Chúng ta đã từng nghe người ta nói đến việc chịu trách nhiệm về những gì mình nói, đôi khi phải dùng tiền để sửa sai, nhưng còn chi tiêu vào những điều bạn quan tâm thì sao? Chúng ta có thể dùng tiền để đạt được mục đích của mình một cách hiệu quả hơn không?
Câu trả lời là có, nếu biết tập trung vào những điểm quan trọng, chúng ta sẽ có thể dùng tiền làm công cụ thực hiện được mục tiêu. Hãy thiết lập một hệ thống tài chính cân bằng cho bản thân và để đồng tiền phục vụ bạn.
1. Chấp nhận rằng tiền là một loại công cụ, và bạn cần nó
Tiền là một công cụ trao đổi được công nhận trên toàn thế giới. Với nó bạn có thể đổi lấy những thứ bạn cần hoặc muốn, tất cả chỉ có vậy. Dù bạn có giả vờ như thể tiền bạc không có nghĩa lý gì, thì trên thực tế nó có ý nghĩa rất quan trọng. Tiền bạc không thể mua được sức khỏe nhưng có thể mua các thiết bị y tế, không thể mua hạnh phúc nhưng có thể mua quần áo cho con cái hay thức ăn cho vật nuôi của bạn. Tiền cũng không thể mua được tình yêu, nhưng bạn có thể dùng tiền để quyên góp cho quỹ từ thiện nào đó, góp phần tạo ra nhiều tình yêu hơn trên thế giới này. Hãy chấp nhận sự thật rằng bạn cần có tiền, nhưng bạn không cần thiết phải để cho bản thân bị đồng tiền thao túng.
2. Xác định rằng tiền cần được sử dụng
Giữa việc sống ở hiện tại và chuẩn bị cho tương lai có một ranh giới rất mong manh. Để có thể đi trên đường ranh giới này, nhất là khi bạn phải cân nhắc sử dụng túi tiền của mình cho hợp lý, thực sự là rất khó. Nếu bạn rơi vào cảnh nợ nần chỉ vì trót vay quá nhiều tiền cho những sở thích bình thường, bạn sẽ thể hiện bản thân là người thiếu trách nhiệm, thiếu sự chính chắn. Thay vào đó, tiền bạc mà chúng ta làm ra được tích lũy để một ngày nào đó có thể mua nhà, cho những đứa trẻ đi học, du lịch, hoặc theo đuổi một sở thích tốn kém nào đó như nhiếp ảnh hay đi du thuyền. Khi cần đến tiền cho những việc này, và nếu bạn có đủ tiền, hãy chi tiêu với niềm vui và đừng hối hận gì cả - đó chính là mục đích của đồng tiền. Nếu đôi khi bạn phải chi tiêu nhiều cho những sự việc không dự tính trước, ví dụ như phải mua xe ô tô mới khi xe cũ của bạn bị hỏng, một cái lò nướng mới... thì hãy cũng chi tiêu với niềm vui và không hối tiếc. Tôi xin nhắc lại, đó chính là ý nghĩa của đồng tiền.
3. Dùng tiền để mang lại cho bản thân nhiều hạnh phúc hơn
Bạn sẽ hạnh phúc vì điều gì? Một sở thích đặc biệt nào đó, hay là công việc từ thiện, hay những chuyến đi? Dù là gì đi nữa, để đạt được điều đó bạn cũng cần phải có nhiên liệu, dụng cụ, bạn có thể phải xin nghỉ không lương một ngày, hoặc nhờ ai đó trông trẻ giúp bạn. Bạn cảm thấy thoải mái nhất lúc nào? Có phải là khi bạn tới phòng tập gym thường xuyên, khi bạn được mát-xa, hay khi bạn đi mua đồ ở cửa hàng hoa quả sạch? Gần như tất cả những thứ nói trên đều cần bạn phải bỏ ra một ít tiền. Hãy chi tiền vào những điều bạn thích hoặc giúp bạn sống khỏe mạnh hơn, vui vẻ hơn.
4. Nhưng trước hết, hãy tận dụng tiền bạc để tìm kiếm thứ có thể khiến bạn hạnh phúc
Bạn vẫn chưa chắc chắn mục tiêu của mình là gì, hay điều gì có thể khiến bạn hạnh phúc? Hãy bắt đầu tiết kiệm tiền để ghi danh vào một lớp học, tham gia câu lạc bộ hay tổ chức nào đó, tham gia tình nguyện hoặc đi du lịch. Mua một cuốn sổ tay nhỏ (bằng tiền - tất nhiên) và ghi chép lại những thời điểm bạn cảm thấy thoải mái nhất, vui vẻ nhất, được sống thật với bản thân mình nhất. Nếu bạn vẫn chưa cảm thấy những điều đó, hãy tiết kiệm tiền nhiều hơn nữa và thử một thứ gì đó khác. Bạn cũng có thể mời một vị tiền bối nào đó bữa tối và hỏi xin lời khuyên từ họ. Cuối cùng, bạn sẽ tìm ra nơi phù hợp nhất với bạn và những hoạt động đủ sức mê hoặc bạn.
5. Lịch sự từ chối người khác
Mặc dù người khác có thể đóng vai trò nhất định trong hạnh phúc của bạn, họ cũng không thể làm bạn tự cảm thấy hạnh phúc. Tương tự như vậy, dù người khác có thể giúp bạn tìm ra mục tiêu của mình một cách rõ ràng, và chỉ cho bạn cách sử dụng tiền bạc sao cho hiệu quả nhất để đạt mục tiêu, thì bạn vẫn cần nhớ rằng đó là tiền và mục tiêu của bạn, chứ không phải của người khác. Hãy tỏ ra cứng rắn khi cần thiết.
Bạn đang phải đấu tranh để nhận ra được mục đích của bản thân ư? Hãy xem bài viết 5 bước để tìm ra mục đích cuộc đời bạn.
Nguồn ảnh bìa: Nina Matthews Photography từ flickr.com