5 tháng trước
Tác Hại Của Việc Dụi Mắt Đối Với Sức Khỏe Của Bạn
380

4248
Lượt xem
35
Lượt chia sẻ
3
Lượt bình luận

Ối chà! Chúng ta đều biết đến cảm giác khô mắt khó chịu xuất hiện cùng với việc nhìn chăm chú vào màn hình quá lâu. Và này, tôi cũng đang phải đối phó với nó ngay trong lúc chúng ta đang nói chuyện với nhau đây (hay là trong lúc tôi đang đánh máy nhỉ?). Đôi mắt ta phải căng ra để duy trì tập trung nhìn vào các hình ảnh được chiếu sáng nhân tạo, và điều đó làm hại đôi nhãn cầu đã làm việc quá sức của chúng ta. Với những người làm việc toàn thời gian với máy tính xách tay, họ dành ra khoảng 8 tiếng một ngày để nhìn vào màn hình. Hơn thế nữa, một người bình thường trung bình dành ra ít nhất 2 giờ mỗi ngày để cuộn lên xuống màn hình điện thoại, tức là cũng chăm chú nhìn vào một màn hình khác. Tổng cộng là 10 tiếng nhìn vào màn hình.

Không chỉ có thế, mà sau đó ta còn phải giải quyết chuyện đi lại trên đường nữa. Đôi mắt ta lại phải tập trung trong một khoảng thời gian dài, thường dẫn tới giảm tầm nhìn cũng như làm mắt có cảm giác nóng rát và buồn ngủ.

Mắt của bạn cần được nghỉ ngơi!

Theo bản năng, khi mắt bắt đầu cảm thấy hơi ngứa ngáy khó chịu, bạn sẽ dụi chúng để làm dịu đi. Mặc dù việc đó có thể giảm nhẹ triệu chứng tức thời, song thực ra là bạn có thể đang làm cho tình hình xấu đi đấy.

Nếu mắt bạn cảm thấy ngứa ngáy hoặc khó chịu thì đó là do chúng đã bị khô đi hoặc có dị vật lọt vào. Cách duy nhất có thể giải quyết hết vấn đề này là dùng những chất bôi trơn mắt. Dụi mắt không bao giờ giải quyết được cả. Mà thực ra, việc dụi mắt tưởng như vô hại đó nhằm thoát khỏi cơn ngứa lại khiến mắt bạn đối mặt với hàng loạt vấn đề như:

1. Giác mạc bị trầy xước

Mắt bạn có thể khó chịu do bị các hạt bụi xâm nhập vào. Và khi dụi mắt là bạn đang chà xát những hạt này vào mắt mình và có thể thực sự khiến chúng cào xước mắt. Điều đó đã xảy ra với tôi ít năm về trước trên một bãi biển. Vài hạt cát bay vào mắt, tôi dụi mắt để lấy chúng ra, và rốt cuộc đã cào xước giác mạc của mình đến mức nghiêm trọng. Bằng việc dụi mắt, tôi đã làm tình hình trở nên tồi tệ hơn.

2. Quầng thâm quanh mắt

Những quầng thâm quanh mắt thực ra không phải là do thiếu ngủ đâu. Thực sự chúng là kết quả của việc các mạch máu li ti quanh mắt vỡ ra và trồi lên bề mặt da, hầu hết là do việc vô ý dụi mắt trong lúc ngủ.

3. Ngứa nhiều hơn và nguy cơ nhiễm trùng

Hãy nghĩ xem bạn đang dùng thứ gì để chạm vào đôi mắt "mong manh dễ vỡ" của mình. Nhiều khả năng là bạn sẽ không rửa tay trước khi dụi lấy dụi để đôi mắt mình. Các ngón tay của bạn nhung nhúc vi khuẩn. Và khi dụi mắt, bạn lại chuyển số vi khuẩn đó vào mắt mình và khiến bản thân đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng, chẳng hạn như bệnh đau mắt đỏ (eo ơi!). Và nếu vô tình dụi mắt bằng tay bẩn là bạn đang đặt bản thân trước nguy cơ mắc phải một số tổn thương nghiêm trọng về lâu dài, bao gồm cả sự suy giảm hoặc mất hoàn toàn thị lực đấy.

Quan trọng nhất là, việc dụi mắt có thể tạo cảm giác thoải mái tức thời, nhưng thực ra là bạn đang làm tình hình tồi tệ hơn thôi. Việc dụi mắt khiến cơ thể bạn tiết ra thêm chất histamine, rốt cuộc lại làm bạn ngứa ngáy hơn.

Những lí do nào khiến chúng ta phải dụi mắt?

Có thể là bạn đã dụi mắt nhiều hơn là bạn có thể nhận ra đấy. Một khi đã xác định được những nguyên nhân và thời điểm mà mình có thể đang "táy máy" vào mắt, chúng ta sẽ dễ tránh được hành động mất vệ sinh này hơn.

Do nhìn vào các màn hình quá lâu

Như tôi đã đề cập ở trên, nhiều người không có sự lựa chọn nào khác trước vấn đề này. Đó đúng nghĩa là công việc của họ khi phải ngồi trước màn hình máy tính và khiến mắt phải đối mặt với các nguy cơ sức khỏe trong những khoảng thời gian dài mỗi ngày. Độ sáng của các màn hình làm mắt bị căng thẳng và khô đi.

Do dùng kính áp tròng làm mắt bị khô

Ngày càng có nhiều người bỏ kính đeo truyền thống và chuyển sang dùng kính áp tròng. Quan trọng hơn cả là, việc này đặt ra một vấn đề bởi kính áp tròng ngăn mắt nhận được lượng oxy cần thiết. Và cũng giống như việc dụi mắt, đó là một dị vật kích thước lớn đã được đưa vào mắt. Và khi bạn dụi mắt, dị vật đó sẽ bị chà xát vào giác mạc. Điều đó sẽ khiến mắt bạn rất dễ bị trầy xước và nhiễm trùng.

Do những tác nhân kích thích thường ngày mà bạn không thể tránh khỏi

Đôi khi mắt bạn cứ ngứa thế thôi. Có thể là do dị ứng, mệt mỏi, hoặc một đợt của hiện tượng ngứa lan tỏa (traveling itch) (ai cũng có lúc bị cả mà.) Và nếu mắt bị ngứa, bạn chỉ muốn dụi nó ngay thôi. Đôi khi bạn sẽ sắp sửa làm việc đó một cách vô thức. Nhưng đừng biến nó thành thói quen. Hãy luôn tỉnh táo nhắc nhở bản thân rằng không được dụi mắt.

Nếu bạn còn muốn nhìn, thì tốt nhất là đừng chạm vào mắt!

Giờ thì bạn đã biết hết tất cả những hậu quả kinh hoàng có thể xảy đến với mắt mình nếu bạn chạm vào chúng rồi đấy. Cảm giác ngứa ngáy có thể là rất khó chịu, nhưng xét về tổng thể nó cũng không quá nghiêm trọng đâu. Hãy tưởng tượng bạn bị mất thị lực do một vết xước ở mắt bị nhiễm trùng, điều mà bạn hoàn toàn có thể tránh được. Vậy tốt hơn cả là đừng làm, đúng không?

Nhưng cũng đừng lo, bởi tôi sẽ không để bạn phải chịu ngứa ngáy mãi đâu. Bạn vẫn có những sự lựa chọn thay thế để làm dịu cơn ngứa của mình đấy.

Hãy luôn mang theo nước nhỏ mắt bên mình

Bởi vì nhiều cơn ngứa được gây ra do những hạt bụi li ti rơi vào mắt, nên hãy luôn mang theo dung dịch nước muối hoặc nước nhỏ mắt bôi trơn. Khi mắt bạn bắt đầu cảm thấy hơi khô hoặc khó chịu, hãy "xối nước" để rửa sạch mắt. Việc đó sẽ giải quyết vấn đề và giúp mắt bạn khỏe mạnh trở lại.

Hãy dùng khăn giấy khi thực sự cần thiết

Đừng lấy tay chạm vào mắt! Chúng bẩn lắm! Thay vào đó, hãy luôn mang theo bên mình một xấp khăn giấy để chấm vào mắt thay vì dụi. Cách làm này sẽ giúp mắt không tiếp xúc trực tiếp với các vi khuẩn trên tay, và bạn sẽ ít có khả năng gây ra bất kì tổn thương nào cho giác mạc của mình. Tuy nhiên cũng đừng nghĩ rằng mình hoàn toàn sạch sẽ khi dùng khăn giấy. Vẫn đừng nên dụi mắt! Chỉ "chấm" thôi!

Hãy dành cho mắt sự chăm sóc chu đáo nhất, và chúng sẽ phô bày cho bạn những cảnh sắc đẹp tươi của thế giới này. Đừng mạo hiểm với thị lực của mình bằng cảm giác thỏa mãn tức thời sau khi dụi mắt cho hết ngứa. Hãy lưu tâm những lời cảnh báo cần thiết. Và hãy chú ý để mắt tới đôi mắt của mình.