Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao một số người lại giàu và một số khác lại nghèo? Có thể bạn sẽ cho rằng đó là sự may rủi giống như trò bốc thăm vậy - bối cảnh gia đình đã sinh ra bạn, đất nước nơi bạn sống, sự dồi dào hay thiếu hụt công ăn việc làm tốt. Đúng, có thể đó là các yếu tố góp phần, nhưng sự khác biệt chính yếu giữa người giàu và người nghèo thực ra đều quy về một điểm.
Có phải bạn đang nghèo mãi và đang phải vật lộn để trang trải cuộc sống, bạn nhìn vào những người giàu và cảm thấy thật bất công? Hay thậm chí bạn là một người với túi tiền rủng rỉnh và đang tự hỏi tại sao có những người phải vất vả kiếm tiền trong khi bạn lại thấy việc đó khá là dễ dàng?
"Tư Duy Dư Dả" so với "Tư Duy Thiếu Thốn": Yếu tố dự báo đáng tin cậy về sự giàu có của bạn trong tương lai
Thay vì đổ lỗi cho hoàn cảnh và điều kiện về việc tại sao có người giàu và có người nghèo, bạn hãy xem lại chính trạng thái tư duy của mình - hay đúng hơn là kiểu tư duy mà bạn đang có.
Niềm tin của chúng ta có sức mạnh rất to lớn và có thể lái cuộc đời ta theo hướng mà ta thường tin chắc vào đó. Nếu tất cả những việc mà bạn đã trải qua trong cuộc sống đều là sự nghèo túng thì bạn sẽ dễ tiếp tục tin rằng mình sẽ còn nghèo mãi. Ở thái cực ngược lại, nếu bạn luôn luôn giàu có thì nhiều khả năng là bạn sẽ tin rằng mình sẽ vẫn giàu mãi.
Tất cả nằm ở việc bạn có lối "tư duy dư dả" hay "tư duy thiếu thốn", nhưng đâu là điểm khác biệt giữa hai kiểu tư duy đầy sức mạnh này, khi nói đến vấn đề tiền bạc của chúng ta?
10 điểm khác biệt then chốt về hành vi và tư duy giữa người giàu và người nghèo
Ở đây tôi sẽ bàn luận về những điểm khác biệt then chốt giữa lối tư duy dư dả và lối tư duy thiếu thốn, cũng như việc điều đó sẽ ảnh hưởng đến sự thành công của bạn trong chuyện tiền bạc như thế nào.
Nghi Ngờ so với Tin Cậy
Người nghèo thường có cái nhìn đầy nghi ngờ đối với mọi việc. Họ tin rằng mọi người ở ngoài kia đều muốn lấy tiền của họ hoặc muốn lừa gạt họ. Bạn có tự thấy mình cứ liên tục nghĩ rằng "Mình sẽ không tiêu xài nhiều như vậy đâu!" và tin rằng một công ty nào đó đang tham lam khi họ định giá một món hàng quá cao? Kiểu tư duy này xuất phát từ một sự thiếu hụt - thiếu tiền và phải miễn cưỡng chi ra số tiền "ít ỏi" mà mình đang có. Sự tập trung được dành chủ yếu cho tình trạng thiếu thốn.
Những người giàu thường có quan điểm mang tính tin cậy nhiều hơn đối với nhiều vấn đề. Họ tin người khác hơn, không nghi ngờ về động cơ của mọi người và về việc chi tiền. Phải, việc đó sẽ rất dễ dàng nếu bạn có nhiều tiền, nhưng thực sự nó là do lối tư duy dư dả và không tập trung vào việc để mất thứ gì đó, mà thay vào đó là tập trung vào những điều mà bạn sẽ nhận lại được khi mua một thứ gì đó.
Vấn Đề so với Giải Pháp
Những người nghèo thường có lối tư duy tiêu cực đối với mọi khía cạnh của cuộc sống - không chỉ là chuyện tiền bạc. Họ đi tìm những vấn đề thay vì các giải pháp, và dùng chúng để đổ lỗi về hoàn cảnh của mình, chẳng hạn như nơi mình sống, hệ thống chính quyền, không có đủ việc làm, hay chỉ là những người khác cùng với hành động của họ. Việc biện hộ về lý do tại sao họ không thành công - tức là tạo ra những vấn đề chứ không phải là giải pháp - là một lối tư duy phổ biến thường gặp.
Những người giàu, kể cả khi họ lớn lên trong hoàn cảnh tiêu cực, thường xem đó như một cơ hội để nhận lấy trách nhiệm và làm gì đó để thay đổi nó. Họ chấp nhận rằng cuộc đời sẽ đặt ra cho ta những chướng ngại, nhưng việc của ta là phải tìm ra giải pháp và đừng biến nó thành lý do khiến ta không thành công.
Cách suy nghĩa kiểu "Họ" so với "Chúng Ta"
Khi làm một công việc gì đó, người nghèo thường tự tách mình ra khỏi công việc hoặc công ty mà họ đang làm việc. Việc tạo ra một cách nhìn nhận theo kiểu "họ và ta" cũng có nghĩa là, về cơ bản, bạn đang không chịu trách nhiệm về vai trò của mình và không xem mình là một phần của toàn thể công ty. Khi xuất hiện một lời phàn nàn về việc các dịch vụ tốn quá nhiều thời gian, sẽ rất dễ để nói rằng "đó là vì họ không tuyển đủ nhân viên" để nhanh chóng đổ lỗi và phủi trách nhiệm đi.
Khi bạn có tinh thần theo kiểu "chúng ta" trong công việc, bạn sẽ ra sức đầu tư cho nó và thể hiện sự gắn bó quyết tâm. Chính việc thể hiện niềm tin của mình đối với một người hay một việc nào đó sẽ làm lan tỏa sự tin cậy và sự cố gắng đầu tư công sức từ những người khác. Bạn sẽ thưởng thêm cho một người bồi bàn đã thay mặt nhà hàng xin lỗi khách, hay một người né tránh vấn đề và bắt đầu đổ lỗi cho các cấp quản lý?
Giả Định so với Câu Hỏi
Việc đưa ra những điều giả định có thể gây hại rất lớn và khiến bạn cứ ở trong trạng thái tư duy thiếu thốn. Những người nghèo thường dễ bỏ cuộc do những điều giả định, chẳng hạn như ý nghĩ rằng "Tôi nghi là sẽ chẳng có công việc tốt nào trong vùng này đâu, thế nên có tìm cũng chẳng ích gì" sẽ ngay lập tức tước bỏ đi của bạn những cơ hội tiềm năng. Việc không đặt ra những câu hỏi và không chịu nghiên cứu tìm tòi sẽ khiến bạn cứ mãi sống trong cảnh nghèo túng.
Trái lại, thói quen đặt câu hỏi sẽ cho bạn nhiều cơ hội thành công hơn. Những ý nghĩ kiểu "sẽ thế nào nếu..." rất thường gặp ở những người giàu có và thành công - "sẽ thế nào nếu mình đi khắp nơi để tìm những công việc tiềm năng?", "sẽ thế nào nếu mình gửi thư điện tử đến phòng tuyển dụng để xem họ có đang cần người làm không?". Họ nhìn thấy những cơ hội tiềm năng trong mọi việc, chứ không tự dập tắt chúng bằng những điều giả định tiêu cực.
Tầm quan trọng của Tiền so với tầm quan trọng của Thời gian
Những người nghèo sẽ tin rằng cuộc đời họ cuối cùng sẽ tốt đẹp hơn nếu họ làm việc thêm giờ để kiếm được nhiều tiền hơn. Nhưng thực ra họ đang đánh đổi thời gian quý báu mà họ sẽ chẳng bao giờ lấy lại được để có thêm vài đồng bạc lẻ mà thôi. Họ tập trung nhiều hơn vào việc thiếu tiền và phải bù đắp lại bằng cách làm việc thêm giờ, chứ ít tập trung vào chất lượng của khoảng thời gian mà họ có.
Những người giàu thường tập trung vào tầm quan trọng của thời gian nhiều hơn là tiền bạc. Họ xem các kinh nghiệm là thứ quan trọng đối với chất lượng cuộc sống và ít lo lắng hơn về việc kiếm được thêm tiền. Công việc của họ tập trung nhiều hơn vào niềm vui thích khi làm việc đó chứ không phải tập trung chủ yếu vào số tiền mà họ kiếm được.
Chỉ Trích so với Biết Ơn
Sự phàn nàn và chỉ trích là đặc điểm thường thấy trong lối tư duy của người nghèo. Điều này thường xuất phát từ niềm tin cố hữu đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ - đó là cách nhìn nhận phần lớn mọi việc là sai hơn là đúng. Họ thường nhìn mọi việc từ quan điểm tiêu cực hơn là tích cực.
Thái độ biết ơn là lối tư duy lành mạnh giúp thúc đẩy sự dư dả giàu có. Việc nhìn lại những điều may mắn tốt đẹp mà mình đang có và không xem bất kỳ thứ gì là tự nhiên mà đến sẽ mang lại cho bạn thêm những thứ mà bạn trân quý - bao gồm cả tiền. Đây là một lối tư duy thường gặp ở những người thành công trong mọi lĩnh vực của đời sống.
Cạnh Tranh so với Sáng Tạo
Những người nghèo thường cạnh tranh nhiều hơn. Tức là họ thấy những việc người khác làm và cố bắt chước họ. Vấn đề ở đây là họ chẳng bao giờ nghĩ đến những cách khác để làm một việc gì đó, dẫn đến thiếu sự tăng trưởng lớn mạnh và thiếu những suy nghĩ sáng tạo vượt ra ngoài khuôn khổ vốn giúp đem lại thành công.
Những người thành công tự thấy mình có thể đạt được thành tựu mà không cần so sánh hay cạnh tranh với những người khác. Họ tìm kiếm những cách thức khác nhau để làm việc và để đạt đến mục tiêu chứ không chạy theo những việc mà người khác đang làm. Điều đó cũng có nghĩa là họ sẽ ít khi để vuột mất những thứ mà họ cần đạt được.
Lời Khuyên Tầm Thường so với Lời Khuyên của Chuyên Gia
Việc tìm đến những lời khuyên để tự giúp mình là điều tốt, nhưng những người không thành công thường nghiễm nhiên nghe theo những lời khuyên miễn phí hoặc giá rẻ từ những người đồng trang lứa không có trình độ và hiếm khi đặt câu hỏi nghi ngờ hay tìm cách thử thách để kiểm chứng. Hậu quả là họ hoàn toàn tin vào những lời khuyên có thể là sai lầm hoặc vô ích, từ đó có thể dẫn họ đến chỗ lầm đường lạc lối.
Những người giàu có hoặc thành công thường tìm đến những lời khuyên từ chuyên gia và không ngại bỏ tiền ra để nhận được những thứ tốt nhất, nếu điều đó mang lại thêm thành công cho họ. Lời khuyên của chuyên gia sẽ cho bạn rất nhiều sự lựa chọn đa dạng và thấu suốt, và đó được xem là một khoản đầu tư hơn là khoản chi tiêu nếu nó giúp bạn tiến bước trên con đường đạt đến thành công.
Cách Rẻ Nhất so với Cách Tốt Nhất
Tương tự như luận điểm ở trên, những người nghèo có lối tư duy là luôn cố gắng tìm ra cách giải quyết với giá rẻ nhất. Ví dụ như khi đi mua quần áo - họ luôn tìm đến phân khúc giá rẻ hoặc được giảm giá, và việc mua một vài món đồ trông có vẻ như đang giúp họ tiết kiệm tiền, nhưng thường thì rốt cuộc họ thậm chí có lẽ sẽ chẳng bao giờ mặc đến chúng. Việc đưa ra những quyết định kiểu như vậy do lối tư duy thiếu thốn rốt cuộc có thể sẽ khiến bạn tốn tiền nhiều hơn.
Những người giàu sẽ đầu tư suy tính nhiều hơn và đưa ra những quyết định sáng suốt hơn về những thứ mà họ mua - không nhất thiết chỉ vì giá tiền, mà là cả độ bền theo thời gian và sự đầu tư được đổ vào món hàng mà họ mua. Họ thường sẽ mua một món quần áo đắt tiền khi biết rằng nó sẽ được sử dụng tốt hơn so với việc lãng phí tiền vào hàng đống thứ khác.
Phân Tâm so với Suy Nghĩ
Những người mất nhiều thời gian bị phân tâm vào việc xem tivi hoặc những hình thức giải trí kỹ thuật số khác sẽ không có thời gian để đầu tư cho sự tăng trưởng lớn mạnh và tư duy phản biện vốn có thể giúp họ trở nên thành công hơn. Họ ít đọc sách hoặc tham gia vào các khóa học mà lại chọn tìm đến những thứ gây phân tâm.
Lối tư duy dư dả được hình thành bởi việc ít bị phân tâm và tham gia nhiều vào các hoạt động giúp hoàn thiện bản thân và giúp mình có được những góc nhìn khác nhau. Tri thức là sức mạnh, và việc kiểm soát để thấu hiểu về bản thân mình, hiểu những năng lực và khả năng của bản thân chứ không bị phân tâm sẽ cho bạn nhiều cơ hội để phát triển lối tư duy dư dả và đạt đến thành công.
Vậy là, bất kể bạn có khởi đầu với số tiền là bao nhiêu cũng không quan trọng; vấn đề nằm ở thái độ và cách tư duy của bạn mà thôi. Lối tư duy và quan điểm theo kiểu thiếu thốn sẽ chỉ mang lại thêm cho bạn những thứ giống như vậy, thế thì tại sao không thay đổi nó đi? Hãy tập thói quen suy nghĩ từ góc nhìn của người dư dả và hãy xem nó sẽ tạo ra sự thay đổi như thế nào, không chỉ đối với vấn đề tiền bạc, mà là cả cuộc đời bạn về tổng thể.