Với tư cách là một vận động viên chạy điền kinh ở trường cấp II và cấp III, mỗi năm tôi đều ngồi lại với huấn luyện viên của mình và đặt ra một loạt các mục tiêu cho cả mùa giải. Thời gian nào mà tôi muốn chạy trong năm? Cuộc thi nào mà tôi muốn chiến thắng?... Khi chúng tôi đặt ra được những mục tiêu cho cả năm, chúng tôi sẽ lập một kế hoạch tập luyện và lên lịch thi đấu để tôi có thể đạt được những mục tiêu đó.
Trước khi tôi có huấn luyện viên, tôi từng chạy bộ mà không có mục đích gì. Cũng không có kế hoạch, không hướng tới cuộc thi cụ thể nào cả. Tôi chỉ tham gia chạy bất cứ khi nào tôi được yêu cầu từ câu lạc bộ của tôi hoặc của nhà trường. Thường thì tôi kết thúc bằng các chấn thương và mùa giải của tôi kết thúc mà tôi không đạt được gì nhiều.
Khi tôi có huấn luyện viên, mọi thứ thay đổi hẳn. Chúng tôi làm việc cùng nhau để đặt ra những mục tiêu cũng như những cuộc thi chạy mà tôi sẽ hướng tới, và thời gian tôi chạy trên quãng đường 800m và 1,5km của tôi đã giảm xuống. Tôi bắt đầu thắng được vài cuộc thi chạy quan trọng và bắt đầu thích thú môn thể thao này. Một tiến trình thường niên đã dạy cho tôi từ độ tuổi rất nhỏ rằng các mục tiêu là rất quan trọng nếu tôi muốn đạt được điều gì đó có ý nghĩa.
Bài viết này sẽ bàn về việc tại sao các mục tiêu lại quan trọng và giúp bạn có một kế hoạch cụ thể, rõ ràng nhằm đặt ra được một mục tiêu "thông minh" dù là mục tiêu cá nhân hay công việc một cách hiệu quả từ lần này đến lần khác.
Nếu bạn không có bất cứ mục tiêu nào, bạn sẽ bị mất định hướng. Bạn sẽ bị lôi kéo vào mọi hướng đi bởi công việc, đồng nghiệp, bạn bè và gia đình bạn. Thông thường, những hướng đi này không phải là hướng đi mà bạn mong muốn theo đuổi và bạn sẽ lại quay trở lại nơi mà mình đã bắt đầu, hoặc tệ hơn, trở lại nơi bạn không bao giờ muốn trở lại nữa.
Đối với những thứ mà bạn muốn đạt được trong cuộc sống, việc lập một kế hoạch và một mục tiêu là hướng đi duy nhất mà bạn sẽ làm và trao cho chính bạn cơ hội để đạt được.
Các mục tiêu trao cho bạn một hướng đi, trao cho bạn một mục đích để thức dậy vào mỗi sáng. Nó giúp bạn nhìn mọi thứ từ một góc nhìn hoàn toàn khác và sẽ lạc quan hơn.
Đặt mục tiêu và đạt được chúng không hề đơn giản, rất nhiều người thất bại. Một nghiên cứu của Đại học Scranton phát hiện rằng chỉ 8% số người đặt mục tiêu cho năm mới là thực sự đạt được, có nghĩa 92% số người đặt mục tiêu cho năm mới thất bại. Tại sao lại như vậy?
Nguyên nhân là rất nhiều người nhìn thấy được mục tiêu, ví dụ những thay đổi trong năm mới, những hy vọng và ao ước. Họ hy vọng họ sẽ giảm được cân, họ ước có thể bắt đầu công việc kinh doanh của chính họ hay họ hy vọng sẽ tìm được một công việc tốt hơn. Vấn đề của việc "hy vọng" và "ao ước" cho điều gì đó là không hề có kế hoạch, không có mục đích và cũng không có một khung thời gian. Một khi những "hy vọng" và "ao ước" này được đặt vào cuộc sống thực tại hàng ngày, nó sẽ sớm trở thành sự thất vọng và mơ mộng hảo huyền.
Do vậy để thực sự có thể đạt được điều gì đó, bạn phải có một mục tiêu cụ thể - một mục tiêu "thông minh" (SMART) là một lựa chọn tốt.
Nền móng của tất cả những mục tiêu có thể đạt được là một mục tiêu theo nguyên tắc SMART.
Được thai nghén lần đầu bởi George T. Doran trong một bài báo ông viết vào năm 1981 gọi là "Có một giải pháp THÔNG MINH (S.M.A.R.T) để lập ra các mục tiêu quản lý" và nguyên tắc này đã được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực kể từ thời điểm đó.
Nguyên tắc SMART lấy từ các chữ cái đầu của Specific (Cụ thể), Measureable (Đo lường được), Assignable (Chỉ định được), Realistic (Thực tế) và Time-related (Có thời hạn). Nó được dùng bởi nhiều công ty và cá nhân nhằm đạt được các mục tiêu của họ và một cách tổng quát nó là một nguyên tắc hiệu quả.
Sức mạnh của những mục tiêu theo nguyên tắc SMART là nó đặt ra một lộ trình rõ ràng để vươn tới các mục tiêu và nó cũng có một khung thời gian cụ thể. Hãy xem xét một cách chi tiết hơn:
Xét một mục tiêu có thể đạt được, nó sẽ cần phải có một kết quả rõ ràng. Điều mà bạn hỏi sẽ là "Chính xác thì tôi muốn đạt được điều gì?". Mục tiêu càng rõ ràng, bạn sẽ đạt được càng dễ dàng.
Ví dụ, nếu bạn chỉ nói "Tôi muốn giảm cân", rồi vào một ngày nào đó bạn đi tản bộ mà không ăn tối thì bạn cũng đã đạt được mục tiêu rồi - bạn sẽ giảm được một ít khối lượng cơ thể.
Nhưng nếu đó không phải là điều mà bạn nghĩ, thì bạn cần phải cụ thể hơn:
"Tôi muốn giảm 20 pounds (khoảng 9kg) trước khi kết thúc Tháng bảy năm nay"
Bây giờ thì nó đã cụ thể hơn rất nhiều và cho phép những yếu tố còn lại của nguyên tắc SMART phát huy tác dụng.
Nếu bạn có những mục tiêu có thể đạt được, bạn cần có thể đo lường nó. Lấy ví dụ phía trên, "Tôi muốn giảm 20 pounds trước khi kết thúc Tháng bảy năm nay", đó là đo lường được.
Tất cả những gì bạn cần làm là bước lên cân vào Ngày 1 Tháng Một, sau đó trừ đi 20 pounds và đặt nó làm mục tiêu cần đạt được vào Ngày 31Tháng Bảy. Sau đó, mỗi tuần bạn hãy bước lên cân và theo dõi cân nặng của mình.
"Chỉ định được" có nghĩa: Ai sẽ chịu trách nhiệm để thực hiện mục tiêu đó?
Trong ví dụ giảm cân của chúng ta, người duy nhất có thể chịu trách nhiệm là chính bạn. Do đó bạn phải chịu hết mọi trách nhiệm trong việc giảm cân. Nếu bạn thất bại trong việc thực hiện mục tiêu, đó không phải lỗi của bất kỳ ai mà là của chính bạn. Hãy đồng ý nhận hết trách nhiệm trong việc thực hiện mục tiêu này.
Với bất kỳ mục tiêu nào cần đạt được, bạn cần đặt ra nó với tính thực tế.
Nếu bạn cố gắng để giảm được 20 pounds mỗi tuần, thì bạn đang tự đặt ra thất bại cho chính mình. Theo lý thuyết thì mục tiêu giảm 20 pounds này là khả thi, nhưng dường như bạn sẽ đạt được mục tiêu này rất chậm. Giảm 20 pounds trong thời gian 6 tháng là thực tế với nhiều người, nhưng giảm 20 pounds trong thời gian 1 tuần thì không.
Và cuối cùng, bạn cần một mốc thời gian. Tất cả các mục tiêu cần một ngày nào đó để kết thúc vì nó sẽ tạo ra cho bạn một sự thúc đẩy và cho cũng bạn một thời hạn cụ thể.
Trong ví dụ về việc giảm 20 pounds của chúng ta, mốc thời gian 6 tháng sẽ rất cụ thể, đo lường được, thực tế, có một mốc thời gian thực hiện và cũng như việc bạn sẽ chấp nhận hết trách nhiệm thực hiện mục tiêu mà nó chỉ định cho bạn - đó là tất cả những yếu tố của nguyên tắc SMART.
Có phải bạn đã có đủ yếu tố để đạt được mục tiêu của mình? Không hẳn vậy.
Một vấn đề tôi luôn gặp phải với nguyên tắc SMART là nó không tính đến yếu tố con người. Chúng ta cần động lực. Chúng ta cần một lý do để hướng tới các mục tiêu của mình. Nếu bạn không có động lực thực sự - không trả lời được câu hỏi "Tại sao?" - thì bạn sẽ thất bại.
Như việc giảm 20 pounds, ví dụ này không dễ thực hiện. Bạn sẽ trải qua nhiều tháng ròng với cảm giác bị đói. Đói không phải là một điều gì đó có thể dễ dàng bỏ qua và trừ khi bạn có một siêu sức mạnh tinh thần, nếu không bạn cũng sẽ bị cám dỗ bởi bánh pitsa, bánh sô-cô-la và kem.
Tất cả các mục tiêu theo nguyên tắc SMART có thể chia nhỏ ra thành 3 câu hỏi - Cái gì? Tại sao? Như thế nào?:
- Bạn muốn đạt được cái gì?
- Tại sao bạn lại muốn đạt được nó?
- Làm cách nào để bạn đạt được nó?
Khi bạn đơn giản hóa mục tiêu của mình theo cách này, việc thực hiện mục tiêu trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Nếu bạn lấy ví dụ giảm 20 pounds, một khi bạn đưa ra quyết định bạn muốn giảm 20 pounds, câu hỏi tiếp theo bạn hỏi chính mình là "Tại sao?". Tại sao bạn lại muốn giảm 20 pounds? Câu trả lời càng mang tính cá nhân càng tốt.
Câu trả lời của bạn có thể là "Bởi vì tôi muốn cảm thấy hãnh diện và trông thật tuyệt vời tại hồ bơi ở Ibiza vào mùa hè". Đó là một lý do mạnh mẽ.
Nếu câu trả lời của bạn là "Bởi vì bác sĩ bảo tôi phải giảm cân". Đó không phải là một lý do tốt. Đó là lý do từ bác sĩ của bạn, không phải từ bạn.
Bạn có thể cảm thấy rất hạnh phúc với cân nặng của mình khi được giảm và điều đó có nghĩa động lực của bạn sẽ khiến cho thời gian mà bạn theo chương trình giảm cân giảm đi rất nhanh.
Viết ra tuyên bố của bản thân.
Nhằm giúp đặt ra những mục tiêu có thể đạt được, khi làm việc với khách hàng của tôi, tôi luôn yêu cầu họ hoàn thành một tuyên bố sau:
Tôi sẽ (NÓI RÕ MỤC TIÊU) trước (NGÀY MÀ BẠN MUỐN HOÀN THÀNH MỤC TIÊU) bởi vì (LÝ DO THÚC ĐẨY BẠN)
Như vậy trong ví dụ giảm cân của chúng ta, tuyên bố của chúng ta sẽ được viết ra như vầy: ”Tôi sẽ giảm 20 pounds trước khi Tháng Bảy năm nay kết thúc bởi vì tôi muốn mình trông tuyệt vời và cảm thấy hãnh diện tại hồ bơi ở Ibiza".
Ẩn chứa trong câu nói đơn giản này, bạn có tất cả các yếu tố của nguyên tắc SMART. Nó cụ thể, nó có thể đo lường được (giảm 20 pounds), nó chỉ định (bạn sẽ thực hiện), nó thực tế, nó có một khung thời gian và bây giờ có một động lực thúc đẩy - Câu trả lời cho câu hỏi "Tại sao" của bạn.
Đừng bao giờ viết một tuyên bố chứa đầy sự mơ hồ, hay dùng từ phức tạp. Từ mà bạn dùng nên đơn giản, thẳng thắn và rõ ràng.
Ví dụ, không nên viết "Chúng ta sẽ xây dựng một ứng dụng gửi tin nhắn mang tính không đồng bộ và toàn diện nhằm lôi cuốn thế hệ Y". Các từ "không đồng bộ", "toàn diện" và "thế hệ Y" mang nghĩa khác nhau đối với nhiều người khác nhau. Các từ này có thể nghe hay, nhưng nó không đủ rõ ràng để thúc đẩy một nhóm tập trung vào việc phát triển cái mà bạn mong muốn. Một cách viết tốt hơn là "Chúng ta sẽ xây dựng một ứng dụng gửi tin nhắn lôi cuốn người dùng trong độ tuổi 18 đến 30, nó cho phép gửi tin nhắn qua các múi giờ khác nhau mà không có những thông báo làm phiền".
Trước khi bắt đầu thực hiện mục tiêu của bạn, bạn cần tạo ra một danh sách các bước mà bạn có thể thực hiện để đạt được mục tiêu.
Về điều này, tôi luôn khuyến khích khách hàng của tôi lấy một mảnh giấy và viết ra mọi thứ họ nghĩ mà họ cho rằng nó sẽ giúp thực hiện được mục tiêu của họ. Không quan trọng thứ tự bạn viết các công việc phải làm, điều quan trọng là bạn viết ra càng nhiều hành động giúp thực hiện mục tiêu đó càng tốt. Tôi luôn nhắm đến khoảng một trăm bước nhỏ. Điều này sẽ giúp bạn phân chia công việc dễ dàng hơn cho từng ngày, nó không chỉ giúp bạn tiến tới mục tiêu mà hàng ngày còn giữ cho bạn được tập trung trong việc thực hiện mục tiêu đó.
Khi bạn có danh sách đó, bạn có thể tạo ra một "danh sách các việc cần làm" (to-do list) cho mục tiêu và bạn có thể phân bổ các việc này vào các ngày khác nhau theo thứ tự nhằm tạo đà cho những kết quả tốt đẹp.
Hình tượng hóa
Một phần nữa trong việc thực hiện mục tiêu của bạn là hình dung ra kết quả cuối cùng. Khi bạn viết ra tuyên bố của bản thân, bạn nên mường tượng về điều gì sẽ đến khi bạn đạt được mục tiêu đó.
Trong ví dụ về giảm cân, bạn nên nhắm mắt lại và tưởng tượng mình đang đi ra từ phòng khách sạn ở Ibiza vào Tháng Bảy với khăn tắm, kem chống nắng, kính râm và mặc đồ bơi. Bạn tưởng tượng mình đi ngang qua những người đang tắm nắng và tưởng tượng cảm giác mà bạn sẽ có. Sự kiêu hãnh mà bạn sẽ cảm thấy được. Đầu bạn ngẩng cao. Chi tiết hơn nữa. Hãy nhìn lên vòm trời xanh rực rỡ, cảm nhận nhiệt độ xung quanh, ngửi mùi của không khí, mùi thơm của kem chống nắng và cảm giác ấm ở vành hồ bơi trên bàn chân của bạn.
Hãy cố gắng sử dụng nhiều giác quan nhất có thể. Mỗi lần bạn đọc tuyên bố của mình, hãy suy nghĩ về cùng hình ảnh mà bạn đã tưởng tượng.
Những vận động viên hàng đầu đều sử dụng kỹ thuật mường tượng mỗi khi họ thi đấu. Họ mường tượng mỗi bước đi trong sân hay trường đua của họ, mỗi cú đánh trong sân gôn và mỗi cú ném bóng vào rổ trong sân bóng rổ. Họ mường tượng mỗi bước di chuyển một cách hoàn hảo. Việc mường tượng này đã được chứng minh bởi khoa học vì nó thực hiện lại những hình ảnh bên trong bộ não tiềm thức. Khi đến lúc thực hiện, tâm trí bạn sẽ điều khiển sao cho đảm bảo bạn thực hiện một cách tốt nhất.
Mỗi cú đánh gôn Jack Nicklaus thực hiện trên sân đều đã được "tập luyện" trong đầu nhiều ngày trước đó,
“Tôi sẽ không bao giờ đánh cú nào thậm chí không đánh trong lúc lập luyện nếu không có một bức tranh rõ nét bên trong đầu mình”.
Còn một phần nữa cũng cần thiết để thực sự đảm bảo bạn sẽ đạt được mục tiêu mà bạn đặt ra cho chính mình và tôi gọi nó là nguyên tắc PACT. PACT được ghép từ các chữ cái đầu của Patience (Kiên nhẫn), Action (Hành động), Consistency (Nhất quán) và Time (Thời gian). Bạn cần cả bốn yếu tố này để đạt được mục tiêu.
Patience - Kiên nhẫn
Nếu không có kiên nhẫn, bạn sẽ bỏ cuộc. Để đạt được điều gì đó đáng giá thì cần có sự kiên nhẫn. Thành công không đến chỉ sau một đêm. Hãy kiên nhẫn và tận hưởng quá trình tiến tới mục tiêu qua từng bước đi nhỏ mỗi ngày.
Khi bạn đặt ra mục tiêu, hãy nhìn vào thời hạn bạn đã đặt cho mình và đặt ra một số cột mốc. Nếu bạn cho mình một khoảng thời gian 6 tháng để hoàn thành mục tiêu, hãy chia nhỏ quá trình này ra 6 giai đoạn. Mỗi giai đoạn hãy đặt 2 hoặc 3 cột mốc. Điều này sẽ giữ cho bạn có động lực để tiếp tục kể cả khi bạn cảm thấy rất ít hoặc không hề có tiến triển.
Action - Hành động
Nếu bạn không bắt tay vào hành động cho bất cứ mục tiêu nào thì cũng sẽ không có mục tiêu nào đạt được. Bạn cần phải đảm bảo mỗi ngày đều tự nhắc mình về các mục tiêu đã đặt ra và lý do tại sao bạn lại muốn đạt được. Hãy đọc tuyên bố của mình và sau đó thực hiện hành động cần thiết để đảm bảo bạn đang bước gần hơn đến mục tiêu từng ngày một.
Các bước hành động của bạn nên rõ ràng. Ví dụ "Chạy bộ 5 ki-lô-mét hôm nay", nó nên được đưa vào lịch trình của bạn. Hãy hành động như thể đó là việc không thể thương lượng.
Consistency - Tính nhất quán
Hành động mà bạn thực hiện mỗi ngày để hướng tới việc đạt được mục tiêu cần phải nhất quán. Bạn không thể theo đuổi chế độ ăn kiêng trong một tuần và sau đó lại nghỉ trong ba tuần. Nó không mạng lại hiệu quả. Jim Rohn nói một cách rõ ràng rằng,
“Thành công là một vài quy tắc đơn giản phải được thực hiện mỗi ngày.”
Đầu tuần, hãy ngồi xem lại lịch trình của mình rồi tạo ra các nhiệm vụ liên quan tới mục tiêu cho từng ngày nhằm giúp bạn bước gần hơn tới việc đạt được nó.
Time - Thời gian
Tất nhiên, bạn cần cho phép mình có đủ thời gian để đi từ vị trí bạn ở hiện tại cho đến bạn trong tương lai. Hãy thực tế về thời gian và đừng thất vọng nếu bạn không kịp thời hạn.
Hãy nhớ rằng, nếu bạn tiếp tục thực hiện các bước làm và di chuyển gần hơn tới việc đạt được bất cứ mục tiêu nào mà bạn đặt ra cho mình, hãy tiếp tục cho đến khi bạn vươn tới được nó, chỉ cần điều chỉnh lại tiến trình mình đã đặt ra.
Thực sự thì lúc bạn bắt đầu thực hiện thì bạn đã tới gần mục tiêu của mình hơn ngày hôm qua. Đừng bỏ cuộc. Điều chỉnh lại tiến trình không có nghĩa bạn thất bại. Nó chỉ có nghĩa bạn đã không có được tiến trình đúng lúc đầu.
Khi bạn kết hợp tất cả các nguyên tắc này lại với nhau, bạn đã đã tạo ra một môi trường nơi mà những mục tiêu theo nguyên tắc SMART của bạn càng trở nên dễ đạt được.
Khi bạn có một lý do cá nhân mạnh mẽ cho mục tiêu, động lực của bạn sẽ giúp giữ nó mạnh mẽ.
Khi bạn mường tượng mỗi ngày điều sẽ xảy ra như thể bạn đã hoàn thành mục tiêu thì bạn đang chuẩn bị cho sự thành công đó.
Và khi bạn kết hợp với nguyên tắc PACT - Sự kiên nhẫn, Hành động, Nhất quán và Mỗi ngày đều lặp lại trong một thời kỳ, thì không còn điều gì có thể ngăn bạn đến việc hoàn thành các mục tiêu của chính mình!
Nguồn ảnh bìa: pixabay từ pixabay.com