10 tháng trước
Bí Quyết Tăng Tốc Suy Nghĩ Của Bạn
513

6359
Lượt xem
16
Lượt chia sẻ
11
Lượt bình luận

Có phải bạn đang tìm kiếm một cách thức để tăng tốc độ suy nghĩ của mình không? Nếu đúng như vậy thì bạn nên bắt đầu sử dụng các phép ẩn dụ và phép tương đồng. Chúng là những công cụ mạnh mẽ giúp dẫn dắt và định hướng cách chúng ta suy nghĩ và hành động.[1]

Việc sử dụng các phép ẩn dụ và tương đồng hỗ trợ chúng ta trong việc kết nối các thông tin và ý tưởng. Jane Hirshfield đã mô tả chúng như là một phương pháp để cảm nhận và hiểu biết một thứ gì đó theo những cách mới mẻ. Cô nói rằng có một cách để nói về một thứ nào đó thông qua việc mô tả một thứ khác.[2] Về cơ bản, chúng trao cho các từ ngữ một con đường để vượt xa khỏi ý nghĩa vốn có của mình.

Hãy cùng xem qua cách mà phép ẩn dụ và phép tương đồng tạo ra những chiếc tay nắm để mở toang cánh cửa của sự hiểu biết mới mẻ.

Biến tấu của Nhận thức: Phép ví von, Phép ẩn dụ, và Phép tương đồng

Trong cuốn sách Suy Nghĩ Có Hệ Thống Thật Đơn Giản: Hi Vọng Mới Để Giải Quyết Những Vấn Đề Nhức Nhối (Systems Thinking Made Simple: New Hope for Solving Wicked Problems), Derek và Laura Cabrera đã mô tả những cách biến tấu nhận thức như là các cấu trúc làm nền tảng cho việc suy nghĩ có hệ thống, và có thể được dùng đi dùng lại để tạo ra các ý nghĩa và hiểu biết mới.

Biến tấu nhận thức giúp chúng ta tiết kiệm công sức cho việc nhận thức và làm tăng tốc độ suy nghĩ của chúng ta.

Hãy cùng lướt nhanh qua ba kiểu biến tấu nhận thức: ví von, ẩn dụ, và tương đồng.

Phép ví von

Nhóm Cabrera giải thích sự khác nhau giữa ba kiểu biến tấu nhận thức cụ thể trong một chuỗi các đoạn phim ngắn mà bạn có thể tìm xem tại Phòng Thí Nghiệm Nghiên Cứu Cabrera.

Vậy phép ví von là gì? Tôi đã vẽ ra một sơ đồ để triển khai sâu hơn cách hiểu của tôi về phép ví von (có dùng các đoạn phim từ Phòng Thí Nghiệm Cabrera). Hãy cùng xem nào.


Phép ẩn dụ

Hình ảnh ẩn dụ "dây dẫn" được giải thích bởi Michael Reddy là một ví dụ tuyệt vời về cách mà một khái niệm ẩn dụ có thể ẩn chứa một khía cạnh nào đó về trải nghiệm của chúng ta.[3]

Reddy giải thích cách thức mà hệ thống các ngôn từ dùng để nói về ngôn ngữ của chúng ta đã được xây dựng nên, thông qua hình ảnh ẩn dụ phức tạp này. Hãy cùng xem qua các phần của “phép ẩn dụ dây dẫn”, sau đó là bản thân hình ảnh ẩn dụ này.

  • Các ý tưởng (hoặc ý nghĩa) là các vật thể.
  • Cách diễn đạt bằng ngôn ngữ là những thùng chứa.
  • Việc giao tiếp cũng giống như gửi đồ đi.

Reddy giải thích hình ảnh ẩn dụ này một cách chi tiết hơn,

“Người nói đặt các ý tưởng (vật thể) vào trong các từ ngữ (thùng chứa) và gửi đi (dọc theo một dây dẫn) tới cho người nghe để người nghe lấy ra được các ý tưởng/vật thể từ các từ ngữ/thùng chứa."


Phép tương đồng

Quan điểm của nhóm Cabrera xem các hình ảnh tương đồng như là sự biến tấu nhận thức đã cung cấp cho chúng ta một cách thức đáng chú ý để nhìn nhận cái mà họ gọi là công nghệ tương đồng. Họ giải thích,

“Tính thiên tài đằng sau việc phát minh ra phép tương đồng là ở chỗ, nó cho chúng ta một mô hình về tinh thần mô tả cách thức thông thường mà chúng ta hiểu mọi thứ thông qua sự so sánh với một thứ khác đã biết trước đó.”

Hơn thế nữa, họ còn cung cấp cho ta một cách nhìn tối giản (song vẫn cực kì hữu ích) về cấu trúc của phép tương đồng: A đối với B cũng giống như C đối với D.


Hãy cùng xem qua một vài ví dụ về các phép ẩn dụ và tương đồng mang tính đột phá.

Phép ẩn dụ Mạng Internet của Bộ não

Một nguồn tuyệt vời để sử dụng, chia sẻ, và hiểu rõ các phép tương đồng và ẩn dụ đã được phát triển với tên gọi Dự án Học tập Wikiversity (Wikiversity Learning Project) bởi Chương trình Giáo dục Toàn cầu Hướng đến Sự phát triển Bền vững, mà bạn có thể tìm thấy tại trang web GlobalESD.org.

Ở đó họ đưa ra các ví dụ về phép tương đồng và ẩn dụ. Hãy cùng xem qua một trong số đó: Phép ẩn dụ Mạng Internet của Bộ não. Trong xã hội hiện nay, chúng ta thường tìm đến các phát minh kĩ thuật tân tiến nhất để đem bộ não ra so sánh với chúng. Thường thấy là cách so sánh bộ não với máy tính; tuy nhiên việc so sánh nó với mạng Internet xem ra lại có vẻ hợp lí hơn.[4]

Trong phép ẩn dụ này, chúng ta đang nói đến Internet chứ không phải World Wide Web. Đó chỉ đơn thuần là một ứng dụng chạy trên nền tảng Internet mà thôi. Mạng Internet, cũng giống như bộ não, là một mạng lưới các mối liên kết được kết nối với nhau.[5]

Về bản chất, chúng ta có thể học được nhiều điều hơn về bộ não bằng cách so sánh nó với số lượng khổng lồ các liên kết được kết nối với nhau trong mạng Internet.

Mô phỏng sinh học


Trong cuốn sách Mô phỏng sinh học của mình, Janine Benyus định nghĩa Mô phỏng sinh học là việc bắt chước hoặc lấy cảm hứng từ các dạng thức và các quá trình có sẵn trong thế giới tự nhiên để giải quyết các vấn đề của con người. Mô phỏng sinh học là một lĩnh vực phi thường, có tiềm năng tái định hình lại một cách triệt để toàn bộ thực tại cuộc sống của chúng ta.

Đội ngũ những người tại GlobalESD.org xác định rõ: Mô phỏng sinh học đang áp dụng các thiết kế của tự nhiên vào giải quyết các thách thức về thiết kế kĩ thuật đang đặt ra cho con người. Hơn thế nữa, họ thảo luận về cách mà chúng ta có thể xem nó như một hướng đi để phát triển và cải tiến tăng thêm sự tương đồng giữa tự nhiên và xã hội.

Benyus đã thể hiện điều này bằng một hình ảnh tương đồng. Cô nêu ý kiến rằng chúng ta nên vận hành vệc kinh doanh của mình giống như một khu rừng thông đỏ. Cô nói rằng một khu rừng trưởng thành là một nhà máy sản xuất ra tính đa dạng và sự phong phú, có khả năng tự duy trì hoàn toàn. Trái lại, chúng ta dường như đang vận hành công việc kinh doanh của mình giống như đám cỏ dại mọc lấn sân hơn.

Tâm Hấp dẫn

Chiến lược gia quân sự nổi tiếng Carl von Clausewitz đã đưa một phép tương đồng của vật lí vào lĩnh vực chiến tranh trong kiệt tác Lâm Chiến (On War) của mình. Ông viết,

“Hệt như (trong vật lí) tâm hấp dẫn luôn được tìm thấy ở nơi mà vật chất tập trung nhiều nhất, và hệt như mỗi cú đánh hướng vào điểm trọng tâm của cơ thể sẽ đạt được hiệu quả lớn nhất, và - hơn thế nữa - cú đánh mạnh nhất là cú được hứng chịu bởi điểm trọng tâm, thì điều tương tự cũng đúng trong chiến tranh.”

Khái niệm tâm hấp dẫn trong vật lí là điểm mà lực hấp dẫn tập trung lại trong một vật - điểm mà tại đó trọng lượng của vật sẽ được cân bằng theo mọi hướng.[6] Phần lớn các nhà chiến lược quân sự đã áp dụng phép tương đồng này theo đúng nghĩa đen. Dù đúng hay sai thì nó cũng có đem lại cho họ những vinh quang.

Mới đây tôi có tình cờ đọc được một bài viết về chủ đề này từ Tạp chí Trường Đại học Hải chiến Hải quân (Naval War College Review). Trong bài viết đó, Trung tá Antulio J. Echevarria đã cho ta một cái nhìn sâu sắc về phép tương đồng tâm hấp dẫn. Ông đã giới thiệu một điều mà, đối với tôi, hóa ra lại là một cuộc thảo luận cực kì lí thú về việc tâm hấp dẫn của chiếc boomerang được đặt ở đâu. Khi nói đến một chiếc boomerang, tâm hấp dẫn không nằm trong vật thể thực, mà là trong khoảng không gian trống hình chữ V ở giữa hai cánh của nó.

Câu hỏi của tôi là, nếu hiểu theo đúng nghĩa đen, phải chăng đây là một phép ẩn dụ hợp lí hơn để nói về tâm hấp dẫn trong chiến tranh? Tức là, liệu tâm hấp dẫn có thể nào là vô hình và không nhìn thấy được (như là hệ tư tưởng hoặc nền văn hóa)? Câu hỏi này thể hiện tác động sâu sắc mà phép tương đồng có thể tạo ra đối với hầu hết mọi việc trên đời.

Cuối cùng, trong đoạn phim TEDEd với tiêu đề Nghệ thuật trong Phép Ẩn dụ của mình, Jane Hirshfield đã mô tả làm thế nào mà phép ẩn dụ đã cho các từ ngữ một con đường để đi vượt ra ngoài phạm vi ý nghĩa vốn có của mình. Cô kết thúc đoạn phim bằng một phép ẩn dụ sâu sắc và thâm thúy,

“Phép ẩn dụ là tay nắm trên cánh cửa mở ra những điều mà ta có thể biết, và những điều mà ta có thể hình dung. Mỗi cánh cửa đều dẫn tới một ngôi nhà mới nào đó, một thế giới mới nào đó mà chỉ có duy nhất một chiếc tay nắm đó mới mở ra được. Điều đáng kinh ngạc là: bằng cách làm ra một chiếc tay nắm, bạn có thể tạo ra cả một thế giới.”

Nguồn ảnh bìa: pixabay từ pixabay.com

Tài liệu tham khảo

[1]^Phép tương đồng hướng đến Sự phát triển Bền vững: Wikiversity
[2]^Jane Hirshfield: Nghệ thuật trong phép ẩn dụ
[3]^George Lakoff and Mark Johnson: Các phép ẩn dụ trong đời sống quanh ta
[4]^Baronchelli, Ferrer-i-Cancho, Pastor-Satorras, Chater, and Chrisiansen: Các mạng lưới trong Khoa học Nhận thức
[5]^Chris Woodford: Mạng Internet và Bộ não
[6]^Echevarria: Tâm Hấp dẫn của Clausewitz. Không như ta vẫn nghĩ