Đã từng có câu "Thời gian là vàng bạc", với hàm ý là việc bỏ ra nhiều thời gian sẽ đảm bảo mang lại kết quả tốt. Một ví dụ thường gặp của quan điểm này là "ý tưởng 10.000 giờ" được nêu ra bởi Malcolm Gladwell và những người khác. Đại khái là: nếu muốn thành thạo một việc gì đó, bạn cần 10.000 giờ làm đi làm lại việc đó. Ý tưởng này đã gắn kết trực tiếp "thời gian" (số giờ bỏ ra) với "thành công" (sự thành thạo đạt được), nhưng không may là "lí thuyết 10.000 giờ" đã bị hạ bệ không ít lần.
Một ví dụ đơn giản: đôi khi sẽ có một người học hành chăm chỉ ngày này qua ngày khác (thời gian) để chuẩn bị cho một bài kiểm tra, và rồi lại làm bài dở tệ (không thành công). Tại sao lại có thể như vậy?
Đó là vì kết quả và thành công ít liên quan với thời gian, mà liên quan nhiều hơn với việc bạn sử dụng thời gian hiệu quả đến đâu - nói cách khác là mức độ tập trung mà bạn dành ra để thu nhận thông tin và áp dụng chúng một cách hợp lí.
Lịch sử của thời gian
Trong nền kinh tế nông nghiệp như thời trước, việc quản lí thời gian là không quá quan trọng. Hầu hết mọi người dành thời gian ngày qua ngày để làm đồng và chăm sóc vật nuôi. Vậy có việc gì thực sự cần được theo dõi giám sát đâu cơ chứ?
Cách mạng Công nghiệp chẳng mấy chốc đã đưa nhiều người rời bỏ nông trại để chuyển vào các nhà máy. Cuộc cách mạng dẫn tới tuần làm việc 40 giờ (khoảng giữa những năm 1920) đã biến thời gian trở thành một món hàng khổng lồ. Về căn bản, thời gian là một loại tiền mới. Để được trả lương theo giờ (tiền thật), bạn phải để ý theo dõi thời gian. Giá trị của bạn, theo đúng nghĩa đen, gắn liền với những giờ mà bạn dành để làm việc.
Còn nền kinh tế hiện nay của chúng ta thường được mô tả là "Nền Kinh tế Tri thức." Nó ít liên quan hơn đến số giờ được dành để làm việc (mặc dù mọi người vẫn làm việc rất nhiều), mà liên quan nhiều hơn đến lượng kiến thức mà bạn có thể nắm bắt được và có thể chuyển hóa thành thứ gì đó có giá trị hơn.
Vấn đề là ở chỗ: nhiều cách tiếp cận trong lĩnh vực quản lí vẫn chỉ tập trung vào khía cạnh thời gian. Hãy xem xét ý tưởng "thời gian ngồi tại chỗ" (seat time). Hầu hết các địa điểm thuộc "thế giới thứ nhất" (các nước phát triển và giàu có) đều được phủ sóng WiFi, nên nhiều người lao động trong nền Kinh tế Tri thức có thể làm việc tại bất cứ đâu. Họ có thể truy cập thư điện tử và hồ sơ tài liệu thông qua điện toán đám mây. Song nhiều vị sếp lại bị ám ảnh bởi "thời gian ngồi tại chỗ", tức là muốn nhìn thấy các nhân viên thật sự hiện diện ở gần mình. Điều đó thực sự không có ý nghĩa gì lắm, nhưng nó đã ăn sâu bám rễ trong nền kinh tế kiểu "thời gian là vàng bạc" rồi.
Hiện nay nhiều công ty đang tập trung nhiều hơn vào việc buộc nhân viên phải ở một nơi nhất định trong một khoảng thời gian nhất định, thay vì làm cách nào để tăng sự tập trung, mức năng lượng, và tạo ra các công việc quan trọng có tầm ảnh hưởng. Và tệ hơn nữa là: thái độ xem thời gian là vàng bạc đang gây áp lực căng thẳng cực độ cho nhân viên.
Hãy quản lí mức năng lượng và sự tập trung của bạn, chứ không phải thời gian
Theo những gì mà chúng ta biết đến nay thì thời gian sẽ tiếp tục trôi đi với cùng một tốc độ như vậy, nhưng điều thực sự biến đổi dao động mỗi ngày là mức năng lượng và độ tập trung mà bạn có — trong nền Kinh tế Tri thức, đó là yếu tố quyết định hiệu suất làm việc của bạn đạt đến đâu, và quan trọng hơn nữa, đó là thứ mà bạn có thể thực sự kiểm soát được.
Thời gian là một nhân tố thiết yếu của công việc cũng như của tự nhiên, nhưng chừng nào chúng ta còn quan tâm đến hiệu suất công việc, thì nó chỉ nên được xem là tấm phông màn mà bạn dựa vào để làm việc mà thôi.
Hãy xem xét ý tưởng vĩ đại về ngày làm việc tám tiếng. Ngày nay, khi hiệu suất công việc được đo bằng việc bạn đã hoàn thành những gì chứ không phải là bạn làm ra được bao nhiêu, thì một ngày làm việc tám tiếng như truyền thống cũng mang ý nghĩa giống như việc cần mẫn để ý đến "thời gian làm đồng" của mình vậy. Nói cho cùng thì, chuyện gì sẽ xảy ra nếu "điểm rơi phong độ" của bạn lại trùng vào lúc bạn không làm việc, và bạn đạt mức năng lượng cao nhất từ 6 giờ sáng tới 9 giờ sáng, hoặc từ 7 giờ tối đến 11 giờ đêm? Hoặc là, chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn gặp vấn đề về tập trung vì đang phải cố gắng làm cả trăm nghìn công việc cùng một lúc? Hoặc, chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn cứ liên tục tới tấp bị phân tâm và ngắt quãng khi làm việc?
Mọi người - tất cả những người lao động - đều khác nhau. Và nếu mục tiêu là hiệu quả đầu ra thật cao thì chúng ta cần phải thấu hiểu và tôn trọng điều đó.
Khi lên thời gian biểu cho một việc gì đó thì thực ra chúng ta chỉ đơn giản là đang quyết định khi nào ta sẽ dồn năng lượng và sự tập trung của mình vào công việc đó. Đây là lúc việc quản lí thời gian nên được tính toán cho khớp với phương trình tạo nên hiệu suất làm việc. Việc quản lí thời gian sẽ trở nên quan trọng chỉ khi bạn đã hiểu rõ mức năng lượng và độ tập trung mà mình sẽ có được xuyên suốt một ngày, và đã xác định rõ điều mình muốn hoàn thành.
Vấn đề không nằm ở lượng thời gian đã bỏ ra, mà quan trọng là kết quả.
Vậy đâu là cách để chúng ta có thể làm ít mà đạt nhiều?
Nếu nơi làm việc của bạn linh động về thời gian đi làm thì hãy tận dụng điều đó. Hãy nghỉ ngơi đầy đủ và vào làm khi đã sẵn sàng, nhờ đó bạn sẽ ở trong trạng thái có thể đạt hiệu quả tối ưu. Trong suốt một ngày, hãy dành ra những khoảng giải lao ngắn để tạm rời xa công việc. Tỉ lệ thời gian làm việc tối ưu cho con người là 52 phút làm, 17 phút nghỉ.
Hãy lập thời gian biểu, nhưng theo cách mới: tôi lập thời gian biểu cho cả một ngày của mình, và tôi đã nhận thấy nó giúp mình đạt hiệu suất làm việc không tưởng - đặc biệt là khi tôi định hình được ý muốn rõ ràng về những việc mình sẽ hoàn thành. Nhưng tôi sẽ chỉ vạch ra kế hoạch cho một ngày của mình sau khi đã tính toán rõ mức năng lượng và độ tập trung mà mình sẽ có, và quan trọng nhất là, mình muốn hoàn thành được việc gì.
Hãy xem xét "những ngày tập trung", đó là khi toàn bộ sự tập trung của bạn được dành cho những việc thật quan trọng, những dự án lớn và việc học hỏi những điều mới mẻ. Hãy sắp xếp và "chặn" cuốn lịch của bạn để không ai có thể chèn thêm việc họp hành vào đó và khuấy động sự phân tâm lên.
Hãy nhớ rằng mục tiêu của nền Kinh tế Tri thức khác với mục tiêu của nền Kinh tế Công nghiệp ban đầu. Giờ đây quỹ thời gian của bạn cần được sử dụng có hiệu quả hơn, chứ không chỉ là một số giờ cố định, thế nên hãy thay đổi để hướng tới điều đó.