6 ngày trước
Tại Sao Tập Thói Quen Tốt Lại Dễ Hơn Là Bỏ Thói Quen Xấu
365

4130
Lượt xem
140
Lượt chia sẻ
10
Lượt bình luận

Chúng ta ai cũng có một vài thói quen xấu cả. Không ai là hoàn hảo. Dù cho đó là ăn quá nhiều kẹo, để mọi việc đến phút cuối mới làm, xem TV quá nhiều, bỏ tập thể dục, hay để thư điện tử chất đống tại nơi làm việc, tất cả chúng ta đều làm những việc đi ngược lại những lợi ích tốt nhất của mình.

Vậy tại sao chúng ta không đơn giản là bỏ ngay những thói quen xấu đi? Mỗi năm hàng triệu người trong số chúng ta lập ra những giải pháp cho năm mới nhằm cố gắng thay đổi. Không may là, như bạn biết đấy, việc đó không đơn giản như vậy. Những thói quen xấu của chúng ta trở thành một nếp sống đều đặn. Chúng ta bắt đầu nói những câu kiểu như, "Ồ, tính mình vốn thế mà!" và "Mình cứ làm thế đấy." Có cảm giác như không thể nào phá bỏ một thói quen một lần và mãi mãi. Thực tế, bạn càng cố cưỡng lại một thói quen, thì nó càng duy trì dai dẳng.

Cơ sở khoa học đằng sau những thói quen xấu

Tất cả chúng ta đều lặp đi lặp lại những việc làm ta dễ chịu, kể cả khi chúng ta biết rằng nó không có ích lợi gì về lâu dài. Đó là vì những thói quen xấu như uống rượu, ăn quá nhiều thực phẩm có đường, và dành quá nhiều thời gian trước màn hình TV khơi mào cho sự giải phóng dopamine, một chất hóa học tạo cảm giác dễ chịu trong não.[1] Khi não bạn học được rằng một hành động nào đó làm cho bạn cảm thấy dễ chịu, nó thôi thúc bạn lặp lại việc đó trong tương lai. Thói quen xấu của bạn phục vụ cho một mục đích. Mặc dù bạn có thể không thích kết quả cuối cùng của nó, nhưng nó cho bạn một kết quả tích cực ở hiện tại. Đó là lí do vì sao chúng lại khó bỏ đến vậy.

Nếu bạn hình thành thói quen ngồi sụp xuống ghế trước TV ngay khi đi làm về tới nhà, có lẽ bạn sẽ bắt đầu bỏ tập thể dục, cũng lại trở thành một thói quen xấu khác. Có thể bạn cũng sẽ bắt đầu ăn vặt trước khi đến chương trình truyền hình yêu thích. Đột nhiên bạn sẽ trượt dài vào không chỉ một, hai mà là ba thói quen xấu!

Bản chất tự nhiên của con người là tìm kiếm những phần thưởng, kể cả khi điều đó làm hại mình. Chẳng hạn như, 70% người hút thuốc lá nói rằng họ muốn bỏ thuốc nhưng lại không thể, mặc cho sự thật là ai cũng biết hút thuốc lá có hại kinh khủng cho sức khỏe con người.[2]

Thay vào đó, bạn nên làm gì?

Khá đơn giản, bạn cần bắt đầu hình thành những thói quen tốt hơn và dừng việc lãng phí thời gian cùng nỗ lực để cố gắng thoát ra khỏi những hành vi tiêu cực của mình.

Dừng việc tự phán xét bản thân lại

Có thể bạn đã thử nói với chính mình hãy dừng ngay những thói quen xấu và cố gắng cải thiện mình trong tương lai. Không may là việc mắng nhiếc bản thân sẽ chỉ dẫn tới sự tự nhận thức tiêu cực và cảm giác tự ngờ vực bản thân. Kiểu suy nghĩ tiêu cực này có thể tự nó trở thành một thói quen xấu.

Việc suy nghĩ về lỗi lầm của bản thân chẳng lấy gì làm vui vẻ cả. Có thể bạn đã chú ý nhận ra rằng khi bạn cố gắng phá bỏ một thói quen xấu, trong tâm trí bạn hiện lên đủ thứ lí lẽ biện hộ như lí do tại sao mình nên tiếp tục làm những việc giống như cũ đó. Thói quen làm bạn cảm thấy thoải mái, nhớ không? Rất khó để từ bỏ nó. Hơn nữa, nếu bạn đã bị ràng buộc với cùng những thói xấu đó trong nhiều tháng hay thậm chí nhiều năm, chúng sẽ ăn sâu bám chặt vào con người bạn. Điều đó làm chúng rất khó bị lay chuyển.

Chẳng hạn như, hãy cho là bạn muốn cắt giảm lượng rượu mình uống mỗi tuần. Một trong những thói quen xấu của bạn là làm một li rượu vang lớn mỗi tối ngay trước khi ngồi vào bàn ăn tối. Bạn có thể thử trách mắng bản thân, đọc tài liệu để tìm hiểu về những mối nguy hại của việc uống rượu quá nhiều, và nói với bản thân một cách nghiêm khắc rằng bạn "sẽ dừng lại ngay trong tuần này."

Không may là, kết quả dễ xảy ra nhất trong tình huống này là bạn sẽ cảm thấy không thoải mái trước viễn cảnh phải từ bỏ thói quen xấu của mình, và có thể sẽ cảm thấy tội lỗi hay hổ thẹn vì đã gặp vấn đề đó ngay từ đầu. Vậy làm thế nào để giải quyết những cảm giác này? Cứ việc uống tiếp thôi, dĩ nhiên!

Hãy chuyển hướng sự tập trung của bạn

Bạn cần có một cách tiếp cận mới. Thay vì tự hủy hoại bản thân, đã đến lúc nghĩ về việc hình thành những hành vi có thể cho bạn cảm giác thoải mái mà không tàn phá sức khỏe thể chất hay tinh thần của bạn. Nếu bạn biết rằng những thói quen mới sẽ giúp mình cảm thấy tốt hơn, bạn sẽ có động lực để bắt đầu! Việc này dễ hơn nhiều so với việc cố gắng phá bỏ một thói quen xấu.

Khi xác định những thói quen xấu và tập dần những hành vi mới, tích cực, bạn cần phải suy nghĩ như một thám tử hay một nhà khoa học. Hãy lùi lại một bước và nhìn vào tình huống từ một quan điểm khách quan. Nếu điều này là khó khăn với bạn, hãy làm bộ như bạn đang cố gắng giúp đỡ một người khác. Điều đó có thể cho bạn một góc nhìn rõ ràng hơn.

Đầu tiên hãy nghĩ về nguyên nhân gốc rễ tạo nên thói quen xấu của bạn. Do đâu mà nó xuất hiện, và điều gì châm ngòi để duy trì nó tồn tại? Ví dụ, nếu bạn sa vào thói quen ăn những bữa tối nhiều chất béo nấu bằng lò vi sóng sau giờ làm việc, đó có thể là vì bạn đã trải qua một giai đoạn bận rộn trong cuộc sống khi bạn không có đủ năng lượng để nấu một bữa ăn lành mạnh vào buổi tối. Khi đó những bữa tối được đóng gói sẵn dành cho lò vi sóng có thể là một giải pháp tạm thời thích hợp.

Bước tiếp theo là thiết kế ra những thói quen tốt có thể tạo cho bạn mức độ thoải mái tương đương. Hãy tự hỏi bản thân làm thế nào để có thể dễ dàng bắt đầu đưa những thói quen mới vào nề nếp.

Hãy đọc và tìm hiểu bản hướng dẫn này để có được nhiều mẹo nhỏ về việc làm thế nào để đưa một thói quen mới vào nề nếp.

Hãy tập cho mình thói quen xây dựng những thói quen tốt

Chúng ta đều biết thói quen xấu cho ta sự thoải mái, nhưng bạn có thể thay đổi nó!

Hãy nhớ, thói quen trở nên ăn sâu hơn theo thời gian. Bạn càng lặp lại một hành động nhiều lần - dù nó tốt hay xấu - càng dễ có khả năng để nó đeo bám lấy bạn. Điều này cũng đúng đối với thói quen hình thành những thói quen.

Một khi bạn đã làm chủ được nghệ thuật bóp nghẹt những thói quen xấu bằng những hành vi tốt nhiều hơn, bạn sẽ cảm thấy càng ngày càng dễ để xây dựng nên cuộc sống mà mình mong muốn.

Nguồn ảnh bìa: pixabay từ pixabay.com

Tài liệu tham khảo