Sáng tạo là nguồn sống của mọi tổ chức. Nó đảm bảo sự đổi mới liên tục cần thiết để giúp một công ty tiếp tục vươn lên trong thế giới đầy cạnh tranh này.
Nhưng sáng tạo không phải là một quy trình liên tục tự thân vận hành. Trong một môi trường làm việc không được chú trọng về thăng tiến và kích thích sự sáng tạo, nhân viên có thể cảm thấy e ngại hoặc sợ phải đề xuất ý tưởng của họ. Tổ chức của bạn có thể sẽ thiếu đi những ý tưởng dồi dào để phát triển, đơn giản là vì ở đây không tồn tại văn hóa cho sự sáng tạo.
Để tránh được điều này, bạn cần xây dựng một môi trường làm việc cho phép những ý tưởng đột phá được sinh ra và phát huy. Với tư cách một người ở bất cứ vị trí lãnh đạo nào trong tổ chức, bạn cần xác định được bốn điểm mấu chốt sau:
1. Thiết lập mục tiêu rõ ràng, nhưng hãy để nhân viên của bạn tìm ra cách để đạt được những mục tiêu đó
Những người làm việc cho bạn phải được thúc đẩy và có hứng thú đối với những gì họ đang làm để có động cơ làm việc và phải có thái độ cởi mở đối với việc hoàn thiện dự án của mình.
Điều này không thể đạt được nếu bạn luôn xét nét họ và tìm cách điều khiển ngay cả những chi tiết nhỏ nhặt, không cho họ tự do đưa ra quyết định của mình. Người ta thường có xu hướng e ngại, không thoải mái, và thậm chí tự ti về những gì mình làm trong những môi trường như vậy. Nó dẫn đến sự kém sáng tạo, khiến bạn mất đi cơ hội để tìm ra sự đổi mới khi tiến hành dự án.
2. Giám sát công việc của nhân viên, nhưng hãy giữ khoảng cách với họ
Khi nhóm của bạn đang làm việc để đạt được mục đích đã đặt ra, bạn nên theo dõi tiến độ của họ, nhưng đừng bao giờ can thiệp quá sâu.
Chỉ có một ranh giới mỏng manh giữa việc hứng thú với sự tiến bộ của các thành viên với việc xen vào giữa công việc của họ hay cố làm việc thay họ. Hãy cho phép họ tự do làm việc theo cách của mình mà không bắt họ phải theo khuôn khổ nào cả. Hãy lắng nghe điều họ cần và giúp họ vượt qua những rào cản mà họ gặp phải khi đang làm việc.
Những lời khuyên cẩn trọng và sâu sắc có thể hữu ích và giúp nuôi dưỡng ý tưởng, nhưng can thiệp quá mức sẽ làm hạn chế sự sáng tạo.
3. Hãy làm cho công việc của nhóm bạn trở nên dễ dàng hơn chứ không phải khiến nó khó khăn thêm
Nếu bạn muốn duy trì tinh thần hứng khởi và suy nghĩ tích cực cho nhân viên của mình, hãy cảnh giác với những phê bình và kiểm soát quá đà từ chính bạn. Thay vào đó, bạn nên ủng hộ những sáng tạo của họ, cung cấp cho họ những công cụ cần thiết và giúp "bán" ý tưởng của họ đến các phòng ban khác nếu cần.
Điều này có thể sẽ giúp gỡ bỏ những rào cản trong công việc của họ, giúp họ đạt được mục tiêu nhanh nhất có thể. Nó cũng khuyến khích sự tự tin nơi họ, bởi họ biết rằng giám đốc hoặc cấp trên luôn đứng bên cạnh và ủng hộ ý tưởng của mình.
Hãy cố gắng trở thành người ủng hộ họ, bạn có những công cụ làm công việc của họ dễ dàng hơn, giúp họ tập trung vào công việc của mình mà không phải quá lo lắng về những chướng ngại trong luật lệ của công ty.
4. Xây dựng và phân biệt quy trình sản sinh ý tưởng và đánh giá ý tưởng
Cả hai việc tạo dựng và đánh giá ý tưởng đều hết sức quan trọng đôi với quá trình đổi mới, vì thế chúng là những bước mấu chốt cần được thực hiện để đạt được thành công. Đừng vấp phải sự nhầm lẫn thường thấy khi chồng chéo việc sản sinh ý tưởng với đánh giá ý tưởng. Điều này gây bất lợi cho quá trình đổi mới. Hai quá trình này cần được phân biệt bởi chúng hoàn toàn khác nhau.
Sản sinh ý tưởng là quá trình tập trung vào số lượng. Ở giai đoạn này, không có ý tưởng nào được xem là tệ. Nói một cách đơn giản, chúng ta dễ lựa chọn trong số 15 ý tưởng hơn là 5. Bên cạnh đó, nếu một ý tưởng bị dập tắt ngay từ lúc sơ khai, nó sẽ không có cơ hội được phát triển thành một giải pháp đột phá tiềm năng.
Đánh giá ý tưởng lại là một quá trình khác - nó tập trung làm việc với một "bể" các ý tưởng đã được sản sinh và đánh giá mặt tích cực và tiêu cực của những ý tưởng trong đó, cố gắng tìm ra ý tưởng nào là khả thi và phù hợp với nguồn lực của công ty, cũng như chính sách và các mục tiêu dài hạn.
Để có được một môi trường làm việc sáng tạo, người lãnh đạo cần thừa nhận tầm quan trọng của những đóng góp từ nhân viên và luôn luôn tìm cách để giúp họ sáng tạo và phát triển những ý tưởng mới. Cho dù sự giám sát, ở một mức độ nào đó, vẫn cần được duy trì, nhân viên vẫn nên được tự do hoàn thành mục tiêu công việc của mình theo cách của riêng họ và lãnh đạo nên khuyến khích họ làm điều đó.
Tóm lại, một môi trường làm việc sáng tạo được phát triển tốt là thứ phân biệt một công ty tầm tầm với những công ty hàng đầu. Trong tương lai, một hệ thống đảm bảo sự sáng tạo của nhân viên là điều thiết yếu cho một công ty trong bất cứ thị trường cạnh tranh nào.
Nguồn ảnh bìa: Kerry Jardine từ flickr.com