Khi rời giảng đường đại học, tôi có việc làm ngay lập tức. Thật may mắn khi trước kia, tôi đã dành cả một năm thực tập không lương, nên đã nhận được chức vụ này. Vào ngày đi làm đầu tiên, tôi nhận thấy chưa có một cái bàn làm việc nào được chuẩn bị cho tôi. Không có một lời chào đón, và tôi bị bỏ mặc một mình suốt nhiều giờ. Sau đó, tôi tình cờ tâm sự điều này với một nhân viên khác khi đứng ở máy pha cà phê, để rồi biết được hai điều. Thứ nhất, người mà tôi đã phàn nàn là vợ quản lý mới của tôi, và thứ hai, như cách ông ta nói, tôi sẽ bị trừng phạt nặng nề nếu tìm cách qua mặt cấp trên...
Thật là một khởi đầu công việc không thể "tốt" hơn! Tôi chỉ mới chuyển nơi ở, và mới làm việc chưa đầy một buổi sáng thì đã chạm trán một nhà quản lý tồi. Tôi đã không ở lại đủ lâu để biết ông sếp hung hăng sẽ làm gì tiếp theo. Quản lý kém cỏi hiện là một vấn đề lớn. Nghiên cứu của Approved Index cho thấy hơn bốn trong số mười nhân viên (42%) tiết lộ họ đã từng nghỉ việc vì lý do quản lý tồi.
Kiểu quản lý lí tưởng
Người quản lý tuyệt vời nhất của tôi thì hoàn toàn ngược lại. Vốn là quản lý hệ thống thuế của Vương quốc Anh, ông làm công việc điều hành công ty dù đang ở tuổi hưu. Khi đó, tôi hãy còn là một nhân viên trẻ tuổi và thiếu kinh nghiệm. Tôi đã phạm phải một sai lầm ngu ngốc, gây tổn thất bao nhiêu thời gian và tiền bạc, và tôi tin chắc mình sẽ bị sa thải.
Suốt ngày hôm đó, tôi chìm trong sự lo lắng, tự dằn vặt về những gì đã làm và những gì sẽ xảy ra. Vào cuối buổi, tôi được gọi đến văn phòng giám đốc. Trước buổi họp, tôi đã dành cả ngày để nói chuyện với các nhân viên khác, cố gắng tìm hiểu mình đã phạm sai lầm ở đâu. Chỉ vì một dòng mã đánh nhầm mà dẫn đến sai cả một hệ thống dữ liệu in ấn. Tôi biết đáng lẽ mình đã phải làm gì, và tôi cảm thấy dằn vặt về điều đó.
Sếp gọi tôi vào văn phòng và mời ngồi. Ông hỏi: "Anh có biết mình đã làm gì không?". Tôi trả lời lí nhí: "Vâng, tôi thật ngốc đã không kiểm tra lại hoặc xin lời khuyên khi làm điều gì đó mà tôi không thực sự hiểu biết. Lỗi hoàn toàn của tôi." Ông yên lặng và hỏi: "Anh có lặp lại điều này lần nữa không?". Tôi trả lời rằng dĩ nhiên, tôi sẽ không lặp lại lần thứ hai, sẽ luôn kiểm tra kỹ lưỡng, yêu cầu sự giúp đỡ và không cố tỏ ra khôn ngoan như vậy nữa!
“Tốt…”
Và chỉ có vậy. Tôi dừng lại và hỏi, tôi có nên đi dọn dẹp bàn làm việc không. Ông mỉm cười: "Anh đã học được một bài học quý giá, tôi có thể chắc chắn rằng anh sẽ không bao giờ phạm sai lầm tương tự nữa. Tại sao tôi lại muốn đuổi một nhân viên như vậy chứ?”
Tôi đã ở lại công ty đó nhiều năm, và cách sếp đối xử với tôi là một bài học điển hình về năng lực quản lý tốt. Đáng buồn thay, hiện nay có nhan nhản biết bao nhiêu người quản lý kém cỏi.
Danh sách phân loại các nhà quản lý kém năng lực
Kẻ bắt nạt
Ông chủ đầu tiên của tôi thuộc về nhóm trên. Những người này đi theo phong cách quản lý xưa cũ bằng quyền lực. Trường hợp này xảy ra một lần nữa khi tôi làm việc trong lĩnh vực bán lẻ và gặp phải một người quản lý với suy nghĩ rằng, cách duy nhất để nhân viên làm việc hiệu quả là quát mắng và la hét.
Tuy nhiên, như nhiều kẻ bắt nạt khác, bạn sẽ thường nhận thấy họ cũng chẳng biết gì hơn, hoặc là họ đang cảm thấy căng thẳng và sợ hãi về tình hình đang diễn ra.
Người vô hình
Thành phần cấp trên này có thể làm công việc quản lý từ xa (thường là ở sân golf hoặc các cuộc họp quan trọng) hoặc quá bận rộn để có thể làm việc với nhân viên.
Bạn có thể cảm thấy sảng khoái khi được gần như hoàn toàn tự do, bởi người quản lý ít khi hoặc thậm chí không quan tâm đến các việc bạn làm. Tuy nhiên, bạn sẽ sớm nhận thấy bản thân bị thiếu mất sự hỗ trợ thường thấy từ một nhà quản lý giỏi. Với việc không có định hướng công việc, bạn có thể nghĩ rằng bạn đang làm tốt, để rồi nhận ra mình không đáp ứng những mong đợi mà bạn không hề hay biết. Thế là đột nhiên, tất cả đều là lỗi của bạn.
Quản lý vi mô
Bạn thường sẽ cảm thấy rất khó chịu khi có một người quản lý luôn muốn can dự vào công việc của mình. Trái ngược với người quản lý vô hình, những cấp trên thuộc nhóm này khiến bạn cảm thấy không được tin tưởng, vì họ luôn muốn can thiệp vào mọi việc bạn làm.
Đối phó với cấp quản lý vi mô có thể rất khó khăn. Thường thì phong cách quản lý này xuất phát từ sự bất an của chính họ. Bạn có thể thử đối diện trực tiếp, nói với họ rằng bạn đủ khả năng tự thực hiện công việc của mình, nhưng thường thì cách này sẽ không thành công và có thể khiến sự việc trở nên tồi tệ hơn.
Người được thăng chức sai
Nhóm lãnh đạo này đơn giản không có ý niệm về công việc quản lý. Họ lên tới vị trí này nhờ vào công lao, gia đình hoặc một số hoạt động ngầm trong công ty. Họ không chỉ là người không đủ tiêu chuẩn làm quản lý, mà họ thường sẽ không thể làm được ngay cả công việc của bạn.
Bạn có thể cảm thấy thường xuyên thất vọng trước tình huống này, tuy nhiên dường như không có cách nào để bạn thoát ra, trừ nộp đơn nghỉ việc.
Kẻ cướp công
Kẻ cướp công là dạng quản lý không bao giờ công khai thừa nhận việc bạn làm. Bạn dành thêm thời gian làm việc cho một dự án, để rồi trong cuộc họp chung, sếp của bạn sẽ nhận hết công trạng về phía mình!
Một lần nữa, bạn sẽ cảm thấy mất tinh thần, khi bao nhiêu công sức lao động của mình bị người khác chiếm đoạt, và điều này thường dẫn đến việc những nhân viên giỏi sẽ đi tìm kiếm công việc mới.
3 phương pháp đối phó với những nhà quản lý kém năng lực
Dù bạn phải chịu đựng một cấp quản lý tồi thuộc dạng nào đi chăng nữa, bạn có thể thực hiện một số phương pháp để đảm bảo nhận được sự công nhận và bảo vệ mà bạn yêu cầu, từ đó không chỉ giữ được thế cân bằng mà còn góp phần xây dựng sự nghiệp của mình.
1. Lưu giữ bằng chứng
Dù bạn bị quản lý bắt nạt hay chiếm đoạt công trạng, hãy luôn ghi chú và lưu giữ bằng chứng cho các dự án bạn đang thực hiện.
Hãy mua một cuốn sổ ghi chép của riêng bạn và nhớ thường xuyên ghi chú. Đây là thói quen hữu ích, giúp bạn có cơ hội liên tục tự nhắc nhở bản thân cũng như nghiên cứu ý tưởng mới.
Điều quan trọng, nếu phải liên hệ nhân sự hoặc tự biện hộ cho mình, bạn sẽ có cơ sở lập luận rõ ràng! Ngoài ra, đừng luôn tin tưởng rằng máy chủ hoặc email của công ty sẽ luôn có sẵn hoặc không bị can thiệp. Luôn nhớ lưu giữ nội dung riêng của bạn.
2. Thường xuyên tổ chức các cuộc họp
Hãy nhớ dành thời gian cho các cuộc họp thường xuyên với sếp của bạn. Điều này đặc biệt hữu ích trong trường hợp sếp của bạn thuộc thành phần được thăng chức sai hoặc cấp quản lý vô hình, để có thể cho phép bạn "quản lý ngược lại". Chịu trách nhiệm nếu có thể về mục tiêu của mình, đồng thời sử dụng các cuộc họp này để đặt mục tiêu rõ ràng và ghi chép lại tình trạng công việc của bạn.
3. Giữ vững lập trường, đồng thời luôn sẵn sàng thay đổi…
Hãy nhớ rằng bạn không cần phải chịu đựng một người quản lý kém. Nếu có vấn đề, bạn nên thẳng thắn trình bày với sếp của mình, có thể họ không biết rằng họ đang làm công việc điều hành một cách tồi tệ.
Tuy nhiên, hãy sẵn sàng để đánh giá xem tình hình có thể thay đổi không. Nếu không, đừng cố gắng gì thêm nữa, và hãy bắt đầu đánh bóng CV của bạn! Nếu sếp hiện tại quản lý không hiệu quả, sẽ luôn có những vị sếp khác tốt hơn dành cho bạn!
Chúc bạn may mắn!