Cởi bỏ lớp vỏ bọc bảo vệ bản thân trước mọi người là một trong những điều khó làm nhất đối với chúng ta. Trải lòng mình ra trước người khác, với những tình cảm, cảm xúc và suy nghĩ thầm kín bên trong, đặt chúng ta vào trạng thái sợ hãi - nỗi sợ bị từ chối và ghét bỏ vì đã thể hiện con người thật của chính mình.
Nhưng một nghiên cứu từ Đại học Tübingen đã phát hiện ra rằng, trở nên cởi mở hơn với cảm xúc của mình khiến chúng ta trở nên thu hút hơn trong mắt mọi người. Quan điểm tương tự cũng được áp dụng trong việc tạo ra sự gần gũi thông qua bộc lộ những trải nghiệm cũng như suy nghĩ cá nhân với những người mà chúng ta muốn xây dựng tình bạn.
Những người có thể tạo nên các kết nối thân mật với người khác đang làm chủ nghệ thuật bộc lộ bản thân, nhưng làm sao để làm điều này một cách hiệu quả? Sau cùng, liệu rằng việc tiết lộ thẳng thừng những suy nghĩ và những bí mật thầm kín nhất có gây bối rối cho người khác không? Tự bộc lộ bản thân đúng thời điểm là chìa khóa để dẫn đến thành công trong các mối quan hệ và tạo nên các kết nối một cách tinh tế thay vì cảm giác hiểu lầm và xa cách kéo dài một cách khó chịu.
Vì sao tự bộc lộ bản thân rất quan trọng trong quan hệ giữa người với người
Chúng ta có thể tiết lộ rất nhiều điều về bản thân mình thông qua trang phục chúng ta mặc, ngôn ngữ cơ thể của chúng ta hay những câu bình luận nhanh thiếu suy nghĩ, nhưng chúng không phải là cánh cửa sổ thực sự để nhìn thấy con người thật của chúng ta. Tự bộc lộ bản thân được xem như là có mục đích - hay nói cách khác, chúng ta đang lựa chọn bộc lộ những điều về bản thân mà chúng ta thấy là ít rủi ro và ít để lại tổn thương về sau.
Có ba lý thuyết có thể giúp giải thích các lí do khác nhau cho câu hỏi tại sao chúng ta trải qua quá trình tự bộc lộ bản thân và làm thế nào nó cho phép chúng ta phát triển các kết nối sâu sắc hơn với những người khác.
Học thuyết thâm nhập xã hội: Tự bộc lộ bản thân giúp bạn cởi bỏ lớp bảo vệ
Học thuyết này đề cập đến quá trình tự bộc lộ bản thân qua lại mà chúng ta tạo ra khi xây dựng mối quan hệ với người khác và cách nó trở nên sâu đậm theo thời gian. Mỗi người đều có các lớp tính cách của họ và quá trình này là sự thâm nhập dần dần qua các lớp ấy. Đó là một quá trình tự nhiên đôi khi có thể cân bằng một cách tốt đẹp, đặc biệt là trong các mối quan hệ bạn bè hoặc các mối quan hệ có căng thẳng nhưng sự bộc lộ bản thân vào đúng thời điểm có thể dẫn đến sự hiểu biết sâu sắc hơn về nhau.
Học thuyết so sánh xã hội: Tự bộc lộ bản thân giúp nhận ra những người cùng nhóm với bạn
Một lý do khác tại sao chúng ta tự bộc lộ bản thân là thông qua so sánh xã hội và đôi khi để tìm kiếm sự công nhận từ người khác. Chúng ta có xu hướng đánh giá bản thân dựa trên so sánh với người khác. Đây không nhất thiết là hành vi thù hận mà nó là một cách để tìm hiểu xem chúng ta kém hơn hay vượt trội so với người khác như thế nào. Từ đây, chúng ta có thể đánh giá mức độ chúng ta có thể hòa thuận với người này và liệu giá trị hoặc niềm tin của họ có giống với chúng ta hay không dựa trên phản ứng tích cực hay tiêu cực của họ. Điều này quyết định việc chúng ta có muốn tiếp tục xây dựng mối quan hệ hay không.
Tự bộc lộ qua lại: Bộc lộ bản thân giúp xây dựng sự tin tưởng
Đây là ý tưởng rằng việc tiết lộ nhiều hơn những suy nghĩ và niềm tin thân mật với ai đó cho phép họ cảm thấy như họ được tin tưởng và được yêu thích, do đó họ cũng tiết lộ lại với bạn những cảm xúc và niềm tin bên trong của họ.
Susan Sprecher và các đồng nghiệp từ Đại học bang Illinois đã thực hiện một nghiên cứu [2] để xem mức độ tự bộc lộ bản thân giữa những người lạ ảnh hưởng như thế nào đến sự yêu thích họ dành cho nhau. Họ thấy rằng mức độ mà mọi người đáp lại tỷ lệ thuận trực tiếp với mức độ họ tự tiết lộ. Nói cách khác, càng nhiều sự tin tưởng được xây dựng giữa những người xa lạ thì mỗi người trong số họ càng tự tiết lộ bản thân cho nhau nhiều hơn.
Cách tự bộc lộ bản thân để xây dựng mối quan hệ
Vậy, điều này có ý nghĩa gì đối với các mối quan hệ của chúng ta và làm thế nào để chúng ta có thể sử dụng việc tự bộc lộ bản thân để tạo ra các kết nối mạnh mẽ hơn?
Thời gian: Tiết lộ những bí mật sâu kín nhất của bạn trong cuộc gặp đầu tiên có lẽ không phải là thời điểm tốt nhất để nhận được sự tự tiết lộ trở lại. Một cuộc trò chuyện nhẹ nhàng thường là cách tốt nhất để bắt đầu kết nối với ai đó và là một cách tốt để có được cảm nhận cơ bản về tính cách của người khác. Khi cảm thấy rằng người kia sẵn sàng phát triển tình bạn với bạn (có thể là sau một vài tương tác nhỏ hoặc lâu hơn) bây giờ sẽ là lúc để bắt đầu quá trình tự bộc lộ bản thân.
Tình huống tốt nhất: Tự bộc lộ bản thân hoạt động tốt nhất trong tình huống một đối một hơn là trong một nhóm. Một nhóm có những động lực khác nhau và tự bộc lộ bản thân trong tình huống này có thể dẫn đến phản tác dụng, đặc biệt nếu đó là một thông tin mang tính cá nhân nhiều hơn. Hãy giữ lại sự tự tiết lộ của bạn cho một người tại một thời điểm vì điều này gợi ra sự tin tưởng nhiều hơn giữa hai bạn.
Tiết lộ những gì: Luôn luôn tốt nhất để bắt đầu với một cái gì đó hài hước - một câu chuyện hài hước hoặc đáng xấu hổ có thể được nhắc đến một cách tự nhiên và như một hành động tự chế giễu. Điều này khiến mọi người thấy người kia ngay lúc ấy dễ thương hơn và mở ra cảm giác tin tưởng để tự tiết lộ lại với bạn. Một khi mối quan hệ của bạn với người đó tiến triển, việc tự tiết lộ thông tin cá nhân sâu hơn dần dần sẽ làm sâu sắc thêm mối quan hệ.
Tiết lộ nhiều đến đâu: Điều này phụ thuộc rất nhiều vào loại mối quan hệ mà bạn đang muốn phát triển. Nếu bạn đang tìm cách xây dựng một tình bạn thân thiết thì bạn tiết lộ bao nhiêu tùy thuộc vào số lượng niềm tin được phát triển nhưng hiếm khi có nhiều hạn chế. Nếu đó là một mối quan hệ lãng mạn, quá trình nên từ từ. Do yếu tố bí mật được xem là lôi cuốn hơn để giữ cho sự hấp dẫn kéo dài hơn. Khi bạn đạt đến giai đoạn ổn định và đáng tin cậy hơn, bạn có thể bắt đầu tự tiết lộ thêm một chút.
Chú ý đến người khác: Hãy nhớ rằng, khi tự bộc lộ bản thân, việc chú ý đến phản ứng của người khác đối với những gì bạn nói thực sự quan trọng. Có thể thông qua ngôn ngữ cơ thể của họ, ví dụ như lo lắng hoặc chỉ là thiếu phản ứng tích cực, nhưng nếu họ gặp phải sự khó chịu do sự tự bộc lộ bản thân của bạn, thì việc điều chỉnh cho phù hợp là quan trọng. Họ có thể cảm thấy điều đó quá không phù hợp hoặc quá sớm để nói ra. Hãy nhớ rằng, mọi người đều khác nhau, và một phản ứng tiêu cực không tự động đồng nghĩa với việc mối quan hệ không thể qua nổi giai đoạn đầu. Hãy cảm nhận típ người của họ và tự bộc lộ ở một nhịp điệu phù hợp.
Tài liệu tham khảo
[1] | ^ | Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ: Mối liên hệ thần kinh giữa hiểu biết tình cảm và thu hút giữa các cá nhân |
[2] | ^ | Thư viện Wiley: Lợi ích của việc tự tiết lộ qua lại trong các tương tác làm quen |