9 tháng trước
Làm Người Vô Danh Sẽ Tốt Hơn Làm Người Nổi Tiếng
458

5944
Lượt xem
268
Lượt chia sẻ
65
Lượt bình luận

Hầu hết tất cả chúng ta đều khát khao được hòa nhập với xã hội, nhưng nếu chúng ta sở hữu một tài năng riêng, chúng ta sẽ muốn được công nhận. Cuộc hành trình trở thành người có danh tiếng tạo động lực cho chúng ta đạt được những thành tích cao. Nhưng liệu sự nổi tiếng có tuyệt vời như chúng ta nghĩ không?

Hành trình hãng phim hoạt hình Pixar là một ví dụ điển hình về tính chất hai mặt của sự nổi tiếng. Khi họ sản xuất ra phim “Câu chuyện Đồ chơi”, họ đã phát minh ra một cách vẽ hoạt hình hoàn toàn mới. Họ đã biết trước dự án này sẽ có nhiều thử thách, nhưng họ có linh cảm rằng đây sẽ là một câu chuyện tuyệt vời.​​​​​​​​​​​​​​

“Câu chuyện Đồ chơi” đã thu về $373,554,003 trên toàn thế giới và biến Pixar thành một cái tên quen thuộc. John Lasseter, người sáng lập hãng phim hoạt hình, kể về trải nghiệm của ông khi thực hiện bộ phim thứ 2 – “Thế giới Côn trùng”:[1]

“Khi chúng tôi sản xuất phim “Câu chuyện Đồ chơi” không ai biết chúng tôi là ai, nhưng bây giờ... tôi cảm thấy tất cả mọi người đều dõi theo dự án “Thế giới Côn trùng.”


Sự nổi tiếng đã tạo áp lực cho đội ngũ Pixar phải làm ra một cái gì đó tương đương hoặc hay hơn “Câu chuyện Đồ chơi”. Họ buộc phải cải thiện kỹ thuật của mình để tác phẩm thứ 2 không thua kém gì tác phẩm đầu tiên.

Nếu là một hãng phim vô danh thì mọi người có thể tự do làm bất cứ điều gì họ muốn, miễn là có thể tìm được các tài năng và kiếm ra tiền.[2] Nhưng nếu là hãng phim lớn, vai trò của khán giả rất quan trọng, và hãng phim còn cần báo cáo cả với công ty mẹ là Disney.

Làm người nổi tiếng cũng có cái hay. Chúng ta thích được công nhận, cái cảm giác khi mọi người thấy được tài năng của mình thật là tuyệt vời. Và đương nhiên khi bạn không biến ước mơ của mình thành hiện thực, bạn sẽ cảm thấy như mình không là ai cả.

Mặc dù vậy, nếu không ai biết mình thì cũng không quá tệ đâu. Đừng để sự khao khát danh vọng của bạn tước đi các thành quả bạn nhận được khi còn là người không ai biết đến.

Nỗi sợ hãi vô hình


Con người có tính chất xã hội. Chúng ta học cách gắn bó với nhau vì điều này sẽ tăng cơ hội sinh tồn. Việc tìm các nguồn thức ăn cần thiết sẽ rất khó khăn nếu bị tách ra khỏi đàn.

Ngoài lý do này, chúng ta cũng trở nên rất nhạy cảm khi bị bỏ rơi một mình. Trong đáy lòng chúng ta mong muốn những người khác cần mình. Khi chúng ta cảm thấy vô danh, điều này có thể dẫn tới khủng hoảng tinh thần.

Khi bị bỏ rơi, thường chúng ta sẽ cảm thấy buồn, thậm chí ghen tị với những người được sự chú ý nhiều hơn của mọi người xung quanh.

Khi chúng ta cảm thấy mình có tiếng nói, chúng ta sẽ không đặt ra câu hỏi về sự tồn tại của mình. Khi người khác chú ý tới bạn hàng ngày, địa vị xã hội của bạn sẽ càng ngày càng vững chắc.

Làm người nổi tiếng không dễ dàng


Sự nổi tiếng không chỉ làm bạn thỏa mãn những mong muốn, mà còn tạo ra những mong muốn khác. Khi bạn là người nổi tiếng, bạn không thể làm tất cả những gì bạn muốn. Bạn không thể tham gia các dự án bất kỳ vì khán giả của bạn có những kỳ vọng cụ thể về những thứ bạn có hoặc không thể làm.

Khi bạn “nằm ngoài vùng phủ sóng” của họ, bạn có thể tự do phạm sai lầm. Nhưng nếu càng nhiều người biết tới bạn, thích bạn, họ sẽ theo dõi từng bước của bạn. Mặc dù hành động của họ xuất phất từ tình yêu, nhưng bạn lại bị mất đi không gian riêng tư. Mọi người chú ý tới từng quyết định của bạn. Bạn buộc phải cẩn thận về mọi thứ khi là người nổi tiếng.

Sự nổi tiếng dĩ nhiên đi kèm với trách nhiệm. Nếu bạn thực hiện một dự án nào đó, bạn sẽ có nhiều thứ để mất hơn nếu thất bại. Mọi người sẽ phụ thuộc vào bạn nhiều hơn. Nếu dự án của bạn thất bại thảm hại, bạn và cả đội ngũ của bạn sẽ phải trả giá rất cao.

Hiện tại, nếu Pixar đổ vỡ, công ty sẽ bị tổn thất gấp nhiều lần so với ban đầu. Họ phải chịu trách nhiệm trước các cổ đông, và họ có hàng triệu khán giả đang mong đợi những tác phẩm mới. Sự mạo hiểm có thể khiến họ có tổn thất về tài chính lớn hơn so với thời điểm họ vừa mới bắt đầu sản xuất phim hoạt hình.

Những ưu điểm của sự vô danh


Chắn chắn mỗi người đều trải qua giai đoạn trong cuộc sống khi không ai biết họ là ai. Bạn cần phải đón nhận và tận hưởng cơ hội được phát triển bản thân trong thời gian này. Bạn có thể phạm sai lầm, và không ai sẽ biết cả. Bạn không phải lo lắng, những rủi ro trong cuộc sống cũng không quá nghiêm trọng. Và nếu bạn thất bại, bạn có thể vùng dậy lại nhanh hơn. Sự vô danh có thể là cách giải thoát.

Hãy tưởng tượng bạn là một nhà văn vô danh và quyết định viết một cuốn tiểu thuyết không giống như bất kỳ tác phẩm của bạn trước đó. Cuốn tiểu thuyết này thất bại, nhưng vì không ai biết về bạn, cho nên bạn đã có thời gian để suy ngẫm về những gì đã xảy ra. Bạn đã nhận ra rằng bạn viết về những gì bạn nghĩ mọi người muốn đọc, thay vì theo đuổi phong cách riêng của mình.

Nếu bạn là một nhà văn có tiếng và phạm phải sai lầm này, những độc giả của bạn sẽ không dễ tha thứ. Họ có thể cho rằng thời của bạn đã qua, thay vì nghĩ rằng bạn đang thử nghiệm. Sự vô danh cho phép bạn tìm hiểu về bản thân và không cần phải quan tâm đến những người khác.

Làm người nối tiếng cũng có lợi thế, nhưng bạn sẽ gặp rủi ro cao hơn. Điều tốt nhất là tận hưởng những gì mình đang có trong hiện tại. Nếu bạn muốn có danh tiếng, bạn cần hiểu rằng quá trình tới đích này cũng quan trọng.

Bạn không nhất thiết phải nổi tiếng trên toàn thế giới mà chỉ tại quê nhà hay tại thành phố bạn đang sinh sống thôi. Sự vô danh chỉ là một phần của hành trình tìm hiểu về chính mình và phát hiện ra những thứ bạn thực sự muốn làm.

Sự nổi tiếng là một cuộc đua bất tận

Chúng ta đều đã từng nghe về những người nổi tiếng trong vòng 15 phút hoặc những ca sĩ nổi tiếng vì một bài hát duy nhất. Sự nổi tiếng sẽ luôn luôn thay đổi. Có những lúc các tác phẩm của bạn sẽ được thịnh hành, và cũng có lúc mọi người sẽ không biết tên bạn là gì. Chỉ có vài người mới có khả năng duy trì được sự nổi tiếng mãi mãi.

Sự chú ý của mọi người rất ngắn hạn. Ngay cả những người rất nổi tiếng đâu có nhận được sự chú ý của người hâm mộ 24/7 đâu. Một số người trong số họ khao khát có thời gian riêng, trong khi những người khác thì ngược lại. Lady Gaga nói trong phim tài liệu “Gaga: cô gái 152cm”: [3]

“…Lúc thì tất cả mọi người đều muốn chạm vào tôi và nói chuyện với tôi, còn có lúc thì chẳng có gì cả. Im lặng hoàn toàn.”

Cuộc theo đuổi bất tận để được công nhận thật là mệt mỏi và có hại cho sức khỏe.

Hãy trải nghiệm khoảnh khắc của sự vô danh 

Hãy nhận ra rằng sự nổi tiếng chỉ là tác dụng phụ của sự may mắn, làm việc kiên trì và hoàn cảnh. Hãy cảm nhận được những điều tốt và những điều xấu khi sống một cuộc sống vô danh một thời gian. Nếu là người vô danh, bạn sẽ không hủy hoại sự nghiệp khi phạm phải sai lầm hay mạo hiểm.

Mỗi thất bại sẽ giúp bạn cải thiện và hoàn thiện sứ mệnh của mình. Sự vô danh là sân chơi của bạn. Hãy vào đấy và làm bất cứ những điều gì mình thích mà không phải lo lắng về gì cả. Sống vô danh và chấp nhận điều đó sẽ mang lại cho bạn những kiến thức cần thiết để có thể làm người nổi tiếng một ngày nào đó.

Chúng ta nghĩ những người nổi tiếng có cuộc sống dễ dàng, đấy là vì chúng ta chỉ nhìn được kết quả của những nỗ lực của họ khi họ còn vô danh. Khi diễn viên Sylvester Stallone viết ra kịch bản cho bộ phim “Rocky”, ông nghèo đến nỗi phải bán con chó của mình đi để có thể sống sót.[4] Diễn viên Christ Pratt đã từng sống trong một chiếc xe trước khi anh có bước ngoặt lớn tại Hollywood.[5]

Hành trình từ sự vô danh tới sự nổi tiếng đòi hỏi thời gian, và bạn sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm. Bạn sẽ hiểu về bản thân hơn, phát triển được tài năng của mình tới khi thế giới sẵn sàng đón nhận bạn. Thay vì lo lắng, hãy tập trung phấn đầu trở thành phiên bản tốt nhất có thể của chính mình.

Tài liệu tham khảo