Bạn không thể sống mà không truy cập mạng. Thế giới của chúng ta được kết nối 24/7, và điều đó đã thay đổi cách ta sống và làm việc. Khi thực hiện một dự án, cũng là tự nhiên khi ta lên mạng tìm kiếm những câu trả lời hay cảm hứng. Internet là một công cụ quý giá, nhưng nó dễ khiến bạn mất tập trung hay quá tải.
Ví dụ, bạn đang viết một bài luận, và bạn cần nghiên cứu thêm. Tìm kiếm của bạn đưa ra 20 trang kết quả. Trước khi kịp nhận ra, bạn đã dành cả giờ đồng hồ tra cứu nhiều thông tin hơn bạn cần.
Có lẽ bạn đã để ý một tiêu đề hấp dẫn hay một quảng cáo lôi kéo sự chú ý của bạn khỏi công việc. Bạn đọc chi tiết về đời tư của ngôi sao yêu thích, hay mua thiết bị mới nhất. Thời gian trôi qua và bạn vẫn chưa hoàn thành công việc.
Ta không thể sống thiếu Internet, nên ta cần học cách sống chung với nó
Ngày nay mọi thứ đều trực tuyến, và bạn dễ dàng "Google" bất cứ điều gì muốn biết. Ta đã quen với việc lên mạng để tìm câu trả lời cho mọi thắc mắc của mình.
Thậm chí, bạn không thể đi học mà không lên mạng. Các cổng thông tin giáo dục và giao tiếp qua mạng đã trở thành một phần bình thường của quá trình học tập. Ta dựa dẫm quá nhiều vào Internet, đến mức gần như không còn biết tìm câu trả lời bằng bất cứ cách nào khác.
Chỉ mới 15 năm trước, nếu muốn tra nghĩa của một từ, bạn giở quyển từ điển. Ngày nay, bạn chỉ tìm nó trên Google. Ta không còn gọi điện đến một nhà hàng để đặt chỗ. Ta lên mạng hoặc dùng app để giữ bàn ở đó. Ta thậm chí còn không đặt chân vào cửa hàng - ta có thể mua bất cứ thứ gì và chọn giao hàng tận nhà.
Khả năng truy cập mạng đáng lẽ phải tăng năng suất làm việc, vì ta không còn mất thời gian tìm kiếm câu trả lời. Internet cung cấp cho bạn mọi thông tin ở ngay tầm tay - đó vừa là may mắn vừa là tai hoạ. Với nhiều người, nó cực kỳ gây sao lãng.
Bạn có thường thấy mình đang mở các trang không liên quan đến công việc? Bạn có thể mất gấp đôi thời gian hoàn thành một công việc khi ngập đầu trong những thứ tiêu khiển này.
Chứng nghiện mạng xã hội có quan hệ mật thiếu với chứng nghiện Internet nói chung. Ai cũng dính vào điện thoại mọi lúc. Chắc chắn tôi đã từng thấy mình kiểm tra điện thoại mười phút một lần. Tôi tải lại liên tục trang Facebook và Instagram của mình vì tôi bị "nỗi sợ bỏ lỡ" (fear of missing out, FOMO) nuốt chửng.[1]
Tôi biết tôi không phải người duy nhất luôn bị thôi thúc làm mới lại trang mạng. Đến khi bắt tay vào làm việc, tôi không có đủ sự tập trung và năng lượng để dành cho công việc. Nếu bạn cũng thế, thì năng suất làm việc của bạn đang bị tổn hại vì thói quen sử dụng mạng rồi đấy.
Sự mất tập trung có thể có hậu quả lâu dài
Giảm năng suất làm việc có nghĩa là bạn sẽ không thể đạt được tối đa tiềm năng của mình. Bạn sẽ mất nhiều thời gian làm việc hơn, hoặc thậm chí mất ham muốn và tính kỷ luật để giải quyết công việc. Mất tập trung mãn tính thậm chí có thể thay đổi cấu trúc não của bạn.[2]
Bạn càng bị phân tán, bạn càng dễ trì hoãn. Dù Internet hay ho và có tính kích thích, nhưng nó gần như luôn luôn dụ dỗ bạn sao lãng khỏi những nhiệm vụ quan trọng nhất.
Internet chỉ tình cờ có tác động này vì đặc điểm sinh học của chúng ta. Sự thoả mãn tức thời đến từ việc nhấn chuột, tìm kiếm và làm mới trang kích thích hệ limbic của não và khiến não giải phóng dopamine, chất dẫn truyền thần kinh tạo cảm giác sung sướng.
Sử dụng Internet là một trải nghiệm bao quát. Ta dùng tay đánh máy hoặc tương tác với màn hình cảm ứng. Mắt và tai ta tràn ngập sự kích thích đến từ các video và thông báo. Sự kích thích dồn dập này cướp đi khả năng chú ý của ta và khiến ta không ngừng tìm kiếm cú nhấn chuột tiếp theo.[3]
Đã đến lúc cắt đứt tình trạng này
Cách duy nhất để Internet ngừng chiếm trọn toàn bộ thời gian và sự tập trung của bạn là ngắt kết nối. Khi không kết nối nữa, bạn sẽ tìm lại được sự tập trung, và sẽ bớt có ham muốn lãng phí thời gian cho những thứ như email, chat và mạng xã hội. Có thời điểm và địa điểm cho những thứ đó, nhưng không phải là cả ngày và mọi ngày.
Sự bốc đồng và xu hướng sao lãng xuất phát từ hệ limbic của não. Piers Steel, tác giả cuốn Phương Trình Trì Hoãn gọi sự bốc đồng là "nền tảng của sự trì hoãn". Bạn càng bốc đồng, thì bạn càng dễ trì hoãn.
Để chống lại sự trì trệ và sự bốc đồng, chúng ta phải dùng đến phần vỏ não ở trán. Ta sử dùng phần này của não để giải quyết những việc khó hay lên kế hoạch cho tương lai. Có một giải pháp còn tốt hơn để xây dựng sự tập trung thay vì tăng cường não chống lại cơn bốc đồng: loại bỏ những yếu tố gây lãng phí thời gian trước khi chúng kịp nuốt trọn thời gian của bạn.
Ngắt kết nối mạng là một trong những cách tốt nhất để ngăn bạn lãng phí thời gian ngay từ đầu. Bạn sẽ ngạc nhiên vì thấy mình trở nên năng suất hơn bao nhiêu khi bạn kiểm soát Internet thay vì để nó kiểm soát bạn.
Bí quyết áp dụng một ngày làm việc ngắt kết nối
1. Ngắt kết nối khi gặp việc khó
Internet thoả mãn ta về mặt hoá học thần kinh khi ta né tránh những thứ mà ta không muốn làm. Khi bạn thực hiện một nhiệm vụ khó khăn hoặc gây áp lực, ngắt kết nối sẽ rất có ích cho bạn. Sau khi quen với việc không tải lại trình duyệt hay kiểm tra email, bạn sẽ kinh ngạc trước cảm giác bình tĩnh và khả năng làm việc hiệu quả mà bạn được trải nghiệm.
2. Cất điện thoại đi
Khoá nó lại, để nó trong túi, hoặc trong một căn phòng khác. Bất kể bạn làm gì, đừng để ngửa nó trên bàn làm việc. Nó sẽ chỉ cầu xin bạn cầm lên, và các thông báo chắc chắn sẽ làm bạn sao lãng khỏi những việc quan trọng hơn.
3. Dồn tâm trí vào việc
Chỉ cất điện thoại đi thôi thì không đủ. Hãy làm việc với ý định nâng cao sự tập trung và năng lượng. Xác định mục tiêu cũng sẽ giúp bạn đánh lui cám dỗ lướt web hay mạng xã hội một cách lơ đãng.
4. Đề ra thời hạn
Khi bạn không có thời hạn, các dự án có thể mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành. Nếu bạn không được giao deadline, hãy tự đặt ra một cái cho mình. Áp lực đó sẽ giúp bạn tập trung và làm xong việc đúng thời gian.
5. Tắt những trang thừa trên trình duyệt
Có thể có vài trang mà bạn không cần mở trên màn hình ngay lúc này. Mỗi cái là một lời mời gọi bạn nhấn vào mà quên đi nhiệm vụ quan trọng của mình. Rũ bỏ bất cứ thứ gì bạn không cần - thậm chí có thể tắt hòm thư đi một lúc.
6. Tránh quá tải thông tin
Có vô số trang web và bài báo trên mạng. Đừng để chúng ngăn cản bạn hành động.[4] Giới hạn thời gian cho nghiên cứu của bạn. Nếu bạn tìm thấy một bài báo không liên quan mà bạn hứng thú, đánh dấu nó lại để đọc sau.
Các ứng dụng đánh dấu như Pocket hay Feedly là những cách tuyệt vời để lưu giữ nội dung trực tuyến để bạn có thể xem lại sau.
Internet được làm ra để cải thiện cuộc sống của bạn
Internet đã thay đổi cách thế giới của chúng ta hoạt động. Nó là một lợi thế làm tăng giá trị cuộc sống của ta, nhưng không thiết yếu cho sự tồn tại của ta. Sử dụng Internet sao cho tăng năng suất và chất lượng công việc của bạn, để bạn có thể dành thêm năng lượng cho những việc bạn yêu thích.
Tài liệu tham khảo
[1] | ^ | Psychology Today: Nỗi Sợ Bỏ Lỡ |
[2] | ^ | Chris Kesser: Sự Sao Lãng Thay Đổi Cấu Trúc Não Và Chánh Niệm Có Thể Giúp Bạn Như Thế Nào |
[3] | ^ | Chris Bailey: Dự Án Năng Suất |
[4] | ^ | Interaction Design Foundation: Tại Sao Quá Tải Thông Tin Là Vấn Đề Và Cách Chống Lại Nó |