4 tháng trước
6 Mẹo Nhỏ Từ Khoa Học Giúp Bạn Vượt Qua Nỗi Sợ Nói Trước Đám Đông
339

3836
Lượt xem
40
Lượt chia sẻ
1
Lượt bình luận

Bạn có biết rằng việc nói trước đám đông chính là nỗi sợ lớn nhất của hầu hết mọi người không?

Tin hay không tùy bạn, nhưng nỗi sợ cái chết chỉ xếp thứ hai mà thôi. Trong chương trình truyền hình nổi tiếng mang tên mình, Seinfeld đã nói đùa rằng:

“Đối với một người bình thường, nếu bạn phải đến dự một đám tang, thì bạn sẽ thà nằm trong quan tài còn hơn là phải đọc điếu văn.”

Chuyện này nghe có vẻ kì quặc, nhưng ngay cả những diễn giả có nhiều kinh nghiệm nói trước đám đông nhất cũng sẽ bảo với bạn là họ vẫn thỉnh thoảng cảm thấy bồn chồn lo sợ đấy.

Dù là bạn sắp nhận việc nâng cốc chúc mừng trong lễ rước dâu, hay bạn cần kể ra một kế hoạch với khách hàng, thì việc vượt qua nỗi sợ của mình khi nói chuyện trước đám đông có thể mở ra cho bạn rất nhiều cơ hội đấy. Bạn sẽ trông đầy tự tin, đầy tài năng và lôi cuốn. Thậm chí bạn cũng có thể được thăng tiến nữa chứ.

Chắc hẳn là bạn đã từng nghe đến vô số những lời khuyên về cách nói chuyện trước đám đông, từ việc hãy tưởng tượng khán giả đang mặc mỗi đồ lót (để bạn có thể tự tin khi đứng trước họ) cho đến việc mang theo một cái chân thỏ trong túi áo túi quần (chân thỏ là vật mang lại may mắn theo quan niệm phương Tây). Nhưng mà, cách tốt nhất dành cho bạn là hãy dựa cả vào khoa học.

Hãy luôn nhớ kĩ sáu mẹo sau đây, và bạn sẽ thể hiện mình xuất sắc trong BẤT KÌ cuộc nói chuyện trước đám đông nào, hệt như một chuyên gia vậy:

1. Hãy chuẩn bị cho sự kiện đó

“Cách hay nhất để chinh phục nỗi sợ sân khấu là hãy nắm rõ những điều mà bạn đang nói.”

– Michael H. Mescon, nhà văn kiêm diễn giả

Kể cả khi đã đến những phút cuối trước lúc lên nói, thì bạn vẫn có thể làm một vài việc để chuẩn bị cho bài diễn thuyết của mình. Bạn được sếp yêu cầu thuyết trình để lôi kéo thêm khách hàng ư? Bạn phải làm người dẫn chương trình cho tiệc cưới của một người bạn phải không? Bạn càng ít chuẩn bị cho sự kiện đó, thì bạn sẽ càng lo sợ nhiều hơn. Thêm nữa, chẳng có chuyện gì tệ hại hơn là việc nói lan man về những ý tưởng không liên quan gì cả.

Hãy lên mạng tìm những bài diễn thuyết tương tự hoặc tìm cảm hứng để tự viết ra bài của riêng bạn. Hãy tìm đọc những chủ đề có liên quan với nó. Hãy viết những ghi chú quan trọng vào những tấm thẻ nhỏ xếp theo trình tự như một bản hướng dẫn cho mình trong buổi thuyết trình. Hãy làm mọi việc cần thiết để chuẩn bị sẵn sàng cho ý định của bạn.

2. Hãy mang theo một vật gì đó quen thuộc

“Một nhà hùng biện giỏi sẽ sắc sảo và hùng hồn."

– Marcus Cicero, triết gia kiêm nhà hùng biện người La Mã

Sẽ là bình thường nếu bạn nhận ra là mình cảm thấy lo âu hay bồn chồn - bất kể bạn đã chuẩn bị sẵn sàng đến đâu đi nữa. Chỉ riêng việc nghĩ đến cảnh đối mặt với nỗi sợ thôi là KHÔNG đủ. Nếu đó là lần đầu tiên mà bạn nói chuyện trước đám đông, thì bạn có thể sẽ căng thẳng đến độ sẵn sàng bỏ chạy ngay!

Để tự trấn an, bạn hãy thử mang theo một vật gì đó quen thuộc với mình xem sao. Đó có thể là cây bút yêu thích của bạn, một cái móc chìa khóa, hoặc chiếc vòng tay mà "người ấy" đã tặng bạn. Hãy giữ nó trong tay mình vài phút trong lúc bạn tập trung vào hơi thở của mình.

Việc nói trước đám đông thường đáng sợ bởi nó đẩy người ta vào những tình huống lạ lẫm. Bằng cách mang theo một vật có ý nghĩa đặc biệt với mình, bạn sẽ tạo ra được một "vùng an toàn" vốn đã quen thuộc với bạn.

3. Hãy hát thầm một điệu nhạc TRƯỚC KHI cuộc nói chuyện trước đám đông diễn ra

Việc hát thầm điệu nhạc yêu thích của bạn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.[1] Thứ nhất, việc đó giúp trấn an tinh thần bạn. Trên thực tế thì đó là một trong những cách nhanh nhất để giảm nhẹ nỗi căng thẳng đấy. Thứ hai, nó cải thiện sự lưu thông không khí giữa các xoang trong xương mặt của bạn. Đó là điều tuyệt vời nếu bạn muốn tránh giọng nói như bị nghẹt mũi trong suốt buổi nói chuyện của mình.

Vậy nên hãy thư giãn tâm trí mình bằng cách huýt sáo theo một giai điệu vui tươi hạnh phúc nhé. Bên cạnh tác dụng giúp bạn tập trung tinh thần, nó cũng có thể làm dịu tâm trí để bạn không còn cảm thấy lo sợ như lúc đầu nữa khi đã bước lên sân khấu. Những bản nhạc đơn giản như bài hát ru hay nhạc trong nhà trẻ sẽ rất hợp với phương pháp này đấy.

4. Hãy thay đổi cách nhìn nhận, từ BẠN sang KHÁN GIẢ CỦA BẠN

“Sự thành công của bài diễn thuyết sẽ không được đánh giá bằng những kiến thức mà bạn truyền đạt, mà bằng những điều người nghe lĩnh hội được.”

– Lilly Walters, diễn giả chuyên về lĩnh vực khơi dậy động lực

Một trong những lí do chính khiến mọi người sợ nói trước đám đông là bởi chúng ta sợ bị người khác soi xét. Sẽ thế nào nếu chúng ta bị cười chê? Nếu mình nói lộn các từ với nhau thì sao nhỉ? Nhỡ mình lại vấp chân và ngã đập mặt ra thì sao?

Tâm trí con người được lập trình để lược qua hết mọi tình huống tồi tệ mà ta có thể nghĩ ra được. Nhưng blogger kiêm diễn giả truyền động lực Michael Hyatt đã nói rằng, một khi chúng ta đã thay đổi cách nhìn nhận từ MÌNH sang KHÁN GIẢ CỦA MÌNH, thì nỗi sợ của chúng ta bỗng trở nên thật vô lí.[2]

Hãy nghĩ thử xem: bạn có tin là mọi người mời bạn lên nói chỉ vì muốn thấy bạn thất bại hay không? Các khán giả đến dự một buổi diễn thuyết là vì họ muốn thu nhận được điều gì đó. Bất kể đó là những thông tin mới hay một nguồn cảm hứng, thì nhiệm vụ của bạn vẫn là truyền đạt một thông điệp nào đó.

Câu hỏi bây giờ là: làm thế nào để bạn đưa quan điểm đó đến với mọi người? Khi nhìn nhận vấn đề từ góc độ như vậy, thì việc nói chuyện trước đám đông xem ra cũng chẳng khó khăn lắm, phải không?

5. Hãy bắt đầu bằng một câu chuyện

“Người ta có thể sẽ quên những điều bạn nói, nhưng sẽ không bao giờ quên cảm giác mà bạn mang lại cho họ."

– Carl W. Buechner, nhà văn kiêm nhà thần học

Khi kể một câu chuyện tức là bạn đã kích hoạt bảy vùng trong bộ não của người nghe, so với vỏn vẹn hai vùng nếu bạn chỉ nêu lên những sự thật hoặc các con số.[3] Bạn không nhất thiết phải tràn đầy tự tin thì mới có thể kể chuyện hay. Thực tế là khán giả sẽ quan tâm nhiều hơn đến sự nhiệt tình hoặc những cảm xúc đi cùng với câu chuyện đó.

Hãy kể câu chuyện của chính bạn. Những sự kiện nào trong đời bạn có thể được liên hệ với bài nói chuyện? Có những giá trị hoặc những bài học cuộc sống nào mà người nghe có thể thu nhận được từ câu chuyện đó? Và rồi hãy bắt đầu xâu chuỗi các từ ngữ lại với nhau: hãy miêu tả các chi tiết, ngắt nghỉ để tạo kịch tính, và hãy mỉm cười.

6. Hãy luyện tập việc nói trước đám đông mỗi khi có cơ hội

“Ngôn từ chính là sức mạnh: ngôn từ dùng để thuyết phục, để chuyển đổi, để thôi thúc.”

– Ralph Waldo Emerson, tiểu luận gia, nhà thuyết giảng, kiêm nhà thơ

Như người ta vẫn nói, "khổ luyện thành tài". Tất nhiên, ngay cả những diễn giả dày dạn kinh nghiệm nhất trên thế giới cũng vẫn cảm thấy bồn chồn hồi hộp trước mỗi lần thuyết trình. Nhưng khi họ cứ liên tục làm đi làm lại việc đó mãi thì nó sẽ trở thành một phần tất yếu trong con người họ thôi.

Bất kể là lĩnh vực hoạt động của bạn có đòi hỏi đến kĩ năng này hay không, thì việc vượt qua nỗi sợ nói trước đám đông sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho bạn. Nó sẽ giúp bạn gặp được nhiều bạn mới, giao tiếp tốt hơn, và "ghi điểm" trong bản tóm lược lí lịch của bản thân. Có gì không tốt đâu nhỉ.

Hãy nắm lấy mọi cơ hội để nói trước đám đông, bất kể khán giả chỉ là ba người hay 33.000 người đi nữa. Hãy kể một câu chuyện đùa với một nhóm nhỏ những người bạn. Hãy lên phát biểu ngẫu hứng trong lễ cưới. Hãy nhận việc thuyết trình để lôi kéo một khách hàng quan trọng nào đó.

Và rồi bạn sẽ chinh phục được nỗi sợ ghê gớm nhất thế giới này, thậm chí trước cả khi bạn nhận ra điều đó nữa.

Tài liệu tham khảo