2 tháng trước
Làm Thế Nào Để Vượt Qua Kẻ Thù Lớn Nhất Trong Cuộc Đời Bạn: Sự Sợ Hãi
286

3328
Lượt xem
61
Lượt chia sẻ
4
Lượt bình luận

Đã bao giờ bạn nghe thấy ai đó nói rằng "Tôi ấy à? Tôi dốt đặc môn toán!" hoặc "Hỏi tôi cũng chẳng được gì đâu, tôi lúc nào cũng phải vật lộn với ngữ pháp"? Đó là hai ví dụ hoàn hảo trong số những suy nghĩ mà chúng ta để cho nó bám rễ vào tâm trí mình và phá tan những mục tiêu cũng như kết quả của ta.

Rất nhiều người trong số chúng ta tạo ra những suy nghĩ sai lầm trong tâm trí mình, và bộ não của ta thật vui mừng khi được mang lại đúng những gì mà ta yêu cầu. Những tổn hại sẽ xảy đến khi chúng ta không nhận ra là mình đang yêu cầu những điều sai lầm.

Bạn thấy đấy, bộ não của chúng ta là một đám tế bào già cũ khôn khéo. Rất có thể là bạn đã nghe nói về bài tập mà trong đó bạn được yêu cầu không nghĩ về một chú voi màu hồng... và thật quái lạ, trong đầu bạn hiện lên một chú voi màu hồng! Hoặc như những con chó của Pavlov, chúng được kích thích tiết nước bọt chỉ bằng cách nghe tiếng chuông rung. Thậm chí ngay bây giờ tôi có thể nói với bạn là "Đừng hình dung ra một quả chanh bị cắt làm đôi và nước cốt chanh đang được vắt vào họng bạn", và bạn bắt đầu nhận ra là "Chà, mình đang tiết ra nhiều nước bọt hơn." Tại sao điều đó lại có thể xảy ra?

Bởi vì bộ não của chúng ta SẼ tạo ra những thứ mà ta yêu cầu.

Khi nói đến hiệu quả trong hoạt động, chúng ta phải chọn lựa từ ngữ một cách cẩn thận. Nếu bạn xem trọng điều ở trên và chấp nhận rằng chúng ta là những sinh vật dễ thay đổi ý kiến thì, thật tự nhiên và rõ ràng, tôi có thể chỉ cho bạn vài mẹo và công cụ rất hay để giúp bạn đạt kết quả tốt hơn, chỉ dựa vào những từ ngữ mà bạn đang chọn nghĩ tới.

Bạn thấy đấy, nếu từ ngữ có thể tác động tới những việc mà cơ thể thực hiện, thì nó cũng có thể tác động tới kết quả mà bạn đạt được, cũng như mức độ mà bạn đạt tới.

Nỗi sợ làm bạn rối tung lên như thế nào

Làm thế nào mà một người nào đó có thể thích thú tận hưởng cơ hội đứng trên một sân khấu trước 5000 người, còn một người khác lại thà bị vỡ lá lách trước khi đến lượt mình? (Và hãy tin tôi đi, với tư cách là một người đã từng cực kỳ sợ nói trước đám đông nhưng bây giờ lại yêu thích việc đó và huấn luyện mọi người thoát khỏi nỗi sợ đó, tôi thực sự biết nỗi sợ đó là như thế nào.) Nếu chúng ta để cho một nỗi sợ như thế tiến triển xấu lên và bám rễ dai dẳng trong tâm trí mình, thì hãy đoán xem việc đó có thể ảnh hưởng thế nào đến kết quả trong hoạt động của chúng ta?

Hãy cùng chung sống với nỗi sợ nói trước đám đông, bởi đó vẫn là một trong những nỗi sợ lớn nhất trên thế giới. Chúng ta vẫn sợ nói trước đám đông hơn là sợ chết. Nghe điên thật phải không?

Bạn được yêu cầu nói chuyện trước một đám đông khán giả, và cơ hội đó có tiềm năng đưa sự nghiệp của bạn vươn cao. Nếu bạn sợ nói trước đám đông, thì những suy nghĩ chiếm ưu thế sẽ xoay quanh nỗi sợ đó... thay vì xoay quanh những kết quả lý tưởng mà bạn muốn có được.

Chẳng hạn như, thay vì nghĩ rằng:

“Đây là cơ hội mà mình đã chờ đợi và nó sẽ chắp cánh cho thành công của mình."

Thì nhiều khả năng là bạn lại đang nghĩ rằng:

“Ôi không, đây là cơ hội lớn nhất trong đời mình, và mình sắp phá hỏng nó rồi.”

Nào, hãy nhớ rằng bộ não của chúng ta thích làm cho chúng ta luôn được hạnh phúc. Do đó nếu bạn đang nghĩ đến điều tích cực thứ nhất ở trên thì hãy đoán xem bạn sẽ có thể nhận được điều gì? Còn nếu nghĩ đến điều thứ hai thì sao?

“Tất cả những điều đó đều đúng đều tốt Mandie ạ, nhưng đó là một nỗi sợ. Nó có thật, nó thực sự hiện hữu. Nó làm mình cứng họng, làm mình run rẩy, toát mồ hôi và mình phải vật lộn để nhớ được tên mình chứ chưa nói đến nguyên cả bài diễn thuyết!" bạn sẽ nói thế.

Và với nhiều năm kinh nghiệm giúp mọi người vượt qua những nỗi sợ đó, tôi biết rằng đây chính là những điều mà nỗi sợ sống nhờ vào. Nó sống nhờ vào việc bạn chấp nhận những cảm giác đó và chấp nhận sự tồn tại hữu hình của nó. Nó sống nhờ vào việc bạn chấp nhận những cảm xúc tiêu cực đó và thực sự trải nghiệm chúng ở một mức độ khiến bạn chẳng bao giờ đặt câu hỏi nghi ngờ chúng. Và đó là điểm mấu chốt.

Để nâng cao kết quả mà mình đạt được, bạn phải đặt câu hỏi về những suy nghĩ của mình. Không phải nỗi sợ nào cũng rõ ràng cả. Một số chúng có thể ẩn nấp trong tiềm thức của bạn suốt nhiều năm và chỉ khi cố gắng làm những việc đó thì bạn mới ý thức về một nỗi sợ đã tác động đến thành công của mình.

Ai cũng có nỗi sợ, kể cả những người trông có vẻ rất kiên cường

Bạn không tin tôi à?

Chỉ mới gần đây thôi, tôi đã được một người mà tôi đã ngưỡng mộ từ lâu ở tầm cỡ quốc tế nói với tôi rằng, mãi đến khi người đó đọc chương 3 trong cuốn sách của tôi thì người đó mới nhận ra có một thứ gì đó đã tác động đến thành công của họ suốt nhiều năm. Thứ đó là hành động nhấc điện thoại lên nghe. Làm thế nào mà việc nghe điện thoại có thể hủy hoại những kết quả trong hoạt động của bạn?

Hãy cùng phân tích điều này bằng cách nghĩ về những chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn chọn hành động của mình dựa theo suy nghĩ của mình. Vậy nếu bạn nghĩ việc nhấc điện thoại lên nghe sẽ làm gián đoạn một ngày của một người nào đó, khiến họ ít nói từ "Phải" hơn và ít muốn nghe những điều mà bạn cần phải nói hơn, thì bạn có chuyển sang dùng thư điện tử không?

Trái lại, sẽ thế nào nếu bạn chấp nhận rằng bạn là một người "có giá" và có toàn quyền nói chuyện với một người nào đó qua điện thoại bởi vì bạn có một chuyện hữu ích cần nói mà có thể rất thích hợp và thú vị? Khả năng bạn sẽ gọi điện thoại là bao nhiêu?

Vậy làm thế nào để bạn quay lại với việc suy nghĩ tích cực và vượt qua nỗi sợ có thể hủy hoại kết quả hoạt động của mình?

4 mẹo để vượt qua nỗi sợ của bạn

Hãy điều chỉnh lại những giả định của mình

Bạn đang tạo ra những điều giả định gì, và chúng có lợi hay có hại cho bạn? Chẳng hạn như nếu bạn giả định rằng các sai lầm chính là những cơ hội để học hỏi, thì bạn sẽ muốn có chúng bằng cả trái tim mình. Bạn sẽ tin rằng ngay cả thất bại cũng có mặt tốt của nó và bạn sẽ sử dụng chúng một cách có hiệu quả để khởi đầu cho kết quả hoạt động của mình. Trái lại, nếu bạn tin rằng thất bại là nguy hiểm và làm tổn hại đến danh tiếng cũng như thành công của mình, thì bạn sẽ dễ né tránh những cơ hội có thể cần phải mạo hiểm chuốc lấy thất bại. Đứng trước nỗi sợ, bạn cần phải suy nghĩ giống như các siêu anh hùng trong phim vậy. Hãy chuẩn bị sẵn sàng bước vào một tình huống mà bạn sợ, với niềm tin rằng bạn có thể làm được. Bạn sẽ không thấy các siêu anh hùng nhìn vào kẻ xấu to lớn cao đến 6 mét và nghĩ rằng "Hừm, mình không nghĩ là hôm nay mình sẽ bảo vệ nhân loại đâu, hắn trông hơi đáng sợ đấy."

Hãy nhớ rằng chẳng có ai thực sự quan tâm đâu

Một lý do lớn khiến nỗi sợ có thể tác động tới kết quả hoạt động của bạn - và từ đó là cả thành công của bạn nữa - là bởi vì chúng ta tưởng tượng ra những điều mà người khác đang nghĩ. Trớ trêu thay, điều đó thường là không đúng. Chúng ta giả định rằng tất cả mọi người đều đang nghĩ về mình, song thực ra nhiều khả năng là họ đang nghĩ về bản thân họ nhiều hơn - "chiều nay ăn gì nhỉ", "tặng gì cho mẹ vào sinh nhật đây" hay "tại sao mình lại đi đôi giày này nhỉ, nó chật quá đi mất". Tuy nhiên hãy nhớ rằng nỗi sợ sống nhờ vào tính tiêu cực giữ chúng ta giậm chân tại chỗ, và do đó nếu bạn chỉ cần học được cách chấp nhận rằng tất cả mọi người đều đang có những suy nghĩ của riêng mình và đều ám ảnh về chính họ như bạn ám ảnh về chính bạn, thì bạn có thể ngừng cho phép những suy nghĩ không đúng đắn xuất hiện trong đầu mình. Và như một người bạn làm kinh doanh có lần đã nói với tôi rằng "Mandie ạ, cậu chẳng có quyền gì đối với những suy nghĩ ở trong đầu người khác đâu."

Hãy chuyển hướng sự tập trung của bạn

Nỗi sợ thích làm cho chúng ta phải lặp lại các khuôn mẫu. Do đó nếu trong đầu bạn có các suy nghĩ rằng "việc này sẽ không có hiệu quả đâu", hoặc "mình sợ những kết quả cuối cùng", thì não bạn sẽ làm mọi cách có thể để chứng minh là bạn đúng.

Do đó nếu bạn có một phương hướng mới mạnh mẽ hơn để tập trung sự chú ý của mình vào, thì nỗi sợ sẽ giảm bớt và cuối cùng là tan biến luôn. Chẳng hạn như, hãy trở lại với nỗi sợ nói trước đám đông (Bạn có thể thay bằng nỗi sợ của riêng mình!). Nếu bạn sợ nói trước đám đông và tập trung vào điều mà mình sợ, thì đó chính là điều mà bạn sẽ nhận được. Trái lại, nếu bạn có tầm nhìn về một mục tiêu rõ ràng thì đó sẽ là thứ mà bạn có thể nhận được. Điều đó có nghĩa là bạn cần phải cố gắng cho những thứ mà mình muốn đạt được. Bạn muốn nhận được gì? Mục tiêu là gì? Bạn muốn điều này dẫn tới đâu? Bằng việc trả lời những câu hỏi này với niềm đam mê và khát khao thực sự, bộ não bạn sẽ có một phương hướng tích cực để hướng tới, chứ không phải là những khuôn mẫu do nỗi sợ dẫn đường như trước đây nữa.

Đừng e ngại việc bạn sẽ trông thật ngốc nghếch

Có liên hệ gần gũi với nỗi sợ về những điều người khác nghĩ là nỗi sợ rằng mình sẽ tự làm trò cười cho thiên hạ. Do đó nếu bạn sợ những điều mà người khác nghĩ và/hoặc sợ mắc sai lầm và làm hỏng việc thì một lần nữa nỗi sợ sẽ chế ngự bạn. Hãy nghĩ về một lần nào đó mà bạn cảm thấy mình thật ngốc vì đã nói hoặc làm một điều gì đó. Chuyện gì xảy ra tiếp theo? Rồi sau đó hãy trả lời, "Chuyện đó khiến bạn cảm thấy thế nào?", rồi từ đó hãy tự hỏi mình rằng "Chuyện đó có dẫn tới một cảm giác hay hành động gì không?", sau đó hãy trả lời, "Chuyện gì xảy ra tiếp theo?" Bằng cách này bạn có thể bắt đầu dựng nên một bức tranh về con đường tự động liên kết đến nỗi sợ đó - con đường về cách mà bạn sa vào những khuôn mẫu cũ chẳng giúp ích mạnh mẽ cho bạn và để cho nỗi sợ chế ngự mình. (Và đúng thế, quy trình này có thể được sử dụng với bất kỳ nỗi sợ nào, tôi gọi đó là vòng xoáy tiêu cực.). Một khi đã dựng nên được bức tranh về những điều đã xảy ra trong trạng thái cũ trước đây của mình, bạn có thể học được cách nhìn ra những suy nghĩ và cảm giác nào sẽ tạo ra những hành động nào. Chẳng hạn như, nếu bạn đứng lên vì bản thân mình và thể hiện quan điểm, và điều đó dẫn tới việc bạn cảm thấy mình thất thế, thì liệu việc đó rồi có dẫn tới việc bạn không nhận lấy dự án được giao, bởi bạn sợ làm hỏng nó? Việc hiểu rõ những suy nghĩ tạo ra những hành động cũng có nghĩa là sau đó bạn sẽ quyết định tạo ra một suy nghĩ mới, và điều đó sẽ dẫn tới những hành động mới. Nhưng một lần nữa, điều này thực sự cần một sự tập trung và mục tiêu mạnh mẽ mới giúp bạn đạt tới được.

Nói cho cùng thì nỗi sợ được phép tác động tới kết quả hoạt động của ta bởi vì ta đã học cách tin vào nỗi sợ. Nỗi sợ có ích trong việc giữ cho chúng ta được an toàn, nhưng ngày nay chẳng còn quá nhiều voi ma mút đi lại trên đường nữa rồi. Do đó khi nỗi sợ được trao cho quá nhiều quyền lực thì nó sẽ hủy hoại sự thành công của ta. Hãy học cách đặt ra các thử thách và dừng việc đặt giả định lại. Và điều quan trọng nhất là hãy tin rằng bạn có thể làm được, bạn có thể tự đưa ra cho mình tất cả những bằng chứng về sự thành công của bản thân để nói lên điều đó. Và tôi sẽ để bạn tự suy ngẫm điều này: Tại sao chúng ta lại giả định rằng nếu mình làm tốt một việc gì đó thì tất cả mọi người khác cũng đều có thể làm được? Trong khi nếu mình không thể làm được việc gì đó thì mình là tên ngốc bởi vì tất cả mọi người khác đều làm được?

Bạn thấy đấy, nỗi sợ thực sự muốn hủy hoại sự thành công của ta. Thế nên đã đến lúc thách thức nó rồi.