Bạn có bao giờ thấy mình phải đọc một bài báo nhiều lần trước khi thấy nó có ý nghĩa không? Thế còn việc phải xem lại các hướng dẫn trực tuyến nhiều lần vì chúng không dễ nhớ thì sao?
Đừng lo lắng... không chỉ có mình bạn như vậy và bạn đang ở đúng chỗ rồi đấy.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ xem xét Lý thuyết tải nhận thức và khám phá cách chúng ta có thể sử dụng nó để làm cho việc học dễ dàng hơn và bắt đầu lưu giữ mọi thứ chỉ trong một lần.
Tương tự như cách vận động viên tận dụng các quá trình của cơ thể để cải thiện hiệu suất thể thao, chúng ta có thể tận dụng cách não xử lý thông tin để làm cho các khái niệm phức tạp dễ nắm bắt hơn. Như đã nói, hãy cùng bắt đầu với một khái niệm phức tạp.
3 giai đoạn cần thiết gắn với trí nhớ của chúng ta
Có nhiều mô hình lý thuyết cố gắng giải thích cách trí não xử lý thông tin. Một trong những mô hình nổi bật nhất là mô hình Atkinson–Shiffrin[1], được xuất bản năm 1968. Theo mô hình này, thông tin bên ngoài phải đi qua ba giai đoạn để gắn vào bộ nhớ của chúng ta.
Ba giai đoạn đó là:
- Trí nhớ tạm thời - bộ lọc loại bỏ thông tin không cần thiết
- Trí nhớ ngắn hạn - cổng vào bộ nhớ dài hạn, truyền thông tin qua sự lặp lại và lược đồ (giải thích bên dưới)
- Trí nhớ dài hạn - nơi lưu giữ thông tin
Để hoàn thành lời giải thích ở trên, một lược đồ chỉ đơn giản là một cách để tổ chức nhiều bộ nhớ thành một thực thể thông qua phân loại và liên kết. Khi thông tin được sắp xếp vào các lược đồ, nó sẽ thay đổi từ thứ trừu tượng sang thứ quen thuộc, có sự kết nối và dễ nhớ.
Chỉ cần tưởng tượng bạn đang ở một quán cà phê, và đây là cách 3 giai đoạn hoạt động trong não bộ của bạn
Bạn đang ở trong một quán cà phê, nhấm nháp một tách cappuccino trong khi đọc một bài báo về việc phát hiện ra một loài động vật mới và lạ.
Trí nhớ tạm thời của bạn lọc ra tiếng ồn của quán cà phê, hương vị của cà phê và mùi thức ăn, và cho phép bạn giữ lại thông tin về loài động vật mới này.
Tiếp theo, trí nhớ ngắn hạn của bạn tìm kiếm các lược đồ hiện có trong trí nhớ dài hạn của bạn để tìm bất cứ thứ gì tương tự như loài động vật kia và tìm thấy sự trùng khớp.
Con vật kia tương tự như một con mèo, vì vậy nó được thêm vào lược đồ mèo của bạn và đưa vào trí nhớ dài hạn của bạn.
Vậy chính xác thì lý thuyết tải nhận thức là gì?
Được xuất bản lần đầu bởi John Sweller trên Tạp chí Khoa học nhận thức[2], Lý thuyết tải nhận thức được xây dựng dựa trên nền tảng được nêu ở trên bằng cách tập trung vào khả năng của trí nhớ ngắn hạn.
Theo Lý thuyết tải nhận thức, trí nhớ ngắn hạn của chúng ta chỉ có dung lượng từ năm đến chín mục[3]. Do đó, để học hỏi, chúng ta phải tránh tình trạng quá tải bộ nhớ.
May mắn thay, lý thuyết này cũng xác định hai cách thuận tiện để mở rộng trí nhớ ngắn hạn và tối đa hóa việc học.
Hiệu ứng phương thức
Thông tin âm thanh và hình ảnh được xử lý riêng trong trí não và có thể tồn tại độc lập trong trí nhớ ngắn hạn mà không đòi hỏi gấp đôi không gian. Điều này được gọi là Hiệu ứng phương thức.
Hiệu ứng phương thức giải thích tại sao trình chiếu kèm theo lời tường thuật đã trở thành chuẩn mực của các bài giảng và thuyết trình trên toàn thế giới. Điều gì sẽ xảy ra nếu bài tường thuật được viết lên các trang chiếu thay vì được nói? Đúng thế, quá tải thông tin.
Tận dụng kiến thức hiện có
Thông tin mới được truyền tải theo cách xây dựng dựa trên các ý tưởng và khái niệm hiện có (lược đồ) dễ hiểu và lưu giữ hơn. Điều này có nghĩa chuỗi thông tin rất quan trọng. Các chủ đề đơn giản, quen thuộc nên đến trước những chủ đề mới, phức tạp hơn.
5 chiến lược để tận dụng tối đa lý thuyết tải nhận thức
Bằng cách áp dụng Lý thuyết tải nhận thức vào việc học của chúng ta, chúng ta có thể tránh được tình trạng quá tải thông tin và tiếp thu thông tin mới nhanh hơn, ít căng thẳng hơn.
Xác định kiến thức hiện có của bạn
Trước khi bạn bắt đầu nghiên cứu một chủ đề mới, hãy dành vài phút để xem qua những gì bạn đã biết. Tạo sự kết nối giữa kiến thức hiện có của bạn và chủ đề mới. Điều này sẽ tối đa hóa cơ hội tận dụng kiến thức hiện có về chủ đề này và cũng giúp việc xây dựng các lược đồ hiện có dễ dàng hơn.
Tránh ám ảnh về mục tiêu
Mục tiêu rất quan trọng, nhưng đôi khi tập trung vào chúng quá nhiều phá hỏng quá trình học tập. Khi tâm trí của chúng ta suy nghĩ quá xa, nó sẽ lấp đầy trí nhớ ngắn hạn của chúng ta và khiến chúng ta ít có khả năng xử lý thông tin mới. Bằng cách tập trung vào việc học và dẹp bỏ các mục tiêu qua, ít nhất là tạm thời, chúng ta cho phép bản thân học hỏi với tốc độ tối ưu.
Tập trung vào một việc một lúc
Câu nói “bạn không thể phục vụ hai ông chủ cùng một lúc” cũng đúng với việc học. Chuyển đổi giữa nhiều nguồn thông tin tương tự, chẳng hạn như hai mục hình ảnh, sử dụng rất nhiều tải nhận thức. Để tránh điều này, hãy tập trung vào một nguồn tại một thời điểm hoặc tìm cách kết hợp chúng lại với nhau.
Sử dụng phương tiện nghe nhìn
Bằng cách kết hợp cả hai luồng thông tin, âm thanh và hình ảnh, chúng ta khai thác Hiệu ứng Phương thức và có thể hưởng lợi từ tải nhận thức ở mức đỉnh điểm mà không chạm ngưỡng quá tải thông tin.
Giảm thông tin không cần thiết
Hãy làm cho công việc của bộ nhớ tạm thời dễ dàng hơn bằng cách loại bỏ những phiền nhiễu từ môi trường. Ví dụ: nếu bạn đang nghe một bản ghi âm trên chuyến tàu đi làm để phục vụ công việc thì hãy thử nhắm mắt lại hoặc tốt hơn hết là ghi chú để đưa vào một yếu tố trực quan và tận dụng ưu thế của Hiệu ứng Phương thức.
Chúng ta không còn cần phải trải qua sự thất vọng với sự quá tải thông tin. Được trang bị bằng Lý thuyết tải nhận thức và các chiến lược trong bài viết này, chúng ta có thể trở thành người học tốt hơn và giáo viên hiệu quả hơn.
Tài liệu tham khảo
[1] | ^ | Wikipedia: Mô hình trí nhớ Atkinson-Shiffrin |
[2] | ^ | WileyOnlineLibrary: Tải nhận thức với quá trình giải quyết vấn đề trong học tập năm 1988 |
[3] | ^ | InstructionalDesign: Lý thuyết xử lý thông tin |