4 tuần trước
Tại Sao Những Người Thành Công Thường Ghi Chú Và Bí Quyết Để Biến Nó Thành Thói Quen Của Bạn
430

4973
Lượt xem
56
Lượt chia sẻ
5
Lượt bình luận

Tôi là một kẻ nghiện ghi chú chính hiệu. Đã thành một thói quen: tôi luôn mang theo bên mình giấy bút khắp mọi nơi.

Nó giúp tôi ghi chú khi ở những buổi gặp gỡ khách hàng, viết lại những tiêu đề truyền cảm hứng mà tôi nhìn thấy, lưu lại những nội dung sâu sắc từ hội thảo, và nó là nơi tôi viết xuống những ý tưởng.

Việc ghi chú giúp tôi giải phóng những suy nghĩ khỏi tâm trí, gửi gắm chúng vào trang giấy. Những gì tôi đã viết truyền động lực cho tôi thực hiện.

Những mẩu ghi chú trở thành "điểm tham khảo sáng tạo" cho tôi thực hiện, tham chiếu lại, xây dựng những ý tưởng. Và chúng còn giúp tôi cải thiện việc quản lý thời gian và tăng cường sự tập trung, hiệu suất.

Trong bài viết này, tôi sẽ bàn về tầm quan trọng của việc ghi chú và cách thức bạn có thể bắt đầu ghi chú, biến chúng thành thói quen và tiến gần hơn với thành công.

Việc ghi chú là một thói quen phổ biến đối với những người thành công nhất thế giới.

Hành động ghi chú có thể giúp bạn sắp xếp lại những suy nghĩ và lưu lại những thông tin cần thiết trong những lĩnh vực của công việc kinh doanh và cuộc sống.

Richard Branson tin tưởng rằng: "Mọi người đáng ra nên ghi chú và mang theo một cuốn sổ tay bên mình ở mọi nơi." Ông biến việc ghi chú thành một trong những thói quen quan trọng nhất của ông.

Tôi sử dụng hàng tá cuốn sổ tay mỗi năm, và viết ra mọi chuyện xảy ra với tôi mỗi ngày. Một ý tưởng không được ghi chú lại là một ý tưởng mất đi. Khi có cảm hứng, bạn cần phải bắt lấy nó.” – Richard Branson

Những người ghi chú cực kỳ thành công có thể kể đến:

  • Thomas Edison – Trong suốt cuộc đời, Thomas Edison đã sử dụng hơn 5 triệu trang ghi chú. Kỹ năng ghi chú của ông ta đã được phát triển đến mức mọi thứ cần thiết hoặc quan trọng đều được ghi chú và lưu lại. Đây là một chiêu hỗ trợ trí nhớ vô cùng quyền năng khi cần tham khảo lại.
  • Bill Gates – Theo như nhiều báo cáo, Bill Gates là một người ghi chú có tiếng và ưa chuộng việc sử dụng một cuốn sổ tay màu vàng và một cây bút để trình bày những thông tin quan trọng.
  • George Lucas – Đạo diễn phim Star Wars đã luôn giữ một cuốn sổ tay bỏ túi bên mình mọi lúc để viết lại những ý tưởng, suy nghĩ, và kịch bản.
  • Tim Ferriss –  Sự chú tâm nghiêm túc của doanh nhân kiêm nhà văn Tim Ferriss vào việc viết ghi chú thủ công cho phép ông nhớ những việc quan trọng nhất trong cuộc sống của ông. Lời ông nói như một câu châm ngôn: "Tôi tin tưởng vào chiếc bút yếu ớt nhất hơn là trí nhớ siêu việt nhất."

Một số người ghi chú đáng chú ý trong quá khứ và hiện tại khác có thể kể đến: Ernest Hemingway, Mark Twain, Pablo Picasso, Sheryl Sandberd, J.K.Rowling, Bruce Springsteen và Aaron Sorkin.

Việc ghi chú là một phần quan trọng trong sự thành công kinh doanh và cuộc sống. Nó có thể giúp bạn cải thiện kỹ năng nghe, học hành, trực quan hoá, và sáng tạo.

Những người lãnh đạo kiệt xuất nhất là những người ghi chú, những người đặt câu hỏi tốt nhất” – Tom Peters

Nhưng với nhiều người, việc ghi chú không phải là một thói quen thường lệ, mặc dù nó có rất nhiều lợi ích.

Đây là một số lí do cho sự quan trọng của việc ghi chú:

  • Giúp bạn nhấn mạnh những điểm chính, và khiến chúng rõ ràng hơn trong tâm trí bạn.
  • Giúp bạn kết nối với nội dung ở mức độ sâu sắc nhất trong một buổi gặp mặt, giảng huấn, hay một sự kiện; và không bị mất tập trung.
  • Giúp bạn tạo ra mối liên kết giữa các suy nghĩ có liên quan và các ý tưởng.
  • Cho phép bạn diễn đạt những ghi chú của mình theo phong cách riêng, và giúp nhắc lại những thông tin.
  • Giúp bạn tóm tắt những thông tin.
  • Để bạn ghi chú về bất kỳ thứ gì bạn muốn hiểu rõ hơn, sâu sắc hơn trong tương lai.
  • Giúp bạn lưu trữ những suy nghĩ, ý tưởng đơn giản nhưng có thể bị biến mất.

Hãy suy nghĩ về điều này:

Bạn có dự định sẽ nhớ hết mọi thứ không? Việc đơn giản là viết xuống những gì bạn đang nghe, học, và suy nghĩ liệu không mang lại nhiều lợi ích hơn sao?

Thói quen ghi chú có thể được phát triển và có một lợi ích to lớn.

Ngày nay, có nhiều ứng dụng có thể áp dụng cho việc ghi chú, từ Evernote đến OneNote và hơn thế nữa. Nhưng, những người thành công nhất mà tôi đã đề cập ở trên lại có một thông lệ khác:

Họ dùng bút mực hoặc bút chì và giấy để viết ghi chú của họ.

Phần tôi, như đã đề cập ngay từ đầu, ưa chuộng bộ công cụ bút mực và sổ tay. Bởi vì có cảm giác rằng những ghi chú đó có ý nghĩa hơn khi được viết tay. Tôi áp dụng công cụ tương tự khi đọc sách, kể cả trên kindle.

Tôi có thể đánh dấu trang. Nhưng tôi sẽ viết ra những điểm trọng tâm hoặc các ý tưởng tôi có được từ sách.

Những lợi ích của việc ghi chú gồm có:

1. Giải phóng bạn khỏi việc quá tải thông tin

Có thật nhiều thứ xuất hiện trong tâm trí chúng ta vào bất kỳ thời điểm nào. Nên chúng ta dễ bị quá tải.

Nên hãy viết xuống tất cả mọi ý tưởng, suy nghĩ, thành quả, danh sách việc cần làm cho đến khi nào chúng hoàn toàn rời khỏi tâm trí của bạn, nằm vào câu chữ.

Bạn có thể dành một số thời gian để sắp xếp những ghi chú theo một thứ tự nào đó. Và quyết định xem việc nào, hay dự án nào sẽ thu hút sự chú ý của bạn.

2. Khiến bạn trở thành người biết lắng nghe hơn

Khi bạn tập trung vào việc nghe, dù là ở một cuộc gặp gỡ, một hội thảo, hay góp mặt với bạn bè, thì não của bạn được điều chỉnh sang việc lưu ý và nhớ lại mọi việc.

Thay vì để thông tin trở thành thứ gì đó mà bạn kỳ vọng giữ lại trong tâm trí bạn theo kiểu: "Tôi cần nhớ việc này"; bạn có thể ghi chú lại, và tiếp tục lắng nghe.

Thay vì cố gắng nhớ những gì bạn vừa nghe, bạn có thể ghi chú nhanh và tiếp tục lắng nghe.

3. Khiến cho mọi việc trở nên thật hơn

Một điều gì đó, gần như là kỳ diệu đã xuất hiện khi tôi ghi chú. Những câu chữ có một quyền năng mới, và nó giúp tôi đảm bảo rằng mình sẽ thực hiện hành động vì tâm trí tôi đã hoàn toàn được kết nối.

Ghi chú chỉ vì lợi ích của việc ghi chú thì không mang lại hiệu quả cho bạn. Hãy chuyển hoá những ghi chú đó thành ý tưởng thực thi mới là điều thực sự quan trọng.

4. Điều chuyển tâm trí bạn để lưu giữ những thông tin quan trọng

Khi việc ghi chú trở thành một thói quen, bạn sẽ cảm thấy tự nhiên hơn khi ghi chú trong suốt những buổi gặp gỡ, sự kiện xây dựng mạng lưới, những phiên hội thảo, các chuyên đề, v.v.

Một ý tưởng hay ghi chú đơn giản có thể chuyển hoá thành một điều gì đó to lớn hơn rất nhiều. Richard Branson đã nói rằng nếu như ông không bao giờ ghi chú, thì không có chuyện những công ty hay dự án của Virgin được bắt đầu.[2]

5. Khiến bạn trở thành người đọc sách hiệu quả hơn

Cho dù bạn đang đọc một quyển sách về sự phát triển bản thân hay doanh nghiệp, việc ghi chú có thể thực sự duy trì sự tập trung và tạo cơ hội cho bạn lưu lại những câu châm ngôn quan trọng, các quy trình, hoặc các kỹ thuật tư duy.

Bạn có thể gạch dưới, và gập lại góc của trang. Nhưng việc chuyển tải những nội dung then chốt của quyển sách rồi sau đó tham khảo lại sẽ tạo cơ hội cho bạn chiêm nghiệm sâu sắc hơn. Hoặc xem xét những cách thức bạn có thể thực thi những nội dung đó vào doanh nghiệp và cuộc sống của bạn.

6. Cải thiện trí nhớ của bạn

Con người có xu hướng quên mất gần 40% thông tin mới trong vòng 24 giờ đầu tiên đọc hay nghe về chúng. Cho nên, việc ghi chú hiệu quả có thể hỗ trợ bạn lưu trữ và khôi phục lại gần như 100% thông tin bạn nhận được.

Khi bạn viết ghi chú thủ công, bạn đang viết và sắp xếp điều bạn đang nghĩ. Việc này thúc đẩy những suy nghĩ của bạn giải quyết thông tin theo có chiều sâu hơn.

7. Giúp bạn tổ chức những suy nghĩ tốt hơn

Một thử thách cho những ai ghi chú, đó là có thể tổ chức chúng theo cách mà bạn có thể tham khảo lại sau đó.

Việc ghi chú, tự bản thân nó là chưa đủ. Bạn cần phải xem lại và định vị những thông tin quan trọng trong tâm trí mình.

Nếu để những ghi chú khắp mọi nơi thì sẽ khó làm như vậy được. Để làm quy trình này đơn giản hơn, bạn có thể giữ tất cả những ghi chú vào cùng một nơi, giữ theo cùng một định dạng, và xem lại những ghi chú của bạn theo định kỳ hàng tuần hoặc hai tuần.

8. Cải thiện khả năng chú ý

Khi bạn có một quyển sổ tay và bút mực kề bên, trông bạn năng động và hoà nhập với môi trường hơn.

Bạn sẽ tập trung hơn và chú ý hơn vào một suy nghĩ, châm ngôn, ý tưởng hay trải nghiệm học hành. Khi bạn phát triển những kỹ năng ghi chú, bạn trở nên kết nối hơn, lấy ra và ghi chú lại những thông tin mà bạn muốn lưu giữ.

Sau đó bạn có thể gạn lọc, phân loại và sắp xếp những ghi chú của bạn để tối ưu hoá trải nghiệm học hành của bạn. Hoặc chuyển hoá những suy nghĩ thành các ý tưởng to lớn hơn.

9. Rèn cho bạn chỉ chú ý vào những điều quan trọng

Việc ghi chú kéo chúng ta ra khỏi việc suy luận mọi thứ chúng ta nghe trong một buổi gặp mặt, phiên tập huấn hay trong lớp học.

Với một cây bút mực và quyển sổ tay luôn túc trực, tâm trí của chúng ta bắt đầu chú ý đến những việc, ý tưởng nào quan trọng. Chúng ta trở nên có thể gạn lọc những "phiền nhiễu" và chỉ tập trung vào những điểm có liên quan nhất, hoặc những từ khoá, hoặc các ý tưởng có thể giúp đỡ chúng ta sau đó, hoặc tham khảo lại.

10. Giúp bạn đặt những câu hỏi tốt hơn

Nếu như bạn đang ở trong một buổi hội thảo và bạn hoàn toàn gắn kết và ghi chú, thì tâm trí của bạn có thể bắt đầu cởi mở và dòng suy nghĩ của bạn mở rộng.

Bạn bắt đầu thấy những kết nối mà bạn có thể bỏ lỡ nếu như bạn đã không chú tâm vào một điểm cụ thể. Việc này giúp bạn đặt câu hỏi tốt hơn vì bạn có thể cần làm rõ hơn một vài điều. Hoặc nó gợi mở ra những ý tưởng mới mà bạn muốn khám phá sâu hơn.

11. Khiến bạn trở thành một người học hỏi năng nổ hơn

Kỹ năng viết ghi chú thủ công thường giúp thanh lọc những suy nghĩ và ý tưởng trong tâm trí bạn.

Một khi điều gì đó được viết ra, thì có một hình thức kết nối và kích thích tinh thần trong tâm trí. 

12. Giúp bạn chinh phục những mục tiêu

Một số nghiên cứu cho rằng quy trình ghi chú có thể giúp con người thúc đẩy việc học tập và chinh phục những mục tiêu của họ.

Một trong những triết lý cốt lõi của Brian Tracy về việc chinh phục mục tiêu là viết ra những mục tiêu. Vì chúng ta có cam kết hơn với những gì chúng ta viết ra và phát ngôn.

Tiến sĩ Gail Matthews, một chuyên gia tâm lý học tại trường Đại học Dominican ở California gần đây nghiên cứu về nghệ thuật và khoa học của việc lập mục tiêu:

Thông qua nghiên cứu nhóm, cô ấy đã phát hiện: Những người viết ra những mục tiêu và mơ ước thường xuyên đã đạt được những ước vọng của họ với mức tỷ lệ cao hơn đáng kể so với những ai không làm vậy. Cô ấy phát hiện rằng: Bạn có 42% khả năng đạt được mục tiêu và mơ ước của mình, đơn giản bằng việc viết chúng xuống thường xuyên.

Biến việc ghi chú thành thói quen có thể khiến bạn tập trung hơn, có năng suất cao hơn và sáng tạo hơn.

Nó có thể giúp bạn trình bày mọi suy nghĩ, ý tưởng và lưu trữ những thông tin có thể đưa bạn đến thành công.

Nhưng, làm thế nào để tạo ra thói quen ghi chú trong đời sống thường ngày, để đảm bảo là nó hiệu quả như nhau dù bạn đang ở phòng họp, phòng hội nghị, lớp học, hay bất kỳ nơi nào bạn đang dành thời gian?

1. Đầu tư một quyển sổ tay

Dành một chút thời gian tìm một quyển sổ tay bạn yêu thích. Những quyển sổ tay có mọi hình dáng, kích cỡ và màu sắc. Nên hãy tìm một quyển sổ tay hợp với bạn.

Tôi sử dụng kết hợp những miếng lót và những quyển sổ tay được ràng bằng da của hãng Florence.

Nếu như bạn không muốn lấy cuốn sổ tay ra và viết vào, thì chúng sẽ khó tìm thấy.

2. Cất những quyển sổ tay ở cùng một nơi

Để chắc chắn rằng những ghi chú của bạn được sắp xếp và tham khảo một cách dễ dàng, thì hãy cất chúng vào cùng một nơi.

Bạn có thể chọn một quyển sổ tay cho các trải nghiệm học hỏi và hoàn cảnh khác nhau. Một quyển dành để ghi những ý tưởng. Bạn có thể có một quyển dành cho công sở và hội họp. Một cuốn khác có thể là dành cho sự phát triển cá nhân.

Cá nhân tôi luôn giữ mọi ghi chú của mình vào một nơi. Nhưng chúng được đánh dấu, lập danh mục rõ ràng nên tôi có thể tham khảo chúng dễ dàng.

3. Mang theo sổ tay bên bạn

Một hành động đơn giản - mang theo một quyển sổ tay bên bạn sẽ truyền cảm hứng để bạn ghi chú.

Hãy thử xem:

Mang theo một quyển sổ tay trong vòng 21 ngày và xem bạn ghi chú vào lúc nào, ở đâu và khi nào thì không.

Việc này sẽ đảm bảo cho bạn luôn thủ sẵn một quyển sổ tay trong các cuộc gặp, những hoạt động và cơ hội quan trọng.

4. Tìm phong cách ghi chú của bạn

Đa phần chúng ta có phong cách ghi chú khác nhau. Nên hãy tìm cái nào hợp với cách bạn nghĩ. Và đảm bảo là bạn tối đa hoá lợi ích từ những ghi chú mà bạn đã thực hiện.

Một ghi chú hoặc suy nghĩ chỉ một từ có thể cũng quyền lực ngang ngửa với một tổng quan chi tiết của một cuộc gặp mặt.

Một số phong cách ghi chú bạn có thể tham khảo thêm và thử xem, gồm có:

  • Sơ đồ tư duy
  • Phương pháp tạo đề mục
  • Phương pháp vẽ đồ thị
  • Phương pháp Cornell
  • Phương pháp Maria Popova
  • Phương pháp ghi chú nhanh

5. Duy trì khuôn mẫu đồng nhất

Một khi bạn đã tìm được một phương pháp và hệ thống phù hợp với bạn, hãy gắn liền với nó và sửa đổi nó theo cá tính riêng của bạn.

Nếu bạn dừng hoặc đổi những phong cách, có thể sẽ khó hơn nhiều cho bạn để lục soát lại và giải mã những ghi chú của bạn một cách hiệu quả vào ngày nào sau đó.

Một mấu chốt để theo đuổi đó là đảm bảo rằng trang ghi chú được đánh dấu theo ngày và có tiêu đề, hay chủ đề chính được nêu ra ngay đầu của trang.

Nếu bạn đang tạo ra nhiều ký hiệu và biểu tượng khác nhau như một điểm tham khảo. Ví dụ: HT cho Hội Thảo, thì đảm bảo là nó cũng được đính kèm vào.

6. Xem lại những ghi chú

Bạn có thể cảm thấy hơi khó khăn để tìm thời gian cho việc xem xét lại những ghi chú. Nhưng việc này quan trọng để bạn làm.

Hãy dành thời gian để xem lại những ghi chú của bạn. Lý tưởng là trong vòng 48 giờ sau khi bạn tạo ra chúng.

Nếu như bạn để những ghi chú của bạn đóng mốc meo cả tuần hay tương tự vậy sau khi đã tạo ra chúng, thì việc hồi tưởng lại sẽ không mạnh mẽ nữa. Và bạn sẽ có ít động lực để thực hiện chúng.

Một số ghi chú sẽ đưa ra những câu hỏi chuyên sâu. Một số sẽ đòi hỏi nhiều thời gian suy nghĩ hơn. Và những cái còn lại sẽ không cần ưu tiên ngay lúc này.

Qua việc dành thời gian xem xét lại, bạn sẽ luôn luôn làm chủ mọi hành động thay vì phản ứng.

7. Hành động

Một trong những then chốt để tạo dựng một thói quen thành công là bạn tạo ra một hình thức của sự thành công, dù nó nhỏ nhặt.

Sự thành công này sẽ là kim chỉ nam và giúp bạn cải thiện, phát triển từng ngày. Nó cũng đảm bảo rằng thói quen đó được duy trì.

Như Richard Branson từng nói:

Hãy xem xét những ý tưởng của bạn và chuyển nó thành những mục tiêu có thể đo lường được, mang tính hành động thiết thực. Nếu như bạn không viết ra những ý tưởng của mình, chúng có thể biến mất khỏi tâm trí của bạn kể cả khi bạn chưa rời khỏi phòng.”

Việc ghi chú là một trong những chìa khoá của sự thành công đối với nhiều doanh nhân lớn. Và bạn có thể biến chúng thành một thói quen. Bạn sẽ ra những quyết định sáng suốt hơn, giải quyết vấn đề tốt hơn, sáng tạo hơn, cải thiện việc học hành và năng suất làm việc của bạn.

Có thể sẽ mất nhiều kỷ luật để khiến việc ghi chú trở thành một thói quen trong cuộc sống thường ngày của bạn. Nhưng một khi bạn đã tìm thấy một quy trình hiệu quả cho bạn, thì những lợi ích có thể vô cùng to lớn.

Nguồn ảnh bìa: Unsplash từ unsplash.com

Tài liệu tham khảo