Trong tiếng Anh có thành ngữ: "Bạn không thể thấy được cả khu rừng khi xung quanh toàn là cây". Tôi chắc chắn bạn đã từng nghe tới câu này, và nó có nghĩa là nếuu bạn đang đi trong rừng, thì bạn chỉ có thể nhìn thấy cây xung quanh mình chứ không thấy được cả khu rừng một cách toàn diện.
Thành ngữ này ám chỉ tới một hiện tượng hay xảy ra trong cuộc sống chúng ta.
Ví dụ, hãy tưởng tượng bạn đang viết một tài liệu hay bài luận văn quan trọng. Sau vài tiếng làm việc tập trung, công việc có tiến bộ. Bạn thực sự đang có cảm hứng lớn và hăng hái làm việc. Nhưng không may, bạn phải dừng lại vì cần sửa một lỗi nhỏ. Sau đó bạn quyết định sửa lại cả câu. Rồi việc này lại dẫn tới việc bạn sửa lại cả một đoạn văn. Cuối cùng, bạn bắt đầu nghĩ bạn cần phải thay đổi toàn bộ bài viết của mình.
Nói cách khác, bạn đã bị các chi tiết nhỏ lôi cuốn mình đi, làm bạn lạc hướng và không thấy mục tiêu rõ ràng nữa. Bàn không còn thấy “cả khu rừng” nữa.
Nói thật, thường xuyên chúng ta không biết mình muốn gì, muốn trở thành con người như thế nào và chúng ta đang đi tới đâu. Con đường tương lai thường rất mờ mịt. Đối với nhiều người, tương lai có thể là một dấu chấm hỏi lớn. Hàng ngày chúng ta dốc hết sức lực vào công việc, nhưng lại không có mục đích, chúng ta không hiểu tất cả mọi thứ chúng ta làm sẽ tạo nên một bức tranh gì. Có lúc chúng ta cặm cụi làm những thứ nhỏ nhặt, mà rồi nhận ra chúng không liên quan gì tới mục tiêu cuối cùng của mình.
Điều này có thể dễ dàng xảy ra với bất cứ ai, vì bộ não con người được lập trình để nhìn nhận mọi thứ một cách ngắn hạn. Chúng ta không giỏi trong việc nhìn ra được bức tranh lớn hoặc những thứ mang tính chất lâu dài.
Trước tiên, hãy tìm ra bức tranh lớn
Ngay từ đầu công việc duy nhất của bạn là phải tìm ra bức tranh lớn.
Bạn cần làm điều này, vì bạn sẽ không nhìn ra được những chi tiết quan trọng, nếu bạn không có một mục tiêu rõ ràng. Một khi bạn bắt đầu vẽ nên bức tranh lớn, bạn sẽ thấy mình thiếu thứ gì. Và chỉ lúc đấy bạn mới cần chú ý tới các chi tiết.
Tôi muốn bạn nhớ điều sau đây:
Một khi bạn vẽ nên được bức tranh lớn, mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn, vì khi đó bạn chỉ cần điền vào những khoảng trống giúp bạn đạt được mục tiêu của mình.[1]
Đừng hiểu lầm tôi, các chi tiết cũng quan trọng, và chắc chắn chúng có thể tạo nên sự khác biệt. Tuy nhiên, nếu bạn bị chúng ám ảnh trong giai đoạn đầu của kế hoạch, bạn sẽ bị cuốn vào một chuỗi thay đổi, bất đồng quan điểm, các cuộc gặp gỡ và trì hoãn bất tận. Dự án của bạn sẽ bị thất bại ngay lúc khởi đầu, vì bạn đã tập trung vào những thứ nhỏ nhặt vô nghĩa. Bạn cũng sẽ lãng phí thời gian vào những quyết định có khả năng bị thay đổi trong tương lai.
Khi bạn bắt đầu thực hiện kế hoạch từ những chi tiết nhỏ, bạn sẽ phung phí năng lượng của mình vào nhưng điều sai trái. Điều này sẽ không mang lại hiệu quả, và bạn sẽ bị kiệt sức. Hoặc, bạn có thể bị rơi vào trạng thái “tê liệt phân tích”.[2]
Gần đây, Hitan Shah, người đồng sáng lập KISSmetrics, đã thừa nhận, ông và một người bạn ông đã lãng phí 1 triệu đô để mở một công ty hosting web mới và đã thất bại. Shah nói:
“Là những người cầu toàn, chúng tôi đã xây dựng nên một thứ hoàn hảo mà không tìm hiểu kỹ về nhu cầu khách hàng”.
Thật may mắn, họ đã rút ra được một bài học từ sự mất mát này, và hiện nay họ đã thành công với một công ty giúp mọi người chi tiêu thông minh, tối ưu hóa việc học tập và làm khách hàng rất hài lòng với dịch vụ.
Những điều cần thiết để vẽ nên một bức tranh lớn
Tôi không muốn bạn mất 1 triệu đô la, cho nên bạn hãy đọc tiếp để khám phá cách xây dựng và tập trung vào một bức tranh hoàn hảo.
1. Hãy dành thời gian để suy nghĩ và làm chủ những sở thích của mình
Nếu bạn chỉ đơn thuần thực hiện những công việc theo đúng trình tự trong một danh sách, bạn sẽ không bao giờ có thời gian để nghĩ tới bức tranh lớn. Thay vào đó, hãy lên lịch cho bản thân và tìm ra thời gian dành riêng cho những mục tiêu và ưu tiên của bạn. Hãy tin tôi, bạn sẽ không bao giờ hình dung ra được một bức tranh rõ ràng và sống động nếu bạn không dành thời gian cho những mục tiêu lớn của mình.
Tôi vẫn nhớ nhiều năm trước tôi có làm cùng với một anh luôn luôn bận rộn. Cho dù anh vừa vào ca hay ngày làm việc gần hết, anh vẫn đầy năng lượng và tập trung vào công việc. Nhưng anh gặp phải một vấn đề. Mặc dù rất cố gắng, anh vẫn không thể kết các dự án đúng thời hạn và không có những kết quả mong muốn. Vào một ngày tôi đã hỏi anh vấn đề là ở đâu?
Anh lập tức nói rằng anh có quá nhiều công việc cho nên anh không có đủ thời gian. Tuy nhiên, khi anh bắt đầu đi sâu vào vấn đề, tôi đã nhận ra vấn đề nằm trong các “chi tiết”. Thay vì giữ và tập trung vào bức tranh lớn trong tâm trí như một động lực về tinh thần, rõ ràng anh đã tập trung toàn bộ thời gian vào những chi tiết và bị chúng ám ảnh.
Khi tôi chỉ ra điều này, thật thú vị, mặt anh ta sáng lên như đã nhận thức được một điều gì đó.
2. Hãy xác định ra những bước hành động cần thiết (không phải những chi tiết)
Một khi bạn đã có bức tranh lớn hoặc mục tiêu cuối cùng, bước tiếp theo bạn phải tự hỏi bản thân: “Tôi nên làm gì bây giờ?” và “Tôi phải làm những gì ngay lúc này?”
Hãy tự hỏi mình những câu này để biết liệu những gì bạn làm bây giờ có đóng góp cho việc thực hiện mục tiêu hay không? Nói cách khác, hãy đặt ra kế hoạch hành động cần thiết, bạn không cần lo về các chi tiết trong giai đoạn này.
Giả sử bạn là nhân viên bán hàng và bạn thường xuyên cần thuyết trình trước khách hàng. Nếu bạn giỏi trong công việc này, bạn sẽ cảm thấy không hài lòng khi phải thuyết trình một bài duy nhất cho những khách hàng khác nhau. Tùy vào đặc điểm của từng người, bạn sẽ chỉnh lại bài thuyết trình cho phù hợp.
Tất nhiên, việc này có thể chiếm nhiều thời gian, và bạn cũng không chắc là nó có mang lại hiệu quả hay không. Cho nên trong đầu bạn luôn luôn phải có hình ảnh rõ ràng của mục tiêu của mình. Tất cả những việc bạn làm, điều bạn nói cho khách hàng phải thuyết phục họ sử dụng dịch vụ hay mua sản phẩm của bạn. Hãy nhớ điều đó khi bạn chỉnh sửa bài thuyết trình của mình. Như vậy bạn sẽ không sao nhãng công việc và bị cuốn vào thế giới đầy những chi tiết không cần thiết.
Tư duy lớn sẽ cho bạn những kết quả lớn
Đừng để các chi tiết chi phối bạn. Hãy tập trung năng lượng và những suy nghĩ vào bức tranh lớn. Sau đó, hãy thực hiện từng bước cần thiết để đạt được mục tiêu của mình. Chỉ sau khi bạn hoàn thiện được tất cả những bước đó, bạn mới có thể tập trung vào những chi tiết quan trọng.
Nếu bạn lập kế hoạch cho tất cả những dự án lớn theo lối tư duy này, thì bạn sẽ hoàn thành chúng nhanh hơn và đạt được hiệu quả lớn hơn sự mong đợi của bạn.
Và thêm một điều nữa, nếu bạn cần sự giúp đỡ, tôi khuyên bạn đọc bài viết này: Một Câu Hỏi Sẽ Giúp Bạn Tập Trung Lại và Thành Công Trong Công Việc
Nguồn ảnh bìa: Freepik từ freepik.com
Tài liệu tham khảo
[1] | ^ | YourStory: Chi tiết thì quan trọng, nhưng bức tranh lớn mới tạo ra sự khác biệt |
[2] | ^ | Todoist: Khoa học “Tê Liệt Phân Tích”: Bạn Có Thể Làm Những Gì Khi Sự Suy Nghĩ Quá Nhiều Giết Chết Năng Suất Của Bạn |
[3] | ^ | Buffer Social: 13 Thất Bại Lớn Nhất Của Những Doanh Nhân Thành Công và Những Bài Học Được Rút Ra |