời của chúng ta. Hãy làm thế khi bạn làm việc theo mạng lưới và xây dựng sự kết nối với mọi người.
  • Hãy kết nối xoay quanh mối quan tâm chính của bạn. Một trong những người làm việc theo nhóm thành công nhất tại Davos, Rich Stromback, đã tuyên bố rằng “99% việc làm việc theo mạng lưới là lãng phí thời gian" bởi nhiều người quá bận tâm vào những ấn tượng ban đầu.[6] Thay vào đó hãy quan tâm đến việc cố gắng kết nối một cách thực chất xoay quanh mục tiêu quan tâm chính của bạn.
  • Hãy nhận thức rằng việc này không dễ dàng. Việc xây dựng các mối quan hệ cần thời gian để có thể thực hiện một cách hiệu quả. Jeff Goins đã mô tả chính xác điều này: bạn cần phải cảm thấy thoải mái khi tiếp cận đúng người phù hợp, tỏ ra thoải mái khi bị từ chối (khó lắm đấy), hãy hiểu rằng không có gì thành công trong một sớm một chiều mặc cho những điều mà văn hóa đại chúng có thể thể hiện cho ta thấy, và hãy sẵn sàng để tiếp cận một vài người cùng với nỗi sợ hãi bởi điều đó sẽ khiến bạn tỏ ra thành thật và có tiềm năng kéo bạn xích lại gần họ hơn.

Hãy bắt đầu kết nối

Hãy tưởng tượng tình huống giả tưởng này: bạn biết hết mọi thứ trên đời. Từng sự thật một. Từng mẩu tri thức một. Tất cả chúng. Nếu bạn là một người như vậy nhưng lại không quen biết bất kì một ai, hoặc không biết cách nói chuyện hay kết nối với họ, thì bạn sẽ tiến xa được đến đâu?

Không xa lắm đâu.

Giờ hãy tưởng tượng bạn biết 1/4 những điều mà người đó biết. Có nhiều thứ mà bạn còn thiếu sót. Bạn không biết quá nhiều thứ nhưng bạn quen biết mọi người và có các mối quan hệ. Bạn có nghĩ người như vậy sẽ tiến xa không?

Chắc chắn là có.

Không phải là bạn biết gì. Mà là bạn quen biết ai. Hãy vun đắp cho các mối quan hệ ngay bây giờ.

Tài liệu tham khảo