Nỗi lo sợ khi nói "tôi không biết" bắt đầu từ cách đây rất lâu. Trước đây, khả năng một người kiếm được việc phụ thuộc vào sự hiểu biết chuyên sâu của họ và năng khiếu ở một nghề nào đó. [1] Công nhân được đào tạo với cường độ cao và thường trải qua quãng thời gian học việc trước khi được làm chính thức và được tôn trọng như một người "có tay nghề". Nói như vậy thì "tôi không biết" chính là "bản cáo trạng" cho việc còn thiếu trình độ.
Nhưng thị trường lao động đang dần thay đổi.
Ngày nay, nhân viên có chuyên môn sâu ít được đánh giá cao và có khoảng cách xa so với nhân viên có tiềm năng. Tiềm năng và khả năng biết học hỏi của một người quan trọng và có giá trị hơn so với việc có kiến thức sâu rộng về một chủ đề nhất định.
Vẻ đẹp của sự "Không Biết"
Sự ra đời của Internet đã tạo ra một sự thay đổi lớn trong loại hình thông tin. Hiện nay, bạn có thể dễ dàng tiếp cận với thông tin, dữ liệu và kiến thức chỉ bằng một cú click chuột. Ảnh hưởng của thông tin mà được chia sẻ ở mọi lĩnh vực, chủ đề, sẵn có 24/7 thực sự lại là con dao hai lưỡi.
Những điều trước kia chỉ một số người được biết và được chia sẻ kín thì nay lại khá dễ tiếp cận với tất cả mọi người. Nếu bạn muốn tìm hiểu - đương nhiên bạn có thể.
Một lượng thông tin khổng lồ luôn sẵn có thực sự là quá tải và gây khó hiểu. Điều đó khiến cho việc trở thành một "chuyên gia trong một lĩnh vực" gần như là không thể. Nghịch lý là một chuyên gia có thể là tất cả mọi người hoặc không là ai cả.
Việc thay đổi trong chia sẻ thông tin cũng ảnh hưởng tới quy tắc nơi làm việc. Cụm từ "tôi không biết" từng bị phản đối và coi là điều cấm kỵ ở môi trường làm việc chuyên nghiệp thì nay nó dần được chấp nhận. Ngày nay, ứng viên được tuyển dụng thường dựa trên khả năng xử lý và ghi nhớ thông tin - đây là cách sử dụng não bộ hiệu quả hơn rất nhiều.
Não bộ của chúng ta từ một nơi để lưu trữ chuyển thành bộ vi xử lý phức tạp. Khả năng thu thập, đọc hiểu, đánh giá, tổng hợp, ứng dụng và sáng tạo thông tin mới là khả năng thu hút nhất của bạn - chứ không phải là kiến thức nền. [2]
Chấp nhận việc "Tôi Không Biết"
Càng chấp nhận thực tế rằng bạn không biết hết mọi thứ, bạn càng tốt hơn nhanh chóng. Bạn sẽ trút bỏ được gánh nặng về những căng thẳng quá mức ở nơi làm việc và đưa não bộ vào trạng thái không ngừng học hỏi.
Giá trị của việc chấp nhận và nói rằng "tôi không biết" giúp bạn không bị mắc vào tình huống khó xử và giảm bớt những thông tin sai lệch đang tràn lan. Thực tế là, sếp bạn không quan tâm bạn có tìm ra được thông tin ngay hay không, họ chỉ quan tâm rằng bạn có tìm ra được thông tin chính xác và áp dụng thật đúng đắn hay không thôi.
Theo đuổi "tôi không biết" nhưng "sẽ sớm có câu trả lời" là công thức cho những cơ hội, sự khiêm tốn và sự phát triển liên tục.
Làm thế nào để biết những gì bạn không biết
Giờ bạn đã hiểu được rằng biết hết mọi thứ là điều hoàn toàn ổn nơi công sở, cách để hoàn thành quy trình và kết thúc vòng lặp. Không biết cũng không sao, nhưng không biết học hỏi để bù đắp kiến thức thì không thể chấp nhận.
Tìm ra những gì bản thân còn thiếu
Bước đầu tiên (sau khi thừa nhận mình không có đủ kiến thức về chủ đề đó) là phải đảm bảo rằng bạn hiểu chính xác bạn cần thông tin gì.
Không gì tệ hơn việc hiểu sai nhu cầu của người khác và cứ bám lấy những tình huống khó xử của mình. Hãy đảm bảo rằng bạn cần thu thập những thông tin gì, rồi tổng hợp và tìm ra cách trình bày. Đây là bước đơn giản nhưng quan trọng nhất.
Cân nhắc về những gì bạn thu thập được
Giờ đến giai đoạn bạn đã có được những thông tin cần thiết.
Phải đảm bảo nguồn thông tin của bạn là đáng tin cậy. Đọc kỹ và phân loại thông tin vào hai mục: Những điều bạn biết và hiểu - Những điều bạn cần phải biết hoặc cần làm rõ thêm.
Lên danh sách những khái niệm bạn cần nghiên cứu sâu thêm. Làm rõ thông tin và đánh giá chúng là bước đầu tiên của tư duy phản biện.
Bổ sung kiến thức
Tập trung hết sức vào việc nghiên cứu những gì bạn không biết hoặc không thể bày tỏ rõ ràng.
Luôn tìm hiểu những bài nghiên cứu nổi tiếng và có căn cứ chính xác. Sử dụng những thông tin từ các chuyên gia. Bắt đầu thực hiện nghiên cứu từ những nguồn chính gốc rồi từ đó tìm hiểu thêm.
Đọc phần lý thuyết trước, từ đó đọc các blog, bài báo, sách và video dựa trên bài nghiên cứu đó. Điều này sẽ giúp bạn biết được những nguồn thông tin khác có chính xác hay không. Không những giúp bạn hiểu rõ thông tin, đọc những tài liệu "nhẹ kí hơn" cũng giúp bạn bổ sung những từ vựng và các công cụ khác (biểu đồ, đồ thị, đồ họa thông tin, video, podcast,...) nhằm hỗ trợ việc giải thích các khái niệm một cách chính xác.
Đề xuất các giải pháp
Một khi đã có và hiểu được thông tin, hãy lập một kế hoạch hành động.
Phương hướng hành động của bạn phụ thuộc vào yêu cầu ban đầu. Nếu được yêu cầu trình bày thông tin chỉ nhằm mục đích cung cấp kiến thức, lên kế hoạch cho một buổi thuyết trình thú vị.
Nếu được yêu cầu cung cấp một giải pháp hoặc đề xuất một đường lối hành động dựa trên những nghiên cứu của bạn, hãy chắc chắn rằng bạn sử dụng "hướng tiếp cận nghiên cứu có cấu trúc" như là “Năm Câu Hỏi Vì Sao". Sử dụng "phương pháp nghiên cứu có cấu trúc" giúp bạn đưa ra quyết định dựa vào tính logic và đã được nghiên cứu kỹ. Nó cũng hỗ trợ trong việc nắm bắt được và giảm bớt thiếu sót mà vốn có trong bất kỳ quá trình đưa ra quyết định nào.
Thảo luận và động não
Khi bạn đã tìm ra được một vài hướng giải quyết sử dụng hướng tiếp cận có hệ thống, thảo luận những bài nghiên cứu và quá trình làm việc của bạn với người khác - sếp hoặc người đồng nghiệp đáng tin cậy. Cùng nhau vạch ra một vài giải pháp tiềm năng hoặc hỗ trợ nhau trong việc tìm những giải pháp sáng tạo, mang tinh thần đổi mới.
Dù cho bạn có nghiên cứu kỹ đến mức nào, hãy luôn tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác. Quan điểm duy nhất mà bạn có - không kể bạn nghiên cứu bao nhiêu đi nữa - chỉ là của bạn. Tìm kiếm sự tư vấn từ người khác sẽ mở rộng góc nhìn của bạn.
Việc nói " Tôi không biết" có thể chấp nhận được
Nếu việc nói "tôi không biết" khiến bạn xấu hổ, thì dưới đây là một số cách nói khác:
- “Hiện giờ tôi chưa có giải pháp cụ thể nào. Tôi sẽ tra cứu thêm và sẽ trả lời bạn sau.”
- “Tôi không muốn đưa ra một quyết định vội vã nào, hãy cho tôi thêm thời gian để nghiên cứu.”
- “Tình huống này có thể chứng thực cho một phương hướng hành động khác, tôi sẽ nghiên cứu và sớm đưa bạn câu trả lời.”
Trên đây chỉ là một vài ví dụ - hãy điều chỉnh cho phù hợp với phong cách giao tiếp và tình huống của bạn. Chú ý một điều là trong mỗi ví dụ bạn phải hiểu rõ là:
- Bạn không có câu trả lời.
- Bạn sẽ nghiên cứu chủ đề đó và tìm giải pháp phù hợp.
- Bạn đưa ra một khoảng thời gian phù hợp để tìm thông tin/giải pháp được đề xuất.
Cách tiếp cận này giúp sếp và đồng nghiệp bạn biết rằng bạn hiểu được tầm quan trọng của vấn đề. Điều đó cũng giúp họ biết rằng bạn là người đáng tin cậy và sẽ cố gắng tìm ra được giải pháp tốt nhất thay vì đưa cho họ một giải pháp nửa vời mà có thể gây ra tai hại. Cuối cùng thì khi bạn không giải quyết việc ngay, trông bạn có năng lực, chu đáo và tận tâm hơn là đưa ra câu trả lời ngay lập tức.
Không biết không khiến bạn kém cỏi đi
"Tôi không biết" là câu trả lời hợp lý, có thể chấp nhận, và quan trọng hơn là có trách nhiệm khi bạn không biết câu trả lời.
Sự tín nhiệm không nằm ở khả năng bạn có thể cung cấp được kiến thức sâu rộng theo yêu cầu. Internet có thể làm được điều này.
Thay vào đó, sự tín nhiệm nằm ở khả năng bạn có thể tìm hiểu, nghiên cứu và tổng hợp thông tin, cung cấp thông tin đó tới đúng người theo một định dạng phù hợp.
Tài liệu tham khảo
[1] | ^ | Encyclopedia.com: Xã hội hậu công nghiệp |
[2] | ^ | eLearning Industry: Cơ bản về tiến trình xử lý thông tin: Cách bộ não xử lý thông tin |