Không lâu trước đây, khi đó tài nguyên duy nhất mà các bậc cha mẹ có thể tin cậy là sách. Ngày nay, việc lật giở một cuốn sách có thể không phải là thiên hướng của hầu hết các bậc cha mẹ nữa khi tìm kiếm lời khuyên về cách nuôi nấng con cái.
Sự truy cập nhanh chóng đến các trang nhật ký trực tuyến (blog), trang mạng (website) và các diễn đàn cung cấp vô số câu trả lời và "ý kiến chuyên gia", có thể hữu ích hoặc mâu thuẫn và quá tải. Sách vẫn là một tài nguyên quý giá khi nói về việc nuôi dạy con cái. Chỉ vì thông tin được in trong một cuốn sách không có nghĩa là nó không có sai lầm.
Tuy nhiên, việc tìm kiếm các đánh giá và phê bình đáng tin cậy về các tác phẩm được xuất bản từ các nguồn uy tín, sẽ dễ dàng hơn nhiều, so với các trang mạng hoặc trang nhật kí trực tuyến.
Các cuốn sách nuôi dạy con sau đây thảo luận các chủ đề về việc nuôi dạy bắt đầu từ lúc thụ thai và bao quát đến tận tuổi thiếu niên của trẻ.
Cho dù bạn đang tìm kiếm lời khuyên về việc thi hành kỷ luật với bé mới biết đi, cách để nuôi dạy đứa con hiếu động của bạn, hoặc các phương pháp nuôi dạy con cái đa văn hóa, bạn đều sẽ tìm thấy mọi thứ bạn cần trong danh sách này:
1. Hãy Dưỡng Thai Tốt Hơn: Tại Sao Những Châm Ngôn Khi Mang Thai Theo Truyền Thống Là Sai – Và Những Điều Bạn Thực Sự Cần Biết, bởi Emily Oster
Cha mẹ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của con ngay từ khi chúng được thụ thai, thông qua các yếu tố như chế độ ăn uống của mẹ, môi trường gia đình và việc hút thuốc thụ động.
Có vô số các hoạt động mà bà bầu được cho biết có thể có tác động tích cực hoặc tiêu cực đến em bé, từ ăn sushi đến tập yoga trước khi sinh. Nhưng điều gì trong số này dựa trên bằng chứng khoa học và điều gì chỉ là tin đồn?
Hãy Dưỡng Thai Tốt Hơn và khai thác sâu vào những niềm tin về giai đoạn mang thai được truyền bá rộng rãi này, và đưa ra các số liệu thống kê và cơ sở lập luận để giải thích rõ ràng rủi ro có thật liên quan đến mỗi phương pháp. Cuốn sách được trình bày theo thứ tự thời gian, từ thụ thai đến sinh nở, và mô tả nhiều lo lắng phổ biến nhất mà các bà mẹ tương lai thường có.
Thông điệp bao quát của cuốn sách là không có câu trả lời đúng hay sai cho bất cứ điều gì khi mang thai.
2. Hệ Thống Kiến Thức Về Những Người Mẹ: Một Chỉ Dẫn Dựa Trên Nghiên Cứu Về Năm Đầu Đời Của Con Bạn, bởi Alice Callahan
Cuốn sách này đề cập đến nhiều câu hỏi mà những người lần đầu làm mẹ thường thắc mắc về con của họ trong sáu tháng đầu đời. Nhiều chủ đề gây tranh cãi cũng được giải quyết, chẳng hạn như vắc-xin, cho con bú và giấc ngủ.
Tác giả có bằng tiến sĩ về dinh dưỡng và viết chi tiết về các loại thực phẩm để giới thiệu cho bé sớm, nhằm đáp ứng tất cả các nhu cầu về suất ăn của chúng. Một loạt các nghiên cứu khoa học được sử dụng trong suốt cuốn sách để hỗ trợ cho ý kiến của tác giả, và Callahan cũng giải thích cách người bình thường có thể nhận ra tính hợp lệ của các nghiên cứu và tuyên bố của họ.
3. Không Có Đứa Trẻ Hư: Thi Hành Kỷ Luật Với Bé Mới Biết Đi Sao Cho Không Ân Hận, bởi Janet Lansbury
Là người lần đầu làm cha mẹ, có vẻ như em bé nhỏ của bạn phát triển thành một đứa trẻ biết đi chỉ qua một đêm, và một yếu tố mới của việc nuôi dạy con cái đột nhiên được cần tới - kỷ luật. Không chỉ những đứa bé của bạn có được sự linh hoạt và độc lập, chúng cũng đang phát triển tính cách riêng của chúng và cố gắng tìm ra cách điều hướng thế giới khó hiểu này.
Là một giáo viên của tổ chức Tài Nguyên Phục Vụ Cho Nhân Lực Giáo Dục Trẻ Mới Biết Đi (RIE- Resources for Infant Educarers) với hơn 20 năm kinh nghiệm giúp đỡ các bậc cha mẹ và trẻ mới biết đi, Janet Lansbury là một chuyên gia trong lĩnh vực này. Cuốn sách này là tổng hợp các bài viết phổ biến nhất và được đọc rộng rãi của cô, mà cô đăng lần đầu tiên trên trang mạng của riêng mình.
Các bài viết bao gồm hàng loạt các chủ đề, bao gồm giận dữ, đánh phạt, ranh giới, và nhiều hơn nữa. Nếu bạn đang vật lộn để tìm ra những cách hiệu quả để thi hành kỷ luật với đứa trẻ gan lì của mình, cuốn sách này có thể là thứ bạn cần.
4. Nuôi Dạy Đứa Con Hiếu Động Của Bạn: Hướng Dẫn Dành Cho Các Bậc Cha Mẹ Có Con Mạnh Mẽ, Nhạy Cảm, Sâu Sắc, Kiên Trì và Giàu Năng Lượng Hơn Bình Thường, bởi Mary Sheedy Kurcinka
Tất cả trẻ em KHÔNG được sinh ra như nhau. Một số trẻ em được sinh ra với xu hướng tự nhiên là có ý chí mạnh mẽ hơn, và nó hoàn toàn không phải là một sự phản ánh về cách chúng đã được nuôi dạy. Tuy nhiên, nó làm cho việc nuôi dạy con cái trở thành một nhiệm vụ khó khăn hơn và thường có thể khiến cha mẹ cảm thấy như họ đang làm gì đó sai.
Cuốn sách này công nhận rằng những đứa trẻ này cần một cách tiếp cận hơi khác, và đưa ra cho cha mẹ các chiến lược về cách xử lý các tình huống thử thách, như giờ đi ngủ, giờ ăn, sự ganh đua với anh chị em, trường học, và hơn nữa.
Thay vì xem sự mạnh mẽ của những đứa trẻ này là chướng ngại vật, Kurcinka dạy cha mẹ cách tái cấu trúc tư duy của mình để thấy được các thành phần tích cực trong hành vi của chúng. Điều quan trọng là cha mẹ cần cố gắng hiểu lý do tại sao con cái họ cư xử theo cách của chúng, và cuốn sách này cung cấp cho bạn các công cụ để nuôi dưỡng những đứa trẻ bình sinh mang tính thách thức một cách thành công.
5. Trên Tất Cả, Hãy Tử Tế: Nuôi Dạy Con Biết Nhân Đức Trong Thời Kỳ Thử Thách, bởi Zoe Weil
Sống trong một xã hội nơi bạo lực vô cảm và thù oán đã trở thành chuẩn mực bình thường mới, nhiệm vụ nuôi dạy một đứa trẻ tử tế và biết yêu thương dường như gần như là không thể. Nhưng những gì thế giới cần bây giờ, hơn bao giờ hết, là những người có lòng trắc ẩn biết quan tâm đến môi trường, các loài sinh vật khác và tất cả mọi người.
Weil khuyên các bậc cha mẹ về cách hướng dẫn con cái họ sống một cuộc sống nhân đạo hơn, nhưng quan trọng nhất, là sống theo cách riêng của chúng như một thông điệp và một ví dụ. Tất cả các nhóm tuổi đều được bao gồm, từ những năm đầu đời cho đến tuổi thiếu niên, và các hoạt động, các vấn đề quan trọng, mẹo vặt, và nhiều hơn nữa cũng được thảo luận cho từng nhóm.
Bốn yếu tố mà Weil nhấn mạnh trong việc nuôi dạy con cái là cung cấp thông tin, dạy tư duy phê phán, thấm nhuần sự tôn trọng, biết tôn trọng, và trách nhiệm, cũng như đưa ra những lựa chọn tích cực. Trở nên tử tế không đồng nghĩa với những cử chỉ to lớn. Những việc nhỏ mọi người làm hàng ngày sẽ tạo ra sự khác biệt lớn nhất.
6. Đứa Trẻ Biết Sử Dụng Cả Hai Bán Cầu Não: 12 Chiến Lược Mang Tính Cách Mạng Để Nuôi Dưỡng Trí Tuệ Đang Phát Triển Của Con Bạn, bởi Daniel J. Siegel & Tina Payne Bryson
Khi con bạn quyết định nổi cơn thịnh nộ vì bạn sẽ không cho chúng ngồi trong giỏ hàng, đứng thẳng lên, có phải chúng làm vậy chỉ để làm bạn xấu hổ trước công chúng và khiến bạn trông như một phụ huynh bất tài không?
Không hề!
Chúng chỉ đơn giản là đang tập thích nghi với trí óc đang phát triển nhanh chóng của mình, và đi đến thỏa thuận với các mong muốn và giới hạn mà chúng phải sống cùng. Chúng đang cho phép cảm xúc nắm quyền vì chúng không được trang bị để giải quyết tình huống theo cách hợp lý hơn.
Siegel, một bác sĩ phẫu thuật thần kinh, và Bryson, một chuyên gia nuôi dạy con cái, đã hợp tác để giải mã sự phức tạp của tâm trí đang phát triển của trẻ, để cung cấp cho bạn 12 chiến lược để biến các phản ứng theo cảm xúc thành cơ hội để giúp con bạn nuôi dưỡng sự phát triển lành mạnh và hành vi có ích cho cuộc sống.
7. Nuôi Dạy Con Tích Cực: Một Chỉ Dẫn Cần Thiết, bởi Rebecca Eanes
Có quá nhiều sách nuôi dạy con cái để có thể đọc hết! Vậy những cái nào đáng đọc và kỹ thuật nào là hiệu quả nhất?
Eanes không tự nhận mình là một "chuyên gia" nuôi dạy con mà là một người mẹ thực sự, hoàn toàn đắm chìm trong niềm vui và khó khăn của việc làm cha mẹ. Cuốn sách này là đỉnh cao của các kỹ thuật làm cha mẹ mà cô học được, những điều đã thực sự có hiệu quả cho gia đình cô trong suốt những năm qua, được diễn giải lại dưới định dạng có thể dễ dàng thực hiện.
Nửa đầu cuốn sách tập trung chủ yếu vào các bậc cha mẹ, và cung cấp nhiều lời khuyên về cách hành động dựa trên phản ứng và cảm xúc của chúng ta, và tăng sự tự nhận thức trước khi bắt đầu tương tác với con cái. Cô cũng bao gồm nhiều gợi ý, kỹ thuật và câu hỏi thảo luận để giúp bạn chuyển từ lý thuyết sang thực hành.
Quá nhiều lần, những đứa trẻ bị trừng phạt chỉ vì là con người. Chúng không được phép có tâm trạng gắt gỏng, có một ngày tồi tệ, giọng điệu thiếu tôn trọng, hoặc thái độ xấu. Tuy nhiên, người lớn chúng ta lại lúc nào cũng có thể. Không ai trong chúng ta là hoàn hảo. Chúng ta phải ngừng việc phán xét con mình tại một mức giá trị của sự hoàn hảo cao hơn cả mức bản thân chúng ta có thể đạt tới.
8. Cách Nói Chuyện Sao Cho Con Nghe Và Cách Lắng Nghe Sao Cho Con Nói, bởi Adele Faber & Elaine Mazlish
Cha mẹ có thể dễ dàng la hét và mắng chửi như tát nước khi con cái họ bùng nổ một cơn giận dữ vì những lý do dường như phù phiếm. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là trẻ nhỏ cần được lắng nghe và thấu hiểu, và chúng đang thể hiện bản thân theo cách duy nhất mà chúng biết.
Cuốn sách này giúp cha mẹ điều hướng các phương pháp giao tiếp phức tạp nhưng lại yếu ớt với con cái, điều sẽ tác động rất lớn đến hành vi và sự phát triển của chúng.
Điều quan trọng là cha mẹ phải thừa nhận những cảm giác mà con cái họ đang cảm nhận, và cho chúng thấy rằng họ hiểu, trước khi bắt đầu cố gắng giải quyết vấn đề. Tình cảm của chúng là hợp lý và quan trọng, cũng như cần được thể hiện.
Một điểm khác được nhấn mạnh, là chúng ta hành động để sửa chữa hành vi chứ không phải đứa trẻ. Thay đổi cách cha mẹ nói chuyện với con cái sẽ tạo nền tảng vững chắc hơn cho việc giao tiếp, và cải thiện mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái rất nhiều.
9. Nuôi Dạy Con Theo Lối Đơn Giản: Sử Dụng Phương Pháp Giản Lược Đặc Biệt Để Nuôi Dạy Những Đứa Con Điềm Tĩnh, Hạnh Phúc Và An Tâm Hơn, bởi Kim John Payne
Xu hướng phát triển theo hướng sống tối giản khiến nhiều gia đình bỏ đi tủ quần áo của họ, thu hẹp nhà cửa và đi ngược lại văn hóa tiêu dùng mà các phương tiện quảng cáo và truyền thông khuyến khích. Tư duy này cũng có thể được áp dụng để nuôi dạy con cái.
Trẻ em không cần những lịch trình kín mít tràn ngập hoạt động hoặc những hộp đồ chơi đầy ắp. Chúng cũng không cần bố mẹ lo lắng và ám ảnh về mọi bước đi của chúng. Để giúp các bậc cha mẹ áp dụng lối suy nghĩ đơn giản hóa này, Payne đưa ra các gợi ý như tổ chức tốt hơn môi trường xung quanh của họ, thiết lập nhịp điệu và nghi thức, lên lịch nghỉ ngơi, thu hẹp hoạt động trên các phương tiện truyền thông, và giảm bớt sự liên quan đến các hoạt động của phụ huynh.
Đừng làm quá tải con bạn với quá nhiều sự lựa chọn, và sau đó, hãy lùi lại để cho phép chúng phát triển thành những người mà chúng muốn mà không cần phụ thuộc vào ai.
10. Cha Mẹ Thanh Thản, Con Trẻ Hạnh Phúc: Cách Ngăn Chặn La Hét Và Bắt Đầu Kết Nối, bởi Tiến sĩ Laura Markham
Họ nói rằng bạn có thể bắt nhiều ruồi với mật ong hơn là giấm. Câu thần chú này cũng đúng trong nhiều khía cạnh của cuộc sống.
Cha mẹ có cơ hội tốt hơn để nuôi dưỡng mối quan hệ chân thành, sâu sắc với con cái nếu họ sử dụng các kỹ thuật tập trung vào tình yêu, lòng trắc ẩn, sự đồng cảm và sự dịu dàng, thay vì sự sợ hãi, các quy tắc nghiêm ngặt và kỷ luật.
Markham hướng dẫn cha mẹ tiếp xúc và làm chủ cảm xúc của chính mình, để cha mẹ có thể đồng cảm, giao tiếp cởi mở và có những giới hạn lành mạnh, khuyến khích trẻ tự giác và có trách nhiệm với hành động của mình.
"Điều quan trọng nhất: Luôn kết nối và không bao giờ rút lại tình yêu của bạn, ngay cả chỉ trong khoảnh khắc. Lý do sâu kín nhất khiến con trẻ hợp tác là chúng yêu bạn và muốn làm bạn hài lòng. Trên hết, hãy bảo vệ mối quan hệ của bạn và con. Đó là đòn bẩy duy nhất để bạn có bất kỳ ảnh hưởng nào đến con bạn. Đó có những gì con bạn cần nhất. Và sự gần gũi đó là điều làm cho tất cả sự hy sinh của việc nuôi dạy con cái đáng giá."
11. Cú Sốc Về Cách Nuôi Dạy: Cách Suy Nghĩ Mới Về Những Đứa Trẻ, bởi Po Bronson & Ashley Merryman
Trái ngược với những cuốn sách nuôi dạy con điển hình, cuốn sách này mâu thuẫn với nhiều niềm tin thường thấy về những gì tốt nhất cho con trẻ, và sử dụng các nghiên cứu khoa học xã hội hiện tại làm bằng chứng cho cách suy nghĩ mới.
Ví dụ, một số nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ thường bị đe dọa trừng phạt thường xuyên nói dối hơn, và ngày càng làm tốt việc đó hơn. Một chương khác nói về thực tế rằng khi cha mẹ người da trắng không nói về vấn đề chủng tộc hoặc đề cập đến nó, những đứa con có xu hướng hình thành tư tưởng (phân biệt chủng tộc) của riêng mình về những người có vẻ ngoài khác với chúng.
Mặc dù một số tuyên bố còn thiếu chi tiết và chưa được rành mạch về cách áp dụng các phương pháp nuôi dạy thành hành động, rất nhiều thông tin hữu ích và đáng ngạc nhiên có thể thu nhặt được từ cuốn sách này.
12. Nuôi Dạy Con Trong Vui Vẻ, bởi Lawrence J. Cohen
Theo Cohen, những đứa trẻ cư xử không đúng vì chúng cảm thấy bị ngắt kết nối với cha mẹ và không được lắng nghe. Chúng làm vậy để có được sự chú ý, ngay cả khi đó là sự chú ý tiêu cực.
Cách tốt nhất để kết nối với con là nói ngôn ngữ mà chúng biết rõ nhất - chơi đùa. Tiếp xúc thân thể thường xuyên và sẵn sàng đóng vai ngu ngốc là hai chiến lược chính được nhấn mạnh trong cuốn sách. Trẻ em bình sinh luôn cảm thấy bản thân ngu xuẩn trong cuộc sống, khi chúng liên tục bị nói phải làm gì và bị sửa chữa.
Khi vai trò bị đảo ngược, con cái có thể nhìn cha mẹ chúng dưới góc nhìn thân cận hơn.
13. Cách Nuôi Dạy Con Thông Minh Cho Những Đứa Con Thông Minh: Nuôi Dưỡng Tiềm Năng Thật Sự Của Con Bạn, bởi Kennedy-Moore và Mark S. Lowenthal
Đối với những đứa trẻ có thể được phân loại là có năng khiếu hoặc thông minh, các kỹ thuật nuôi dạy con khác nhau có thể được yêu cầu để giúp những đứa trẻ này đạt được tiềm năng cao nhất, mà không cảm thấy bị áp lực.
Bốn thành phần thiết yếu của cách nuôi dạy con thông minh được đặt ra: một khả năng thương yêu đủ để nhìn thế giới qua đôi mắt của con cái chúng ta, sự tự tin để đặt ra những giới hạn khôn ngoan, một cam kết để hướng về phía con cái chúng ta thường xuyên hơn là rời bỏ, và niềm tin vào khả năng của con để phát triển và học hỏi.
Ngoài ra, bảy thách thức cơ bản được đề cập rất chi tiết: tiết chế tính cầu toàn, xây dựng sự kết nối, quản lý sự nhạy cảm, xử lý hợp tác và cạnh tranh, đối phó với uy quyền, phát triển động lực và tìm kiếm niềm vui.
Nếu đó là những chủ đề cộng hưởng với bạn, đây có thể là một tài nguyên hữu ích để bạn giúp con mình thành công.
14. Vượt Trên Cả Mẹ Hổ: Nuôi Dạy Con Theo Cách Đông-Tây Kết Hợp Cho Thời Đại Toàn cầu, bởi Maya Thiagarajan
Sau thành công lớn của cuốn sách chân thực và đầy tính thách thức, mô tả về kỹ thuật nuôi dạy con nghiêm khắc của người Trung Quốc trong thực tế, Khúc Tráng Ca Của Mẹ Hổ của Amy Chua, một cuộc tranh luận lớn đã nổ ra, so sánh các kiểu nuôi dạy con giữa phương Đông và phương Tây.
Cách tiếp cận nào tốt hơn và hiệu quả hơn? Tại sao sinh viên châu Á lại học rất tốt các môn toán và khoa học?
Thiagarajan là người duy nhất đủ điều kiện để giải quyết những câu hỏi này vì kinh nghiệm cá nhân của cô, khi lớn lên ở Ấn Độ và giảng dạy ở cả Hoa Kỳ và Singapore. Cô giải thích những lợi thế và khó khăn của cả hai phương pháp nuôi dạy con cái, và đưa ra những lời khuyên cụ thể trong phần "Cách thức" ở mỗi chương, để hỗ trợ phụ huynh châu Á và phương Tây trong việc giáo dục và phát triển cả trong và ngoài lớp học.
15. Cha Mẹ Hòa Nhã: Kỷ Luật Tích Cực, Thiết Thực, Hiệu Quả, bởi L.R. Knost
Nhiều bậc cha mẹ hiện đang nuôi con nhỏ, không lớn lên trong một gia đình nơi việc nuôi dạy con cái nhẹ nhàng diễn ra. La hét, trừng phạt thân thể và các lời đe dọa là phương tiện kỷ luật thường được sử dụng trong nhiều thập kỷ.
Knost trình bày một cách nuôi dạy con khác - một cách nhẹ nhàng - vẫn hiệu quả, nếu không muốn nói là còn hơn thế. Cô giải thích tầm quan trọng của việc đối xử với trẻ em như người lớn, với sự tôn trọng và tình yêu dành cho nhau (Quy Tắc Vàng).
Cuốn sách này tập trung vào việc thực hiện ba chữ C của kỷ luật nhẹ nhàng - Kết nối (Connection), Giao Tiếp (Communication) và Hợp Tác (Cooperation).
Một số gợi ý về các công cụ mà các bậc cha mẹ có thể sử dụng thay cho la hét hoặc gây hấn bao gồm: phòng ngừa, nhắc nhở và chuyển hướng, sự ngờ nghệch, mô hình hóa và dạy cách đồng cảm.
"Việc la hét làm thông điệp của bạn trở thành câm lặng. Hãy nói trong êm ả để con bạn có thể nghe rõ những từ ngữ bạn nói, mà không chỉ là giọng nói của bạn."
Đôi lời kết
Trở thành cha mẹ tốt là một thử thách phức tạp và khó khăn.
Nhiều người trong chúng ta vẫn còn nhớ những lỗi lầm mà cha mẹ đã gây ra với chúng ta, khi chúng ta còn là những đứa trẻ, thề sẽ không làm điều tương tự với con cái của chúng ta. Nhưng không có cha mẹ nào là hoàn hảo, và tất cả mọi người chắc chắn sẽ làm một điều gì đó sai.
Những cuốn sách này ở đây để cung cấp một số hướng dẫn trong việc giải quyết nhiệm vụ bất khả thi này. Chúng đã giúp đỡ vô số phụ huynh khác trong việc giao tiếp, thấu hiểu và liên kết với con cái của họ, vì vậy cũng đáng để cho chúng một cơ hội.
Nguồn ảnh bìa: Unsplash từ unsplash.com