Vì lý do nào đó, ý tưởng về một người cố vấn (mentor) có vẻ như một khái niệm lỗi thời đúng không? Một cái gì đó khiến bạn liên tưởng đến hình ảnh các hiệp sĩ và cận vệ, hoặc thậm chí là các hiệp sĩ Jedi, và chắc chắn không phải là thứ có ý nghĩa trong các mối quan hệ làm việc thời hiện đại. Đồng ý rằng người hướng dẫn hoặc huấn luyện viên thể thao của bạn cũng là một dạng mentor, nhưng đó là nhiều năm về trước…
Trong giáo dục, người ta nhận ra rằng việc dạy học sinh theo mô hình một kèm một có thể đem lại hiệu quả hơn so với môi trường lớp học truyền thống. Khi đó, giáo viên có khả năng mô hình hóa việc giảng dạy cho học sinh của họ thay vì điều chỉnh nó cho tương thích với một nhóm học sinh. Họ có thể làm việc với học sinh của mình tốt hơn. Công việc mentor cũng diễn ra theo cách tương tự.
Người cố vấn hôm nay giúp bạn đạt đến thành công mà bạn xứng đáng được nhận
Ngày càng nhiều doanh nghiệp bắt đầu nhận ra lợi ích của mối quan hệ giữa người cố vấn (mentor) và người được cố vấn (mentee) trong việc giúp nhân viên phát triển nghề nghiệp và phát triển bản thân. 71% trong 500 công ty lớn nhất Hoa Kỳ do tạp chí Fortune bình chọn[1] có sử dụng một số loại hình cố vấn nhất định trong tổ chức của họ.
Ở cấp độ cá nhân, việc được góp ý bởi một ai đó hiểu biết về những thách thức và cạm bẫy của một phi vụ thương mại hoặc kinh doanh có thể giúp bạn đạt đến một cấp độ thành công mà bình thường bạn không thể làm được. Đã có nhiều bài báo và bài viết[2] nói về việc có một người mentor đã giúp những người phụ nữ và nhân viên thiểu số đạt được những sự công nhận và thành công tưởng chừng bất khả thi như thế nào.
Cả người mentor và mentee đều có thể hưởng lợi từ mối quan hệ bền chặt giữa đôi bên
Thật dễ để nghĩ rằng chỉ có người mentee được hưởng lợi từ mối quan hệ này. Có lẽ, đối với người mentor nhiều kinh nghiệm hơn, việc phải chỉ cho ai đó thấy từng chi tiết trong công việc có thể trở thành một gánh nặng. Tuy nhiên, với một mối quan hệ bền chặt, cả hai bên đều có thể hưởng lợi.
Điều hiển nhiên nhất, hoàn thành vai trò của một người mentor giúp ta phát triển các kỹ năng giao tiếp và lãnh đạo - những kỹ năng này có thể mang lại lợi ích cho người mentor rất lâu sau khi họ ngừng công việc cố vấn.[3] Về phương diện này, người mentor được hưởng lợi rất nhiều khi làm tốt công việc của mình.
Những đặc điểm của một người mentor tốt
Như vậy, có một người mentor tốt rõ ràng là một điều cực kỳ hữu ích. Tuy nhiên, làm thế nào để đạt được những lợi ích này? Thế nào là một người mentor tốt?
- Người mentor tốt luôn quan tâm đến mentee, và tương tự như vậy, người mentee cũng quan tâm đến mentor của mình.[4] Vì lý do này, cả hai bên sẽ sớm biết được những điểm mạnh và điểm yếu của nhau. Từ đó, người mentor của bạn sẽ có thể giúp bạn phát triển theo hướng phù hợp nhất.
- Với kinh nghiệm làm việc trong thời gian trước và đã đạt được một số thành công nhất định trong lĩnh vực của mình, người mentor của bạn sẽ có mối quan hệ với một số người mà bình thường bạn không thể tiếp xúc được. Câu thành ngữ "Quan trọng là bạn quen biết ai" có thể rất chính xác trong trường hợp này. Với việc có một người mentor, bạn không chỉ có cơ hội biết một số người đáng quen biết, mà bạn còn biết được những người đang làm việc chăm chỉ để giúp bạn đạt tới thành công.
- Người mentor sẽ tác động đến quan điểm của bạn. Thật dễ dàng để mất đi cảm giác về mục đích và phương hướng khi bị mắc kẹt trong thời gian biểu làm việc thường nhật từ 9-5h, trong một công việc nhàm chán và mệt mỏi. Người mentor sẽ có thể chỉ ra cho bạn không những cách để đạt được kết quả tốt nhất từ phương pháp làm việc hiện tại của bạn, mà còn, chỉ bằng sự hiện diện của họ, cho bạn thấy hướng đi hiện tại của bạn có thể đưa bạn đến đâu.
Hãy là một mentee tốt nếu bạn muốn học được nhiều nhất từ người mentor của bạn
Ngay cả khi bạn có thể thích thú với ý tưởng về một người mentor, đôi khi bạn sẽ gặp khó khăn trong việc biết cách hoàn thành bổn phận của mình, cũng như bạn có thể làm gì để học được nhiều nhất từ người mentor của mình. Dưới đây là một vài gợi ý giúp bạn đi đúng hướng.
- Lắng nghe những lời chỉ trích và lời khuyên, hoặc, tốt hơn hết, hãy tìm kiếm lời khuyên và phê bình từ người mentor của bạn.[5] Nếu không có những góp ý đó, việc có một người mentor không đem lại nhiều ý nghĩa lắm, đồng nghĩa với việc bạn sẽ khó mà tiến bộ được.
- Thực hiện lời khuyên của họ. Lẽ dĩ nhiên, họ là mentor bởi vì họ có nhiều kinh nghiệm và kiến thức về lĩnh vực của bạn. Như vậy, mỗi lời khuyên của họ đều là một món quà.
- Tìm hiểu những người mentor khác.[6] Mặc dù trong bài viết này sử dụng thuật ngữ mentor ở số ít, nhưng không có gì lạ khi bạn có nhiều hơn một người. Điều này giúp giảm bớt áp lực (và khối lượng công việc thêm) trên một người. Nó cũng sẽ cho bạn cơ hội học hỏi sâu hơn về kiến thức và kinh nghiệm (trong trường hợp người mentor quan tâm đến việc chia sẻ thông tin với bạn).
- Đừng gây áp lực cho họ, đặc biệt về các nghĩa vụ của họ. Hãy nhớ rằng họ đang hỗ trợ bạn, và mặc dù họ là cố vấn của bạn, gần như chắc chắn là họ làm việc này một cách tình nguyện.[7] Nếu bạn bắt đầu trở thành một gánh nặng, hoặc cản trở công việc, sự tiến bộ và mục tiêu của riêng họ (có thể họ cũng là mentor của ai đó khác), thì bạn có thể sớm nhận thấy mình không có ai để cố vấn, hoặc người mentor không quan tâm nhiều đến bạn và thành công của bạn. Cả hai viễn cảnh này đều rất đáng sợ.
Tiếp cận với các mentor tiềm năng một cách khéo léo
Những điều trên đây nghe rất hay, nhưng bạn hẳn muốn biết làm thế nào để thực sự có được một người mentor. Thực tế thì, vấn đề phức tạp hơn bạn tưởng. Điều đầu tiên cần làm là: Bạn nên lựa chọn một người trong doanh nghiệp hoặc lĩnh vực của mình mà bạn muốn học hỏi và có thể tiếp cận được.
Thứ hai: Đừng bao giờ, tôi lặp lại: đừng bao giờ yêu cầu họ làm mentor cho bạn nếu họ chưa từng nghe nói về bạn.[8] Thật không may, đây là phần khó khăn nhất, nhưng lại hoàn toàn dễ hiểu. Nếu họ không biết bạn, hoặc bạn ít nhất không nằm trong phạm vi chú ý của họ. Khi đó, bạn chỉ là một người xa lạ với họ.
Thứ ba: Hãy tìm cách giúp đỡ họ, có thể là một việc đơn giản như bình luận nhiều lần trên trang blog của họ, hoặc phức tạp hơn, như giúp họ tìm kiếm công việc hoặc khách hàng mới (nếu có thể). Việc xây dựng mạng lưới quan hệ trong mọi tình huống và hoạt động kinh doanh luôn là một ý tưởng tốt, vì vậy tại bữa tiệc công ty hoặc buổi gặp mặt tiếp theo, hãy tham dự và xem coi mọi thứ diễn ra thế nào.
Tài Liệu Tham Khảo
[1] | ^ | Training Journal: Người cố vấn (mentor) có phải là xu hướng mới? |
[2] | ^ | Real Business: Rào cản thăng tiến? Hướng dẫn người phụ nữ đạt tới thành công |
[3] | ^ | MentorSET: Công việc cố vấn (mentor) là như thế nào? |
[4] | ^ | HuffPost: 9 Đặc Điểm Của Một Mối Quan Hệ Cố Vấn Lành Mạnh |
[5] | ^ | Association for Talent Development: Vai Trò Chính Xác Của Người Mentor và Mentee Là Gì? |
[6] | ^ | Fast Company: Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Mentee Tốt |
[7] | ^ | Insala: 10 Thủ Thuật Hàng Đầu Để Trở Thành Một Mentee Tốt |
[8] | ^ | Forbes: Để Tìm Được Người Mentor Tốt — Trước Tiên, Đừng Bao Gio72 Xin Sự Giúp Đỡ Của Một Người Lạ Mặt |