Trẻ em ngày nay bị quá tải bởi lịch trình dày đặc ở trường và sau giờ học ngay từ khi còn rất nhỏ, bởi vậy sự sáng tạo của chúng cũng dần bị giết chết. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến niềm vui tuổi thơ của các em, mà nó còn tác động đến khả năng thành công của chúng trong công việc khi trưởng thành. Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã chỉ ra rằng tới năm 2020, khả năng sáng tạo sẽ là yếu tố thứ hai được tìm kiếm trong thị trường lao động, chỉ đứng sau các kĩ năng. Họ thậm chí còn trích dẫn một nghiên cứu cho thấy trẻ em đang ngày càng trở nên thiếu sáng tạo một cách đáng báo động tính từ năm 1990.[1]
Giữ cho lũ trẻ luôn bận rộn khiến chúng chẳng còn chỗ cho sự sáng tạo
Những cha mẹ không ngừng thúc giục con cái họ gặt hái thành công lại không may đang làm tổn hại đến chính sự sáng tạo của những đứa trẻ. Sở dĩ như vậy là bởi bọn trẻ chẳng có lúc nào trong ngày để vui chơi cả. Rất nhiều người lớn không ngừng lên lịch cho các em và khiến cuộc sống của chúng quy củ đến mức chuyện vui chơi chỉ là ý nghĩ thoáng qua. Tuy nhiên, việc trẻ em cần được vui chơi để phát triển sức sáng tạo là có thật. Lũ trẻ cần thời gian để chơi thỏa thích và chính điều này giúp cho dòng chảy sự sáng tạo không ngừng tuôn trào.
Những trò chơi tưởng tượng trở nên hiếm gặp hơn khi bọn trẻ không được trao cho cơ hội để chơi, thay vào đó là phải tham gia vào các lớp học cả một ngày dài từ khi còn ở tuổi mẫu giáo. Hệ quả của việc thiếu hụt sự sáng tạo này chính là một xã hội đầy những người có giáo dục nhưng cũng thiếu hụt sự sáng tạo nốt.
Một nghiên cứu của Live Science bàn luận đến vấn đề này và đã chỉ ra:[2]
Kể từ năm 1990, trẻ em đã trở nên kém hơn trong việc đưa ra những ý tưởng mới lạ và độc đáo. Bọn trẻ cũng ít hài hước hơn, thiếu sáng tạo và yếu hơn trong việc phát triển các ý tưởng.
Thiếu hụt sáng tạo thời thơ ấu đồng nghĩa với việc mất đi trí tưởng tượng trẻ thơ và niềm vui của trò chơi giả bộ và sáng tạo. Các em sẽ mất đi khả năng trở thành những cá nhân độc đáo khi chúng mất đi khả năng sáng tạo. Và khi mất đi khả năng sáng tạo, các em đang mất đi một phần ấu thơ của mình.
Những câu trả lời khuôn mẫu chính là mồ chôn cho Trí tưởng tượng
Một yếu tố nữa cũng góp phần làm giảm sự sáng tạo thời bé thơ chính là cách giáo dục đại trà bắt trẻ con phải "đàn áp" trí sáng tạo của mình bởi điểm số cho những bài kiểm tra kiểu mẫu mới là thứ được khen ngợi. Đây không chỉ là vấn đề gặp trong trường học, mà là xu hướng hiện nay của cả hệ thống giáo dục đại chúng của chúng ta. Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã bàn đến vấn đề trí sáng tạo bị bóp chết nơi học đường và đã tuyên bố như sau:
Đáng lo lắng thay, những kĩ năng sáng tạo như thế này thường không được đề cao trong những buổi học hàng ngày của các em, nơi mà phương pháp dạy học phổ biến vẫn là nghe giảng chép đã thống trị hàng thế kỷ nay.
Chúng ta chỉ đang dạy cho con mình cách dành được điểm cao hay chúng ta đang khuyến khích tư duy sáng tạo và sự ngây thơ trong các con? Không may thay, những bài kiểm tra kiểu mẫu đang được sử dụng trong hệ thống giáo dục đại chúng và chúng không hề khuyến khích phát triển tư duy sáng tạo một tí nào. Những bài kiểm tra kiểu này dạy cho bọn trẻ rằng đầu óc chúng phải chứa được những thông tin đã được dạy ở lớp. Chúng sớm học được trong cuộc sống rằng muốn thành công ở trường thì phải đạt được điểm cao.
Khả năng sống sót trong môi trường giáo dục và được cho lên lớp phụ thuộc vào những gì bọn trẻ thể hiện trong bài thi. Việc này nghe có vẻ không xấu đến vậy, nhưng khi bạn nghĩ về việc chúng ta đang định hình kỳ vọng của các em nhỏ thế nào về thế giới thực ngoài kia, thì cách suy nghĩ này không hề thực tế và có lợi chút nào. Những thiên tài thực sự được tìm thấy bên trong những cá nhân sáng tạo. Đó là những người tiếp tục đem theo sự sáng tạo của mình khi trưởng thành để phát minh ra những sản phẩm và giải pháp cho cả thế giới.
Hãy để con trẻ biết chán và nổi loạn một chút
Trẻ con cũng cần có những lúc "trầm xuống". Khi chúng nói "con chán", thì đã đến lúc bố mẹ nên nói "hay lắm, vậy thì tìm cái gì đó để làm đi".
Hãy để cho con trẻ được suy nghĩ sáng tạo và tự tìm ra cách để mua vui cho bản thân. Thật đáng xấu hổ khi một vài đứa trẻ cứ thế lớn lên mà không biết tự làm mình vui. Tivi, máy tính hay một lịch trình hoạt động đã lên sẵn có cần thiết để làm một đứa trẻ luôn vui vẻ hay không? Tất nhiên là không rồi. Trẻ con tự biết cách làm nó vui cũng như học cách vượt qua sự chán nản. Tâm Lý Học Ngày Nay đã chỉ ra điều sau khi nói về trẻ em và sự buồn chán:[3]
Những đứa trẻ trải qua ít lịch trình hoạt động được trao cho cơ hội để thể hiện sự sáng tạo, giải quyết vấn đề và phát triển các kỹ năng tạo động lực khác mà có thể sẽ có ích trong tương lai.
Các em cũng sẽ tìm ra được mình thích cái gì khi chúng được trải nghiệm sự buồn chán và được tự do làm điều gì (hay bất cứ thứ gì) mà mình có thể nghĩ ra. Khi những thiết bị điện tử hiện đại bị gạt sang một bên và bọn trẻ bị buộc phải tự mình quyết định bản thân muốn làm gì, đó cũng là lúc các em khám phá nhiều hơn về chính mình. Chúng được trao cơ hội để tự nhìn nhận xem mình thích và không thích điều gì. Chúng sẽ nghĩ xem lúc rảnh rỗi thì mình thích làm gì và mình sẽ sử dụng khoảng thời gian đó như thế nào. Phần lớn những đứa trẻ sẽ không lựa chọn dọn dẹp phòng hoặc hoàn thành một danh sách các công việc nhà. Chúng sẽ tìm kiếm cái gì đó làm chúng vui, thoải mái và cảm giác chinh phục. Hầu hết các hoạt động sẽ bao gồm các trò chơi sáng tạo, bởi đứa trẻ sẽ phải là người phát kiến ra hoạt động đó cũng như biết trò đó chơi thế nào.
Trong một bài báo khác của tôi Bài học khó nhất của bậc làm cha mẹ: Để con được chơi, tôi sẽ nói nhiều hơn về những gì ba mẹ cần làm để con cái chỉ việc vui chơi và thỏa sức sáng tạo.
Nguồn ảnh bìa: Pixabay từ pixabay.com
Tài liệu tham khảo
[1] | ^ | World Economic Forum: Một kỹ năng cần thiết cho nghề nghiệp của con bạn trong tương lai |
[2] | ^ | Live Science: Phải chăng thế hệ trẻ ngày nay ngày càng giảm thiểu trí sáng tạo và tưởng tượng? |
[3] | ^ | Psychology Today: Hãy thỉnh thoảng để bọn trẻ buồn chán |