1 tuần trước
Tại Sao Chúng Ta Vẫn Duy Trì Những Thói Quen Xấu?
1143

14.3K
Lượt xem
188
Lượt chia sẻ
7
Lượt bình luận

Tất cả chúng ta đều biết thế nào là một thói quen xấu. Hút thuốc lá, ăn những thực phẩm không lành mạnh, dùng rượu quá mức và một lối sống ít vận động chỉ là một vài trong số những thứ liên tục đập vào tai chúng ta như là những hành vi nên tránh để tăng cường sức khỏe tổng quát của cơ thể.

Song một nghiên cứu được tiến hành bởi các nhà khoa học của Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kì (U.S. Centers for Disease Control and Prevention - CDC) đã phát hiện rằng trong năm 2000, những hành vi có thể tránh được như chế độ ăn kém đa dạng, thiếu thể dục, hút thuốc lá và uống rượu là một vài trong số những nguyên nhân đứng đằng sau gần một nửa số ca tử vong tại Mĩ:[1]

  • Thuốc lá: 435.000 ca (18.1% tổng số ca tử vong)
  • Thiếu vận động và ăn uống không tốt: 400.000 ca (16.6%)
  • Tiêu thụ rượu: 85.000 (3.5%)

Nếu chúng ta biết những thói quen xấu là có hại đến thế đối với sức khỏe, tại sao chúng ta vẫn tiếp tục làm?

Tại sao chúng ta không thể cưỡng lại các thói quen xấu

Tất cả chúng ta đều đắm chìm trong những hành vi mà ta biết là không tốt cho mình và có một vài lí do cho việc chúng ta bất chấp tất cả để tiếp tục những thói quen này.

Các thói quen xấu cho bạn cảm giác thoải mái mà bạn cần

Điều đầu tiên là nhu cầu của chúng ta muốn được cảm thấy thoải mái và sẵn sàng làm mọi việc cần thiết để đạt được trạng thái đó.

Mỗi một hành động bạn thực hiện đều có một mục đích đằng sau nó, kể cả khi bạn không thực sự tỉnh táo để ý thức được nó là gì, và mục đích bị ẩn giấu thường gặp nhất là cảm giác thoải mái. Bộ não của chúng ta được thiết kế để hoạt động dựa trên việc được thưởng và "phần thưởng" của chúng ta là cảm giác thoải mái, mà đến lượt nó, lại kích thích cơ thể tiết ra dopamine hay còn gọi là nội tiết tố "dễ chịu".[2] Điều này khiến chúng ta lại thèm muốn nó nhiều hơn và thế là chúng ta liên kết cảm giác thoải mái này với thói quen xấu đã tạo ra nó.

Điều này giải thích tại sao chúng ta lại tiếp tục đắm chìm trong những thói quen xấu và cảm thấy rất khó để dừng lại; nó làm ta thoải mái và chúng ta về cơ bản là có cơ hội được sống trong "vùng an toàn" của mình. Nói cách khác, bạn bị hấp dẫn bởi phần thưởng dù biết nó không tốt cho mình.

Việc hút thuốc lá trong giờ nghỉ giải lao tại nơi làm việc khiến não bạn liên kết thói quen đó với sự tự do khi thoát khỏi công việc và được thư giãn, hoặc việc uống rượu có thể được liên kết với buông thả bản thân đôi chút và có một khoảng thời gian thoải mái sau một tuần làm việc vất vả. Ý nghĩ về việc tập thể dục và cố gắng thay đổi chút gì đó bị lấn át bởi suy nghĩ "dễ dàng hơn" là ngồi yên trong chiếc ghế trường kỉ và xem chương trình truyền hình yêu thích. Vậy là bạn có thể thấy thói quen được liên kết với phần thưởng dễ dàng thế nào rồi đấy.

Những người khác cũng đang có những thói quen xấu cả thôi

Chúng ta thường có xu hướng hợp thức hóa những hành vi xấu của mình nếu toàn thể xã hội xem nó là chấp nhận được. Nếu một số đông người cũng đang làm điều tương tự, thì chúng ta có làm cũng chẳng sao cả. Không khó để tìm ra những thói quen xấu được xã hội chấp nhận rộng rãi. Ăn vặt, bỏ tập thể dục và thậm chí hút thuốc lá là những việc mà rất nhiều người vẫn đang làm.

Điều này tạo ra một sự hợp thức hóa nội tại trong bản thân chúng ta khi nói đến những thói quen xấu, kiểu như "Thêm một lần nữa có hại gì ai đâu" hay "Tuần sau mình sẽ cải thiện, hôm nay mình đã căng thẳng quá rồi". Những lời biện hộ tức thời này thường có xu hướng được dẫn dắt bởi cảm giác tội lỗi khi biết rằng có lẽ chúng ta đang đưa ra những lựa chọn sai lầm về lâu về dài.

Chúng ta cũng nhìn sang những người khác để tìm những ví dụ giúp hợp thức hóa những quyết định sai lầm của mình, chẳng hạn như "Ông của tôi ngày nào cũng hút thuốc và vẫn sống đến 90 tuổi." Tâm trí của chúng ta thích tìm ra những bằng chứng ủng hộ các quyết định của mình, dù nó là tốt hay xấu.

Hậu quả của việc tiếp diễn những thói quen xấu

Hầu hết mọi người đều biết hậu quả của những thói quen kiểu này. Những lời cảnh báo được in đầy trên những bao thuốc lá nói về việc bạn sẽ bị ung thư. Các chính phủ phát động những chiến dịch ăn uống lành mạnh và việc cần thiết phải hoạt động thể chất nhiều hơn thông qua quảng cáo và các chương trình truyền hình. Nhưng những hậu quả thực sự về lâu dài của việc duy trì liên tục những thói quen xấu là gì?

  • Ung thư, bệnh tật và sự hủy hoại các tế bào của cơ thể
  • Cảm giác không hạnh phúc và trầm cảm
  • Sức khỏe thể chất tổng quát không tốt dẫn đến các cơn đau hoặc mệt mỏi
  • Tăng những vấn đề về thể chất khi có tuổi

Hầu hết những hậu quả này có thể chỉ thể hiện ra một cách mờ nhạt và chậm rãi, nghĩa là chúng ta không chú ý tới chúng và dễ dàng bỏ qua cho những quyết định của mình ở thời điểm hiện tại. Nhưng việc ý thức rõ về những quyết định mình đưa ra hôm nay có thể giữ cho sức khỏe tổng quát của chúng ta được sung mãn tràn trề và vẫn liên tục duy trì như thế trong lúc đầu tư cho tương lai của chính mình.

Để có thêm những ví dụ về những thói quen xấu thường gặp và làm thế nào để dừng chúng lại, hãy tìm hiểu thông qua bài viết này: 13 Thói Quen Xấu Bạn Cần Bỏ Ngay Lập Tức

Làm thế nào để dừng những thói quen xấu này lại

Không dễ để dừng những thói quen đã ăn sâu vào cuộc sống thường ngày của chúng ta. Với thực tế rằng căng thẳng đôi khi là tác nhân chính châm ngòi cho một thói quen xấu, thì giải pháp nằm ở chỗ tái lập trình lại tâm trí của chúng ta. Tôi đã bao hàm vấn đề này trong một bài viết khác của mình là Làm Thế Nào Để Lập Trình Tâm Trí Của Bạn Nhằm Đánh Bật Thói Quen Xấu, bây giờ hãy để tôi nói ngắn gọn về giải pháp này:

  1. Đầu tiên, hãy ý thức rõ những thói quen này là gì và chúng ta thực hiện chúng thường xuyên đến mức độ nào. Chính xác thì điều gì khơi mào cho thói quen đó? Phải chăng việc thực hiện nó là một quyết định vô thức? Trước tiên hãy tự hỏi tại sao mình lại hình thành nên thói quen đó. 
  2. Thứ hai, hãy tự cam kết với bản thân rằng bạn muốn loại bỏ thói quen xấu đó. Giờ bạn đã hiểu điều gì có thể khơi mào cho nó, bạn có thể tìm ra một thứ khác tích cực hơn để thay thế không? Ví dụ, bạn với tay lấy một thanh chocolate sau một ngày vất vả. Bạn có thể tìm ra một món ăn vặt lành mạnh hơn để làm phần thưởng cho mình không? Hoặc giảm số lần mình được phép ăn chocolate lại? Nếu căng thẳng là tác nhân khơi mào, hãy thử tập chạy bộ một chút và cho bộ não một lí do khác để tiết ra dopamine thay vì ăn vặt.
  3. Thứ ba, hãy kiên trì. Chìa khóa để hình thành thói quen mới là sự kiên trì. Đúng vậy, sẽ khó khăn lúc ban đầu nhưng bộ não của bạn sẽ sớm thích nghi với những cách thức mới để làm mọi việc cho đến khi những điều đó trở nên hoàn toàn tự nhiên đối với bạn. Hãy chuyển đổi cơ chế phần thưởng theo hướng ăn mừng việc mình duy trì những thói quen tốt mới có được thay vì những thói quen xấu trước đây.

Tất cả là nhằm hướng tới việc huấn luyện bản thân bạn theo một cách suy nghĩ mới và tích cực.

Một cuộc sống hạnh phúc và tích cực hơn bắt đầu từ những thói quen mà chúng ta lựa chọn để tập cho mình. Hãy ý thức rõ những thói quen của bạn đang đi theo hướng nào và hãy bắt đầu thay đổi cách tư duy theo hướng đầu tư cho sức khỏe và tổng trạng của cơ thể. Điều đó không chỉ vì chính tương lai của bản thân bạn mà còn để sống trong hiện tại một cách khỏe mạnh và tích cực.

Tài liệu tham khảo