9 tháng trước
Mẹo Phỏng Vấn Thành Công: 17 Điều Mà Nhà Tuyển Dụng Tìm Kiếm
362

4005
Lượt xem
20
Lượt chia sẻ
13
Lượt bình luận

Cho đến nay tôi đã đi phỏng vấn xin việc không biết bao nhiêu lần. Mười lần? Hai mươi lần? Tôi nghĩ cũng phải khoảng 75 lần, chưa bao gồm phỏng vấn xin việc qua điện thoại. Nếu tính cả phỏng vấn qua điện thoại thì phải trên 100 lần tôi phỏng vấn xin việc.

Hầu hết các buổi phỏng vấn của tôi đều kéo dài cả ngày, được thực hiện trong khuôn viên trường học với nhiều phiên phỏng vấn kết hợp với phục vụ ăn uống; thi thoảng buổi phỏng vấn được thực hiện dưới hình thức tham quan, trình bày slide hoặc các sự kiện dành cho học sinh. Tôi không chắc đây có phải là mô hình mà các công ty ở Mỹ hay áp dụng hay không. Nhưng theo quan điểm của tôi, những buổi phỏng vấn như vậy chính là một trải nghiệm, cung cấp cho tôi những kinh nghiệm để có thể phỏng vấn xin việc thành công

Với tư cách là nhà tuyển dụng - số lượng buổi phỏng vấn xin việc mà tôi tham gia với tư cách nhà tuyển dụng còn nhiều gấp đôi số buổi phỏng vấn tôi tham gia với tư cách người xin việc (200 lần). Tôi cũng đã từng giữ vai trò chủ tịch hội đồng tuyển dụng. Tôi xác định rất rõ những gì tôi mong muốn khi phỏng vấn một người xin việc.

Trước khi đi phỏng vấn xin việc, bạn chắc chắn sẽ phải chuẩn bị rất kỹ, chính vì vậy, dưới đây là 17 mẹo hỗ trợ bạn để có thể phỏng vấn xin việc thành công:

1. Chuẩn bị kỹ càng

Trước khi tôi giới thiệu với bạn về vị trí chúng tôi tuyển dụng, tôi phải chắc chắc là bạn cảm thấy hứng thú với công ty của chúng tôi. Và cách duy nhất để tôi biết được điều đó là xem bạn chuẩn bị kỹ càng đến đâu. Bạn cần tận dụng những kinh nghiệm và kỹ năng bạn có để đóng góp cho công ty của chúng tôi.

"Bạn hãy cho tôi biết bạn đã rèn dũa kỹ năng, kinh nghiệm của mình như thế nào để làm việc trong công ty của chúng tôi?"

2. Thích hợp với công ty một cách (hoặc gần như) hoàn hảo

Đây là phần mà người ứng tuyển cũng có thể phỏng vấn lại nhà tuyển dụng. Với tư cách nhà tuyển dụng, tôi muốn biết quan điểm của người ứng tuyển, cụ thể là trong kết nối, hỗ trợ/hoặc không hỗ trợ với sứ mệnh và giá trị mà công ty của chúng tôi hướng tới. Tiến sĩ Kery Schofiled chia sẻ trên Good&Co:[1]

"Hệ số giữa phù hợp về văn hóa và kết quả tích cực trong công việc là 0.43, nghĩa là phù hợp về văn hóa quyết định đến gần 50% trong việc một người có hài lòng với công việc của họ hay không!"

Theo quan điểm cá nhân của mình, tôi muốn một nhân viên làm việc không chỉ vì đồng lương, mà còn để đem lại sự khác biệt cho công ty.

"Bạn cảm thấy bạn sẽ đóng góp được điều gì cho tổ chức này?"

3. Nhận thức được những điểm yếu của bản thân

Với tư cách nhà tuyển dụng hay nhà quản lý, tôi cần biết rằng BẠN, với tư cách người làm việc tại công ty, nhận thức được điểm mạnh và đặc biệt là điểm yếu của mình.

Cụ thể hơn. Tôi sẽ giả sử rằng bạn đến làm việc tại công ty của chúng tôi vì nơi đây cung cấp cho bạn môi trường để rèn giũa, thực hiện kỹ năng A, B, C gì đó. Nhưng tôi cần biết bạn gặp khó khăn ở đâu, từ đó tôi có thể hỗ trợ và giúp đỡ bạn; hoặc tôi có thể giới thiệu bạn với đồng nghiệp hoặc những người có kinh nghiệm, những người có thể giúp bạn khắc phục những khó khăn đó.

"Hãy liệt kê hai lĩnh vực sở trường của bạn, và một lĩnh vực bạn thường gặp khó khăn?"

4. Biết cách giải quyết mâu thuẫn

Mối quan hệ giữa bạn và đồng nghiệp không phải lúc nào cũng thuận lợi và suôn sẻ. Nếu bạn đã từng làm việc trước đây, thì có khả năng bạn chuyển công việc là do có mâu thuẫn với sếp của bạn.

Tôi muốn biết bạn giải quyết mâu thuẫn như thế nào, và bạn đã học được những gì từ nó. Biết được cách bạn phản ứng với những tình huống tiêu cực sẽ giúp tôi xác định bạn có thể đóng góp cho tổ chức của chúng tôi như thế nào.

"Hãy kể lại cho tôi về một lần bạn bất đồng quan điểm với đồng nghiệp. Bạn giải quyết tình huống đó như thế nào; và bạn rút ra được bài học gì cho mình sau trải nghiệm đó?"

5. Giải quyết vấn đề một cách bài bản

Trong trường hợp có khúc mắc hoặc vấn đề nào đó xảy ra, bạn giải quyết nó và tiến về phía trước như thế nào? Với tư cách là nhà tuyển dụng/giám đốc của bạn, tôi rất muốn biết cách bạn giải quyết và vượt qua vấn đề. Trên một bài báo tại HuffPost, Ken Watanabe (nam diễn viên nổi tiếng người Nhật Bản) chia sẻ rằng,[2]

"Giải quyết vấn đề không chỉ là một kỹ năng, đó là một quan điểm tư duy, giúp con người nỗ lực hết khả năng và thay đổi thế giới theo hướng tích cực."

"Giả dụ bạn và một nhóm đồng nghiệp làm việc trong một dự án, nhưng số tiền cho các hoạt động đã vượt quá ngân sách dự án, và dự án sẽ đáo hạn trong 48 giờ tới. Bạn sẽ xử lý tình huống đó như thế nào?"

6. Có nhân phẩm tốt

Bạn có biết nhiều lĩnh vực khác nhau không? Bạn có hay trò chuyện với đồng nghiệp trong phòng không? Hay bạn cả ngày chỉ ngồi một chỗ? Tôi không hỏi dưới góc độ bạn có phải người hướng nội hay người hướng ngoại; Tôi biết rất nhiều người hướng nội nhưng vẫn có tính cách tốt. Hãy thể hiện bản thân và cách thức bạn thực hiện công việc.

"Nếu nói về điểm mà chỉ mình bạn có, người quản lý trước đây của bạn nói gì?"

7. Thể hiện phẩm chất nhà lãnh đạo và người hỗ trợ

Tùy từng thời điểm, nhà tuyển dụng sẽ tuyển vị trí giám đốc, lãnh đạo, hoặc một người để cân bằng và hoàn thiện nhóm làm việc. Bạn nên thể hiện với nhà tuyển dụng rằng bạn có thể làm cả hai vai trò. Sẽ có nhiều hình thức lãnh đạo và làm việc nhóm khác nhau tùy từng tình huống cụ thể, làm được cả hai vai trò sẽ giúp bạn linh hoạt trong tiếp cận và xử lý tình huống.

"Hãy kể ra một dự án/sự kiện mà bạn đóng vai trò lãnh đạo; bạn xử lý công việc thế nào và kết quả của dự án/sự kiện đó ra sao?"

"Trong tình huống nào bạn muốn làm lãnh đạo, trong tình huống nào bạn muốn làm người hỗ trợ?"

8. Biết rõ kỳ vọng của bạn

Nếu nhà tuyển dụng của bạn sau này cũng là nhà quản lý của bạn, họ sẽ cần biết bạn muốn, hoặc cần được quản lý như thế nào.

Bạn muốn người quản lý đồng thời cũng là người hướng dẫn cho bạn chăng? Hay bạn thích làm việc một mình? Bạn sẽ yêu cầu sếp giải thích rõ trước khi thực hiện công việc được giao? Hay bạn sẽ làm theo bản năng sau đó hỏi khi có vấn đề xảy ra?

"Bạn kỳ vọng gì ở vị trí công việc này, hay kỳ vọng gì ở nhà quản lý của bạn?"

9. Có khả năng cân bằng giữa công việc và cuộc sống

Bạn sẽ không thể làm việc và đóng góp cho công ty nếu bạn không chăm lo cho bản thân mình. Không ai có thể phục vụ người khác với một cơ thể và tinh thần suy nhược

Người biết cân bằng giữa công việc và cuộc sống sẽ hòa đồng hơn, hiệu quả hơn và hài lòng hơn với công việc của mình. Hãy trò chuyện một chút với đồng nghiệp của mình, dành một chút khoảng thời gian cá nhân trong bữa ăn trưa và sau giờ làm việc. Hãy thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn biết cân bằng và bạn không chỉ biết mỗi công việc. 

"Sở thích và đam mê của bạn là gì?"

"Chiến lược của bạn trong việc tận dụng khoảng thời gian nghỉ một cách hiệu quả là gì?"

10. Nhiệt tình với cơ hội có được

Bạn không cần phải đóng vai hoạt náo viên trong công ty; tuy nhiên, khi người khác hỏi mà bạn trả lời một cách thiếu hứng thú, nhiệt tình thì đó không phải là điều tốt. Bạn nên tỏ ra hào hứng một cách thực sự với những cơ hội mà công việc bạn ứng tuyển đem lại cho bạn. 

"Tại sao bạn lại muốn làm việc tại công ty của chúng tôi?"

11. Tự tin vào bản thân

Bạn tham gia ứng tuyển vì bạn tin rằng bạn có thể thực hiện công việc này. Bạn thực sự muốn công việc này. Buổi phỏng vấn không phải là chỗ bạn cầu xin có được việc làm, bạn cần phải chứng tỏ khả năng và niềm tin vào bản thân mình.

"Bạn có những kinh nghiệm nào trước đây để ứng tuyển cho công việc này?"

12. Luôn nỗ lực đạt kết quả mong muốn

Sếp của bạn không chỉ muốn biết bạn làm việc như thế nào. Sếp của bạn còn muốn biết xem bạn có thể hoàn thành công việc và đạt kết quả như kỳ vọng hay không? Làm thế nào bạn có thể chứng tỏ cho nhà tuyển dụng thấy bạn có khả năng đó? Hãy kể lại cho nhà tuyển dụng của bạn về một công việc bạn đã từng thực hiện từ đầu đến cuối, và kết quả mà công việc đó đem lại.

Audrey Fisher chia sẻ trên trang blog cá nhân của mình rằng: tập trung vào kết quả sẽ giúp bạn (và sếp của bạn) đánh giá được tiến độ công việc và thúc đẩy tính sở hữu.[3]

"Bạn hỗ trợ như thế nào cho sếp/tổ chức/văn phòng mà bạn làm việc trước đây?"

13. Luôn luôn tích cực

Người có thái độ tích cực sẽ làm việc hiệu quả hơn. Và tích cực là một yếu tố lan tỏa, bạn tích cực sẽ giúp cho đồng nghiệp xung quanh bạn tích cực theo, đó là yếu tố mà nhà quản lý của bạn rất cần. Không ai muốn làm việc với người lúc nào cũng rầu rĩ hoặc tiêu cực, thậm chí không ai muốn làm sếp của những người như vậy.

"Hãy kể lại về một dự án/sự kiện mà bạn đạt kết quả tiêu cực/không mong muốn. Bạn học được gì từ trải nghiệm đó?"

14. Cụ thể và rõ ràng khi giới thiệu về bản thân mình

Những nhà tuyển dụng và nhà quản lý cảm thấy phát chán khi nghe những câu hội thoại kiểu như sau:

  • "Tôi là người dễ hòa đồng."
  • "Tôi có kỹ năng lãnh đạo tốt."
  • "Tôi là người theo chủ nghĩa hoàn hảo."
  • "Tôi có khả năng làm việc nhóm."

Những câu thoại như trên không cung cấp bất cứ thông tin gì cho nhà tuyển dụng. Điều gì làm bạn trở thành một con người hòa đồng? Bạn có thể thực hiện kỹ năng lãnh đạo nào? Cung cấp ví dụ, dẫn chứng cụ thể khi nhà tuyển dụng đặt câu hỏi sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với giới thiệu chung chung.

"Hãy kể về một dự án mà bạn đóng vai trò lãnh đạo. Bạn đã sử dụng những kỹ năng nào để hoàn thiện dự án đó?"

15. Chứng minh khả năng làm việc nhóm của bạn

Không có ai làm việc một mình (trừ một số lĩnh vực đặc thù). Tại nơi làm việc, bạn sẽ có đồng nghiệp, cộng sự, những người phụ thuộc và cần có sự giúp đỡ của bạn.

Hãy giới thiệu cho nhà tuyển dụng bạn đóng góp những gì, và vai trò của bạn thường là gì trong các hoạt động nhóm.

"Hãy kể về một dự án bạn làm việc theo nhóm. Vai trò của bạn trong nhóm là gì? Kết quả dự án ra sao?

16. Đáng tin cậy

"Lòng tin chính là yếu tố căn bản trong mọi mối quan hệ" - đó là một câu nói trong một bộ phim mà tôi không nhớ tên, và mặc dù tôi chắc rằng người viết kịch bản phim cũng không phải là người đầu tiên đề cập đến vấn đề này. Nó nằm trong một bộ phim rất đặc thù, nó mang tính mỉa mai châm biếm vì nhân vật nói lên điều này rất xảo quyệt.

Không ai muốn làm việc với người mà họ không tin tưởng. Bất kể bạn làm ngành nghề gì, từ dịch vụ quảng cáo, dịch vụ y tế, dịch vụ nhà ở, cần phải có sự tin tưởng lẫn nhau giữa đồng nghiệp, giữa cấp trên và cấp dưới. Jennifer Scott đã chia sẻ câu hỏi phỏng vấn này (và rất nhiều câu hỏi khác) trên Linkedln:[4]

"Bạn sẽ làm gì khi bạn được tuyên dương cho một công việc mà đồng nghiệp khác của bạn mới là người thực hiện?"

17. Kiên nhẫn

Mỗi tổ chức và công ty có một quy trình tuyển dụng riêng. Tại một số tổ chức, phòng Nhân sự phụ trách hoàn toàn khâu tuyển dụng, trong khi ở một số tổ chức khác, phòng ban có vị trí cần tuyển đóng vai trò chính và phòng Nhân sự đóng vai trò hỗ trợ. Trong mọi trường hợp, bạn không nên thúc giục nhà tuyển dụng/nhân viên hành chính về việc bạn có trúng tuyển hay không.

Bạn có thể hỏi về thời gian xét duyệt hồ sơ tuyển dụng trong quá trình phỏng vấn và ghi chú lại. Chỉ hành động khi có sự chậm trễ.

Việc chậm trễ có thể xảy ra ngay cả trong nơi làm việc. Các phòng ban/nhóm làm việc không đạt tiến độ nhanh kỳ vọng. Bạn không được thăng chức nhanh như bạn muốn. Hãy cố gắng và kiên nhẫn trong mọi trường hợp.

Hãy nhớ rằng bạn là người mới, có một số điều bạn chưa biết. Hãy chia sẻ lo lắng của bạn với cấp trên, hỏi các câu hỏi tốt. Thời khắc của bạn rồi sẽ tới.

Dưới đây là một câu hỏi phỏng vấn được chia sẻ trên Glassdoor.com:[5]

“Giả sử bạn nhận một yêu cầu từ một khách hàng nhưng bạn không thể giải quyết được ngay. Bạn sẽ giải quyết căng thẳng phát sinh từ tình huống đó như thế nào?”

Bạn nên chuẩn bị cho buổi phỏng vấn xin việc một cách nghiêm túc, đặc biệt là những công việc mà bạn rất hào hứng và đam mê. Bạn chắc chắn sẽ đạt được kết quả tốt nếu bạn làm theo một số những mẹo được đề cập như ở trên.

Bây giờ bạn hãy đến công ty tuyển dụng và làm tốt công việc phỏng vấn nào.

Nguồn ảnh bìa: Pexels từ pexels.com

Tài liệu Tham khảo