9 tháng trước
17 Biện Pháp Giúp Giảm Triệu Chứng Trào Ngược Axit Cực Kì Hiệu Quả
475

5668
Lượt xem
17
Lượt chia sẻ
8
Lượt bình luận

Bạn sợ phải ăn bữa ăn tiếp theo bởi nó có thể sẽ gây ra chứng ợ nóng; bạn thức suốt đêm vì việc nằm xuống sẽ gây ra cảm giác nóng rát ở ngực; và bạn phải uống các loại thuốc kháng axit chẳng có tác dụng gì ngoài việc che đậy vấn đề một cách tạm thời. Ngày nay khoảng 20 phần trăm dân số mắc chứng trào ngược axit, và nó có thể ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của bạn.[1]

Mặc dù thuốc kháng axit có thể kiểm soát cảm giác nóng rát tức thời nhưng bạn biết là ngày hôm sau nó sẽ quay lại ngay thôi - và tiền càng mất mà tật vẫn mang. Tin vui là có nhiều biện pháp giảm trào ngược axit đơn giản từ tự nhiên với chi phí phải chăng, giúp giải quyết tận gốc vấn đề này.

Hiện tượng trào ngược axit xảy ra như thế nào?

Trái với những gì mà chúng ta hay nghe, hiện tượng trào ngược axit thường được gây ra do có quá ít axit trong dạ dày, chứ không phải là có quá nhiều. Nếu dạ dày sản xuất ra quá ít axit thì thức ăn và axit sẽ nằm lại lâu trong đó, gây trì hoãn việc tống thức ăn xuống ruột để làm trống dạ dày. Thức ăn càng ở lại lâu trong dạ dày thì càng có nguy cơ gây kích thích dạ dày, dẫn đến cảm giác nóng rát.

Tất nhiên, chứng trào ngược axit có thể xảy ra khi dạ dày của chúng ta có độ axit cao (tình trạng này được gọi là tăng acid chlorhydric - hyperchlorhydria); nhưng đối với nhiều người thì nó có nguyên nhân là do dạ dày không sản xuất đủ axit (được gọi là giảm acid chlorhydric - hypochlorhydria). Khi được điều trị bằng thuốc, sự sản sinh axit trong dạ dày lại giảm xuống; và vấn đề thường sẽ chỉ tệ hơn bởi lượng axit được tạo ra lại càng ít đi. Điều đó có thể dẫn tới tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng và thiếu chất đạm, chứng kém hấp thu, cũng như nhiều vấn đề khác nữa.

17 biện pháp hiệu quả từ tự nhiên dành cho chứng trào ngược axit

Hãy cùng làm cho cơ thể mình hồi phục lại với 17 biện pháp từ tự nhiên sau đây giúp chữa khỏi chứng trào ngược axit.

1. Hãy làm tăng sự sản sinh axit bằng giấm táo

Giấm táo là một trong những biện pháp ưa thích hằng ngày của tôi để giảm trào ngược axit. Đó là một thức uống sinh axit một cách nhẹ nhàng, có thể giúp làm tăng sự sản sinh axit trong dạ dày của bạn nếu bạn đang thiếu axit.

Để uống nó đúng cách, hãy pha 1 thìa canh giấm táo với 4-6 oz (khoảng 113-170g) nước và uống trước mỗi bữa ăn. Để tăng tác dụng hơn nữa, hãy thêm một lượng nước cốt chanh tương đương 1 thìa cà phê cho đến 1 thìa canh vào thức uống này. Nếu bạn trải qua cảm giác nóng rát trong lúc đang ăn hoặc bạn có vấn đề về việc phân giải thức ăn, thì hãy uống thêm loại thức uống này trong suốt bữa ăn để giúp phân giải thức ăn của bạn.

2. Hãy làm tăng vọt lượng enzim tiêu hóa của bạn

Tương tự như axit dạ dày, các enzim cũng là nhân tố quan trọng trong việc phân giải thức ăn mà bạn ăn vào. Bất kể là bạn đang thiếu enzim hay cần bù trừ tạm thời cho tình trạng thiếu axit dạ dày trong lúc chờ giấm táo phát huy hiệu quả, thì việc dùng thêm các enzim tiêu hóa có thể là một giải pháp tốt trong ngắn hạn để giúp hỗ trợ tiêu hóa một cách tự nhiên.

Hầu hết mọi người đều không cần dùng tới chúng trong suốt phần còn lại của cuộc đời, nhưng chúng có thể sẽ có lợi nếu được dùng trong lúc bạn đang cố gắng để làm tăng sự sản sinh axit dạ dày.

3. HCL và pepsin

Nếu bạn cảm thấy muốn ọe khi nghĩ đến việc phải uống giấm táo, thì vẫn có một sự lựa chọn khác. HCL (hydrochloric acid) là loại axit có sẵn tự nhiên trong dạ dày của bạn để phân giải các đại phân tử như chất đạm. Tuy nhiên nếu bạn có dùng các loại thuốc làm giảm sự sản sinh axit qua thời gian thì bạn có thể sẽ bị thiếu HCL. Việc dùng HCL có thể trực tiếp giúp bạn giải quyết sự thiếu hụt này.

Hãy lưu ý là cách này không áp dụng cho tất cả mọi người; đặc biệt nếu bạn có tình trạng nhiễm trùng dạ dày, như là vi khuẩn helicobacter pylori, thì việc tăng tạo axit có thể khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Điều quan trọng là trước tiên hãy đến bác sĩ để được tư vấn trước khi sử dụng HCL.

Một cách dễ dàng để biết nó có hiệu quả là khi bạn bắt đầu thấy cảm giác ấm áp trong dạ dày. Nếu bạn không cảm thấy thế thì hãy xem xét việc tăng liều thêm một chút cho đến khi bạn có cảm giác ấm áp - nhưng đừng tăng quá mức đó. Việc bổ sung HCL nên được thực hiện trong ngắn hạn mà thôi. Sau một thời gian ngắn, cơ thể bạn sẽ phải có khả năng tự sản xuất ra lượng HCL thích hợp.

4. Hãy ăn nhiều bữa nhỏ thường xuyên hơn

Bạn càng ăn nhiều thì đường tiêu hóa của bạn càng khó theo kịp được. Đặc biệt là nếu cơ thể bạn không có đủ lượng axit và enzim để phân giải thức ăn ngay từ đầu, thì những bữa ăn lớn có thể gây ra những vấn đề đặc biệt nghiêm trọng đấy.

Ngày nay kích cỡ của các khẩu phần ăn đã trở nên mất kiểm soát, và điều đó chẳng có ích lợi gì cả. Khi ăn ở nhà, để có thể ăn những bữa nhỏ hơn thì bạn hãy dùng đĩa nhỏ hơn, hoặc chỉ cho vào đĩa lượng thức ăn bằng kích cỡ nắm tay của mình thôi. Trông có vẻ là một lượng thức ăn ít đến bất ngờ nhưng đó là lượng thích hợp mà cơ thể bạn có thể xử lí được.

Bạn thậm chí có thể xem xét đến việc chia nhỏ các bữa ăn của mình ra như sau:

  • Phần ăn vặt buổi sáng
  • Phần ăn vặt giữa buổi sáng
  • Bữa trưa nhỏ
  • Phần ăn vặt giữa buổi chiều
  • Bữa tối nhỏ

Việc chia nhỏ và "rải" các bữa ăn ra như vậy sẽ tạo điều kiện để cơ thể bạn có thể tiêu hóa hoàn toàn từng phần thức ăn một.

5. Hãy tránh các thực phẩm cay trong chế độ ăn của bạn

Có thể bạn đã ý thức được rằng, nếu bạn mắc chứng trào ngược axit thì các thực phẩm cay sẽ chẳng có ích lợi gì cả. Ớt jalapeños, ớt cayenne, nước chấm cay nóng - những thức ăn đó có thể ngon tuyệt nhưng lại không hợp với cơ thể của bạn đâu. Trong lúc bạn đang cố gắng lập lại sự cân bằng thích hợp về lượng axit trong đường tiêu hóa của mình, thì hãy cố gắng tránh xa các thức ăn có nguyên liệu cay, nhằm tránh làm cho vấn đề của cơ thể thêm trầm trọng hơn.

Những loại gia vị khác mà bạn có thể dùng thay là bột thì là Ai Cập (cumin), tiêu đen và củ nghệ. Đặc biệt, củ nghệ rất tốt cho sức khỏe của hệ tiêu hóa vì nó là một trong những nguyên liệu có hoạt tính kháng viêm mạnh mẽ nhất, nhờ đó cũng có thể giúp giảm sự trào ngược axit.

6. Hãy loại bỏ các thực phẩm gây viêm khỏi chế độ ăn của bạn

Một nhân tố quan trọng góp phần gây ra sự trào ngược axit là loại thực phẩm mà bạn chọn để đưa vào cơ thể mình. Nếu đó là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và được cơ thể chấp nhận, thì cơ thể bạn sẽ không gặp vấn đề gì với nó cả; nhưng nếu đó là thực phẩm đã được chế biến sâu và có khả năng kích ứng, thì nó có thể gây ra các vấn đề như chứng trào ngược axit, chướng bụng và đầy hơi.

Các thực phẩm gây viêm hoặc gây kích ứng thường gặp bao gồm gluten từ bột mì (wheat gluten - dùng để tạo độ dai dính cho thực phẩm), các sản phẩm từ sữa đã được tiệt trùng và đường tinh luyện. Chúng đã được chế biến sâu và bị biến đổi so với trạng thái ban đầu của mình, và cơ thể hầu như không nhận ra chúng là thực phẩm đúng nghĩa, điều đó có thể làm dạ dày bị rối loạn và thường dẫn đến sự trào ngược axit.

Đặc biệt là nếu bạn có vấn đề về việc tiêu hóa các loại thực phẩm này, thì việc ăn chúng có thể đặt thêm gánh nặng lên lượng axit hoặc enzim vốn đã cạn kiệt của bạn. Để giúp toàn bộ cơ thể bạn tự hồi phục lại thì tốt nhất là bạn nên tránh ngay những thực phẩm này, và thay bằng việc tập trung vào những thực phẩm còn nguyên dạng, nhiều màu sắc tự nhiên như rau và trái cây.

7. Hãy loại bỏ luôn những loại thực phẩm có hại này nữa

Nếu bạn muốn tạo điều kiện tốt nhất để cơ thể mình giải quyết vấn đề trào ngược axit, thì việc quan trọng là hãy biết rõ tất cả các loại thực phẩm góp phần gây nên hiện tượng đó hoặc làm cho nó trở nên tồi tệ hơn.

Một vài thực phẩm có hại khác đã được biết là chất cồn, sô cô la, đồ uống có ga, đồ chiên và có nhiều chất béo, tỏi, hành tây, thức ăn cay, bạc hà, cà chua, cam và các loại đồ ăn thức uống có tính axit khác.

Bạn có thể chọn cách loại bỏ những thực phẩm này tạm thời trong vòng vài tháng hoặc vĩnh viễn, trong lúc bạn đang để cho cơ thể tự chữa lành vấn đề của mình bằng cách áp dụng các mẹo khác có trong bài này.

8. Hãy thưởng thức các thực phẩm có tác dụng làm êm dịu sau đây

Tin tốt là có nhiều loại thực phẩm tuyệt vời có thể hỗ trợ cho các nỗ lực của bạn nhằm giải quyết chứng trào ngược axit.

Chúng bao gồm nấm sữa kefir, nước hầm xương, các loại rau lên men, trà lên men kombucha, rau lá xanh đậm, atisô, măng tây, dưa leo, bí đỏ, squash, cá được đánh bắt từ tự nhiên, các chất béo có lợi như quả bơ, hạnh nhân, và mật ong.

Vốn không cay và có khả năng kháng viêm, các loại thực phẩm này sẽ không chỉ giúp bạn tránh xa chứng trào ngược axit mà còn có thể giúp cơ thể trở nên an tĩnh, thúc đẩy sự chữa lành các tổn thương tế bào và quá trình làm trẻ hóa tế bào của đường tiêu hóa.

9. Hãy nhai, nhai và nhai!

Như lời mẹ hay dặn khi bạn còn nhỏ ấy, "hãy nhai thức ăn đi!" Và mẹ đã đúng!

Việc nhai là một phần thiết yếu của quá trình tiêu hóa. Nếu bạn nhai không đủ kĩ thì sau đó cơ thể bạn sẽ buộc phải huy động và tập hợp nhiều nguồn lực hơn (như axit và các enzim) để tiêu hóa thức ăn.

Để tránh làm cơ thể bị căng thẳng hơn nữa, thì đơn giản là hãy nhai nhiều hơn! Bao nhiêu? Hãy đặt mục tiêu nhai 30 lần cho mỗi miếng thức ăn.

Việc nhai sẽ phát tín hiệu để báo cho cơ thể bạn rằng nó cần giải phóng ra các enzim tiêu hóa và sản xuất ra axit để bắt đầu quá trình tiêu hóa. Việc nhai cũng kích thích sự sản sinh nước bọt, vốn chứa những enzim chủ chốt để bắt đầu phân giải thức ăn ngay trong miệng của bạn.

10. Hãy hít thở trước khi ăn

Trong xã hội ngày nay, chúng ta thường mắc phải sai lầm là ăn vội vàng hoặc ăn thật nhanh cho xong bữa để làm tiếp những việc khác. Điều đó có thể gây ra vấn đề cho những người mắc chứng trào ngược axit, vì một vài lí do sau đây.

Trước hết, nếu bạn đang căng thẳng trong khi ăn thì cơ thể bạn sẽ ở trong chế độ "chiến hay chạy" và không tập trung vào việc tiêu hóa. Quá trình tiêu hóa được kiểm soát bởi hệ thần kinh trung ương, và chỉ gồm hai chế độ là "chiến hay chạy" và "nghỉ ngơi và tiêu hóa".

Vậy là, như bạn có thể tự đoán được đấy, bạn sẽ muốn cơ thể mình ở trong trạng thái thứ hai. Để làm được thế thì đơn giản là bạn chỉ việc hít thở thôi!

Hãy thực hiện vài hơi thở sâu để gạt đi cảm giác lo lắng và để đưa ý thức của mình trở lại với thức ăn, việc này sẽ giúp cơ thể bạn được nghỉ ngơi và chuẩn bị cho quá trình tiêu hóa được diễn ra một cách tối ưu, cũng như làm giảm gánh nặng lên các "nguồn lực" khác của hệ tiêu hóa, vốn thường là nguyên nhân dẫn đến sự trào ngược axit.

Hãy thử những bài tập hít thở sau đây để tự làm bản thân mình được thư giãn:

11. Hãy xoa bóp phần bụng trên của bạn

Nếu chứng trào ngược axit của bạn được gây ra do có quá nhiều acid bị trào lên hoặc do sự trì hoãn quá trình đẩy thức ăn và axit xuống ruột để làm trống dạ dày, thì axit thường sẽ có thể sủi lên và tràn vào phần thấp của thực quản, gây ra cảm giác nóng rát thực sự.

Một cách để làm dịu êm và tăng cường sức mạnh cho phần van ngăn cách dạ dày với thực quản là bạn có thể xoa bóp nhẹ nhàng phần hạ sườn (phần đáy của khung xương sườn lồng ngực) ngay chính giữa ngực của mình.

Hãy dùng ngón trỏ và ngón giữa để xoa vùng này theo hình vòng tròn để hỗ trợ sự nhu động và hoạt động chức năng bình thường của hệ tiêu hóa.

12. Hãy uống thêm nước (72 oz - khoảng 2kg hay 2 lít nước)

Một cách đơn giản để "làm nguội đám lửa" là hãy uống thêm nước. Việc này có thể giúp làm loãng lượng acid dư thừa quá mức hoặc "lôi kéo" lượng axit cùng với thức ăn vốn nằm lại dai dẳng trong dạ dày phải di chuyển đi, nhờ đó làm giảm cảm giác trào ngược axit.

Việc uống đủ nước không chỉ tốt trong việc giữ bạn tránh xa chứng trào ngược axit, mà nó còn giúp giảm táo bón cũng như làm cơ thể "mọng nước" trở lại nếu bạn vừa phải trải qua tình trạng tiêu chảy, và nước cũng giúp bạn duy trì một tinh thần minh mẫn sắc sảo nữa.

13. Hãy đánh giá mức độ căng thẳng của bạn

Sự căng thẳng có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến quá trình tiêu hóa, thế nên hãy bắt đầu chú ý tới việc phải chăng bạn thường trải qua hiện tượng trào ngược axit nhiều hơn vào những lúc bị căng thẳng cao độ.

Như đã đề cập ở trên, khi chúng ta bị căng thẳng, cơ thể sẽ ở trong chế độ "chiến hay chạy" chứ không phải trạng thái "nghỉ ngơi và tiêu hóa", và điều đó có thể gây ra các vấn đề liên quan đến việc đẩy thức ăn xuống ruột để làm trống dạ dày, trong đó có cả vấn đề về axit. Nó cũng có thể làm cơ thể bạn bị "trục trặc" và rối loạn, tạo ra quá nhiều hoặc quá ít axit, mà cả hai trường hợp đều có thể dẫn tới sự trào ngược axit.

Hãy kết hợp các bài tập thở để làm dịu căng thẳng, hãy cắt giảm bớt danh sách những việc cần làm nếu được, và thậm chí hãy xem xét việc bắt đầu hình thành thói quen tập yoga hoặc tập thiền hằng ngày.

14. Hãy uống nước ép nha đam

Nước ép nha đam có tác dụng đáng kinh ngạc trong việc làm dịu và chữa lành tổn thương của đường tiêu hóa, đặc biệt trong trường hợp axit là nguyên nhân gây ra vấn đề. Cũng hệt như việc nó chữa lành vết cháy nắng trên da, nó cũng có thể làm dịu lớp tế bào lót mặt trong đường tiêu hóa của bạn khỏi những tổn thương hoặc phản ứng viêm do axit gây ra.

Hãy uống 1/4 - 1/2 cốc nước ép nha đam được trồng theo phương pháp hữu cơ (quan trọng là hãy tìm đến những nhãn hiệu không chứa bất kì một chút đường hay phụ gia nào cả) trước bữa ăn, hoặc vào bất kì thời điểm nào trong ngày khi bạn trải qua hiện tượng trào ngược axit.

15. Đừng ăn muộn vào buổi tối

Bạn đã bao giờ nằm ườn ra giường chỉ chốc lát sau khi ăn xong, và thấy cảm giác nóng rát xuất hiện? Đó là vì thức ăn và axit vẫn còn đang trong quá trình tiêu hóa tại dạ dày. Việc bạn nằm ngang sẽ làm chúng dâng lên đến gần thực quản.

Hãy lên giường ngủ ít nhất là hai giờ sau khi ăn bởi đó thường là khoảng thời gian cần thiết để thức ăn rời khỏi dạ dày và đi xuống ruột. Vậy nếu bạn đi ngủ khoảng lúc 10 giờ tối, thì hãy ăn trước 8 giờ tối.

16. Hãy thưởng thức những loại thảo mộc làm mát sau đây

Giống như nước ép nha đam, cũng có những cách khác để làm dịu và làm mát cơ thể khỏi cảm giác nóng rát do axit. Trong số đó có cây du đỏ (slippery elm), rễ cây marshmallow, hoa cúc La Mã (chamomile) và rễ cây cam thảo. Tất cả các thảo mộc này có thể được dùng dưới dạng viên con nhộng, thuốc lỏng pha trong cồn (tincture) hoặc trà thảo mộc, chúng rất dễ tìm, dễ sử dụng và có những lợi ích đáng kinh ngạc đối với sức khỏe của hệ tiêu hóa.

Không chỉ có tác dụng chống lại cảm giác nóng rát do sự trào ngược axit gây ra, mà chúng cũng giúp làm dịu và chữa lành các tổn thương của lớp lót mặt trong ruột.

17. Hãy dùng baking soda (muối nở) nếu cần thiết

Muối nở có nhiều ích lợi cho sức khỏe và cũng có thể làm giảm nhanh cảm giác khó chịu do sự trào ngược axit gây ra. Vì nó là một loại bazơ (base) chứ không phải axit, nên nó có thể giúp trung hòa axit dạ dày kể cả khi cơ thể bạn tạo ra ít axit. Nhưng vì có khả năng làm giảm độ axit của dạ dày mà nó chỉ nên được dùng một cách hạn chế thôi.

Cách uống muối nở là hãy trộn 1/2 thìa cà phê muối nở vào 1/4 cốc nước. Nếu sau vài phút mà bạn vẫn còn cảm giác nóng rát thì hãy uống tiếp như vậy cho đến khi cảm giác đó mất đi.

Quan trọng là chỉ áp dụng cách này nếu bạn cũng đang trong quá trình cố gắng làm tăng cao mức acid cơ bản bình thường của dạ dày, bởi đó mới là biện pháp sẽ giúp giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Muối nở là một sự lựa chọn thay thế có tính tự nhiên và lành mạnh hơn nhiều so với những loại thuốc kháng axit hạng nặng.

Kế hoạch khắc phục chứng trào ngược axit của bạn

Hãy bắt đầu bằng việc kết hợp một hoặc hai mẹo trong bài này vào cuộc sống của bạn, và tăng dần lên nếu cần thiết. Mỗi mẹo trên đây đều có hiệu quả đáng kinh ngạc, và có lẽ bạn chỉ cần đến một hoặc hai mẹo trong số đó là đủ để tạo ra một sự khác biệt đáng kể rồi. Tuy nhiên qua thời gian, những sự thay đổi đó sẽ giúp khôi phục chức năng đường tiêu hóa của bạn. Nếu bạn còn có những vấn đề nào khác của hệ tiêu hóa thì chúng cũng có thể giải quyết ngay được thôi.

Chúc bạn gặp thật nhiều may mắn!

Để biết thêm về các mẹo giúp cải thiện sức khỏe đường tiêu hóa, hãy đảm bảo là bạn sẽ đọc qua các bài viết của tôi là 13 Biện Pháp Giảm Đau Dạ Dày Tại Nhà và 10 Biện Pháp Chữa Tiêu Chảy Từ Tự Nhiên Giúp Bạn Cảm Thấy Khỏe Hơn Một Cách Nhanh Chóng.

Nguồn ảnh bìa: Pexels từ pexels.com

Tài liệu tham khảo