5 tháng trước
8 Bí Quyết Giúp Bạn Học Mọi Thứ Một Cách Nhanh Chóng Và Dễ Dàng
443

5020
Lượt xem
95
Lượt chia sẻ
6
Lượt bình luận

Ở hầu hết mọi nơi trên thế giới ngày nay, việc học tập được xem như là một quyền lợi chứ không phải là đặc ân. Kể cả khi việc giáo dục đôi lúc khá tốn kém chi phí, thì ít nhất theo lí thuyết, bất kì cá nhân nào cũng có thể học bất kì điều gì mà người đó muốn. Để đáp lại sự phổ cập mạnh mẽ này của hệ thống giáo dục, khối lượng thông tin đã tăng lên chóng mặt. Hơn thế nữa, nó đã lan rộng và phân hóa thành vô số lĩnh vực, phân ngành và chuyên ngành.

Nhưng dù sao đi nữa, giáo dục sẽ là vô nghĩa nếu nó không cung cấp được một mức độ nhất định những kiến thức và văn hóa tổng quát của những lĩnh vực khác. Nhằm ngăn các trường phổ thông và đại học sản sinh ra các chuyên gia chỉ tập trung cao độ vào đúng lĩnh vực của mình mà thôi, thì việc thực hành và luyện tập phương pháp học nhanh đã được phổ biến ngày càng rộng rãi trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, việc giải quyết và thậm chí là hiểu được một phần của một môn học trong thời gian ngắn có thể là yêu cầu cực kì khó khăn. Việc kết hợp nó với những mối quan tâm hoàn toàn khác sẽ chỉ làm mọi việc khó khăn hơn mà thôi. Thế tức là một vài kĩ thuật và phương pháp thực hành sẽ phải được áp dụng và được nắm rõ đến mức thuần thục để có thể thực hiện thành công phương pháp học nhanh.

Họ là những bậc thầy về việc sắp xếp thứ tự ưu tiên cho công việc

Để có thể giải quyết những chủ đề khác nhau và một lượng lớn thông tin trong thời gian ngắn, thì khả năng tự tổ chức chính là chìa khóa. Những người học nhanh cực kì giỏi trong việc đặt ra thứ tự ưu tiên cho công việc[1] cũng như những mục tiêu có thể đạt được cho bản thân.

Để làm được việc này một cách thành công và liên tục, ta cần phải tìm hiểu và "thử nghiệm" với tính cách và các thói quen học tập của bản thân, bởi trên đời này có bao nhiêu con người thì cũng có gần như bấy nhiêu phương pháp học tập khác nhau. Một cách tiếp cận cẩn thận, được tính toán và nghiên cứu kĩ lưỡng đối với một chủ đề nào đó có thể sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và giúp phác thảo ra những phần quan trọng của nó.

Họ biết cách làm thế nào để tự tạo động lực cho bản thân

Cũng liên quan với luận điểm ở trên, việc đặt ra các mốc chuẩn là sự thực hành việc tổ chức bất kì công việc nào thành những mục tiêu nhỏ hơn. Việc chia nhỏ những nhiệm vụ đồ sộ như vậy sẽ là cách khích lệ tinh thần rất tốt. Con người ta được lập trình để cảm thấy thỏa mãn khi hoàn thành một nhiệm vụ nào đó. Vì thế mà những hoạt động đồ sộ và tốn nhiều thời gian có thể tạo cảm giác như kéo dài vô tận vậy.

Tuy nhiên những người học nhanh lại dùng cách đặt ra các mốc chuẩn để giữ cho bản thân luôn có động lực và sung sức trong suốt toàn bộ quãng thời gian của công việc hay dự án đó. Điều này sẽ giữ cho năng suất học tập và làm việc luôn ở mức cao và đem lại sự an nhiên trong tâm trí vốn luôn gắn liền với một công việc được hoàn thành tốt.

Họ giỏi trong việc hỏi xin sự giúp đỡ và việc hợp tác

Nhiều người thông minh, có kỉ luật và có tính trật tự mắc sai lầm là chỉ dựa hoàn toàn vào khả năng của bản thân để giải quyết một lượng thông tin khổng lồ. Kết quả là tốc độ tiếp thu dữ liệu của họ chỉ ở mức trung bình, và mức độ thấu hiểu đối với môn mà họ học chỉ là gần đúng mà thôi.

Trái lại, những người học nhanh biết cách hợp tác và đặt ra những câu hỏi phù hợp. Bằng cách đó, họ giảm tải bớt lượng thông tin dồn lên bản thân mình, cho phép họ hiểu rõ hơn về nhiều môn học đa dạng. Ví dụ như các sinh viên hiện nay có thể truy cập vào các nền tảng hợp tác học tập như Edmodo[2], tại đó họ có thể trao đổi hợp tác với các giáo viên, trả lời các câu hỏi để kiểm tra kiến thức của mình về nhiều chủ đề khác nhau, cũng như theo dõi và quản lí sự tiến bộ của mình.

Họ dành thời gian và nỗ lực để ôn tập và thực hành

Trí nhớ của con người vốn không hoàn hảo. Thế tức là những điều từng được hiểu và nhớ rõ có thể phai nhạt dần trong nay mai. Các ngoại ngữ chính là ví dụ hay nhất cho hiện tượng này. Khi bị bỏ mặc và không được luyện tập lại trong một thời gian dài, các từ và các cách diễn đạt sẽ dễ dàng bị quên đi. Những người học nhanh luôn không ngừng rà soát lại những điều mà họ đã học, viết lại hoặc phác ra những ghi chú để giữ cho các thông tin ít nhất cũng có vẻ mới mẻ đôi chút.

Họ học hỏi từ mỗi thất bại

Sự thành công, vốn luôn được xã hội tán thưởng, có thể dẫn đến sự suy yếu khả năng đối phó với những hoàn cảnh mới mẻ và nhiều thách thức. Nói ngắn gọn là sự thất bại có thể nuôi dưỡng khả năng thích ứng, trong khi sự thành công lại dễ dẫn đến tự mãn hơn. Những người học nhanh sẽ không trở nên thất vọng, và quan trọng nhất là, họ không bỏ cuộc. Thay vào đó, họ chắt lọc ra những kĩ thuật và phương pháp học tập mới từ mỗi thất bại.

Họ làm đúng việc vào đúng lúc

Tầm quan trọng của môi trường xung quanh trong lúc học tập là rõ ràng đối với tất cả mọi người. Sự tập trung đòi hỏi không gian tĩnh lặng, yên ắng và không có sự phân tâm. Tuy nhiên việc thay đổi môi trường có thể tác động đáng kể đến khả năng học tập của chúng ta ngay tại thời điểm đó.

Thế tức là, việc thay đổi qua lại đều đặn thường xuyên giữa căn phòng tối như thường lệ và công viên hoặc thư viện sẽ là việc có lợi và nên làm. Một mẹo cho bạn là hãy gắn một môn học yêu thích nhất định với một địa điểm nào đó. Ví dụ như một sinh viên y khoa có thể học môn phôi thai học trong thư viện, học hóa sinh học tại nhà, và đọc sách về giải phẫu học trong công viên.

Họ dựa vào sách in để giúp mình tập trung tốt hơn

Công nghệ đang ảnh hưởng rất lớn đến phương pháp học tập. Một trong những thay đổi dễ thấy là việc điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy tính xách tay đang dần dần thay thế cho các văn bản in ấn tại các phòng học hoặc nơi làm việc thông thường.

Ngày nay, sinh viên không còn tự giam mình hàng giờ liền trong thư viện để nghiên cứu những cuốn sách đóng bụi, và cũng chẳng phải giành giật nhau để được dùng ấn bản duy nhất của một tác phẩm nào đó. Thay vì vậy, thông tin rất sẵn có và dễ tiếp cận trên môi trường trực tuyến. Các bài báo, các nghiên cứu, báo cáo, bài tổng hợp từ những cuốn sách đồ sộ hơn đều chỉ cách ta một cú nhấp chuột mà thôi.

Tuy nhiên khi nói đến việc học tập, các nhà nghiên cứu đã phát hiện[3] rằng khoảng 90% sinh viên khi đi học lại thích các bản in và sách giấy hơn. Tương tự, 92% sinh viên sẽ chọn bản in giấy khi phải đối mặt với một văn bản dài hơn. Cũng có một tỉ lệ phần trăm giống như vậy cho biết là họ có thể tập trung tốt hơn khi đọc sách giấy. Đáng chú ý là, cũng chính nghiên cứu trên đã tiết lộ rằng 85% số sinh viên Mĩ cho biết họ thấy mình dễ làm nhiều việc cùng một lúc hơn khi đọc sách báo trên máy tính bảng hoặc máy tính xách tay.

Họ chọn cách tin vào chính mình khi có bất kì sự nghi ngờ nào về bản thân

Quan niệm truyền thống cho rằng, để có thể hiểu và thực hành được một điều gì đó thì bạn cần có trí thông minh, kĩ năng và những thói quen học tập tốt như là những điều đã được đề cập ở trên. Tuy nhiên, theo một chuyên gia của Netflix chuyên về vấn đề bảo mật riêng tư khi truy cập Internet[4] thì “chính những cảm giác tiềm thức về niềm tin vào năng lực của bản thân, khả năng kiểm soát và xử lí tình huống của bản thân, và những quá trình liên quan đến động lực và hành vi đã tạo chỗ đứng cho những niềm tin vào bản thân như thế."

Nói cho dễ hiểu thì các nhà tâm lí học giáo dục đã khám phá ra vai trò phức tạp của sự tự nghi ngờ bản thân, những niềm tin sai lầm, sự tự nhìn nhận và điều chỉnh hành vi bản thân không thích hợp, và những tình huống khó đưa ra sự lựa chọn, đối với quá trình nhận thức khi học tập. Vì vậy khả năng học được một điều gì đó sẽ liên quan với sự cân bằng và niềm tin của chúng ta rằng việc tự tạo động lực cho bản thân và sự tự tin sẽ là nguồn động lực tiên quyết dẫn ta đến thành công, đó là điều mà những người học nhanh hiểu rất rõ.

Bằng cách làm theo 8 kĩ thuật trên đây để thu nhận thông tin, những người học nhanh không chỉ có khả năng nghiên cứu một lượng lớn dữ liệu, mà còn đạt đến mức độ thông hiểu cao hơn. Ví dụ của họ có thể sẽ là hình mẫu của tương lai, khi mà thông tin sẽ tiếp tục bùng nổ và ngày càng trở nên đa dạng hơn.

Tài liệu tham khảo