Một thực tế thú vị: Theo nghiên cứu của The Ladders, nhà tuyển dụng chỉ dành khoảng 6 giây xem qua một bản hồ sơ xin việc (HSXV)[1]. Nói cách khác, để thể hiện rõ tính chất phù hợp của bạn với công việc mơ ước, trước tiên bạn phải tìm cách gây ấn tượng với nhà tuyển dụng bằng hồ sơ của mình trong vòng 6 giây đó. Vì vậy, hãy suy nghĩ kỹ trước khi trình bày quá nhiều chi tiết. Bỏ qua bất kỳ hình ảnh nào không liên quan. Bạn vẫn chưa hiểu ư? Ok, bây giờ chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn phải làm những gì để trở nên nổi bật so với các ứng viên khác.
Chúng ta thường nghĩ rằng HSXV phải viết như thế này (nhưng thực tế không phải vậy...)
Càng nhiều càng tốt
Chúng ta thường cho rằng cách tốt nhất để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng là liệt kê tất cả thành tích của mình trong cuộc sống. Vì vậy, chúng ta thường canh lề ở mức hẹp nhất và chọn kích thước phông chữ nhỏ nhất. Ta tìm mọi cách để đưa tất cả thông tin về bản thân vào sơ yếu lý lịch. Chà, nghe có vẻ hơi kịch tính, nhưng thực tế là không phải càng nhiều thì càng tốt.
Theo J.T. O’Donnell, tác giả của cuốn sách Careerealism: Cách Tiếp cận Thông Minh để có được Công Việc Mơ Ước, bạn sẽ THẤT BẠI THẢM HẠI nếu tìm cách viết mọi thứ trong một trang giấy duy nhất.
Người tham chiếu: "Sẽ cung cấp khi có yêu cầu"
Chúng ta biết rõ rằng phải tỏ ra lịch sự và khiêm tốn trong sơ yếu lý lịch. Đó là lý do tại sao hầu hết chúng ta ở mục Người tham chiếu của hồ sơ xin việc thường ghi "Sẽ cung cấp khi có yêu cầu". Nhưng nếu nhà tuyển dụng muốn tìm hiểu về người tham chiếu của bạn, họ sẽ tự mình làm việc đó. Thành thật mà nói, thật lãng phí giấy khi bạn viết những chữ này cuối hồ sơ xin việc.
Kinh nghiệm làm việc không liên quan
Hãy thử hình dung bạn ứng tuyển vào vị trí kiểm toán viên và dưới mục "Kinh nghiệm làm việc", bạn viết là "Nhân viên của tháng tại quán Cafe ABC". Đây liệu có phải là một điểm cộng cho bạn? Không phải thế đâu.
Mặc dù chúng ta thường nghĩ rằng nhà tuyển dụng sẽ ưu tiên các ứng viên có nhiều kinh nghiệm làm việc hơn, nhưng từ góc độ của nhà tuyển dụng, họ có thể tự hỏi liệu bạn có đang làm một mẫu CV chung để ứng tuyển nhiều loại công việc khác nhau hay không; thậm chí họ có thể sẽ nghi ngờ về tính trung thực và năng lực của bạn.
Đừng bao giờ đánh giá thấp những bản CV chỉ với một trang duy nhất
Hồ sơ xin việc sẽ quyết định cơ hội bạn có được gọi đi phỏng vấn không. Nhà tuyển dụng sẽ tìm kiếm một số phẩm chất trong sơ yếu lý lịch của bạn. Trình độ học vấn. Kinh nghiệm làm việc. Thành tích đạt được. Nhưng tại sao họ lại cần đến những thông tin này?
Xin được phép giới thiệu với bạn một thuật ngữ quan trọng: Khả năng được tuyển dụng (Employability). Đó không chỉ đơn thuần là năng lực và kỹ năng cá nhân. Và hồ sơ của bạn sẽ phản ánh khả năng này.
Không phải là hiếm khi có hai người trình độ tương tự ứng tuyển vào một vị trí, và chỉ một người được chọn đi phỏng vấn. Sự khác biệt nằm ở cách họ thể hiện trình độ chuyên môn trong sơ yếu lý lịch!
Một lý lịch trình bày tốt có thể cho nhà tuyển dụng nhận thấy bạn là người họ đang tìm kiếm, chứ không phải chỉ là một trong hàng trăm người đủ điều kiện đáp ứng công việc.
Hồ sơ xin việc thể hiện kỹ năng viết và trình bày của bạn. Việc bạn mô tả bản thân một cách súc tích, theo bố cục nhưng vẫn ấn tượng sẽ có sức nặng hơn nhiều so với bằng cấp của bạn. Đây là một trong những điều nhà tuyển dụng sẽ tìm kiếm, và bạn thậm chí có thể không ý thức về điều đó.
6 yếu tố cấu thành công thức thành công cho Hồ Sơ Xin Việc
1. Lượng hóa thành tích của bạn
Làm thế nào? Mô tả thành tích của bạn bằng số liệu thay vì câu chữ. Đừng quan tâm đến số lượng, mà hãy chú ý đến việc những con số này phản ánh sự đóng góp của bạn trong công việc trước đây như thế nào.
Tại sao? Chỉ có bạn biết mình đã làm được gì trong công việc trước đây. Không dễ để nhà tuyển dụng có thể hiểu rõ hiệu quả làm việc của bạn. Do đó, hãy giúp đỡ họ bằng cách cung cấp các số liệu và định lượng thành tích bạn từng đạt được. Điều này chắc chắn sẽ tốt hơn là kể lại trách nhiệm của bạn trong các công việc trước đây.
Ví dụ Đề cập đến số lượng chính xác những người tham gia sự kiện bạn tổ chức. Hoặc số tiền liên quan đến chiến dịch. Nếu bạn đang ứng tuyển vào một vị trí tiếp thị, hãy nói về số lượt người xem dự án thay vì những câu nói mơ hồ, chung chung như "Khả năng tiếp thu tốt”.
2. Sử dụng đúng các thuật ngữ thông dụng trong công ty
Làm thế nào? Bạn có thể vận dụng một mẹo nhỏ để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng bằng cách sử dụng các thuật ngữ thông dụng trong công ty. Hãy làm một nghiên cứu nhỏ trước khi gửi hồ sơ.
Tìm hiểu các từ ngữ xuất hiện nhiều nhất trong mô tả, tầm nhìn hoặc sứ mệnh của công ty. Sau đó sử dụng những từ này để thay thế các cụm từ bạn thường dùng trong hồ sơ của mình.
Tại sao? Bạn đã từng bao giờ nghe nói về quy luật "Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã"[2]? Sử dụng những từ ngữ họ thích dùng có thể khơi dậy mạnh mẽ sự quan tâm của họ đối với bạn, vì họ nghĩ rằng bạn có chung niềm tin với họ. Dù chỉ thay đổi một vài chữ trong hồ sơ xin việc, nhưng tỷ lệ bạn được gọi đi phỏng vấn có thể tăng lên rất nhiều.
Ví dụ Tìm hiểu các giá trị của công ty và đưa các ý tưởng tương tự vào phần tự mô tả bản thân để cho thấy bạn là ứng viên tiềm năng phù hợp nhất với công ty.
Bên cạnh đó, kỹ thuật từ thông dụng có thể được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Khi ứng tuyển vào vị trí tiếp thị, hãy sử dụng các từ dành riêng cho lĩnh vực như thị trường trực tuyến và quảng cáo trực tuyến để thể hiện nhận thức về marketing của bạn.
Luôn có những từ được sử dụng riêng cho một số lĩnh vực nhất định. Một nghiên cứu nhỏ về từ ngữ có thể giúp bạn giành được tấm vé đi phỏng vấn đấy!
3. Liên hệ bản thân với những tên tuổi lớn
Làm thế nào? Trong mọi trường hợp, nếu bạn đã từng hợp tác với bất kỳ thương hiệu lớn nào (ngay cả khi sự hợp tác đó cực kỳ không đáng kể), hãy đưa những tên tuổi đó vào hồ sơ của bạn!
Tại sao? Danh tiếng có sức ảnh hưởng rất lớn. Uy tín và năng lực của bạn ngay lập tức sẽ được nâng cao khi bạn có mối liên hệ với một tên tuổi lớn.
Theo các nguyên tắc về thuyết phục của Cialdini[3], mọi người thường chú ý đến danh tiếng và sẽ bị ảnh hưởng bởi nó. Việc liên hệ bản thân với những tên tuổi lớn có thể trở thành cơ sở cho năng lực của bạn.
Ví dụ Có khách hàng nào trong chiến dịch của bạn là một thương hiệu nổi tiếng thế giới không? Nhà tài trợ học bổng của bạn có phải là một tên tuổi lớn? Ấn phẩm của bạn có được đăng trên bất kỳ phương tiện truyền thông phổ biến nào? Nếu câu trả lời cho bất kỳ câu hỏi nào trên đây là có, thì đừng do dự gì: hãy viết ngay vô hồ sơ của bạn. Bạn không thể ngờ rằng uy tín của mình sẽ được tăng lên bao nhiêu đâu.
4. Mô tả nơi làm việc trước đây
Làm thế nào? Đôi khi, nhà tuyển dụng có thể không biết về công ty cũ của bạn. Tại sao bạn không giúp họ thay vì để họ tự tìm kiếm thông tin? Hãy viết một mô tả ngắn gọn và súc tích về các công ty trước đây của bạn để nhà tuyển dụng khỏi mất công tìm hiểu.
Tại sao? Chức danh "Quản lý" có thể có ý nghĩa khác nhau rất nhiều giữa một công ty lớn và một công ty nhỏ. Nhà tuyển dụng sẽ rất tò mò về bản chất các công ty trước đây của bạn để biết thêm về nền tảng làm việc và những công việc bạn đã tham gia. Bên cạnh đó, việc mô tả công ty cũ cho thấy bạn là người có đầu óc chi tiết và quan tâm đến nhu cầu của người đọc hồ sơ.
Ví dụ Đơn giản, bạn chỉ cần truy cập mục "Giới thiệu về chúng tôi" trong trang chủ của nơi làm việc trước đây, rồi viết lại một hoặc hai dòng trong đó. Thế là đủ.
5. Sử dụng ký tự đầu dòng (Bullet-point) thay cho khối văn bản (Text Block)
Làm thế nào? Hãy liệt kê nhiệm vụ công việc của bạn thành từng dòng thay vì thành đoạn văn. Ngoài ra cũng cần giới hạn xuống từ 2-5 dòng. Chỉ viết những thông tin quan trọng và có liên quan trong hồ sơ của bạn.
Tại sao? Bạn vẫn nhớ quy tắc 6 giây chứ? Trong khoảng thời gian giới hạn này, nhà tuyển dụng không thể nắm bắt được ý chính nếu hồ sơ của bạn có cả một "rừng" chữ. Viết sơ yếu lý lịch quá dài thực sự sẽ khiến nó trở nên rất khó để đọc hiểu.
Ví dụ:
SAI – “Tôi đã làm việc với tư cách Giám đốc Quan hệ Công chúng tại Công ty ABC trong khoảng thời gian từ ngày X tháng 8 năm 20XX đến ngày X tháng 3 năm 20XX. Tôi chịu trách nhiệm xử lý công văn. Tôi đã tham gia vào một chiến dịch hợp tác với …”
ĐÚNG – “Giám đốc Quan hệ Công chúng, Công ty ABC, X/08/20XX – X/03/20XX
– Xử lý công văn
– Tham gia chiến dịch hợp tác với …”
6. Tận dụng khoảng trống và định dạng để thu hút sự chú ý
Làm thế nào? Bạn sẽ muốn nhà tuyển dụng chú ý hơn đến một số thông tin nhất định. Một bố cục được chuẩn bị kỹ lưỡng có thể thu hút sự chú ý của họ đến những mục bạn muốn làm nổi bật. Hãy để khoảng trống xung quanh những phần quan trọng.
Tại sao? Chúng ta đều biết nhà tuyển dụng sẽ không dành nhiều thời gian để đọc một hồ sơ xin việc. Và họ có thể cảm thấy mệt mỏi sau khi đọc hàng trăm hồ sơ tương tự nhau. Vì vậy, hãy làm cho hồ sơ của bạn dễ đọc và cung cấp cho nhà tuyển dụng những thông tin giá trị nhất. Đừng lãng phí thời gian của họ, và họ sẽ thưởng công cho bạn cách xứng đáng.
Ví dụ Sắp xếp thứ tự ưu tiên thông tin dựa trên mức độ phù hợp và nổi bật. Viết những thông tin ít quan trọng và dễ thấy hơn ở phần sau của hồ sơ. Định dạng đúng cũng có thể làm nổi bật những điểm quan trọng. Bạn có thể in nghiêng hoặc tô đậm một số từ nhất định. Hẳn khi đọc bài viết này, bạn đã chú ý nhiều hơn đến các từ ngữ được định dạng như trên? Hãy áp dụng các kỹ thuật này trong hồ sơ của bạn và xem thử hiệu quả như thế nào.
Mẫu hồ sơ ấn tượng
Ở phần cuối, chúng tôi đã chuẩn bị một số mẫu sơ yếu lý lịch ấn tượng bạn có thể tham khảo thêm. Nếu bạn đang gặp khó khăn, đây có thể là nền tảng khởi đầu lý tưởng cho bạn.
Tham khảo từ: AGCareers
- Chú ý đến cách CV lượng hóa thành tích và sử dụng ký tự đầu dòng.
Tham khảo từ: BusinessInsider