Freelance (làm việc tự do) có thể là một trong những cách kiếm sống khó khăn nhất trong thị trường việc làm ngày nay. Freelance bỗng nhiên trở thành một nghề khổ sở một cách không cần thiết, khi những freelancer luôn phải đối mặt với những cơn đau đầu về thuế khóa, vòng tròn vĩnh cửu giữa ăn no và đói kém, hoặc đôi khi phải chấp nhận những công việc hoặc là trả tiền quá thấp, hoặc là quá chán. Tuy nhiên, có một số cách bạn có thể thực hiện để trở nên thành công và vẫn có thể làm việc theo một lịch phù hợp với cách sống và nhu cầu tiêu tiền của mình.
1. Biết giá trị của công sức lao động của bản thân
Bước đầu tiên rất quan trọng, và đây là việc mà những freelancer thường bỏ qua, sau đó mất rất nhiều tháng (hoặc năm) chịu ám ảnh bởi nó. Ngồi xuống, và ước lượng thành thật về giá trị của những kỹ năng bạn có, lẫn những điều làm bạn trở nên khác biệt, hoặc những thế mạnh của bạn so với người khác. Sau khi bạn làm xong bước này, hãy nhìn vào mức giá mà người ta đòi được trả cho những dịch vụ tương tự với bạn. Nếu bạn thấy rằng bạn có thể làm tốt hơn họ với mức giá thấp hơn, điều này sẽ trở thành một điểm lợi thế cho bạn bắt đầu đặt ra mức lương cho mình. Khách hàng của bạn luôn muốn trả giá, thế nên nếu mức độ công việc xứng đáng, thì bằng mọi giá, hãy nhận nó. Nếu không, đừng ngại ngùng đòi hỏi thêm. Hãy nhớ rằng bạn đang hướng đến thế "đôi bên cùng có lợi" về mặt tài chính. Và điều này sẽ không xảy ra nếu khách hàng của bạn nắm đằng cán.
2. Xem công việc của bạn như một công việc nghiêm túc
Freelance xem chừng là một cách đơn giản và thú vị để làm ra tiền trong thời gian ngắn. Vấn đề ở đây, nhất là khi bạn đang làm việc trên mạng, bạn sẽ phải xem xét về mặt thời gian để có thể phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Nếu khách hàng của bạn đa phần đang ở trong cùng đất nước với bạn thì đơn giản rồi. Tuy nhiên, nếu bạn đang làm việc với những người ở các châu lục khác, bạn sẽ phải chịu nhượng bộ một chút trong thời gian biểu của mình. Điều có thể làm bạn phải làm thêm việc, vì khách hàng của bạn sẽ rất cảm kích những nỗ lực của bạn trong việc giúp họ cảm thấy thuận lợi khi làm việc với bạn.
3. Sắp xếp thời gian khôn ngoan
Thói trì hoãn thực sự là kẻ thù đối với các freelancer. Nhiều khách hàng đặt những công việc với hạn giao rất gấp. Đừng ngại bảo với khách hàng rằng mình cần thêm thời gian để hoàn thành một dự án nào đó, nếu sự giới hạn về thời gian trở nên quá đáng hoặc bạn vướng phải việc đột xuất nào đó, nhưng hãy nhớ rằng đừng bao giờ lạm dụng đặc quyền này. Đa phần khách hàng sẽ thông cảm, nhưng nếu bạn "bùng" làm việc để đi biển, thì những lời đồn đại sẽ bắt đầu trỗi lên đấy.
4. Rõ ràng với các yêu cầu
Nếu những yêu cầu của khách hàng trở nên bất thường, đừng ngại việc đòi hỏi khách hàng của bạn làm rõ việc này. Ví dụ, một khách hàng đồng ý trả 30 đô-la cho một bài báo 1.500 từ và đặt hàng một bài báo 15.000 từ nhưng lại giữ mức giá như cũ. Việc này có hai trường hợp: hoặc khách hàng đang không để ý lắm, hoặc khách hàng đang tìm cách đòi hỏi bạn làm hết sức cho một cái giá rẻ bèo. Nếu có thể, hãy làm một hợp đồng với khách hàng và đề ra thật rõ mức giá của bạn cho độ dài từng bài viết. Hãy nhớ tính thêm một khoản phí cho những cuộc nghiên cứu, thời gian hay nỗ lực bạn bỏ ra cho phần của mình.
5. Đừng quên thuế!
Luật và yêu cầu về thuế thường rất khác nhau giữa các khu vực, tuy nhiên có một điểm giống nhau duy nhất: bạn sẽ phải trả thuế thôi. Hãy đảm bảo rằng bạn luôn bỏ ra một khoản tiền hợp lý từ thu nhập hàng tháng, hàng quý hay hàng năm. Thường thì sẽ tốt hơn nếu bạn trả thuế hàng tháng và trả nhiều hơn phần quy định, ít nhất là dưới mức hạn định của Mỹ, để tránh việc phải trả một khoản dôi ra lớn hơn vào cuối năm. Những người làm theo hợp đồng độc lập thường phải trả 30% tiền thuế, do đó, lý tưởng nhất là bỏ ra 40%-50% thu nhập mỗi kỳ trả thuế để trả những khoản bù và đảm bảo phần hoàn lại vào cuối năm.
6. Tiếp thị bản thân nào!
Hãy xem việc tiếp khách hàng mới như là việc đi phỏng vấn: nhấn mạnh vào những tài năng bạn có và khẳng định rằng bạn là người phù hợp nhất cho công việc mà khách hàng cần giao. Bạn đang cố gắng tiếp thị bản thân cho khách hàng rằng bạn là giải pháp cho những vấn đề của họ. Cùng lúc đó, bạn cũng phải đảm bảo rằng những người bạn đang làm việc cho cũng phù hợp với bạn nữa. Điều này sẽ giúp tránh bớt việc bất đồng quan điểm và tạo thêm sự hòa hợp giữa bạn và sếp. Hãy tự tin và rõ ràng về những gì bạn có thể làm, cũng như những gì khách hàng có thể giúp bạn. Bằng cách đặt ra những chuẩn mực rõ ràng như thế, bạn sẽ tránh được rất nhiều rắc rối.
7. Network, network, network! (mạng lưới làm việc)
Làm một freelancer sẽ rất cực nhọc. Hãy nhớ điều này trong đầu, network rất quan trọng đối với sự thành công của bạn. Những trang như LinkedIn và Google+ thì rất thích hợp để tạo những mối quan hệ. Bên cạnh đấy, đừng ngại nhờ người khác giới thiệu hay thanh lý hợp đồng sau khi làm xong việc. Nghe thì có vẻ kỳ quặc, nhưng thực sự thì chẳng có gì sai với việc “vô tình nghe được” một ai đó trong một nhà hàng, quán bar hay trên đường phố nói rằng họ cần hoàn thành một công việc mà bạn có thể làm, sau đó bạn tự nhảy ngay vào để giới thiệu về dịch vụ bạn có thể cung cấp! Điều tệ nhất mà họ có thể làm là từ chối, và bạn đã có một cơ hội chứng tỏ bản thân rồi!
8. Luôn luôn giữ lại mọi thứ
Luôn luôn giữ bản copy về những công việc bạn đã làm cho khách hàng, những hóa đơn bạn đã xuất, những khoản đã trả, những hợp đồng, biên lai, và những trao đổi giữa bạn và khách hàng. Những thứ này không chỉ hữu ích để xây dựng một profile về năng lực của bạn, mà nó còn có thể giúp việc thuế má và những quy trình sổ sách khác đơn giản và hiệu quả hơn. Có một hệ thống sắp xếp tốt, dễ kiểm tra và theo dõi là một nhu cầu rất cần thiết để có thể ghi chép dữ liệu của bạn. Chúng cũng rất tốt trong việc quản lý các công việc nữa! Hãy giữ những lưu trữ này trong ít nhất là 3 năm sau khi hợp đồng đã được thanh lý, để bạn có thể tham khảo lại sau này nếu cần. LUÔN LUÔN giữ bản copy cứng, bởi vì chỉ cần một con virus nhỏ bé thôi là cả hệ thống tuyệt vời của bạn sẽ đi đời. Ít nhất, bạn cũng phải giữ những dữ liệu của mình trên đĩa cứng, trong một tủ hồ sơ, trên một USB hay những ổ cứng khác. Và tuyệt nhất là bạn tự email cho chính mình bản copy của tất cả mọi thứ hàng tháng. Điều này sẽ đảm bảo rằng bạn sẽ giữ tất cả những thông tin cần thiết tại nhiều nơi trong một lúc, thế nên một cơn càn quét kinh hoàng cũng không thể làm bạn mất hết tất cả các dữ liệu được.
Bằng việc làm theo 8 bước đơn giản này, bạn có thể tối đa hóa giá trị công việc freelance của mình trong một thời gian ngắn!