Để tôi hỏi bạn một câu: Ngày hôm nay bạn đã trải qua cảm xúc gì? Bạn có vui không? Hay bạn buồn? Bạn mệt mỏi hay lo lắng? Việc nhớ lại cảm xúc của bạn trong 24 giờ vừa qua có vẻ khá dễ, nhưng cảm xúc hôm qua thì sao? Hoặc thứ Sáu tuần trước thì như thế nào? Bắt đầu trở nên khó rồi đây. Vậy nếu tôi hỏi bạn về tháng trước thì sao nhỉ?
Cảm xúc ảnh hưởng đến chúng ta từng phút từng giây. Khi bạn thấy lo lắng trong công việc, bạn có khả năng mắc lỗi hơn và bạn thấy khó khăn hơn để nghĩ ra những ý tưởng mới. Khi bạn không biết tại sao mình thất vọng, bạn mất đi động lực và chỉ muốn nằm dài trên giường chẳng làm gì cả. Khi bạn tức giận với ai đó, trong vô thức bạn cũng đối xử với người khác theo cách giận dữ như vậy. Mất kiểm soát cảm xúc cũng có nghĩa là bạn không kiểm soát được những điều này. Bạn sẽ không bao giờ biết được lý do và tại sao chúng lặp lại, do đó sẽ không bao giờ giải quyết triệt để vấn đề để cải thiện hoàn cảnh.
Cảm xúc nên được tiếp cận giống như tiền bạc
Con người coi tiền bạc rất quan trọng đến nỗi có thể tuỳ tiện với cảm xúc của mình và cách cảm xúc ảnh hưởng đến họ. Khi chúng ta có ít tiền hơn mong muốn, ta tự động điều chỉnh chi tiêu và theo dõi xem tiền tiêu đi đâu và ta đang có bao nhiêu – rồi điều chỉnh thói quen chi tiêu cho phù hợp. Nói cách khác, nếu bạn không theo dõi thì không có cách nào điều chỉnh và cải thiện được chúng cả.
Đây là cách cảm xúc nên được tiếp cận. Bằng việc đặt cùng mức độ quan trọng trong cách ta cảm nhận, chấp nhận tại sao ta có cảm xúc như vậy và nguyên nhân gây ra nó là gì, chúng ta có thể xác định và xử lý cảm xúc theo một cách tích cực hơn.
3 thứ để ghi lại hàng ngày
Bất kì ngày nào, hãy ghi lại những thứ dưới đây:
- Cảm xúc chung của bạn trong ngày
- Những sự việc trong ngày
- Sự liên kết giữa cảm xúc của bạn và những gì đã xảy ra
Bạn sẽ thấy rằng cảm xúc của bạn trồi sụt thất thường vào những ngày khác nhau. Điều này rất bình thường. Sau tất cả, chúng ta là con người và đôi khi rất khó để kiểm soát những chuyện xảy ra với bản thân và cách ta phản ứng lại với chúng, cho nên việc hiểu bản thân bạn một chút thôi cũng rất quan trọng.
Chính vì thế, hãy luôn luôn giữ tâm trạng ở mức vui vẻ là điều không thể, vậy nên đừng tạo áp lực cho bản thân là phải liên tục có cảm xúc tích cực.
Một khi bạn bắt đầu theo dõi tâm trạng của mình và những sự việc trong ngày bạn có thể bắt đầu thấy được sự liên kết giữa chúng. Việc hồi tưởng lại cảm xúc có nghĩa là bạn có thể nhìn ra chính xác điều gì làm bạn hạnh phúc, lo lắng, hay buồn rầu. Có thể bạn không biết rằng những ngày mưa từng làm bạn ủ rũ. Có thể bạn không nhận ra rằng chủ động chào hỏi nhà hàng xóm làm bạn tràn đầy năng lượng cho suốt cả ngày, cho tới khi bạn ghi chép hết chúng lại.
Bạn có thể dùng excel hoặc ứng dụng như Mr Mood để giúp bạn nhìn ra sự tương quan rõ hơn. Hãy thử trong vài ngày nhưng viết chung chung thôi – đừng cố đánh giá tâm trạng của bạn theo giờ vì nó thay đổi thất thường theo từng khung thời gian nhỏ. Thay vào đó hãy đánh giá tâm trạng chung của cả ngày dựa trên những sự việc xảy ra.
Theo thời gian, mặc dù sự thất thường vẫn diễn ra, nhưng nhìn chung bạn sẽ thấy tâm trạng được vực dậy vì bạn trau dồi nhiều kinh nghiệm tích cực hơn và hạn chế những tiêu cực một khi bạn xác định được chúng. Trước kia thời tiết xấu làm bạn thấy buồn, giờ đây bạn vẫn thấy có chút buồn nhưng bạn biết cách tìm thấy niềm vui từ điều này bằng cách ngồi nhà làm những việc bạn luôn muốn làm nhưng cứ trì hoãn. Trước kia bạn chỉ vui mừng khi quản lý chú ý đến sự nỗ lực và công nhận bạn. Giờ bạn nhận ra sự công nhận quan trọng với bạn đến thế nào sau khi ghi chép lại tâm trạng hàng ngày. Và bạn quyết định công nhận bản thân bất cứ khi nào bạn nghĩ bạn xứng đáng, kể cả khi không ai để ý đến nỗ lực của bạn.
“Nếu bạn muốn thay đổi những thứ hữu hình, đầu tiên hãy thay đổi những thứ vô hình.”
Bạn sẽ thấy rằng chăm sóc những cảm xúc vô hình của bản thân thật ra có nghĩa là chăm sóc mọi khía cạnh trong cuộc sống của bạn. Đó là một điều kì diệu.