4 tuần trước
Vạch Trần 10 Giai Thoại Về Não Trái Não Phải
634

6945
Lượt xem
25
Lượt chia sẻ
3
Lượt bình luận

Bạn muốn biết cách làm chủ bộ não của mình và dễ dàng tránh xa những luồng thông tin hỗn loạn thông thường mà phần lớn mọi người đều gặp phải, đúng không?

Vậy thì bạn tìm đến đúng chỗ rồi đấy.

Tôi sắp sửa vạch trần 10 giai thoại lớn nhất về bộ não, trong đó có cả câu chuyện bạn hay nghe về việc người "thuận não trái hay thuận não phải".

Và với mỗi giai thoại, bạn sẽ học được một vài cách đã được chứng minh để đối phó với chúng.

Vậy thì còn chần chừ gì nữa, vào việc ngay thôi!

Giai thoại #1: Niềm tin rằng bạn là người "não trái hay não phải"

Nhiều khả năng là, một ngày đẹp trời nào đó, trong lúc đang lang thang mơ màng hạnh phúc trên Internet, thì bạn lướt qua ý tưởng về não trái não phải.

Đây là giai thoại nói về việc bạn hoặc là một người sống bằng hiện thực lí trí (não trái), hoặc là mẫu người thiên về bản năng, nghệ thuật và tưởng tượng (não phải).

Điều đó không đúng.

Bộ não của bạn là một cơ quan vô cùng tinh vi và phức tạp. Bất chấp hàng thập kỷ nghiên cứu và tìm hiểu, bộ não vẫn là một thứ mà chúng ta còn biết rất ít.

Ngay cả như vậy, thì chỉ cần tra Google "tính cách não trái não phải" là bạn sẽ được trả về tới tấp những trang kết quả. Trang nào cũng đều khẳng định sẽ cho bạn biết bạn thuộc loại nào.

Ý tưởng não trái não phải này bắt nguồn từ những năm 1960, như một kết quả nghiên cứu được thực hiện bởi Roger W. Sperry.[1]

Ai cũng biết nửa trái và nửa phải của não là khác nhau, nhưng liệu chúng ta có thể phân nhóm mọi người thành người não trái hay người não phải không? Có đơn giản vậy không?

Một nhóm nhà khoa học thần kinh tại Đại học Utah đã dành hai năm để kiểm chứng điều này, nghiên cứu hơn 1000 bộ não người để xem liệu có đúng như vậy không. Điều mà nghiên cứu này tiết lộ là, tính trung bình cả hai bán cầu não đều hoạt động xấp xỉ ngang nhau.

“Ngôn ngữ có xu hướng nằm bên trái, sự tập trung chú ý thiên về bên phải. Song mọi người không có xu hướng sở hữu một bộ não mạnh về bên trái hay bên phải hơn. Dường như nó được quyết định bởi các kết nối nhiều hơn.”  – Tiến sĩ Jeff Anderson (trưởng nhóm tác giả)[2]

Vậy hãy cẩn thận khi lướt web. Những đấng cứu thế tự xưng của bộ não không phải lúc nào cũng là người thực hiện nghiên cứu, và trong khi những hình ảnh như trên trông có vẻ thú vị, thì chúng lại không được chính xác lắm. Bạn không hề bị bó buộc bởi não trái hay não phải đâu.

Bài học:

Người ta không đơn thuần hoặc lí trí hoặc sáng tạo. Bạn có thể có cả hai.

Đừng tự giới hạn suy nghĩ và năng lực của mình bởi niềm tin vào giai thoại này. Bạn sẽ giỏi hơn trong những việc bạn làm.

Giai thoại #2: Niềm tin rằng bạn bị lập trình cho hạnh phúc

Nhiều người mà tôi từng kèm cặp suốt những năm qua đã thể hiện sự sai lầm làm nản chí này:

Chúng ta có xu hướng nghĩ về những vấn đề, nỗi lo, v.v, như là chỉ riêng mình mới có. Chúng ta tin một cách sai lầm rằng mình là cá biệt về khoản này.

Tuy nhiên hãy để tôi tiết lộ cho bạn một điều sau khi đã làm việc với hàng chục NGHÌN người trên khắp thế giới. Một điều có thể sẽ làm bạn kinh ngạc.

Những thiên kiến và sai lầm trong trí óc của chúng ta là khá phổ biến. Chúng ta có xu hướng phạm phải những sai lầm tương tự nhau.

Thay vì cá thể hóa tất cả những vấn đề của bạn và tự đồng nhất mình với chúng một cách quá đáng, sẽ thế nào nếu bạn nhìn nhận những thử thách mình phải đối mặt như là những vấn đề do bộ não nói chung sinh ra, chứ không phải là điều bạn đang làm?

Hãy nghĩ theo hướng này:

Tưởng tượng bạn có một chiếc điện thoại di động bị lỗi chỉ hoạt động được 100% khả năng trong 2 giờ liên tục. Sau đó nó cần một khoảng thời gian nghỉ ngắn.

Giờ bạn có thể xem đây là vấn đề của chiếc điện thoại, bạn tức giận và thất vọng vì đã gặp xui xẻo như vậy.

Hoặc là bạn có thể nhìn nhận sự thật.

Nhỡ đâu đó chỉ là một lỗi của nhà sản xuất thì sao? Nhưng là lỗi mà bạn không thể "sửa" ngay lập tức bằng cách đến cửa hiệu Apple bởi vì nó được làm ra từ hai triệu năm trước dành cho một môi trường khác.

Rõ ràng tôi đang đơn giản hóa sự việc đi chút ít (Thôi được rồi, thì là rất nhiều vậy). Tuy nhiên trọng tâm mà tôi muốn nói chỉ đơn giản:

Những vấn đề của bạn không phải là cá biệt. Tất cả chúng ta đều phải chịu đựng chúng. Vậy hãy lên kế hoạch cho những khó khăn cạm bẫy để bạn có thể tránh được chúng.

“Chúng ta có một bộ não hai triệu năm tuổi không được thiết kế để hạnh phúc, mà để tồn tại.”  — Tony Robbins

Như câu trích dẫn trên đã tóm gọn rất hay, bộ não của bạn được thiết kế ra để giúp bạn đầu tiên và trên hết là sống sót. Cơ chế này vừa chuyên sâu vừa phức tạp.

Trong công việc của mình, chúng tôi thường xuyên xác định những kiểu mẫu tiềm thức này và đảm bảo chúng được vận hành kết hợp với những mục tiêu rõ ràng cụ thể mà bạn khao khát đạt được.

Một điều mà phần lớn mọi người hoàn toàn không ý thức hoặc không quan tâm khám phá, vì vậy họ bị bó buộc phải lặp lại những sai lầm giống nhau hết lần này đến lần khác bất kể đã cố gắng thế nào.

Những "lỗi phần mềm" này là thứ chúng ta đều trải qua lúc này hay lúc khác:

  • Không cảm thấy có động lực để tới phòng tập gym
  • Thiếu tự tin khi bắt đầu một ý tưởng hay dự án mới
  • Ngẫu nhiên bị ảnh hưởng bởi những cảm giác hay trạng thái tinh thần kì quặc

Nhưng sự khác biệt giữa những người thành công với những người hời hợt và thất bại rất đơn giản:

Làm việc không ngừng nghỉ ở những điểm yếu của chúng ta và lên kế hoạch cho chúng.

Bài học:

Hãy nghĩ về bộ não của bạn như một chiếc máy tính cũ, đầy những lỗi và virus phổ biến mà tất cả chúng ta đều phải chống lại.

Hãy chấp nhận những thiếu sót này, học cách chúng thể hiện ra trong trường hợp riêng của bạn, sau đó làm việc để cải thiện chúng nhằm đạt được hiệu quả cao hơn.

Giai thoại #3: Niềm tin rằng đặc điểm tính cách của bạn là cố định

Bạn có những đặc điểm tính cách (thường từ thời thơ ấu) mà (đối với hầu hết mọi người) sẽ không thay đổi.

Nhưng trước khi trở nên nản chí và với tay lấy lọ bánh quy chocolate lần nữa, hãy nhớ điều đó không có nghĩa là bạn KHÔNG THỂ thay đổi.

Chỉ cần bỏ công sức ra thôi.

Trên thực tế, hầu hết mọi người vẫn không thay đổi tính cách của mình vì hai lí do:

  • Họ thích sự lựa chọn an toàn, thoải mái là giữ nguyên như cũ (thẳng thắn đi - việc đó dễ lắm)
  • Họ không biết rằng mình có thể thay đổi

May cho bạn, chúng tôi đã xua tan đi ý tưởng rằng bạn không thể thay đổi đặc điểm tính cách của mình rồi. Vậy là bạn đã ngay lập tức đi trước hầu hết mọi người.

Có rất nhiều lý thuyết và ý tưởng khác nhau về việc tính cách của bạn là gì, làm sao đo lường được chúng và tại sao chúng lại như vậy.

Sự thống nhất chung cho rằng nó được định hình (nói chung) trong những năm đầu đời của chúng ta và duy trì ổn định qua thời gian.

Được chấp nhận rộng rãi nhất là cái được gọi là "Mô hình Năm Yếu tố", phát biểu rằng có năm đặc điểm tính cách cơ bản có thể định danh chúng ta: cởi mở, tận tâm, hướng ngoại, dễ chịu, và bất ổn.

Những đặc điểm này định hình và ảnh hưởng đến cách chúng ta phản ứng với những sự kiện và trải nghiệm khác nhau trong cuộc sống.

Nhưng quan trọng là đây:

Những sự kiện trọng đại, những trải nghiệm đau thương, tất cả đều có thể kích hoạt những thay đổi về việc chúng ta là ai, và chúng ta như thế nào.

Một trong những nghiên cứu mới nhất tích hợp 14 nghiên cứu cắt dọc theo thời gian thu thập thông tin về tích cách của người tham gia, đã phát hiện điều đó trong cả Năm Yếu tố đặc điểm tính cách - tất cả chúng đều cho thấy những dao động lớn trong suốt đời sống của những người tham gia.[3]

Bài học:

Cách tốt nhất để nghĩ về tính cách của bạn là hình dung nó như một chiếc khuôn đất sét. Nó đã có sẵn hình dạng thô rồi, cứng dần qua thời gian. Nhưng bạn có thể tác động để thay đổi và điều chỉnh nó.

Giai thoại #4: Niềm tin rằng bạn chỉ sử dụng 10% bộ não

Giai thoại này đơn giản là không đúng. Nếu tôi cắt bỏ 90% bộ não của bạn, liệu bạn có còn hoạt động bình thường?

Không!

Hãy tưởng tượng những điều đã biết về bộ não giống như thể tích không khí bên trong một quả bong bóng.

Và hãy tưởng tượng những gì chưa biết là khoảng không gian vô tận bên ngoài quả bóng.

Bề mặt của quả bóng, mặt tiếp xúc giữa cái đã biết và cái chưa biết, tượng trưng cho những câu hỏi. Thể tích bên trong càng lớn, thì bề mặt quả bóng càng lớn.

Chúng ta biết càng nhiều, chúng ta lại càng có nhiều câu hỏi.

Đơn giản là không phải chúng ta chỉ sử dụng 10% bộ não.

Mà chính xác hơn là không phải lúc nào chúng ta cũng thể hiện hết năng lực tinh thần tối đa của mình.

Những nhân tố khác nhau - động lực, môi trường, sức khỏe tổng quát, giấc ngủ - tất cả đều tác động theo những mức độ khác nhau ảnh hưởng đến việc chúng ta có thể đạt gần đến đâu so với 100% khả năng tại mỗi thời điểm nhất định.

Vậy tại sao lại tồn tại giai thoại này? Tại sao nó lại hấp dẫn đến vậy?

Có lẽ bởi vì thông qua những tiềm năng chưa được tận dụng của con người, nó ngụ ý chúng ta có một vốn năng lực tinh thần khổng lồ đang ngủ quên, mà nếu được sử dụng có thể giúp chúng ta đạt nhiều thành tựu hơn nữa.

Bài học:

Chúng ta không chỉ sử dụng 10% bộ não của mình. Chúng ta dùng 100%.

Song không phải ai cũng đang thể hiện và đạt được tới những trình độ cao nhất của mình. Hãy tìm ra những vật cản đường mình và làm việc để cải thiện mỗi ngày.

Giai thoại #5: Niềm tin rằng những người thông minh có bộ não lớn hơn

Khi nói đến kích thước, chúng ta bị ám ảnh bởi niềm tin rằng lớn hơn là tốt hơn.

Sự thật đơn giản là một bộ não to hơn không hề liên hệ mật thiết hay chỉ điểm cho trí thông minh của chúng ta.

Một cách rất dễ dàng để vạch trần giai thoại này là nhìn vào vương quốc các loài vật. Một con bò có bộ não to hơn một con tinh tinh. Nhưng nó có thông minh hơn không?

Cá voi và voi có bộ não lớn hơn con người. Nhưng chúng có thông minh hơn không?

Nhiều nhà khoa học thần kinh hiện nay nhất trí rằng không phải kích thước, mà là độ phức tạp của các liên kết thần kinh mới thực sự quyết định năng lực và tiềm năng của một bộ não.

Nói cách khác, kích thước không phải vấn đề quan trọng nhất. Mà là các phần khác nhau trong bộ não của bạn liên hệ với nhau hiệu quả đến đâu.

Bài học:

Quan trọng nhất không phải là bộ não của bạn to cỡ nào, mà là các phần khác nhau trong đó liên hệ với nhau tốt đến đâu.

Hãy rèn luyện bộ não của bạn để kết nối các ý tưởng, cảm giác, trí tuệ với nhau và không ngừng học hỏi mỗi ngày.

Giai thoại #6: Niềm tin rằng nam giới và nữ giới có bộ não khác nhau

Trong số tất cả những giai thoại ở đây, điều này có lẽ là tai hại nhất.

Nó buộc bạn phải cư xử theo một thành kiến rằng bạn nên hoặc không nên hành xử như thế nào cho hợp với giới tính của mình.

Hãy cùng bắt đầu với điều thật sự đúng đắn.

Phải, có một vài sự khác biệt rất rất nhỏ về mặt giải phẫu giữa bộ não của nam giới và nữ giới.

Tuy nhiên sự khác biệt này chưa bao giờ được liên hệ với khác biệt về năng lực. Điều chúng ta biết là, bất kì sự phân biệt nào được tạo ra cũng đều là sản phẩm phụ do bối cảnh văn hóa của chính chúng ta.

Nếu có một sự khác biệt hay bất bình đẳng nào đó, thì chính là do xã hội của chúng ta tạo ra.

Một nhận thức sai lầm phổ biến là phụ nữ sẽ làm tốt hơn khi bạn kiểm tra họ một cách phù hợp bằng trí thông minh cảm xúc và sự cảm thông. Tuy nhiên giải phẫu học của bộ não lại trái ngược với điều này.

Hồi hải mã, vùng não liên quan với trí nhớ, thông thường sẽ lớn hơn ở nữ giới, trong khi hạch hạnh nhân, liên quan với cảm xúc, lại lớn hơn ở nam giới, điều khá trái ngược với giai thoại.

Bài học:

Giới tính không quyết định số phận của bạn giỏi và dở việc gì. Nó thường chỉ là kết quả từ bối cảnh văn hóa của chúng ta mà thôi.

Hãy tự xem xét lại thiên kiến về giới của mình và tránh thành kiến về bản thân hay những người khác dựa vào đó.

Giai thoại #7: Niềm tin rằng bạn biết điều gì làm mình hạnh phúc

Điều này có thể làm bạn ngạc nhiên đôi chút, phải vậy không?

Hít thở sâu nào. Hãy để tôi giải thích:

Chúng ta thường hay tin rằng ta biết chính xác điều gì làm mình hạnh phúc hay buồn rầu.

Tuy nhiên sự thật là điều này không (hoàn toàn) đúng. Chúng ta đang đánh giá cao quá mức về độ hạnh phúc mà một thứ gì đó mang lại cho mình - quà tặng, sự thăng tiến, hôn nhân, li hôn - đó là những cái tên bạn dùng để gọi chúng.

Ngay cả khi nói đến tiền, vô số nghiên cứu đã cho thấy rằng khi vượt quá một mức nhất định (khoảng 77.000 USD/năm), tiền cũng không thật sự làm chúng ta hạnh phúc thêm nhiều nữa.

Mặt khác, những thứ mà chúng ta lo sợ và né tránh lại không làm chúng ta buồn rầu nhiều như mình nghĩ.

Việc phải đi làm vào sáng thứ Hai không hề tệ như chúng ta nghĩ, cũng như cuộc nói chuyện kinh khủng với một người bạn hay một thành viên có mâu thuẫn trong gia đình.

Những bi kịch làm tan vỡ tâm hồn nặng nề nhất - chia tay, mất đi một người yêu quý - làm chúng ta thất vọng và đau buồn, nhưng không kéo dài lâu như chúng ta đoán trước.

Bài học:

Mọi thứ không bao giờ tệ hại như vẻ ban đầu, hay cũng không tốt đẹp như lúc thoạt trông. Bạn không thực sự quá giỏi trong việc dự đoán mình đã, hay sẽ cảm thấy thế nào về quá khứ và tương lai đâu.

Giai thoại #8: Niềm tin rằng bạn mất dần năng lực trí tuệ theo thời gian

Khi còn trẻ, chúng ta dễ chấp nhận rủi ro và thử những điều mới mẻ hơn tới một mức độ nào đó. Nhưng khi già đi, chúng ta lại tìm kiếm sự thoải mái và những thói quen thường lệ.

Cho đến khi, rốt cuộc những khuôn mẫu và lệ thường đó trở thành xiềng xích bó buộc.

Có thể đó là lí do vì sao bạn đã không:

  • Duy trì thói quen tập thể lực hay yoga mà bạn muốn thành thục
  • Hoàn thành cuốn sách mà bạn đã nói rằng muốn viết và được xuất bản
  • Bắt tay vào ý tưởng kinh doanh mà bạn vẫn luôn hằng nghĩ và nói tới

Nhiều người rơi vào cái bẫy này, tin rằng mình "mất dần" theo thời gian, và sai lầm về tinh thần này nhanh chóng đưa họ vào một vòng xoáy đi xuống của sự trì trệ và tầm thường.

Tôi muốn bạn nhận ra một điều:

Bộ não và trí tuệ của bạn có thể tốt lên theo thời gian.

Vì thế hãy phấn khởi lên, đừng nản chí!

Chẳng hạn như trong giới kinh doanh, ai cũng biết bạn sẽ là một doanh nhân giỏi hơn khi bạn càng có tuổi. Điều tương tự cũng đúng với rất nhiều lĩnh vực khác.

Tất nhiên có một số kỹ năng nhận thức sẽ giảm dần hiệu quả khi bạn già đi - như học ngôn ngữ mới, ghi nhớ một dãy từ ngẫu nhiên, đếm ngược dãy số cách bảy đơn vị.

Nhưng ai thèm quan tâm chứ?

Vốn từ vựng, đánh giá nhân cách, thông hiểu xã hội, giải quyết mâu thuẫn, điều hòa cảm xúc và xác định mục đích - đây mới là tất cả những vấn đề quan trọng, mà đã được chứng minh là tốt hơn lên theo thời gian.

Nghe hào hứng quá phải không?

Vâng, để tôi đưa bạn tiến thêm một bước xa hơn.

Bạn không chỉ có thể thông minh hơn theo thời gian, mà thậm chí có thể tiếp tục (theo đúng nghĩa đen) gia tăng bộ não của mình.

Một bộ não hoạt động tích cực, ví dụ như học ngôn ngữ mới, thử những kỹ năng và thú vui mới, sẽ phát triển một mạng lưới kết nối phong phú hơn giữa các tế bào não. Xa hơn nữa, "sự tăng trưởng não bộ" này cũng giúp ngăn ngừa chứng sa sút trí tuệ và các bệnh khác.

Vậy là, không, sự suy giảm trí tuệ của bạn không phải là tất yếu. Mà trái lại, hiệu ứng này có thể bị chặn đứng và thậm chí đảo ngược thông qua việc rèn luyện trí óc. Hay nhất là bạn thậm chí không cần phải làm điều đó quá lâu.

Trong một nghiên cứu với hơn 3.000 người từ 65 tuổi trở lên, chỉ 10 giờ rèn luyện trải dài trong vài tuần về trí nhớ, giải quyết vấn đề và ra quyết định đã tạo ra sự gia tăng về năng lực nhận thức một cách đáng kể và lâu dài.

Bài học:

Hãy dành ra 10 tới 15 phút mỗi ngày cho việc rèn luyện trí nhớ, giải quyết vấn đề và ra quyết định.

Một trong những sở thích của tôi (rất vui) là giải những thế cờ vua miễn phí trên trang lichess.com.

Giai thoại #9: Niềm tin rằng có 5 giác quan & một phép đo trí thông minh

Nếu tôi bảo rằng bạn không chỉ có 5 giác quan thì sao? Và trường lớp chỉ kiểm tra bạn bằng một phép đo trí thông minh?

Bạn sẽ tin tôi chứ?

Một niềm tin phổ biến dai dẳng mà hầu hết chúng ta đều có là chúng ta có 5 giác quan và một kiểu trí thông minh.

Đó cũng không phải lỗi của bạn, toàn bộ mô hình giáo dục của chúng ta chỉ luôn kiểm tra ta với một "kiểu" trí thông minh - thông qua các kì thi và bài luận. Trong khi trên thực tế có tới tám kiểu trí thông minh.

Chỉ nghĩ thế này thôi:

Có thể có một kiểu trí thông minh mà bạn là thiên tài về nó, nhưng không bao giờ được kiểm tra ở trường.

Một ý tưởng dễ chịu cho những ai không xuất sắc ở mọi bài kiểm tra toán hay tiếng Anh.

Thêm vào đó, không chỉ có 5 giác quan, mà còn sáu cái khác:

  1. Cảm nhận thăng bằng: Cảm giác về thăng bằng, hay có thể gọi là GPS nội tại của bạn.
  2. Cảm nhận bản thể: Cảm giác các phần của cơ thể đang ở đâu và đang làm gì.
  3. Cảm nhận đau: Nhận thức cảm giác đau.
  4. Cảm nhận nhiệt: Tiếp nhận cảm giác về nhiệt độ.
  5. Cảm nhận thời gian: Cảm giác về sự trôi qua của thời gian.
  6. Cảm nhận nội tại: Cảm giác về những nhu cầu bên trong cơ thể bạn, như đói, khát, cần đi tắm, v.v.

Hấp dẫn hơn nữa là khi đối chiếu điều này với các loài động vật khác, lại tồn tại rất nhiều giác quan nữa mà chúng ta không có. Dơi và cá heo có thể dùng sóng âm để tìm mồi, cá mập có thể cảm nhận điện trường, chim và rùa biển thậm chí có thể định hướng theo từ trường trái đất.

Biết đâu đấy, điều này cho thấy còn bao nhiêu thứ để biết đến mà chúng ta thậm chí còn không thể nắm bắt được.

Sau đây là một câu trích dẫn đầy triết lý dựa trên ý tưởng này, từ một trong những nhà thông thái yêu thích của tôi, Sadhguru Jaggi Vasudev:

Các bạn đang tìm kiếm cái vô hạn thông qua vật chất. Liệu vật chất có thể trở nên vô hạn được không? Vật chất là hữu hạn, luôn nằm gọn trong một biên giới hữu hạn, không bao giờ có thể là vô hạn. Giống như việc bạn đi bằng chiếc xe bò mà đích đến lại là mặt trăng, và ai đó nói với bạn rằng hãy mua cho mình cây roi mới đi. Nếu đích đến của bạn là mặt trăng, thì bạn cần một phương tiện thích hợp. Vậy nên nếu dùng vật chất để tìm kiếm cái vô hạn, sẽ chỉ nhận lấy nỗi thất vọng mà thôi.”

Bài học:

Bạn thông minh hơn là bạn nghĩ. Bạn có nhiều giác quan hơn những gì bạn biết. Nhưng cũng tương tự, có những đại dương bao la những điều chưa biết mà bạn không thể nắm bắt.

Hãy luôn không ngừng học hỏi và cởi mở, đừng an phận với kiến thức bạn đang có. Cố gắng gạt bỏ thói cũ và học hỏi cái mới đồng thời. Hãy luôn khiêm tốn.

Giai thoại #10: Niềm tin rằng trí nhớ của bạn là chính xác

Giai thoại cuối cùng này khá sốc.

Sẽ thế nào nếu tôi bảo rằng ký ức của bạn không phải là thật? Và mỗi lần bạn nhớ lại chúng, là một lần chúng bị bóp méo hơn nữa?

Chỉ cần liếc qua rất nhiều kiểu thiên kiến của bộ não - có đến ít nhất là 20!

Có rất nhiều cách khác nhau mà theo đó bộ não của chúng ta có những lỗi hay sai lầm nhỏ được tạo ra bên trong.

Và sau đây chỉ là một trong số đó:

Mỗi lần bạn lục lại ký ức, bạn phóng chiếu cảm giác và tư duy hiện tại của mình lên ký ức đó. Kết quả là bản thân ký ức bị thay đổi.

Choáng váng chứ, phải không?

Nhưng điều này giúp bạn như thế nào?

Vâng, mỗi lần bạn nhìn lại một kinh nghiệm đã qua là bạn đang thay đổi nó. Điều này nghĩa là bạn không thể gợi nhớ hay dự đoán chính xác mọi thứ thật sự như thế nào.

Đã biết vậy rồi, hãy xem những việc tưởng như tầm thường sau đây quan trọng đến thế nào:

  • Lập một bản ghi chép hằng ngày về những gì bạn suy nghĩ, cảm nhận và dự định để xem lại sau này
  • Luôn giữ những ghi chép về sự tiến bộ trong tập luyện của bạn được rõ ràng và cập nhật
  • Theo dõi sát danh sách những việc phải làm, mục tiêu và kế hoạch của bạn để giữ bản thân được tập trung

Bài học:

Bạn không thể nhớ lại mọi thứ chính xác như bạn tưởng. Thế nên hãy luôn chăm chỉ ghi chú lại mọi việc mình làm.

Từ những cảm giác, hi vọng và ước mơ của bạn cho tới chi tiêu hằng ngày, danh sách việc cần làm và nhiều thứ khác nữa. Những ghi chép này sẽ giúp bạn ghi nhớ mọi thứ chính xác hơn!

Bạn có thấy mình đã hiểu thêm rất nhiều về bộ não của mình không? Những giai thoại phổ biến nhất về não trái và não phải nay đã bị đập tan. Giờ đến lượt bạn thực sự phát huy những tiềm năng của bộ não và đừng để bị giới hạn bởi những giai thoại đó!

Nguồn ảnh bìa: Unsplash từ unsplash.com

Tài Liệu Tham Khảo