Có những người thành công, và rồi có những người cực kỳ thành công. Chúng ta đều biết việc đó không liên quan gì đến may mắn, mà đúng hơn là chỉ nhờ làm việc chăm chỉ, quyết tâm và niềm tin. Nhưng trong trường hợp Elon Musk, người đã xây dựng bốn công ty triệu đô thành công: ông đã làm điều đó bằng cách nào?
Ông không chỉ xây dựng bốn công ty cực kỳ thành công, mà chúng còn ở bốn lĩnh vực hoàn toàn khác nhau: phần mềm, năng lượng, hàng không vũ trụ và vận tải. Chắc chắn điều này đi ngược lại tất cả những gì chúng ta đã được dạy? Chẳng phải ta luôn chỉ nên tập trung vào một lĩnh vực để có thể trở thành một chuyên gia thực thụ hay sao?
Vậy bí quyết thành công của Musk là gì? Câu trả lời nằm ở khả năng trở thành chuyên gia đa lĩnh vực (expert generalist) của ông.
Chuyên gia Đa lĩnh vực Chính xác Là gì?
Thuật ngữ chuyên gia đa lĩnh vực do Orit Gadiesh, chủ tịch Bain & Co., đặt ra để chỉ một người có khả năng học và và thành thạo vài lĩnh vực và kỹ năng khác nhau cùng lúc.
Bạn có thể đã từng nghe câu “Một nghề thì sống, đống nghề thì chết”, ý nói rằng với việc cố gắng học nhiều thứ, bạn tự hạn chế khả năng nắm vững triệt để bất kỳ lĩnh vực nào của mình. Đây là cách tiếp cận phương pháp để thành công của nhiều giáo viên và cố vấn (mentor). Tuy nhiên, Elon Musk là một ví dụ hoàn toàn trái ngược. Ông đã chứng tỏ thành công có thể đến từ việc nghiên cứu sâu rất nhiều lĩnh vực và có khả năng chuyển đổi và áp dụng tri thức vào vài lĩnh vực khác.
Vì sao Làm một Chuyên gia Đa lĩnh vực Có thể Đem lại Cho Bạn Nhiều Thành công Hơn
Đã đến lúc phá bỏ quan niệm sai lầm cho rằng tập trung vào một lĩnh vực sẽ mang lại cho ta thành công cao nhất trong cuộc sống, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh.
Trong thế giới ngày nay, thương mại và kinh tế thế giới thay đổi với tốc độ nhanh chóng. Điều này có nghĩa là để thu hút được tối đa các cơ hội thành công, bạn cần có khả năng nhanh chóng thích nghi với sự thay đổi. Đó là cách mà các chuyên gia đa lĩnh vực như Elon Musk dẫn đầu cuộc chơi, vì họ quan tâm đến cả chiều rộng và chiều sâu của tri thức, trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Nhưng đây không phải là một khái niệm mới. Rất nhiều người thành công trong những thế kỷ qua đã áp dụng cách tiếp cận này, trong đó có Picasso, Richard Feymann và Charlie Munger, những người có khả năng thành thạo một vài lĩnh vực gần như trái ngược. Họ đều có các đặc điểm chung bao gồm sự cởi mở, ham học hỏi, và khả năng rút ra những ý tưởng từ nhiều lĩnh vực và có thể áp dụng chéo chúng vào các lĩnh vực khác nhau, nói một cách khác, họ đều là những người sáng tạo.
Ý tưởng này đã được chỉ ra trong một nghiên cứu[1] khảo sát phương pháp mà 59 nhà soạn nhạc opera hàng đầu của thế kỷ XX đạt đến thành công. Người ta phát hiện ra rằng việc sử dụng một mức độ nào đó phương pháp “rèn luyện tổng hợp” (cross-training), chứ không phải sự tập trung và luyện tập có chủ đích, mới là nguyên nhân thành công của các nhà soạn nhạc.
Vậy chính xác thì Elon Musk đã phát triển một chiến lược cho phép ông trở thành một chuyên gia đa lĩnh vực bằng cách nào? Tất cả đều nằm ở khái niệm chuyển giao tri thức (learning transfer), một quá trình phân tích và áp dụng những nguyên lý căn bản của tri thức.
Khám phá Kỹ thuật Chuyển giao Tri thức
Quy trình hai bước sau đây là điều mà Elon Musk đã nói đến trong nhiều cuộc phỏng vấn, như một bí quyết dẫn đến thành công phi thường của ông.
- Phân tích Tri thức thành các Nguyên lý Căn bản: Về cơ bản, đây là ý tưởng cho rằng khi học một lĩnh vực mới, chúng ta không nên chỉ có một cách tiếp cận (thường là cách hiển nhiên hoặc được kỳ vọng nhất), mà cần xem xét vài cách tiếp cận, phân tích và so sánh chúng với nhau, để cuối cùng nhận ra nguyên lý cơ bản nằm phía sau.
- Áp dụng các Nguyên lý Cơ bản vào Lĩnh vực Mới: Elon Musk đã phân tích tri thức trong các lĩnh vực trí thông minh nhân tạo, công nghệ, vật lý, và kỹ thuật, và áp dụng những nguyên lý cơ bản vào từng lĩnh vực kinh doanh của mình. Nói một cách khác, ông nhận ra cách điều chỉnh và áp dụng những nguyên lý căn bản vào các lĩnh vực mới, thay vì coi mỗi cái giếng tri thức của từng ngành học là những lĩnh vực riêng biệt và có không liên quan gì với nhau.
Điều này cuối cùng sẽ tạo ra những ý tưởng mới và cách tư duy vượt ra ngoài giới hạn (think outside the box), sử dụng sự sáng tạo như công cụ để áp dụng các nguyên lý căn bản nhằm tạo ra những cách nhìn mới.
Làm Cách nào để Trở thành một Chuyên gia Đa lĩnh vực, và Có được Khả năng Chuyển giao Tri thức
Trong khi nhiều người thành công là các chuyên gia đa lĩnh vực, Elon Musk nổi bật như một minh chứng cho thành công tột bậc. Vậy ông đã làm gì để đạt đến tầm mức đó, và chúng ta cần phải làm gì?
- Đọc thật nhiều: Không phải là việc thỉnh thoảng đọc một cuốn sách, Musk thường đọc nhiều gấp khoảng 60 lần một người bình thường. Ta cần phải có niềm say mê và khát khao tri thức.
- Đọc nhiều lĩnh vực khác nhau: Như đã nói ở trên, điều quan trọng không phải là tập trung sâu vào một lĩnh vực, mà là thu nhận tri thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau để có được một cái nhìn tổng quát hơn.
- Phân tích các ý tưởng: Những vấn đề chung nào xuyên suốt từng lĩnh vực? So sánh và phân biệt chúng ra sao?
- Áp dụng các nguyên lý căn bản: Luôn tự hỏi bản thân “điều này nhắc mình nhớ đến cái gì?” và “tại sao nó lại nhắc mình nhớ về cái đó?” Điều này giúp bạn thấy được mối liên hệ khả dĩ giữa những nguồn tri thức và lĩnh vực khác nhau, cho phép bạn tạo ra những ý tưởng mới.
- Độc đáo trong tư duy: Elon Musk nói rằng “Khi muốn học điều gì đó, bạn phải cô đọng nó thành dạng đơn giản nhất, và từ đó mà đi lên. Bạn không bao giờ có thể học hỏi được từ kết quả công việc của người khác”. Nói một cách khác, đừng đánh giá cách ai đó làm việc gì đó qua những biểu hiện bên ngoài, hãy luôn khám phá những góc nhìn, khía cạnh khác nhau.
Vậy, nếu bạn đang muốn có tư duy của một chuyên gia đa lĩnh vực, chìa khóa ở đây là hãy nhận ra giá trị trong những trải nghiệm và lĩnh vực mới. Hãy mở rộng bản thân để học hỏi những điều mới, làm sâu sắc thêm nền tảng kiến thức của bạn; trong khi chất vấn các khái niệm và nhận ra những mối liên quan sẽ giúp bạn đưa ra các ý tưởng và giải pháp sáng tạo.
Tài liệu Tham khảo
[1] | ^ | Scientific American: Sáng tạo Không chỉ là 10.000 Giờ Luyện tập Có chủ ý |